Bản án 56/2019/DS-ST ngày 31/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẦM DƠI, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 56/2019/DS-ST NGÀY 31/05/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 31 tháng 5 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 41/2019/TLST-DS ngày 25 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 189/2019/QĐXXST-DS ngày 14 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1963. Cư trú tại: Ấp T2, xã T3, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T: Luật sư Trần Dân Quốc – Văn phòng Luật sư Chánh Kiến, Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (có mặt).

- Bị đơn:

1. Anh Trần Út M, sinh năm 1983. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

2. Ông Trần Văn A, sinh năm 1939. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

Đại diện theo ủy quyền của anh M và ông A: Ông Trương Minh C, sinh năm 1958. Cư trú tại: Số Z, đường C, khóm M, phường L, thành phố C1, tỉnh Cà Mau - văn bản ủy quyền ngày 07/3/2019 (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ L quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện Đ. Địa chỉ: Khóm X, thị trấn Đ1, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

2. Bà Trần Thị Đ, sinh năm 1942. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

3. Anh Nguyễn Văn Th, sinh năm 1989. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

4. Chị Trần Kiều O, sinh năm 1975. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).

5. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1946. Cư trú tại: T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau

7. Chị Trần Chúc N, sinh năm 1987. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau

Đại diện theo ủy quyền của bà L và chị N: Chị Trần Kiều O, sinh năm 1975. Cư trú tại: Ấp T4, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau – văn bản ủy quyền ngày 05/4/2019 (có mặt).

- Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Trương Thị Đ1:

1. Ông Phạm Quốc V, sinh năm 1946. Cư trú tại: Ấp T2, xã T3, huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

Đại diện theo ủy quyền của ông V: Anh Phạm Quốc N1, sinh năm 1978. Cư trú tại: Ấp T6, xã T7, huyện Đ, tỉnh Cà Mau – văn bản ủy quyền ngày 08/4/2019 (có mặt).

2. Bà Phạm Thị L1, sinh năm 1950. Cư trú tại: Ấp T8, xã T5, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).

3. Bà Phạm M, sinh năm 1952. Cư trú tại: Ấp T9, xã T7, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (có mặt).

4. Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1962. Cư trú tại: Ấp T2, xã T3, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).

5. Ông Phạm Văn T, sinh năm 1963. Cư trú tại: Ấp T2, xã T3, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Ông Phạm Văn T trình bày:

Phần đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ Phạm Văn C và cụ Đỗ Thị H khai phá để lại cho cụ Trương Văn G và cụ Phạm Thị Đ. Sau khi cụ G, cụ Đ chết thì để lại cho cụ Trương Thị Đ1 quản lý diện tích khoảng 02 công tầm lớn (đất thổ cư và vườn tạp) tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

Khoảng năm 1984 cụ Đ1 về sinh sống cùng với ông tại ấp T2, xã T3, huyện Đ nên đến năm 1990 nhờ ông Trần Văn A (ông A gọi cụ Đ1 bằng cô) ở gần trông coi phần đất và 06 ngôi mộ (gồm ông, bà cố, ông, bà ngoại và của vợ chồng Trần Văn B (ông, bà nội ông A)). Trong thời gian trông coi phần đất thì ông A trồng lát, trồng dừa và cất nhà để ở; do chỗ con cháu nên cụ Đ1 không có ý kiến gì. Việc ông A làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển tên lại cho anh Trần Út M (con ông A) thì cụ Đ1 cũng không biết và không được sự đồng ý của cụ Đ1. Vào tháng 4/2018 anh M có ý định sang phần đất này cho người khác nên vào ngày 28/4/2018 ông đã gửi đơn đến UBND xã Tân Duyệt yêu cầu ngăn cản việc sang bán và giải quyết việc tranh chấp đất.

Quá thẩm định thực tế, phần đất tranh chấp tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi thuộc thửa số 460, tờ bản đồ số 01 trong Giấy chứng nhận do anh M đứng tên với diện tích là 2.011,7 m2.

Quá trình giải quyết và tại phiên tòa, ông T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, ông đồng ý để gia đình ông A sử dụng phần đất đã xây nhà kích thước ngang 12,3m chạy dài tới hậu. Phần đất còn lại yêu cầu ông A, anh M trả lại và yêu cầu hủy phần Giấy chứng nhận của anh M liên quan đến phần đất trả lại. Giữ nguyên căn nhà cho bà Đ tiếp tục quản lý, sử dụng, khi bà Đ chết thì trả lại; đối với căn nhà của anh Th yêu cầu tháo dở, di dời để trả lại đất.

Cụ Đ1 đã chết vào ngày 08/02/2015 và có các người con gồm: Ông Phạm Quốc V, bà Phạm Mỹ L1, bà Phạm M, ông Phạm Văn T1 và ông là Phạm Văn T.

* Theo bản tự khai của ông Trần Văn A, anh Trần Út M; trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa của ông Trương Minh C thể hiện:

Nguồn gốc phần đất tranh chấp trước đây do cụ Trần Văn C (ông cố của ông A) khai phá từ thời kỳ Pháp thuộc, sau đó cụ C để lại cho cụ Trần Văn Q (ông nội của ông A), cụ Quỳ để lại cho cụ Trần Văn Nh (cha của ông A). Đến năm 1976 cụ Nh cho ông A quản lý, sử dụng, trông coi, ngăn mặn; đến năm 1993 thì ông A làm thủ tục kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và được UBND huyện Đầm Dơi cấp Giấy chứng nhận. Ông A sử dụng đến năm 2012 thì làm thủ tục chuyển tên cho con là anh Trần Út M và anh M đã được UBND huyện Đầm Dơi cấp Giấy chứng nhận. Trên phần đất có 06 ngôi mộ như ông T trình bày nhưng gồm các ngôi mộ của cụ Q (chết năm 1943), cụ Phạm Thị B (bà nội của ông A), cụ Phạm Thị H (bà cố của ông A), cụ C và ông, bà ngoại của ông T.

Quá trình sử dụng, ông A đã dựng nhà từ năm 1976 và đến năm 2000 thì sửa chữa lại. Đến năm 2009, chị Trần Chúc N (cháu ông A) được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương, gia đình phụ thêm để xây nhà, bà L và chị N quản lý sử dụng, thời gian sau thì chị Trần Kiều O xây nới thêm một trái nhà liền kề buôn bán. Đến năm 2017 cho bà Trần Thị Đ (em của ông A) và đến năm 2018 cho anh Nguyễn Văn Th (cháu của ông A) mượn phần đất xây nhà. Ngoài ra, trên phần đất ông A trồng dừa cách đây khoảng 30 năm và gần đây trồng thêm 08 cây dừa. Ông A đã làm thủ tục đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó chuyển tên cho anh M đúng quy định. Do đó, với tư cách là đại diện của bị đơn, ông C đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, yêu cầu giữ nguyên phần nhà, đất cho gia đình ông A tiếp tục quản lý, sử dụng. Đồng ý giữ nguyên khu vực nền mộ kích thước 06m x 12m và tạo điều kiện để thân tộc cùng trông coi, lo hương khói các ngôi mộ.

* Ông Phạm Văn T1 trình bày: Do phần đất có các ngôi mộ là người trong thân tộc nên không được sang bán cho người khác. Ông T1 thống nhất theo yêu cầu của ông T, giao ông A sử dụng phần đất đã xây nhà tiếp giáp ông Cần đo qua ngang 12,3m chạy tới hậu cho ông A tiếp tục sử dụng, phần còn lại gắn liền với khu nền mộ yêu cầu ông A và những người có L quan trả lại. Thống nhất giữ nguyên căn nhà cho bà Đ tiếp tục quản lý, sử dụng, khi bà Đ chết thì giao phần đất lại. Đối với căn nhà anh Th: Yêu cầu tháo dở, di dời để trả lại phần đất.

* Bà Phạm Thị L1, bà Phạm M và anh Phạm Quốc N: Thống nhất theo trình bày và yêu cầu ông T, không trình bày bổ sung.

* Chị Trần Kiều O trình bày: Thời gian xây dựng nhà của chị N, bà L và cơi nới trái nhà thêm như ông C trình bày, yêu cầu giữ nguyên phần đất và nhà cho gia đình chị quản lý sử dụng.

* Tại đơn từ chối tham gia tố tụng ghi ngày 05/4/2019 của anh Nguyễn Văn Th thể hiện: Ông A và anh M cho mượn phần đất xây dựng căn nhà kích thước 4,5m x 13,5m để ở và sinh hoạt. Trường hợp Tòa án quyết định phần đất này ông A và anh M trả lại cho ông T thì anh tự di dời nhà đi chỗ khác.

* Tại đơn từ chối tham gia tố tụng ghi ngày 05/4/2019 của bà Trần Thị Đ thể hiện: Ông A và anh M cho mượn phần đất dựng căn nhà lá kích thước 3m x 4m để ở và sinh hoạt. Trường hợp Tòa án quyết định phần đất này ông A và anh M trả lại cho ông T thì bà tự di dời nhà đi chỗ khác.

* Tại đơn xin vắng mặt ngày 13/5/2019 của UBND huyện Đ thể hiện: Do công việc nên Ủy ban nhân dân huyện Đ làm đơn xin được xem xét vắng mặt trong các phiên hòa giải, xét xử đối với vụ án và đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân huyện Đ sẽ nghiêm túc thực hiện các phán quyết của Tòa án.

Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu ý kiến tranh luận đối đáp và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Buộc ông A và anh M trả lại diện tích đất và điều chỉnh lại Giấy chứng nhận của anh M theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đầm Dơi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự nên không có kiến nghị gì và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản1 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T yêu cầu ông Trần Văn A và anh Trần Út M trả lại diện tích đất 1.333,2m2 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và hủy phần Giấy chứng nhận của anh M liên quan đến phần đất tranh chấp.

- Án phí dân sự sơ thẩm và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản: Các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi, bà Trần Thị Đ và anh Nguyễn Văn Th có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt đối với các đương sự này là phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

[2] Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 229626 do UBNDhuyện Đầm Dơi cấp ngày 28/9/2012 cho anh Trần Út M gồm các thửa đất 448 và 460, tờ bản đồ số 01, tổng diện tích là 2.988m2 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi.

[3] Theo đo đạc thực tế, phần đất tranh chấp tại thửa số 460 nằm trong Giấy chứng nhận của anh M với diện tích 2.099,7m2 (bút lục 89 - 91), các phía tiếp giáp:

- Phía Đông giáp sông Tân Khánh (M2M3), dài 35,07m.

- Phía Tây giáp đất bà Phạm Mỹ Nhanh (M1M4), dài 43.3m.

- Phía Nam giáp đất ông Nguyễn Văn Bảy (M3M4), dài 56,5m.

- Phía Bắc giáp đất ông Phạm Thanh Cần (M1M2), dài 58,3m.

Hiện trạng phần đất tranh chấp: Có diện tích 88m2 sử dụng làm lộ giao thông (ngang 2,5m); 01 căn nhà của bà Nguyễn Thị L, chị Trần Kiều O và chị Trần Chúc N kích thước 11,3m x 11m; 01 căn nhà của bà Trần Thị Đ kích thước 03m x 4,5m; 01 căn nhà của anh Nguyễn Văn Th kích thước 4,5m x 13,5m; 01 khu vực nền mộ kích thước 12m x 6m (các ngôi mộ là người trong thân tộc ông T và ông A); 08 cây dừa lớn; 05 cây dừa nhỏ và một số loại cây tạp khác.

[4] Tại biên bản định giá tài sản ngày 22/4/2019 (bút lục 124 - 126) thể hiện: Diện tích đất tranh chấp 2011,7m2 (không tính diện tích 88 m2 làm lộ xe) có giá trị 1.005.850.000 đồng (một tỷ lẻ năm triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng); tổng giá trị các căn nhà là 182.532.000 đồng (một trăm tám mươi hai triệu năm trăm ba mươi hai nghìn đồng) và giá trị các cây dừa là 2.030.000 đồng (hai triệu không trăm ba mươi nghìn đồng). Các cây tạp khác các đương sự không yêu cầu định giá.

[5] Quá trình giải quyết và tại phiên tòa, ông T thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, ông đồng ý để gia đình ông A sử dụng phần đất đã xây nhà kích thước ngang 12,3m chạy dài tới hậu. Theo số liệu do Hội đồng xét xử công bố trên cơ sở kết quả do cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thì phần đất để lại cho ông A, anh M là 687,5m2 nên yêu cầu ông A, anh M trả lại 1.333,2m2 và yêu cầu hủy phần Giấy chứng nhận của anh M liên quan đến phần đất trả lại.

Xét thấy, việc thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện của ông T là tự nguyện không trái pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận theo khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[6] Sau khi đối trừ phần đất để lại cho ông A và anh M, ông T yêu cầu trả lại có diện tích 1.333,2m2 có vị trí, ranh giới các phía tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp sông Tân Khánh, dài 22,77m.

- Phía Tây giáp đất bà Phạm Mỹ Nhanh, dài 31m.

- Phía Nam giáp đất ông Nguyễn Văn Bảy, dài 56,5m.

- Phía Bắc giáp phần đất còn lại cho ông A và anh M, dài 56,78m.

[7] Quá trình giải quyết, các đương sự xác định phần đất tranh chấp không phải do cụ Đ1 hoặc gia đình ông A khai phá mà do thân tộc để lại. Thể hiện qua các xác nhận của ông Trương Văn Thinh, ông Trần Văn Ngọc, ông Trương Văn Dự, ông Phạm Duy Thơ, ông Phạm Út Mười, ông Phạm Văn Quảng, bà Nguyễn Thị Tư, bà Lê Thị Đầm và bà Quách Thị Năm có mối quan hệ con, cháu với cụ Đ1; các xác nhận này có nội dung phù hợp với xác nhận của ông Trần Thanh Phương và có cùng nội dung là phần đất của cụ Đ1 nhưng là đất thổ cư có mồ mã, vườn tạp không có hoa màu, không trồng cây ăn trái lâu năm, xung quanh chỉ có lau, sậy mọc, không có nhà ở, không đưa vào đóng thuế nông nghiệp hàng năm và thời điểm cụ Đ1 quản lý không có giá trị sử dụng.

[8] Ông T thừa nhận khoảng từ năm 1984 đến năm 1990 thì phần đất tranh chấp cụ Đ1 không gửi cho ai trông coi, quản lý mà hàng năm dịp thanh minh có đến hương khói chăm sóc mộ phần. Thấy rằng, theo quy định của pháp luật đất đai, giai đoạn trước năm 1980 và sau năm 1980, Nhà nước đã có nhiều văn bản ghi rõ người có đất không sử dụng 6 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép thì Nhà nước có thể thu hồi một phần hay toàn phần theo khoản 5 Điều 14 Luật Đất đai năm 1987.

[9] Qua xem xét, các tài liệu chứng cứ thấy rằng, cụ Đ1 không thực hiện việc đăng ký kê khai, quản lý, sử dụng phần đất; mặc dù ông T xác định cụ Đ1 gửi lại cho ông A, quản lý, sử dụng phần đất nhưng không được ông A thừa nhận; trong khi vào ngày 25/9/1993 ông A đã làm đơn được Hội đồng xét duyệt xã Tân Duyệt xét duyệt và UBND huyện Đầm Dơi đã cấp Giấy chứng nhận cho ông A theo Quyết định số 111 QĐ/UB ngày 29/11/1993 tại các thửa đất 118, 125 và 256 tờ bản đồ số 01; đến năm 2005 ông A tiếp tục đăng ký, kê khai phần đất đã được cấp tại các thửa đất 448, 450 và 460 và đến năm 2012 ông A đã làm thủ tục tặng cho các thửa đất 448 và 460 cho anh M và anh M đã được cấp Giấy chứng nhận số BK 229626 diện tích 2.988m2. Điều đó thể hiện, gia đình ông A sử dụng phần đất ổn định, thực hiện việc kê khai, đăng ký đứng tên; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có căn cứ pháp luật, thực hiện đúng qui định của Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm năm 1993Luật đất đai năm năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan.

[10] Qua các tài liệu không thể hiện phần đất của cụ Đ1 nên việc ông A đi làm Giấy chứng nhận không có nghĩa vụ phải thông báo và thông qua ý kiến của cụ Đ1. Đối với xác nhận của ông Trần Văn Ngọc nội dung thể hiện phần đất có nguồn gốc từ ông, bà cố của ông T và ông A, quá trình sử dụng để lại cho cụ Đ1 và cụ Đ1 giao cho ông T quản lý; nội dung này lại mâu thuẫn với nội dung ông Ngọc xác định cụ Đ1 gửi phần đất lại cho ông A ở gần giữ dùm, mồ mả của ông bà; nên đây cũng chỉ là ý kiến được tham khảo mà không được xem xét là chứng cứ khi giải quyết vụ án. Do đó, không chấp nhận đề nghị của Luật sư và yêu cầu của ông T buộc gia đình ông A trả lại diện tích đất tranh chấp 1.333,2m2 và hủy phần Giấy chứng nhận của anh M có liên quan đến phần đất này là phù hợp.

[11] Đối với các ngôi mộ trên phần đất tranh chấp là của thân tộc gia đình ông T cũng như gia đình ông A. Các bên đều có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, hương khói khu mộ. Quá trình giải quyết, phía bị đơn vẫn thống nhất giữ nguyên khu vực mộ và cùng thân tộc chăm sóc, hương khói và hiện nay các bên chưa có tranh chấp và chưa có yêu cầu giải quyết đối với khu vực mộ này nên không đặt ra xem xét.

[12] Đối với các căn nhà của bà Trần Thị Đ và anh Nguyễn Văn Th và các vấn đề khác các đương sự tự thỏa thuận, không yêu cầu nên không đặt ra xem xét. Trường hợp có phát sinh tranh chấp sẽ được xem xét, giải quyết bằng vụ án khác.

[13] Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Do yêu cầu không được chấp nhận nên ông T phải chịu chi phí này theo khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[14] Án phí dân sự sơ thẩm: Theo khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì ông T là thân nhân của Liệt sĩ Phạm Văn M nên được miễn án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, khoản 1 Điều 227 và khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 5 Điều 14 Luật Đất đai năm 1987 và khoản 1 Điều 203 của Luật Đất đai; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và L1 phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T yêu cầu ông Trần Văn A, anh Trần Út M và anh Nguyễn Văn Th trả lại diện tích 1.333,2m2 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và hủy phần Giấy chứng nhận của anh M liên quan đến phần đất trên. Phần đất có các phía tiếp giáp:

- Phía Đông giáp sông Tân Khánh, dài 22,77m.

- Phía Tây giáp đất bà Phạm Mỹ Nhanh, dài 31m.

- Phía Nam giáp đất ông Nguyễn Văn Bảy, dài 56,5m.

- Phía Bắc giáp phần đất còn lại cho ông A và anh M, dài 56,78m. (có sơ đồ thẩm định kèm theo)

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Ông T phải chịu 3.200.000 đồng (ba triệu hai trăm nghìn đồng) (ông T đã nộp và đối chiếu thanh toán xong).

3. Án phí dân sự sơ thẩm: Miễn cho ông T. Hoàn trả cho ông T số tiền 1.494.000 đồng đã nộp tạm ứng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008980 ngày 25/01/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Đầm Dơi.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

270
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 56/2019/DS-ST ngày 31/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:56/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đầm Dơi - Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về