Bản án 53/2019/HS-ST ngày 16/07/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUẦN GIÁO - TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 53/2019/HS-ST NGÀY 16/07/2019 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 16 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 66/2019/TLST-HS ngày 02 tháng 7 năm 2019; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 55/2019/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: Giàng A G; tên gọi khác: Không; sinh năm 1965 tại huyện T, tỉnh Điện Biên; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; dân tộc: Mông; quốc tịch: Việt nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: Lớp 4/10; nghề nghiệp: Nông nghiệp; con ông: Giàng A C, đã chết và con bà: Vàng Thị M, đã chết; bị cáo có vợ là: Sùng Thị S, sinh năm 1966 và có 04 người con lớn nhất sinh năm 1985, con nhỏ nhất sinh năm 1996; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại: Anh Sùng A S; sinh ngày: 15/7/1969; trú tại: Bản P, xã P, huyện T, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

- Những người có nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Giàng A N; sinh năm: 1989; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Có mặt.

+ Chị Sùng Thị S; sinh năm: 1966; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Vắng mặt.

+ Anh Mùa A C; sinh năm: 1995; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Có mặt.

+ Anh Mùa A S (Mùa A S); sinh năm: 1993; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Có mặt.

- Những người làm chứng:

+ Anh Lầu A V; tên khác: Lầu Giống V; sinh năm: 1972; trú tại: Bản Đ, xã P, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Có mặt.

+ Anh Lầu A D; sinh năm: 1980; trú tại: Bản Đề C, xã P, huyện T, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Nông nghiệp. Có mặt.

+ Anh Giàng A N; sinh năm: 1995; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

+ Anh Thào A T; sinh năm: 1992; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt. 

+ Chị Giàng Thị D; sinh năm: 1992; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

+ Anh Giàng A T; sinh năm: 1999; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

+ Anh Mùa A C; sinh năm: 1992; trú tại: Bản K, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 17 giờ ngày 06/4/2019, sau khi ăn cưới tại nhà ông Giàng A P người cùng bản với G xong, thì bị cáo Giàng A có nói với con trai là Giàng A N (Tức L) và các cháu Giàng A N, Mùa A S, Mùa A C biết việc sang nhà Thào A T để hỏi chuyện anh Sùng A S lý do vì sao ngày 04/4/2019 lại đánh bị cáo G; do khi Giàng A G đi đám ma tại bản P, xã P. Sau đó bị cáo Giàng A G cùng vợ là Sùng Thị S đi bộ trước đến nhà Thào A T; sinh năm 1992 ở cùng bản, để hỏi chuyện anh Sùng A S (S đang làm mộc thuê cho nhà anh T). Thì lúc này con trai của bị cáo Giáo là Giàng A N (L) cũng vừa đến. Thấy anh S đang làm máy cưa, N đến vỗ vai ông S, ông S quay lại thì thấy mấy người nhà của bị cáo Giàng A G đứng đằng sau. Thấy có người đi tắt máy cưa, bị cáo Giàng A G hỏi S: “Tại sao hôm trước (Tức ngày 04/4/2019) lại đánh tôi ở đám ma”; anh S trả lời: “Chắc say rượu, không được đánh em đâu”; bị cáo G nghe vậy liền cầm thanh gỗ nẹp cửa dọa anh S, nhưng Giàng A N đã can ngăn không cho đánh và lấy nẹp gỗ bỏ xuống đất. Sùng Thị S đứng cạnh đó nói xen vào: “Cậu có đánh rồi, cả đánh cả đá nữa”; anh S nói: “Cậu say quá, có khi được đánh thật”. Ngay lúc này có Mùa A S ở đâu nhảy vào tát vào mặt anh S một cái, Mùa A C cũng nhảy vào túm cổ áo anh S và nói: “Sao hôm trước lại đánh bác G”. Lúc này mọi người can ngăn nhưng Mùa A C tiếp tục nhảy vào tát một cái vào mặt anh S, mọi người can ngăn và đưa anh S về lán nghỉ. Do bực tức vì hôm trước bị Sùng A S đánh, nên bị cáo G nảy sinh ý định bắt anh S phải bồi thường tiền. Bị cáo đi vào lán và tại lán nghỉ, bị cáo Giàng A G yêu cầu anh S phải đưa cho bị cáo G 3.000.000đ (Ba triệu đồng) vì hôm trước đánh bị cáo Giàng A G ba phát, mỗi phát là 1.000.000đ (Một triệu đồng). Khi nghe yêu cầu anh S bảo không có tiền, bị cáo Giàng A G liền nhặt một cái dùi đục ở dưới đất lên dọa, nhưng anh Giàng A N can ngăn và cầm dùi đục bỏ xuống đất và đi ra ngoài. Sau đó anh S bảo: “Có năm trăm nghìn đồng thôi”; nghe vậy bị cáo Giàng A G nói: “Mày phải đưa cho tao một triệu đồng nếu không sẽ đánh tiếp”. Do anh S sợ quá, nói với anh Lầu Dũng V là người làm cùng đi vay tiền của anh Thào A T chủ nhà, khi vay được 1.000.000đ (Một triệu đồng) của anh T, anh S đã đưa cho bị cáo Giàng A G, bị cáo G nhận tiền và nói sự việc này coi như đã giải quyết xong và đi về. Còn anh Sùng A S, do lúc đó đã muộn nên không đi viện điều trị vết thương được luôn, nên đến ngày 07/4/2019 mới đến Trung tâm y tế huyện Tuần Giáo để điều trị. Đến ngày 07/4/2019 đã có đơn trình báo đến cơ quan chức năng, khi nhận được tin báo cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra xác minh, thu giữ vật chứng và tiến hành điều tra làm rõ đối với hành vi của bị cáo Giàng A G.

Cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo đã ra Quyết định trưng cầu số 81 ngày 16/4/2019 để trưng cầu giám định sức khỏe của bị hại Sùng A S, tuy nhiên khi giao Quyết định trưng cầm giám định cho Sùng A S, thì anh Sình đã từ chối giám định.

Tại Cáo trạng số: 64/CT-VKSTG ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã truy tố bị cáo Giàng A G về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Tại phiên tòa Vị kiểm sát viên Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm s, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS; xử phạt bị cáo Giàng A G từ 12 tháng đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời gian thử thách từ 24 tháng đến 36 tháng, giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T và gia đình bị cáo quản lý trong thời gian thử thách. Áp dụng khoản 5 Điều 170 Bộ luật hình sự không phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo. Phần bồi thường thiệt hại do bị hại không yêu cầu, nên không đề nghị Hội đồng xét xử xem xét. Đối với 01 dùi đục bằng gỗ, chiều dài 50cm, một đầu vuông kích thước 5× 5cm, một đầu tròn đường kính 3cm là phương tiện dùng vào việc phạm tội vì vậy cần tịch thu tiêu hủy. Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án đề nghị miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Tại đơn đề nghị ngày 10/7/2019 và tại phiên tòa bị hại không đề nghị bồi thường thiệt hại và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa, bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo nhận phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo. Bị cáo đề nghị HĐXX xem xét miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét về hành vi của bị cáo; thì tại phiên tòa bị cáo Giàng A G đã thừa nhận: Vào ngày 06/4/2019, do trước đó bị cáo đã bị anh S đánh mà không biết tại sao bị đánh nên bị cáo đã đi đến nơi anh S đang làm để hỏi rõ nguyên nhân tại sao đánh bị cáo. Khi đến đó giữa hai bên đã xảy ra xô sát, sau khi được can ngăn thì anh S được đưa vào lán nghỉ, còn mọi người đi về. Do vẫn còn tức vì cho rằng mình bị đánh nên bị cáo Giàng A G đã vào và yêu cầu anh S đưa cho bị cáo 3.000.000đ nhưng anh Snói không có và chỉ đưa 500.000đ, nhưng bị cáo không đồng ý và yêu cầu anh S đưa 1.000.000đ nếu không đưa sẽ đánh tiếp. Vì quá sợ nên anh Sùng A S đã vay tiền và đưa cho bị cáo 1.000.000đ. Sau khi nhận tiền xong bị cáo đi về, còn anh S đi nghỉ và đến sáng ngày hôm sau mới đi chữa trị do trước đó có bị Mùa A S và Mùa A C đánh. Xét lời nhận tội của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phù hợp nội dung Kết luận điều tra và Cáo trạng, Luận tội. Do đó, có đủ cơ sở kết luận hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với anh Sùng A S nhằm chiếm đoạt tài sản của bị cáo đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự; tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Bởi vậy có thể khẳng định, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo truy tố và Kiểm sát viên luận tội là có căn cứ; đúng người; đúng tội; đúng pháp luật.

[2] Xét tính chất vụ án thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của anh Sùng A S được pháp luật bảo vệ. Bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác là vi phạm pháp luật chỉ vì nóng giận, không biết kiềm chế nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy, cần phải đưa ra mức án phù hợp mới có tác dụng răn đe phòng ngừa chung.

[3] Xét về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Giàng A G sinh ra và lớn lên tại xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Năm 1986 nhập ngũ tại Pa Tần, Lai Châu, năm 1988 xuất ngũ về địa phương sinh sống. Năm 1982 kết hôn với chị Sùng Thị S và có 04 người con. Năm 1991 tham gia làm Công an viên tại bản K, xã T, năm 2016 nghỉ chế độ. Ngày 06/4/2019 bị cáo đã có hành vi Cưỡng đoạt tài sản, ngày 25/4/2019 bị khởi tố. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 52 BLHS. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại, bị hại anh Sình đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bởi vậy khi lượng hình Hội đồng xét xử cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS đối với bị cáo. Trong vụ án này, Hội đồng xét xử thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến bị cáo có hành vi phạm tội ngày hôm nay là do có một phần lỗi từ anh S, chỉ vì muốn biết nguyên nhân tại sao anh S lại đánh bị cáo vào ngày 04/4/2019 nên đã tìm gặp anh S. Lẽ ra với một người đã có thời gian rèn luyện trong quân ngũ, có thời gian tham gia với công việc là Công an viên bị cáo phải biết kiểm chế để giải quyết sự việc ôn hòa, nhưng chỉ vì nóng nảy, thiếu suy nghĩ nên đã dẫn đến hành vi phạm tội như ngày hôm nay. Trong thời gian từ khi khởi tố vụ án, bản thân bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái nên đã trực tiếp xin lỗi anh S và bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, trước phiên tòa bị cáo cũng thể hiện sự ăn năn hối cải về hành vi của mình; bản thân bị cáo là người có nhân thân tốt, chính vì vậy thời gian vừa qua cũng đã giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình, vì vậy HĐXX thấy không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, qua đây cũng muốn bị cáo nhận thức được sự khoan hồng của Pháp luật đối với bị cáo.

[4] Theo khoản 5 Điều 170 BLHS quy định; bị cáo còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền. Tuy nhiên, xét điều kiện hoàn cảnh của bị cáo khó khăn; nên không có khả năng thi hành; nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[5] Tại phiên tòa, Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuần Giáo đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên mức hình phạt đối với bị cáo Giàng A G từ 12 tháng đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng đến 36 tháng; giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T và gia đình quản lý; Hội đồng xét xử xét thấy là phù hợp với tính chất mức độ hành vi của bị cáo nên cần chấp nhận.

[6] Đối với các đối tượng đã tham gia đánh anh Sùng A S là Mùa A S, Mùa A C, do trong quá trình điều tra anh S đã từ chối giám định, không có yêu cầu xử lý đối với những người này, do vậy hành vi của Mùa A S và Mùa A C đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo xử phạt vi phạm hành chính; việc xử phạt là đúng với quy định của Pháp luật.

[7] Đối với Giàng A Nếnh (Giàng A L), Mùa A S, Mùa A C, Sùng Thị S, qua điều tra xét thấy không liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản, những người này cũng không được ông Giáo bàn bạc hay trao đổi để cùng thực hiện hành vi ép buộc anh Sùng A S để cưỡng đoạt tài sản. Do đó cơ quan điều tra không đề cập xử lý, nên HĐXX không xem xét.

[8] Đối với phần bồi thường thiệt hại, do anh Sùng A S đã nhận lại tài sản và đã nhận đủ số tiền bồi thường thiệt hại, nên không yêu cầu bị cáo phải bồi thường, không yêu cầu xem xét; vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét.

[9] Về vật chứng cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS để xử lý như sau: Đối với 01 dùi đục bằng gỗ, chiều dài 50cm, một đầu vuông kích thước 5× 5cm, một đầu tròn đường kính 3cm là phương tiện dùng đe dọa anh S, do không còn giá trị sử dụng vì vậy cần tịch thu tiêu hủy.

[10] Về án phí: Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án bị cáo đủ điều kiện được miễn án phí hình sự sơ thẩm.

[11] Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa hôm nay, không ai có ý kiến khiếu nại gì đối với các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện là đúng theo quy định của Pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 170, điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65; điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS; khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 106; khoản 2 Điều 136; khoản 1 Điều 331; Điều 332; Điều 333 BLTTHS; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Tội danh: Tuyên bố bị cáo Giàng A G phạm tội: Cưỡng đoạt tài sản.

2. Hình phạt: Xử phạt bị cáo Giàng A G 15 tháng tù, cho hưởng án treo; thời gian thử thách là 30 tháng, kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo Giàng A G cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên và gia đình bị cáo giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

3. Về vật chứng: Tịch thu 01 dùi đục bằng gỗ, chiều dài 50cm, một đầu vuông kích thước 5× 5cm, một đầu tròn đường kính 3cm là phương tiện dùng đe dọa anh Sình để tiêu hủy. Đặc điểm vật chứng nói trên được ghi theo Phiếu nhập kho vật chứng số PNKVC84 ngày 10/7/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo.

4. Án phí: Bị cáo Giàng A G được miễn án phí hình sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo Giàng A G, anh Sùng A S được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (Ngày 16/7/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

320
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 53/2019/HS-ST ngày 16/07/2019 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:53/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về