Bản án 552/2017/HS-PT ngày 13/10/2017 về tội giết người và gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 552/2017/HS-PT NGÀY 13/10/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 13 tháng 10 năm 2017 tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 345/2017/TLPT-HS ngày 12 tháng 7 năm 2017 đối với bị cáo Lâm Ngọc M và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 189/2017/HSST ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

1. Lâm Ngọc M, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1993 tại tỉnh Sóc Trăng; nơi cư trú: Phường B, thành phố C, tỉnh Sóc Trăng; nghề nghiệp: tài xế; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 7/12; dân tộc: Khơme; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lâm D và bà La Thị D; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam ngày 10/01/2016 (có mặt).

2. Lý K; tên gọi khác: K2; sinh năm 1985 tại tỉnh Sóc Trăng; nơi cư trú: thị trấn E, huyện F, tỉnh Sóc Trăng; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 5/12; dân tộc: Khơme; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lý K1 và bà Lý Thị S; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại (có mặt).

3. Lê Thanh T, sinh ngày 21 tháng 4 năm 1991 tại tỉnh Sóc Trăng; nơi cư trú: Phường D, thành phố C, tỉnh Sóc Trăng; nghề nghiệp: công nhân; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn G và bà Trần Thị D; có vợ là Thạch Thị Hồng N, chưa có con; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Lâm Ngọc M: Ông Tạ Thanh P là Luật sư

thuộc Văn phòng Luật sư A – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo: Bà Nguyễn Thị

N, sinh năm 1968; nơi cư trú: Xã G, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Ngoài ra, còn có những người tham gia tố tụng khác không kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị và không liên quan đến kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ ngày 09/01/2016, trong lúc cùng với hai người cháu là Lê Thanh T và Lý K dự tiệc đầy tháng tại nhà anh Sơn Út C (số E14/463 ấp 5, xã I, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh), bị cáo Lâm Ngọc M mời anh Nguyễn Văn L là bạn đồng nghiệp của chủ nhà ngồi bàn kế bên uống bia nhưng anh L không uống. Khoảng 21 giờ cùng ngày, khi đi bộ về sắp tới nhà trọ không số ở gần đó (số tạm E14/459, tổ 14, ấp 5, xã I, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh), bị cáo M thấy anh L đi theo nên vào nhà đóng cửa. Anh L đứng ngoài chửi, ném đá, thách thức đánh nhau nên các bị cáo T và K chạy ra đánh L bằng tay. Anh L bỏ chạy thì các bị cáo T và K đuổi theo. Đến cống C1 (thuộc đê bao Hợp tác xã, tổ 14, ấp 5, xã I, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh), anh L nhảy xuống nước để bơi sang bên kia bờ. Các bị cáo T và K nhảy xuống nước bơi đuổi theo để đánh anh L nhưng đuổi không kịp nên quay lại.

Khi mở cửa cho anh Sơn L1 (người ở chung với bị cáo M) vào nhà, bị cáo M thấy các bị cáo T và K đang đuổi đánh anh L, định chạy ra đánh anh L thì anh Sơn L1 can ngăn. Lúc anh Sơn L1 thay quần áo, bị cáo M chạy sang bên kia bờ kênh đón đầu anh L, nhặt một tấm ván ép (dài khoảng 01 m, đầu khúc ván rộng khoảng 10 cm, đuôi khúc ván rộng khoảng 03 cm, dày khoảng 02 cm), nhảy xuống nước bơi về phía anh L. Khi anh L cách bờ khoảng 07 m đến 08 m, bị cáo M cầm tấm ván đánh vào đầu anh L một cái làm tấm ván gãy đôi. Bị cáo M cầm phần tấm ván còn lại đánh tiếp hai cái vào đầu anh L làm anh L chìm xuống nước rồi nổi lên và sau đó chìm hẳn. M lên bờ về nhà trọ.

Khi biết được sự việc đánh nhau, anh C không gặp anh L nên xuống hồ tìm thì thấy anh L nằm dưới đáy hồ. Khi được đưa lên bờ, anh L đã chết.

Lúc 00 giờ 30 ngày 10/01/2016, các bị cáo M, T và K đầu thú tại Công an xã I, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 51/TT.16 ngày 05/02/2016, Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận anh Nguyễn Văn L chết do ngạt nước, có Ethanol trong máu với nồng độ cao, có tác động của ngoại lực lên cơ thể.

Bà Nguyễn Thị N (mẹ của anh L) yêu cầu các bị cáo Lâm Ngọc M, Lý K và Lê Thanh T bồi thường chi phí mai táng khoảng 40.000.000 đồng và 200.000.000 đồng tiền tổn thất về tinh thần. Gia đình bị cáo M đã bồi thường cho bà N 35.000.000 đồng chi phí mai táng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 189/2017/HSST ngày 01 tháng 6 năm 2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Tuyên bố bị cáo Lâm Ngọc M phạm tội “Giết người”; các bị cáo Lý K và Lê Thanh T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, đ và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Xử phạt Lâm Ngọc M 16 (mười sáu) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 10/01/2016;

Áp dụng khoản 1 Điều 245, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009,

Xử phạt Lý K 1 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án;

Xử phạt Lê Thanh T 1 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07 tháng 6 năm 2017, bị cáo Lâm Ngọc M làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, bị cáo Lê Thanh T làm đơn kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, bị cáo Lý K làm đơn kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Nguyễn Thị N làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Lâm Ngọc M, Lý K và Lê Thanh T vì gia đình các bị cáo đã bồi thường thêm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lâm Ngọc M xin giảm hình phạt và thừa nhận là bị cáo đã dùng tấm ván đánh vào đầu anh L đến khi anh L chìm xuống nước rồi bỏ đi làm anh L bị tử vong do ngạt nước.

Các bị cáo Lý K và Lê Thanh T thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm là đã cùng nhau đuổi đánh anh L đến khi anh L nhảy xuống hồ bơi đi thì hai bị cáo mới thôi. Các bị cáo K và T xin được hưởng án treo vì là lao động chính trong gia đình, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, được bà N xin giảm hình phạt.

Bà Nguyễn Thị N đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo vì gia đình bị cáo đã bồi thường.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm về việc giải quyết kháng cáo của các bị cáo và người đại diện người bị hại như sau: Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Lâm Ngọc M 16 năm tù về tội “Giết người”, các bị cáo Lý K và Lê Thanh T mỗi bị cáo 01 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội các bị cáo gây ra. Nay không có tình tiết gì mới để giảm hình phạt cho các bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và người đại diện người bị hại, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo M trình bày ý kiến như sau: Anh L chết không phải do bị cáo đánh là chính. Anh L có hành vi trái pháp luật làm bị cáo bị kích động mạnh. Bị cáo không bỏ mặc người bị hại mà nghĩ là anh L có khả năng bơi vào bờ. Anh L chết là ngoài ý muốn của bị cáo. Bị cáo phạm tội lần đầu, đã bồi thường cho gia đình người bị hại và được đại diện người bị hại xin giảm hình phạt. Đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo.

Các bị cáo K và T không tự bào chữa.

Trong lúc đối đáp, đại diện Viện kiểm sát phát biểu: Anh L chết là do M gây ra vì anh L đã đuối sức mà bị cáo M vẫn đánh 3 cái làm anh L chết do ngạt nước.

Luật sư tranh luận: Bị cáo nghĩ nạn nhân có khả năng bơi vào bờ nên chứng tỏ bị cáo không truy sát người bị hại và vì hiện trường tối nên bị cáo không thấy người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định và tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Lâm Ngọc M phạm tội “Giết người”, bị cáo Lý K và bị cáo Lê Thanh T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định.

 [2] Hành vi của bị cáo M là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, gây đau thương cho gia đình người bị hại, làm mất trật tự trị an xã hội. Trong khi chưa bị hành vi khiêu khích kích động của anh L trực tiếp tác động, bị cáo M đã thực hiện một chuỗi hành vi từ việc quay ra định đuổi đánh anh L mà được can ngăn, quay ra đón đầu anh L, bơi đến chỗ anh L dùng tấm ván đánh anh L cái đầu tiên và đánh tiếp hai cái sau khi miếng ván đã gẫy, bỏ về khi anh L đã chìm xuống cho thấy bị cáo quyết tâm tước đoạt mạng sống của anh L, thể hiện tính chất côn đồ của bị cáo. Hội đồng xét xử sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp có tính chất côn đồ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Bị cáo M thuộc thành phần lao động nghèo, là người dân tộc thiểu số, lần đầu phạm tội, đã ra đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tác động gia đình bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại, được đại diện người bị hại xin giảm hình phạt nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo là có cơ sở. Mặt khác, như đã phân tích trên, dù người bị hại có lỗi kích động, ném đá, thách thức đánh nhau nhưng bị cáo không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những hành vi đó nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là có lợi cho bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo M 16 năm tù là phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo.

 [4] Bị cáo M và Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo với các lý do bị cáo phạm tội lần đầu khi bị người bị hại kích động mạnh, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình người bị hại là các tình tiết đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có căn cứ nào để giảm hình phạt cho bị cáo nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và ý kiến của Luật sư.

 [5] Chỉ vì nhìn thấy người bị hại ném đá, thách thức đánh nhau với bị cáo M trong khi người bị hại đang say rượu, các bị cáo K và T đã chủ động đuổi anh L từ trên bờ xuống nước, làm mất trật tự nơi công cộng, gây hậu quả nghiêm trọng là chết 01 người. Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

 [6] Các bị cáo K và T thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo là đúng. Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định các bị cáo K và T thuộc thành phần lao động nghèo, phạm tội lần đầu, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, riêng bị cáo K là người dân tộc Khơme, cần áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo nhưng tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm không ghi khoản này là thiếu sót nên Hội đồng xét xử phúc thẩm bổ sung vào Bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt mỗi bị cáo 01 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân các bị cáo. Nếu áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự cũng không thể giảm hình phạt cho các bị cáo K và T.

Bị cáo T phạm tội với các tình tiết giống bị cáo K, không phải người dân tộc thiểu số như bị cáo K nhưng được xử mức hình phạt bằng bị cáo K là đã có lợi. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và lời trình bày của các bị cáo K và T xin hưởng án treo vì các bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là lao động chính trong gia đình, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và thuộc thành phần lao động nghèo.

[7] Đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Nguyễn Thị N đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo M, K và T, nhưng như đã phân tích trên, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên đối với bị cáo M và T đã là có lợi, đối với bị cáo K là phù hợp nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp người bị hại.

 [8] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nêu trên nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

 [9] Kháng cáo của các bị cáo M, K và T không được chấp nhận nên mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 98, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này. Người đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Nguyễn Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 241 và Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003;

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lâm Ngọc M, Lý K, Lê Thanh T và đại diện hợp pháp của người bị hại là bà Nguyễn Thị N, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 189/2017/HSST ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên bố bị cáo Lâm Ngọc M phạm tội “Giết người”, các bị cáo Lý K và Lê Thanh T phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, đ và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Xử phạt Lâm Ngọc M 16 (mười sáu) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 10/01/2016.

Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009);

Xử phạt Lý K 01 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án;

Xử phạt Lê Thanh T 01 (một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án. Các bị cáo Lâm Ngọc M, Lý K và Lê Thanh T mỗi người phải chịu 200.000

(hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

232
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 552/2017/HS-PT ngày 13/10/2017 về tội giết người và gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:552/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về