Bản án 55/2017/DS-PT ngày 29/08/2017 về tranh chấp đòi tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 55/2017/DS-PT NGÀY 29/08/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN

Trong ngày 29/8/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 42/2017/TLPT-DS ngày 13/7/17 về: “ Tranh chấp đòi tài sản”.

Do bản án Dân sự sơ thẩm số 16/2017/DSST ngày 24/4/2017 của Toà án nhân dân huyện H bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 54/2017/QĐ-PT ngày 31/7/2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số 65/2017/QĐ-PT ngày 11/8/2017 giữa các đương sự:

 -Nguyên đơn: Chị Đào Thị T, sinh năm 1981, (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1982- chồng chị T, (có mặt).

Đều ở địa chỉ: Thôn N, xã S, huyện H, tỉnh Bắc Giang

2/ Bị đơn: Ông Dương Văn H, sinh năm 1962, (có mặt);

Bà Đậu Mai H, sinh năm 1970- Vợ ông H, (vắng mặt).Đều ở địa chỉ: Thôn T, xã S, huyện H, tỉnh Bắc Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1982- chồng chị T và cùng địa chỉ với chị T, (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là chị Đào Thị T trình bày: Ngày 12/5/2012, vợ chồng ông Dương Văn H, bà Đậu Mai H có vay của vợ chồng chị 210.000.000đ. Mục đích vay tiền là để cho vợ chồng con gái của ông H kinh doanh. Hai bên đã lập Giấy vay tiền, cả ông H và bà H đều ký với tư cách là người vay tiền. Để đảm bảo cho khoản vay trên, vợ chồng ông H đưa cho vợ chồng chị 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số X 006811 ngày 10/4/2006 mang tên ông Dương Văn H. Vợ chồng ông H đã trả cho vợ chồng chị được 02 lần cụ thể là: Ngày 05/6/2014, trả 100.000.000đ; Ngày 26/6/2014, trả 70.000.000đ. Ngày 26/6/2014, hai bên đã chốt nợ với nhau và thống nhất vợ chồng ông H còn nợ vợ chồng chị 40.000.000đ tiền gốc và 18.000.000đ tiền lãi. Vợ chồng ông H đã ký nhận nợ với vợ chồng chị số tiền trên và hẹn đến ngày 01/10/2014 sẽ trả tiền cho vợ chồng chị.

Cùng ngày 26/6/2014, sau khi vợ chồng ông H ký nhận nợ với vợ chồng chị số tiền 58 triệu thì ông H đã yêu cầu chồng chị là anh Nguyễn Văn C viết cho ông H 01 Giấy biên nhận khác có nội dung ông H chỉ là người tiền trả hộ, còn người vay tiền là anh Nguyễn Văn M (con rể ông H), mục đích là để ông H thanh toán ông bà thông gia (bố mẹ đẻ của anh M).

Do nể nang ông H nên chồng chị đã viết 01 giấy biên nhận có nội dung anh M con rể chú H - Thôn T có vay của chị T số tiền 210.000.000đ, ngày 26/6/2014 vợ chồng chú H đã trả hộ được 170.000.000đ. Giấy biên nhận này thì ông H đã ký bên “Người trả hộ”; chị đã ký bên “Người nhận tiền”. Ngay sau đó thì chị đã trả lại 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Dương Văn H cho vợ chồng ông H.

Hết thời hạn trả nợ theo thỏa thuận nhưng vợ chồng ông H vẫn không trả tiền cho vợ chồng chị. Nay, chị khởi kiện đề nghị vợ chồng ông H phải trả cho vợ chồng chị 58.000.000đ và tiền lãi của số tiền đó từ ngày 2 bên chốt nợ là ngày26/6/2014 đến nay theo lãi suất của Ngân hàng.

Tại phiên toà sơ thẩm, chị T chỉ yêu cầu vợ chồng ông H, bà H phải trả cho vợ chồng chị T 58.000.000đ mà không yêu cầu trả tiền lãi.

Đồng bị đơn là ông Dương Văn H và bà Đậu Mai H trình bầy: Ông bà không vay tiền của vợ chồng chị T. Vợ chồng ông bà chỉ cho anh Nguyễn Văn M là con rể mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để anh M thế chấp vay 210 triệu đồng của vợ chồng chị T, anh C. Do anh M làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho vợ chồng chị T nên ông bà đã trả cho vợ chồng chị T hộ anh M số tiền là 170.000.000đ để vợ chồng chị T trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông bà.

Khi ông bà đã trả cho vợ chồng chị T hộ anh M thì chị T đã đã viết Giấy biên nhận có nội dung thể hiện anh M là người vay tiền, còn ông bà chỉ là người trả hộ. Nay, chị T khởi kiện đòi tiền vợ chồng ông bà thì ông bà không đồng ý vì trách nhiệm trả nợ cho chị T là thuộc về anh M.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Văn C- chồng chị T đồng ý với lời trình bầy của chị T và không trình bầy gì thêm. 

Do có nội dung trên, bản án Dân sự sơ thẩm số 16/2017/DSSTngày 24/4/2017 của Toà án nhân dân huyện H đã áp dụng các Điều 26, 147, 227, 271,273, 244 - Bộ luật tố tụng dân sự (2015); Các Điều 256, 471, 473, 280, 298 – Bộ luật dân sự (2005) và Điều 27 – Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án xử: Chấp nhận yêu cầu của chị Đào Thị T, buộc ông Dương Văn H và bà Đậu Mai H phải liên đới trả cho vợ chồng chị Đào Thị T, anh Nguyễn Văn C số tiền 58.000.000đ.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, lãi suất chậm thi hành án, quyền thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử, ông Dương Văn H nộp đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm đã xử về việc vợ chồng ông phải trả tiền cho vợ chồng chị T.

Tại phiên tòa phúc thẩm Nguyên đơn là chị Đào Thị T do anh Nguyễn Văn C là người đại diện theo ủy quyền vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn là ông Dương Văn H vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

*Ông Dương Văn H trình bày: Ông không đồng ý với bản án sơ thẩm với lý do: Vợ chồng ông chỉ cho anh Nguyễn Văn M là con rể mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để anh M thế chấp vay 210 triệu đồng của vợ chồng chị T, anh C. Giấy biên nhận ngày 12/5/2012 thì vợ chồng ông đã ký sau khi anh M mang về nhà và yêu cầu vợ chồng ông ký. Vợ chồng chị T đã cho anh M vay tiền với lãi suất cao cụ thể là 2000đ/1 triệu/1 ngày. Anh M đã trả được bao nhiêu tiền lãi cho vợ chồng chị T thì ông cũng không biết, ông chỉ biết là anh M đã trả hết lãi cho vợ chồng chị T trong năm đầu tiên là 9 triệu/1 tháng, đến năm thứ 2 là 6 triệu/ 1 tháng. Anh M cũng đã trả lãi cho chị T đến hết tháng 2/2014. Sau đó anh C đã tính tổng số tiền lãi mà anh M còn nợ trong 03 tháng (từ tháng 3 đến ngày 26/6/2014) là 18 triệu. Do ông muốn lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về nên vợ chồng ông đã phải trả cho vợ chồng anh C hộ anh M tổng số tiền là 170 triệu đồng. Ngày 26/6/2014, sau khi vợ chồng ông trả tiền cho vợ chồng anh C thì anh C đã viết 1 Giấy biên nhận có nội dung: Anh M còn nợ vợ chồng chị T 40 triệu tiền gốc và 18 triệu tiền lãi và vợ chồng chú Hưng là người trả tiền hộ anh M. Ngay sau đó anh C đã ép vợ chồng ông phải ký nhận nợ với vợ chồng anh C tổng số tiền gốc và tiền lãi là 58 triệu đồng thì anh C mới trả ông Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc anh C đã ép vợ chồng ông viết Giấy biên nhận thì không có người làm chứng và ông cũng không có chứng cứ để xuất trình cho Tòa án. Như vậy, việc trả nợ cho chị T là thuộc về trách nhiệm của anh M chứ không phải trách nhiệm của vợ chồng ông. Hơn nữa, thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết, lẽ ra khi chị T khởi kiện thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án; tại phiên tòa sơ thẩm chị T là Nguyên đơn rút yêu cầu về việc tính lãi là thay đổi yêu cầu khởi kiện nhưng bản án sơ thẩm cũng không nhận định về nội dung này cũng như không đánh giá việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của chị T có đúng quy định của pháp luật hay không? Bản án sơ thẩm vẫn xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp về Hợp đồng vay tài sản” là không đúng quy định của pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

* Anh Nguyễn Văn C là người đại diện theo ủy quyền của chị Đào Thị T trình bầy: Vợ chồng anh không đồng ý với kháng cáo của ông H vì vợ chồng ông H là người vay tiền của vợ chồng anh và vợ chồng ông H đã trực tiếp ký vào 02 Giấy biên nhận vay tiền cụ thể là Giấy biên nhận ngày 12/5/2012 và Giấy biên nhận ngày 26/6/2014 nên trách nhiệm trả nợ thuộc về ông H chứ không phải anh M. Khi vay hai bên có thỏa thuận lãi với mức lãi suất theo quy định của pháp luật nhưng không ghi trong Giấy biên nhận, ông H đã trả được bao nhiêu tiền lãi cho vợ chồng anh thì anh cũng không nhớ. Ông H đã trình bầy là anh đã ép ông H ký nhận nợ số tiền 58 triệu là không đúng. Do ông H yêu cầu anh viết thêm Giấy biên nhận có nội dung vợ chồng ông H là người trả hộ tiền cho anh M để đòi tiền bên thông gia của ông H nên anh đã viết thêm 01 Giấy biên nhận có nội dung như ông H đã trình bầy.

+ Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu:

- Về tố tụng: Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chấp hành đầy đủ các trình tự, thủ tục của BLTTDS. Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vấn vắng mặt là không chấp hành tốt quy định của BLTTDS.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Dương Văn H, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xừ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: Chị Đào Thị T trình bầy: Ngày 12/5/2012, vợ chồng ông Dương Văn H, bà Đậu Mai H có vay của vợ chồng chị 210.000.000đ. Chị T đã xuất trình Giấy biên nhận có nội dung sau:

“Hôm nay ngày 12/5/2012( dương lịch). Tôi là Dương Văn H cùng vợ Đậu Thị Hậu trú tại thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có vay của chị Đào Thị T thôn N, xã S số tiền 210.000.000đồng (Hai trăm mười triệu đồng chẵn).……Hết thời gian vay như trên tôi có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã vay của chị T…”. Biên nhận có chữ ký của bà H và ông H thể hiện bên dưới “Bên vay”, (BL 23).

Vợ chồng ông H đã trả cho vợ chồng chị T được 02 lần cụ thể là:Ngày 05/6/2014, trả 100.000.000đ; Ngày 26/6/2014, trả 70.000.000đ.

Cùng ngày 26/6/2014, chị T và vợ chồng ông H đã chốt nợ với nhau: Ông H đã thừa nhận còn nợ vợ chồng chị T là 40.000.000đ tiền gốc và 18.000.000đ tiền lãi. Giấy chốt nợ có nội dung như sau:

“Hôm nay ngày 26/6/2014, vợ chồng chú Hưng đã trả được số tiền là 70.000.000đ. Số tiền còn lại tính từ ngày hôm nay vợ chồng chú Hưng-Ngọc Tân còn nợ chị T số tiền là 58.000.000đ. Hẹn đến trước ngày 01/10/2014 dương lịch vợ chồng chú Hưng phải trả đủ cho chị T”; Giấy chốt nợ này có chữ ký của bà H và ông H (BL 55).

Do ông H, bà Đậu không trả tiền cho chị T nên lúc ban đầu chị T đã khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông H và bà H phải trả cho chị T tổng số tiền mà vợ chồng ông H còn nợ vợ chồng chị T là 58.000.000đ. Ngoài ra chị T còn yêu cầu vợ chồng ông H phải trả cho chị tiền lãi theo mức lãi suất của Ngân hàng từ ngày 26/6/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, chị T chỉ yêu cầu vợ chồng ông H phải trả cho chị T số tiền 58.000.000đ mà không yêu cầu tiền lãi.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T buộc vợ chồng ông H, bà H phải trả 58 triệu đồng cho vợ chồng chị T.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông H kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm với các lý do:

-Vợ chồng ông chỉ cho anh Nguyễn Văn M là con rể mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để anh M thế chấp vay 210 triệu đồng của vợ chồng chị T, còn vợ chồng ông H chỉ là người trả tiền hộ, việc vợ chồng ông H đã ký nhận nợ với chị T số tiền 58 triệu là do bị anh C ép buộc.

-Thời hiệu khởi kiện đã hết nên chị T không có quyền khởi kiện; Tại phiên tòa sơ thẩm, chị T rút yêu cầu đòi tiền lãi là thay đổi nội dung khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của chị T là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là kiện về Hợp đồng vay tài sản là không đúng.

-Vợ chồng chị T đã cho anh M vay tiền với lãi suất cao là 2000đ/1 triệu/1 ngày là vượt quá quy định của pháp luật.Ông H còn xuất trình Giấy biên nhận là bản phô tô mà anh C chồng chị T đã xác nhận cho ông H có nội dung là:

“Hiện nay anh M con rể chú H - Thôn T có vay của chị T, xã S số tiền 210.000.000đ, đến ngày hôm nay 26/6/2104) vợ chồng chú H đã trả được 170.000.000đ cho chị T. Số tiền còn lại là 58.000.000đ bao gồm:

+ 40.000.000đ tiền gốc;

+ 18.000.000đ tiền lãi phát sinh”.

Ông H đã ký bên “Người trả hộ”; chị T ký bên “Người nhận tiền”, (BL 15).

[ 1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông H về việc không đồng ý trả nợ cho chị T với lý do anh M (con rể của vợ chồng ông H) là người vay tiền của chị T còn vợ chồng ông H chỉ là người trả tiền hộ, việc vợ chồng ông H đã ký nhận nợ với chị T số tiền 58 triệu là do bị anh C ép buộc, Hội đồng xét xử xét thấy:

Phía chị T và anh C đã trình bầy: Ngày 26/6/2014, sau khi vợ chồng ông H trả cho vợ chồng anh chị được tổng số tiền là 170.000.000đ thì vợ chông ông H đã ký nhận nợ với vợ chồng anh chị số tiền 58 triệu bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi. Ông H còn yêu cầu vợ chồng anh chị viết cho ông H 01 Giấy biên nhận khác có nội dung vợ chồng ông H chỉ là người tiền trả hộ, còn người vay tiền là anh Nguyễn Văn M (con rể ông H), mục đích là để ông H thanh toán ông bà thông gia ( bố mẹ đẻ của anh M). Do nể nang nên chị T đã ký nhận vào Giấy biên nhận vào bên “người nhận tiền” chứ thực chất là vợ chồng chị không giao dịch gì với anh M.

Lời trình bầy của chị T là có cơ sở chấp nhận bởi sau khi được Tòa án cho xem lại Giấy biên nhận ngày 12/5/2012 có nội dung vợ chồng ông H vay của chị T số tiền 210 triệu đồng thì ông H đã cho rằng vợ chồng ông đã ký vào Giấy nhận nợ sau khi anh M mang giấy về và yêu cầu vợ chồng ông ký chứ vợ chồng ông không vay tiền của chị T; Giấy chốt nợ ghi ngày 26/6/2014 có nội dung vợ chồng ông H còn nợ chị T 58 triệu đồng thì ông H cũng đã thừa nhận chữ ký của mình.

Như vậy, ông H đã thừa nhận chữ ký của mình trong cả 02 Giấy biên nhận nợ đó là Giấy biên nhận ngày 12/5/2012 và Giấy chốt nợ ghi ngày 26/6/2014. Ông H còn cho rằng ông đã bị anh C ép viết Giấy chốt nợ để anh C trả lại ông Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông H cũng không có chứng cứ về việc đã bị anh C ép buộc khi ký Giấy nhận nợ này.

Tại những Giấy nhận nợ trên đều thể hiện vợ chồng ông H là người vay tiền của chị T. Ông H cho rằng người vay tiền của vợ chồng chị T là anh M nhưng ông H không có chứng cứ gì để phủ nhận tính pháp lý của những Giấy nhận nợ trên.

Giấy Biên nhận ghi ngày 26/6/2014 do ông H xuất trình có nêu nội dung: Anh M là người vay tiền của chị T nhưng Giấy biên nhận này cũng chỉ là bản phô tô và chỉ có chữ ký của ông H mà không có chữ ký của anh M và theo như chị T và anh C đã trình bầy là do anh C viết theo yêu cầu của ông H để phục vụ cho mục đích riêng của ông H.

Từ những chứng nêu trên thì không thể khẳng định được anh M là người vay tiền của chị T mà phải xác định vợ chồng ông H là người vay tiền của chị T; giữa chị T “bên cho vay tiền” với vợ chồng ông H “ bên vay tiền” đã xác nhận 1

Hợp đồng vay tài sản có thời hạn trả nợ và có thỏa thuận về lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 478 BLDS năm 2005. Đến thời hạn trả mà vợ chồng ông H không trả tiền cho chị T là vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bên “bên vay tiền” đối với “bên cho vay tiền” được quy định tại khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005.

Lẽ ra, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần đưa anh M vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và hỏi ý kiến của anh M và chị T về nội dung này. Nếu anh M đồng ý trả tiền cho chị T và được chị T đồng ý thì có thể công nhận sự thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ giữa ông H, anh M và chị T tại Tòa án. Nhưng tại Tòa án cấp phúc thẩm, anh C là người đại diện theo ủy quyền của chị T vẫn giữa nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu vợ chồng ông H trả tiền nên Hội đồng xét xử không thể chấp nhận về nội dung kháng cáo của ông H về việc cho rằng anh M mới là người có trách nhiệm trả tiền cho chị T. Tòa sơ thẩm buộc vợ chồng ông H phải trả tiền cho vợ chồng chị T là đúng quy định của pháp luật. Kháng cáo của ông H về việc không đồng ý trả tiền cho chị T là không có căn cứ chấp nhận.

Nếu vợ chồng ông H có căn cứ cho rằng khoản tiền vay của chị T về cho anh M sửdụng mà anh M không trả được tiền cho vợ chồng ông H thì vợ chồng ông H có thể khởi kiện đòi anh M bằng vụ án Dân sự khác nếu ông H có yêu cầu. Bản án sơ thẩm còn có thiếu sót là không nhận định về việc giữa 2 bên đương sự có thỏa thuận tiền lãi hay không?

[2] Phía ông H còn kháng cáo cho rằng do thời hiệu khởi kiện đã hết nên chị T không có quyền khởi kiện; Tại phiên tòa sơ thẩm, chị T rút yêu cầu đòi tiền lãi là thay đổi nội dung khởi kiện, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của chị T là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là kiện về Hợp đồng vay tài sản là không đúng, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo Điều 2 Nghị quyết 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc Hội quy định về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự quy định “ Các tranh chấp về Dân sự…phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì ap dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2011

Việc vay tiền giữa 2 bên đương sự ngày12/5/2012 và ngày 26/6/2014 là giao dịch Dân sự trước ngày 1/01/2017 nên theo hướng dẫn ở trên thì áp dụng các quy định về thời hiệu theo Điều 159 BLTTDS năm 2011.

Theo Điều 159 BLTTDS năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện về Hợp đồng vay tài sản là 2 năm kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.

Trong quá trình giải quyết vụ án, lúc ban đầu chị T khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông H phải trả cho chị 58.000.000đ và tiền lãi của số tiền trên tính từ ngày26/6/2014 đến nay theo lãi suất của Ngân hàng. Tuy nhiên trước khi mở phiên tòa, Tòa án sơ thẩm lại không hỏi các đương sự về việc có yêu cầu áp dụng thời hiệu hay không? Tại phiên tòa sơ thẩm chị T rút 1 phần yêu cầu khởi kiện và không yêu cầu vợ chồng ông H phải trả cho chị tiền lãi. Việc chị T rút 1 phần yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa không phải là thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện và không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu của chị T. Tòa án đã chấp nhận đối với việc rút 1 phần yêu cầu khởi kiện của chị T là đúng quy định tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 03/12/2012 đã quy định: “ Đối với tranh chấp Dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (Hợp đồng vay tài sản) thì giải quyết như sau:

….b) Đối với tranh chấp về quyền sử hữu tài sản ..thông qua giao dịch dân sựthì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Mặc dù vợ chồng ông H chỉ còn nợ vợ chồng chị T 40.000.000đ tiền gốc nhưng 2 bên đã thỏa thuận lại là số tiền lãi 18.000.000đ được nhập vào gốc và ngày 26/6/2014 vợ chồng ông H đã ký nhận nợ với vợ chồng chị T số tiền 58.000.000đ là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu có việc ông H là bị đơn đề nghị áp dụng thời hiệu thì việc chị T rút yêu cầu đòi tiền lãi tại phiên tòa sơ thẩm phải xác định quan hệ pháp luật là “ tranh chấp đòi tài sản” theo quy định tại Điều 256 BLDS năm 2005 và khoản 2 Điều 26 BLTTDS. Trường hợp nếu các đương sự không đề nghị áp dụng thời hiệu thì quan hệ pháp luật tranh chấp vẫn là Hợp đồng vay tài sản theo như bản án sơ thẩm đã xác định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn là ông H đề nghị áp dụng thời hiệu nên Hội đồng xét xử xét thấy cần sửa mối quan hệ pháp luật tranh chấp của bản án là: “Đòi tài sản” theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 03/12/2012.

[3]. Về việc ông H cho rằng vợ chồng chị T đã cho anh M vay tiền với lãi suất cao là 2000đ/1 triệu/1 ngày, Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 quy định về lãi suất thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: “Đối với số tiền 18.000.000đ tiền lãi này, do các bên đã tự nguyện thỏa thuận và ký kết, mặt khác mức lãi đó không vượt quá150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước quy định hiện nay nên cầnđược chấp nhận” nhưng bản án không hỏi các đương sự về việc khi giao kết Hợp đồng vay tiền thì 2 bên có thỏa thuận về tiền lãi không? Nếu có thỏa thuận lãi thì áp dụng mức lãi suất là bao nhiêu %/1 tháng? Số tiền lãi 18 triệu mà 2 bên đã ký nhận nợ thì đã được tính như thế nào?

Theo Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn xét xử và thi hành án về tài sản quy định: Số tiền lãi đã trả cũng phải được giải quyết lại nếu mức lãi suất mà các bên thỏa thuận cao hơn mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 473 Bộ luật Dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005).

Để xác định việc thỏa thuận lãi suất của các bên đương sự có đúng quy định của pháp luật hay không thì Tòa án cấp sơ thẩm cần phải tính lãi cụ thể từng thời điểm đối với của số tiền mà chồng ông H đã vay và đã trả cho vợ chồng chị T. Nếu số tiền lãi đã thỏa thuận mà nhỏ hơn số tiền lãi tính theo quy định của pháp luật thì mới có căn cứ chấp nhận sự thỏa thuận của các bên. Còn nếu số tiền lãi đã thỏa thuận mà cao hơn số tiền lãi tính theo quy định của pháp luật thì không thể chấp nhận sự thỏa thuận này. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về nội dung trên.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông H đã cho rằng vợ chồng anh C đã cho vay nặng lãi nhưng anh C không thừa nhận, ông H cũng không đưa ra được chứng cứ nào khác thể hiện về việc anh C và chị T đã tính lãi theo mức vượt quá quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để xem xét kháng cáo của ông H về nội dung này.

Tòa sơ thẩm đã buộc vợ chồng ông H phải trả tiền cho vợ chồng chị T số tiền 58.000.000đ là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

-Áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS chấp nhận một phần kháng cáo của ông H sửa bản án sơ thẩm đã xử về quan hệ pháp luật tranh chấp.

-Áp dụng các Điều 26, 147, 227, 271, 273, 244 - Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 256, 471, 473, 280, 298 của Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án xử:

Chấp nhận yêu cầu của chị Đào Thị T, buộc ông Dương Văn H và bà ĐậuMai H  phải liên đới trả cho vợ chồng chị Đào Thị Tvà anh Nguyễn Văn C số  tiền58.000.000đ (năm mươi tám triệu đồng).

- Án phí DSST: Ông Dương Văn H và bà Đậu Mai H phải có trách nhiệm liên đới chịu 2.900.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại cho chị Đào Thị T số tiền 1.450.000đ tạm ứng án phí đã nộp theoBiên lai thu tiền số 0004864 ngày 27/10/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyệnH.

-Án phí DSPT: Ông H không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.Hoàn trả ông H 300.000đ tiền tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền số 0001596 ngày 08/5/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện H.Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án,quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

591
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 55/2017/DS-PT ngày 29/08/2017 về tranh chấp đòi tài sản

Số hiệu:55/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về