Bản án 56/2018/HC-PT ngày 28/03/2018 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 56/2018/HC-PT NGÀY 28/03/2018 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Hôm nay, ngày 28 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 66/2017/TLPT - HC ngày 20 tháng 11 năm 2017 về “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Do bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC- ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hoà bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 66/2018/QĐXXPT-HC ngày 26 tháng 02 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Bà Trần Thị T sinh năm 1955; địa chỉ: Phường C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa; có mặt.

2. Người bị kiện: Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Đoàn Văn T – Cán bộChi cục Kiểm Lâm Khánh Hòa, có mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Anh Đặng Văn G sinh năm 1984; địa chỉ: Phường C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

- Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.

- Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T – Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 31 tháng 5 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà (UBND tỉnh Khánh Hoà) ban hành Quyết định số 1551/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Đặng Văn G vì đã thực hiện hành vi vận chuyển lâm sản (2.440 kg gỗ gốc rễ pơ mu có hình thúc phức tạp thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ hợp pháp - quy đổi thành gỗ tròn là 2,440m3) trái pháp luật quy định tại điểm d khoản 5 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP đã được Nghị định số 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều. Bị áp dụng hình thức xử phạt như sau:

- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền: 40.000.000đ.

- Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu 2.440kg gỗ gốc rễ pơ mu có hình thù phức tạp thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ h ợp pháp và chiếc ô tô tải nhãn hiệu ISUZU mang biển số 79C-031.09 sung vào ngân sách Nhà nước.

Không đồng ý với quyết định trên, ngày 02/6/2017 bà Trần Thị T đã có đơn khởi kiện vụ án hành chính.

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 02/6/2017, bản tự khai đề ngày 11/8/2017 và tại phiên toà sơ thẩm, bà Trần Thị T và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà T là luật sư Nguyễn Thị Minh Trang trình bày:

Bà Trần Thị T là chủ sở hữu xe ô tô tải nhãn hiệu ISUZU biển số79C- 031.09, bà cho anh Đặng Văn G thuê chở mía của nhà máy đường C từ tháng 5/2014 cho đến khi bị bắt giữ, mỗi tháng 15.000.000 đồng. Đến nay, anh G mới đưa cho bà 04 đến 05 tháng tiền thuê xe. Việc cho thuê xe ô tô không có họp đồng bằng văn bản. Vụ việc anh Đặng Văn G chở gỗ bà không hề hay biết. Ngày 31 tháng 5 năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định hành chính số 1551/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với anh G. Theo quy định của Bộ luật dân sự thì hình thức Hợp đồng thuê tài sản không buộc phải bằng văn bản có UBND cấp xã chứng thực. Theo quy định tại Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính, điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 81 ngày 19/3/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính thì nguyên tắc tịch thụ phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, bà T không có lỗi trong vi phạm nên việc tịch thu xe của bà là không đúng pháp luật. Nay, bà Trần Thị T yêu cầu Tòa án hủy bỏ một phần Quyết định hành chính số 1551/QĐ-XPVPHC ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về xử phạt vi phạm hành chính đổi với phần hình thức phạt bổ sung: Tịch thu chiếc ô tô tải nhãn hiệu ISUZU mang biển số 79C -031.09 sung vào ngân sách Nhà nước.

* Tại các Văn bản gửi Tòa án, người bị kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày:

Theo biên bản vi phạm hành chính số 46/BB-VPHC do Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh Khánh Hòa lập ngày 09/5/2017; kết quả xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ vụ vi phạm, vào lúc 22 giờ 00 ngày 08/5/2017, theo tin báo, Đội Kiểm tra liên ngành kiểm tra tuyến đường K - Lđến Km 47 thuộc thôn B, xã S, huyện K, tỉnh Khánh Hòa phát hiện xe ô tô tải mang biển số 79C-031.09 do anh Đặng Văn G điều khiển chạy hướng S - L đang vận chuyển 2.440 kg gỗ gốc rễ pơ mu có hình thù phức tạp thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ hợp pháp.

Hành vi vận chuyển 2.440 kg gỗ gốc rễ Pơ mu có hình thù phức tạp thuộc loài nguỵ cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ hợp pháp tương đương với 2,440 m3 gỗ tròn nêu trên của ông Đặng Văn G đã có đủ dấu hiệu của hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngay 11/11/2013 của Chính phủ.

Cùng ngày 09/5/2017, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây viết là Đội Kiểm lâm cơ động) đã tiếp nhận hồ sơ, tang vật và phương tiện vi phạm hành chính do Đội Kiểm tra liên ngành chuyển giao để xử lý theo quy định.

Sau khi tiếp nhận, theo quy định tại Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính, Đội Kiểm lâm cơ động đã mời bà Trần Thị T, ngụ tại Phú Hòa, phường Cam Phụ, thành phố C đến để làm rõ sự liên quan của chủ sở hữu phương tiện đối với hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật của anh Đặng Văn G. Theo đó, chiếc xe ô tô mang biển số 79C-031.09 được anh G sử dụng vào việc vận chuyển 2.440 kg gỗ gốc rễ Pơ mu trái pháp luật thuộc quyền sở hữu của bà Trần Thị T. Chiếc xe này được bà Trần Thị T cho anh Đặng Văn G thuê để sử dụng vào việc vận chuyển mía; giá thuê xe là 15.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, việc cho thuê xe không được hai bên giao kết bằng văn bản có chứng thực của UBND cấp xã hoặc chứng nhận của Công chứng viên mà chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng.

Để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, theo quy định tại Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính, Đội Kiểm lâm cơ động đã thành lập hội đồng định giá. Theo đó, tổng giá trị tang vật và phương tiện vi phạm là 268.764.000 đồng, cụ thể:

- Giá trị của 2.440 kg gỗ gốc rễ Pơ mu thuộc loài nguy Cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ họp pháp là 24.400.000 đồng;

- Giá trị của chiếc ô tô mang biển số 79C-031.09 là 244.364.000 đồng. Mức vi phạm của anh Đặng Văn G tương ứng với khung tiền phạt quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 22 Nghị định số 157/NĐ-CP (từ 30 triệu đến 50 triệu đồng) thuộc thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 4 Điều 26 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, tổng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của vụ vi phạm này (268.764.000 đồng) nên thuộc thẩm quyền tịch thu của Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 3 Điều 27 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP.

Do đó, thực hiện điểm b khoán 4 Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính; khoản 4 Điều 27 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 26/5/2017, Đội Kiểm lâm cơ động đã có công văn số 93/KLCĐ chuyển hồ sơ vụ vi phạm lên Chi cục Kiểm lâm. Sau khi thụ lý, ngày 30/5/2017, Chi cục Kiểm lâm đã có công văn số 456/KL-TTPC chuyển hồ sơ vụ vi phạm lên UBND tỉnh để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền.

- Hình thức và mức xử phạt đã áp dụng để xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật của anh Đặng Văn G:

+ Hình thức xử phạt chính (Phạt tiền): 40.000.000đ.

+ Hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm):

Theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm của anh Đặng Văn G, ngoài việc áp dụng hình thức tịch thu tang vật còn phải áp dụng hình thức tịch thu phương tiện vi phạm (trừ trường hợp quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP). Theo đó:

Đối với tang vật:

Áp dụng quy định tại điểm a khoản 11 Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh tịch thu vào ngân sách Nhà nước 2.440 kg gỗ gốc rễ pơ mu có hình thù phức tạp.

Đối với phương tiện vi phạm:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính, điểm b khoản 11 và khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ -CP quy định thì phương tiện vận chuyển trong trường họp vi phạm của anh Đặng Văn G không thuộc diện được miễn trừ hình thức tịch thu. Vì vậy, áp dụng quy định tại khoản 8 Điều 3 và Điểm b khoản 11, Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước chiếc xe ô tô mang biển số 79C-031.09 được anh Đặng Văn G sử dụng để thực hiện hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, do việc giao kết cho thuê phương tiện chỉ được thỏa thuận bằng lời nói và khối lượng gỗ được vân chuyển trái pháp luật thuộc, loài nguy cấp, quý, hiếm ở mức từ 0.5 m3 trở lên (khối lượng gỗ mà anh Đặng Văn G vận chuyển trái pháp luật sau khi quy đổi thành gỗ tròn là 2,440 m3).

Hiện nay, xe ô tô mang biển số 79C - 031,09 và 2.440 kg gỗ gốc rễ pơ mu tịch thu tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1551/QĐ - XPVPHC đã được cơ quan Kiểm lâm chuyển giao sang Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Khánh Hòa và đã được Trung tâm này tổ chức bán đấu giá thành công. Tổng số tiền thu được từ việc bán đấu giá là 271.700.000 đồng (gốc Pơ mu: 24.700.000 đồng; phương tiện: 247.000.000 đồng). Đối với phần tiền phạt vi phạm hành chính (40.000.000 đồng), dù đã được Đội Kiểm lâm cơ động gửi văn bản thông báo đôn đốc nộp tiền phạt đến lần thứ ba nhưng đến nay anh Đặng Văn G vẫn chưa thi hành.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà không đồng ý yêu cầu khởi kiện, đề nghị Toà án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Đặng Văn G trình bày.

Anh G là con trai của bà Trần Thị T, có thuê của bà T xe ô tô tải nhan hiệu ISUZU mang biển số 70C-031.09 để làm phương tiện chở mía. Trên đường về anh có người thuê vận chuyển cây. Trước khi chở anh có hỏi chủ hàng “hàng có hóa đơn chứng từ không” thì chủ hàng trả lời có. Do tin tưởng chủ hàng nên anh tiến hành chở cây. Quá trình vận chuyển bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm. Ngày 31 tháng 5 năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1551/QĐ- XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm do anh đã thực hiện.

Anh cho rằng, việc Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phạt anh với số tiền 40.000.000 đồng và tịch thu 2.440 kg gỗ gốc rể Pơ mu có hình thù phức tạp thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA không có hồ sơ hợp pháp là đúng quy định của pháp luật. Riêng việc tịch thu chiếc ô tô nhãn hiệu ISUZU mang biển số 79C - 031.09 sung vào ngân sách Nhà nước là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sỡ hữu bà Trần Thị T bởi bà T là chủ sở hữu hợp pháp chiếc xe ô tô tải nói trên, bà T không có bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, bà T không chỉ đạo anh chở gỗ lậu. Do đó, không có cá nhân, cơ quan, tổ chức được phép tước đi tài sản của “chủ sở hữu khi chủ sở hữu không vi phạm pháp luật”. Vì vậy, anh đề nghị Tòa xem xét hủy bỏ một phần Quyết định số 1551/QĐ-XPVPHC ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về xử phạt vi phạm hành chính đối với phần hình thức phạt bổ sung: Tịch thu chiếc ô tô tải nhãn hiệu ISUZU mang biển số 79C-031.09 sung vào ngân sách Nhà nước, nhưng không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với Quyết định hành chính số 1551/QĐ-XPVPHC ngày 31 tháng 5 năm2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 củaTòa án nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã quyết định:

1. Căn cứ khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính; điểm b khoản 1 và khoản 8 Điều 3 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP; điểm a khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính năm 2015.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiên của bà Trần Thị T đối với yêu cầu huỷ một phấn Quyết định số 1551/QĐ-XPVPHC ngày 31/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà về xử phạt vi phạm hành chính đối với phần hình thức phạt bổ sung: Tịch thu chiếc ô tô tải nhãn hiệu ISUZU mang biển số 79C- 031.09 sung vào ngân sách Nhà Nước.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 26/9/2017 người khởi kiện (bà Trần Thị T) kháng cáo cho rằng: Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh không chấp nhận đơn khởi kiện của Bà để hủy một phần Quyết định số 1551/QĐ – XPVPHC ngày31/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đối với việc tịchthu chiếc ô tô tải nhãn hiệu ISUZU của Bà là không đúng quy định của pháp luật, làm thiệt hại đến quyền lợi của Bà.

Tại phiên tòa, người khởi kiện không rút đơn khởi kiện, không rút đơn kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo như trên. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị T vì: Quyết định tịch thu chiếc xe của bà T là có căn cứ được xác định rõ trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh.

Sau khi nghe người kháng cáo trình bày nội dung kháng cáo, ý kiến của các bên liên quan đến nội dung kháng cáo và tranh luận tại phiên tòa. Ý kiến của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải q uyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm. Sau khi thảo luận và nghị án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Xét kháng cáo của bà Trần Thị T cho rằng: Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa không chấp nhận đơn khởi kiện của Bà để hủy một phần Quyết định số 1551/QĐ – XPVPHC ngày 31/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa (sau đây gọi là Quyết định số 1551) đối với việc tịch thu chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu ISUZU của Bà là không đúng quy định của pháp luật,làm thiệt hại đến quyền lợi của Bà thì thấy:

[1.1]. Xe Ô tô tải nhãn hiệu ISUZU, biển kiểm soát 79C – 031.09 là của bà Trần Thị T. Ngày 08/5/2017, anh Đặng Văn G (con bà T) đã sử dụng chiếc xe ô tô nói trên để vận chuyển 2.440 kg (tương đương 2,440m3) gỗ gốc, rễ Pơ mu có hình thù phức tạp thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIAkhông có hồ sơ hợp pháp. Hành vi vận chuyển lâm sản trái phép của anh Đặng Văn G đã vi phạm vào điểm đ khoản 5 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây gọi là Nghị định số 157/2013).

Ngày 31/5/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1551/QĐ – XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Đặng Văn G với nội dung:

- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 40.000.000 đồng;

- Hình thức phạt bổ sung: Tịch thu 2.440 kg gỗ gốc, rễ Pơ mu và chiếc xe Ô tô tải nhãn hiệu ISUZU, biển kiểm soát 79C – 031.09 sung vào ngân sách Nhà nước.

[1.2]. Sau khi có Quyết định xử phạt nói trên, anh Đặng Văn G không khởi kiện, bà Trần Thị T khởi kiện yêu cầu hủy một phần Quyết định số 1551 vì cho rằng: Chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu ISUZU, biển kiểm soát 79C –031.09 là của bà cho anh Đặng Văn G thuê để chở mía từ tháng 5/2014, việc cho thuê xe không có hợp đồng bằng văn bản vì anh G là con ruột của Bà, anh G dùng xe chở gỗ Bà không biết nên tịch thu xe của Bà là không đúng thì thấy:

Điểm b khoản 8 Điều 3 và điểm b khoản 11 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chĩnh phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định:

“ Điểm b khoản 8 Điều 3:

8. Phương tiện bị người vi phạm sử dụng trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:

b) Chủ sở hữu hợp pháp đối với phương tiện của mình hoặc người quản lý hợp pháp đối với phương tiện thuê của chủ sở hữu hợp pháp giao cho người lao động của mình quản lý, điều khiển, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hợp pháp, nhưng người lao động đã tự ý sử dụng các phương tiện đó để vi phạm hành chính.

Việc cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện phải đuợc giao kết bằng văn bản giữa chủ sở hữu hợp pháp và người được thuê, được mượn theo quy định của pháp luật trước khi hành vi vi p hạm xảy ra. Bản giao kết phải ghi rõ mục đích, nội dung sử dụng phương tiện cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển. Đối với cá nhân cho thuê, cho mượn hoặc thuê người điều khiển phương tiện thì Bản giao kết phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phương tiện bị tạm giữ, người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật phải xuất trình văn bản giao kết đó cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc”. điểm b khoản 11 Điều 22:

11. Hình thức xử phạt bổ sung

b) Tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này (trừ trường hợp quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định này), thuộc một trong các trường hợp sau:

- Vận chuyển gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 1,5 m 3 trở lên; gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 0,5 m3 trở lên”.

[1.3]. Bà T cho rằng bà cho anh G thuê xe, nhưng việc cho thuê xe giữa Bà với anh G không đảm bảo quy định tại Điểm b khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 157/2013 và anh G vận chuyển lâm sản trái phép thuộc trường hợp bị tịch thu phương tiện theo quy định tại điểm b khoản 11 Điều 22 “gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 0,5 m3 trở lêncủa Nghị định số 157/2013 được trích dẫn ở trên vì thế nên Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa không chấp nhận đơn khởi kiện của Bà để hủy một phần Quyết định số 1551/QĐ –XPVPHC ngày 31/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòađối với việc tịch thu chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu ISUZU của Bà là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[2]. Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo cũng không có chứng cứ nào mới nên Hội đồng xét xử phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bà Trần Thị T. Giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

[3]. Do bị bác đơn kháng cáo nên bà Trần Thị T phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.

Từ những nhận định trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính.

[1].Bác đơn kháng cáo của bà Trần Thị T. Giữ nguyên quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

- Áp dụng Khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính; điểm b khoản 8 Điều 3, điểm b khoản 11 Điều 22 Nghị định số 157/2013/NĐ -CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

[2]. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị T về việc: hủy một phần Quyết định số 1551/QĐ – XPVPHC ngày 31/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về xử phạt vi phạm hành chính đối với phần hình thức phạt bổ sung: Tịch thu chiếc xe ô tô tải nhãn hiệu ISUZU, biển kiểm soát 79C – 031.09 sung vào ngân sách Nhà nước.

[3]. Án phí hành chính phúc thẩm:

- Áp dụng khoản 1 Điều 34 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

- Bà Trần Thị T phải chịu 300.00 đồng án phí hành chính phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số 000365 ngày 18/10/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa.

[4]. Án phí sơ thẩm được thực hiện theo quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 32/2017/HC-ST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

965
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 56/2018/HC-PT ngày 28/03/2018 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Số hiệu:56/2018/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 28/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về