Bản án 62/2019/DS-PT ngày 23/05/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 62/2019/DS-PT NGÀY 23/05/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Trong các ngày 02 ngày 06 và ngày 23 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 40/2019/TLPT-DS, ngày 28 tháng 02 năm 2019, về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST, ngày 17-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 76/2019/QĐ-PT ngày 15 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P). Địa chỉ: Tòa nhà M, T, quận Đ, Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông A, sinh năm 1978, chức vụ: Giám đốc Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng; địa chỉ: Quốc lộ M, Khóm B, Phường H, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng, theo văn bản ủy quyền số 71/GUQ-TGĐ ngày 29-01-2019 (vắng mặt).

- Ông B; địa chỉ: phường N, thành phố S, theo văn bản ủy quyền số 71/GUQ- TGĐ ngày 29-01-2019 (có mặt).

2. Bị đơn: Ông C, sinh năm 1978; địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông NLQ 1, sinh năm 1955 (vắng mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng.

3.2. Bà NLQ 2, sinh năm 1991 (vắng mặt).

Địa chỉ: Khóm M, Phường T, thị xã N, tỉnh Sóc Trăng.

4. Người kháng cáo: nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 17/8/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Vào ngày 14/4/2014, ông C là Thuyền trưởng ghe ST - 02925 có ký hợp đồng vận chuyển số 01/HĐVCHH/2014 với bà NLQ 2, lộ trình vận chuyển từ cảng Gò Dầu thuộc tỉnh Đồng Nai về kho hàng của bà NLQ 2 tại thị xã N, tỉnh Sóc Trăng, hàng vận chuyển là phân bón nông nghiệp. Trong lộ trình vào ngày 18 tháng 4 năm 2014, tại kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thì ghe ST - 02925 đã va vào một vật thể ngầm gây vỡ, thủng tàu làm ướt phân bón trong hầm. Trước đó vào ngày 16 tháng 4 năm 2014, khi ghe ST - 02925 chuẩn bị khởi hành thì bà NLQ 2 có mua bảo hiểm hàng vận chuyển của Công ty bảo hiểm P.

Khi bà NLQ 2 nhận được thông báo ghe bị thủng, bà đã thông báo với Công ty P, Công ty đã phối hợp với bà NLQ 2 và ông NLQ 1 thuê Công ty giám định FCC để giám định thiệt hại. Theo chứng thư giám định số CF24/01.31.1973 ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Công ty giám định FCC thì nguyên nhân gây tổn thất lô hàng là do phương tiện vận chuyển đã đâm va vào vật thể ngầm, thủng thân vỏ với tổng giá trị tổn thất là: 307.483.554 đồng.

Ngày 17 tháng 11 năm 2014, Công ty P Sóc Trăng đã tiến hành chi trả cho bà NLQ 2 số tiền thiệt hại là: 307.483.554 đồng và cũng trong ngày bà NLQ 2 đã ký giấy xác nhận đã nhận đủ số tiền bồi thường và thế quyền lại cho Công ty P được quyền truy đòi lại số tiền bồi thường: 307.483.554 đồng đối với ông C và chủ ghe ST - 02925 là ông NLQ 1 theo quy định tại khoản 1 điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi có văn bản thế quyền của bà NLQ 2, Công ty P đã có 2 công văn (ngày 04/6/2014 và ngày 17/11/2015) gởi ông C và ông NLQ 1 để yêu cầu bồi thường tổn thất theo hợp đồng vận chuyển, nhưng cả hai không phản hồi, trốn tránh trách nhiệm cho đến nay.

Ngày 20/10/2016, Công ty P có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng xem xét buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chi trả số tiền: 307.483.554 đồng mà Công ty P đã chi trả cho bà NLQ 2, nhưng sau đó ngày 23/5/2017, Toà án nhân dân huyện C đã ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu trên do không tống đạt được thông báo đến ông C và ông NLQ 1. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, ngày 20/4/2014 (tức sau khi ghe ST-02925 bị tai nạn 02 ngày) ông NLQ 1 có đến Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng để ký giấy uỷ quyền cho ông O liên hệ với Công ty bảo hiểm Bảo Việt Sóc Trăng làm thủ tục và nhận tiền bảo hiểm. Đây là căn cứ để xác định ông NLQ 1 đã nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với vụ tai nạn của ghe ST - 02925 thuộc sỡ hữu của mình.

Mặt khác, sau khi có đơn yêu cầu, Công ty P đã được Công an xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng xác nhận vào ngày 05/5/2017 về việc hai đương sự NLQ 1 và C có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp B, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng nhưng vắng mặt tại nơi cư trú. Đây là địa chỉ duy nhất cho đến thời điểm này mà Công ty P biết được, ngoài địa chỉ này công ty không còn biết địa chỉ nào khác. Việc ông NLQ 1 và ông C vắng mặt nơi cư trú trong khoảng thời gian dài là hành vi chủ động nhằm trốn tránh trách nhiệm đối với vụ tai nạn của chính phương tiện do ông làm chủ gây ra.

Trường hợp ông C và ông NLQ 1 tiếp tục vắng mặt tại nơi cư trú không thông báo với Công ty P và chính quyền địa phương, Công ty P cũng đề nghị Toà xem xét giải quyết theo hướng niêm yết để xét xử vắng mặt (theo Điều 5 và Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao), buộc ông NLQ 1 và ông C liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền:

307.483.554 đồng cho Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểmP (P) theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm; cộng với lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật, thời gian chậm trả tính từ ngày 17/11/2014 cho đến ngày khởi kiện là 115.306.332 đồng và tiếp tục chịu lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật cho đến khi trả xong số tiền nêu trên.

Đối với bị đơn ông C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ 1: Từ khi thụ lý vụ án cho đến nay các ông không có mặt tại địa phương, nên Tòa án không tiến hành lấy lời khai để ghi nhận ý kiến của các ông về việc yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại các biên bản xác minh cùng ngày 11/10/2018 đối với Ban nhân dân ấp B, xã B và đối với Công an xã B đã cung cấp như sau: Ông NLQ 1 và ông C có đăng ký hộ khẩu thường trú tại ấp B, xã B, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, các ông đã bỏ địa phương đi trên 10 năm nay, hiện địa phương không biết các ông đang ở đâu.

Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà NLQ 2: Tại biên bản lấy lời khai ngày 18/9/2018 và biên bản xác minh ngày 10/01/2019 thì bà NLQ 2 trình bày là bà có nhận được Thông báo thụ lý vụ án cũng như các thông báo khác của Tòa án, do sự việc trước đây bà ký hợp đồng vận chuyển với ông C như thế nào thì bà không còn nhớ vì thời gian đã do lâu, việc bà mua bảo hiểm hàng hóa là mua trước khi hàng hóa được vận chuyển và đúng theo quy định của pháp luật, bà không còn liên quan gì đối với Công ty P cũng như chủ ghe. Trước đây, bà đã ủy quyền cho Công ty P nên bà từ chối tham gia tố tụng, từ chối cung cấp thông tin có liên quan.

Bản án dân sự sơ thẩm số : 01/2019/DS-ST, ngày 17-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng, quyết định như sau:

Căn cứ Điều 5, khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm a, b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, khoản 1 Điều 273 và Điều 278 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12, Điều 13, Điều 17 và Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); khoản 3 Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) về việc yêu cầu Tòa án: Buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền: 307.483.554 đồng, tiền lãi suất chậm trả tính từ ngày 17/11/2014 cho đến nay là 115.306.332 đồng và tiếp tục chịu lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật cho đến khi trả xong số tiền còn nợ của Tổng công ty cổ phần bảo hiểmP.

2/ Về án phí: Nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) phải chịu 20.911.595 đồng (hai mươi triệu, chín trăm mười một ngàn năm trăm chín mươi lăm đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 10.455.000 đồng (mười triệu bốn trăm năm mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000587 ngày 20-8-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Như vậy, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) còn phải nộp thêm số tiền án phí là 10.456.595 đồng (mười triệu, bốn trăm năm mươi sáu ngàn năm trăm chín mươi lăm đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 30-01-2019 nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP làm đơn kháng cáo có nội dung: yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến:

- Về thủ tục tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm những người tiến hành tố tụng; những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Riêng đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tố tụng, không tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.

- Về nội dung: sau khi phân tích đơn kháng cáo của nguyên đơn, sau cùng vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP về yêu cầu buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 307.483.554 đồng và tiền lãi suất chậm trả đối với khoản tiền mà Công ty đã bồi thường cho bà NLQ 2.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh ltụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

I. Về tố tung:

[1] Bị đơn là ông C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm ông NLQ 1 và bà NLQ 2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt đối với ông C, ông NLQ 1 và bà NLQ 2.

[2] Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: theo yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP thì đây là quan hệ pháp luật tranh chấp về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển, bị đơn cư trú tại ấp B, xã B , huyện C, tỉnh Sóc Trăng, nên Tòa án nhân dân huyện C thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là chưa chính xác.

[3] Về quyền khởi kiện: ngày 17-11-2014 bà NLQ 2 làm giấy biên nhận và thế quyền có nội dung bà đã nhận đủ số tiền bồi thường 517.081.554 đồng, trong đó 209.598.000đồng là tiền bán thanh lý tài sản thu hồi, phần còn lại 307.483.554 đồng bồi thường cho tổn thất lô hàng từ Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng, bà cam kết từ bỏ mọi khiếu nại với công ty về tổn thất, tổn hại và các chi phí phát sinh đến lô hàng. Bà làm thế quyền chuyển toàn bộ khiếu nại về hàng hóa tổn thất và các chi phí phát sinh khác đối với lô hàng cho Công ty được áp dụng theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số P- 14/STR/KDO/1300/0003, đồng thời Công ty có quyền sử dụng tên của bà để tiến hành những công việc truy đòi người thứ ba với số tiền không vượt quá số tiền bà đã nhận.

Căn cứ vào giấy thế quyền, nhận thấy việc chuyển quyền yêu cầu này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm và Điều 309, Điều 310 Bộ luật dân sự năm 2005.

II. Về nội dung:

[1] Ngày 14-4-2014 bà NLQ 2 (bên A- bên chủ hàng) với ông ông C – chức vụ: thuyền trưởng (bên B – bên chủ phương tiện) ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa hóa số 01/HĐVCHH/2014, nội dung của hợp đồng: bên A thuê bên B vận chuyển phân bón ngông nghiệp số lượng 240 tấn, phương tiện bằng ghe gỗ biển số ST-02925; địa điểm giao nhận hàng tại số 90 đường 3/2 thị trấn N, huyện N, tỉnh Sóc Trăng; thời gian vận tải hàng hóa từ ngày 16-4-2014 đến ngày 21-4-2014. Tại Điều 4 của hợp đồng quy định về trách nhiệm của hai bên như sau:

“ Đối với bên A: chuẩn bị đủ hàng hóa, bốc xếp hàng hóa ở nơi giao nhận hàng tạo điều kiện để bên B nhận hàng nhanh chống; thanh toán đầy đủ tiền vận chuyển cho bên B khi nhận hàng xong.

Đối với bên B: bố trí phương tiện đạt tiêu chuẩn đã đăng kiểm còn hiệu lực và phải có bảo hiểm phương tiện theo đúng quy định của Nhà nước; chịu trách nhiệm vận chuyển và bảo quản hàng hóa cho bên A trong suốt quá trình vận chuyển từ khi nhận hàng đến khi giao hàng xong; Nếu bên B giao hàng bị hao hụt hay bị biến chất hay hư hại so với tổng số lượng hàng hóa bên A giao cho bên B vận chuyển thì bên B phải bồi thường số lượng hàng hóa bị hao hụt, hư hao (theo giá thị trường tự do) cho bên A”.

[2] Sau khi ký kết hợp đồng vận chuyển với ông C, đến ngày 16-4-2014, bà NLQ 2 có ký “Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam” số: P-14/STR/KDO/1300/0003 với Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng; cùng ngày bà NLQ 2 có giấy yêu cầu bảo hiểm hàng hóa, tổng số tiền bảo hiểm là 3.500.000đồng; ngày 16-4-2014 giữa Công ty và bà NLQ 2 ký đơn bảo hiểm hàng hóa số 30006794 trong đó phí bảo hiểm là 3.500.000đồng, thuế giá trị gia tăng là 350.000đồng, tổng số tiền là 3.850.000đồng; ngày 18/4/2014, bà NLQ 2 đã đóng phí bảo hiểm đối với hàng hóa vận chuyển.

[3] Thực hiện hợp đồng vận chuyển số 01/HĐVCHH/2014, thì vào ngày 17- 4-2014 ông C điều khiển tàu ST-02925 chở phân bón các loại cho bà NLQ 2, tàu xuất phát từ cảng Gò Dầu, đến khoảng 09 giờ ngày 18-4-2014 tại kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trên đường vận chuyển thì tàu đã va vào một vật thể ngầm chưa xác định gây vở, thủng thân võ tại vị trí mũi bên mạn trái tàu làm nước tràn vào hầm hàng gây tổn thất hàng. Sau khi sự việc xảy ra ông C có thông báo cho các bên liên quan biết.

[4] Ngày 18-4-2014 các bên liên quan gồm đại diện Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng, bà NLQ 2 và ông NLQ 1 (chủ tàu) lập biên bản thỏa thuận thống nhất chọn và thuê Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC thực hiện giám định xác định nguyên nhân tai nạn và mức độ thiệt hại hàng hóa, các bên thống nhất kết luận của Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC là cơ sở cuối cùng để cho các bên làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ sau này.

[5] Tại chứng thư giám định số CF24/01.31.1973 ngày 08-5-2014 của Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC tiến hành giám định với kết quả như sau:

- Tình trạng ghe ST-02925 và ghi nhận mũi ghe tại vị trí mạn trái có 01 vết xé dọc mạn kích thước chiều dài 130cm, chiều rộng lớn nhất 21cm, chiều rộng nhỏ nhất 17cm, đã khắc phục tạm bằng cách bọc bạt bên ngoài. Khoang hàng động nước tại vị trí vết rách và vị trí buồng máy.

- Tình trạng hàng hóa: từ ngày 21-4-2014 đến ngày 07-5-2014 trong hóa trình dỡ hàng đã ghi nhận:

+ Hàng hóa trong khoang có dấu hiệu ẩm ướt tổng khối lượng 4.800 bao/239,5 tấn;

+ Hàng hóa trong tình trạng bình thường 3.642 bao/181,6 tấn;

+ Hàng hóa bị tổn thất 1.158 bao/ 57,9 tấn (vỏ bao bị dơ, ẩm ướt, vón cục với nhiều mức độ khác nhau) tổng số tiền = 517.933.044 đồng.

- Mức độ tổn thất: các bên liên quan đã thống nhất bán để thu hồi toàn bộ hàng hóa tổng thất được Công ty TNHH TM XD Khánh Long đã chào mua với giá 3.620.000đồng/tấn; ông Nguyễn Hữu Thuận đã chào mua với giá 3.460.000đồng/tấn. Các bên liên quan đã đồng ý bán toàn bộ số lượng hàng bị tổn thất cho Công ty TNHH TM XD Khánh Long. Số lượng hàng sau khi bán thu hồi là 1.158 bao/57,9 tấn x 3.620.000đồng/tấn = 209.598.000đồng.

- Nguyên nhân tổn thất hàng hóa là do ghe ST 02925 đâm va với vật thể ngầm gây vỡ, thủng thân vỏ phương tiện vận chuyển, nước tràn vào hầm hàng.

[6] Với những căn cứ nêu trên, nhận thấy khi tai nạn xảy ra các bên liên quan đã thực hiện việc giám định tổn thất theo đúng quy định tại Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm. Do bà NLQ 2 đã ký “Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam” số: P-14/STR/KDO/1300/0003 với Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng, theo đúng quy định tại các Điều 12, 13, 14 Luật kinh doanh bảo hiểm, nên Công ty bảo hiểm đã chi trả cho bà NLQ 2 số tiền thiệt hại là: 307.483.554 đồng sau khi khấu trừ số hàng hóa hư hỏng đã bán để khắc phục thiệt hại.

[7] Ngày 17-11-2014 bà NLQ 2 làm giấy biên nhận và thế quyền cho Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng được quyền truy đòi lại số tiền bồi thường: 307.483.554 đồng đối với ông C và chủ ghe ST - 02925 là ông NLQ 1 theo quy định tại khoản 1 điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi có văn bản thế quyền của bà NLQ 2, Công ty bảo hiểm P Sóc Trăng đã có 2 công văn (ngày 04/6/2014 và ngày 17/11/2015) gởi ông C và ông NLQ 1 để yêu cầu bồi thường tổn thất theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa được ký kết giữa bà NLQ 2 với ông C.

[8] Theo các tài liệu có trong hồ sơ nhận thấy phương tiện ST-02925 được Chi cục đăng kiểm Sóc Trăng cấp chứng nhận ngày 09-9-2013, chủ phương tiện là ông NLQ 1, phương tiện được ghi trong sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy nội địa số 2231/10V83, có trạng thái kỹ thuật thỏa mãn các yêu cầu của quy phạm, quy định hiện hành và được trao cấp VR-SII, vùng hoạt động SII, khả năng khai thác lượng hàng 247.00 tấn/ trọng tải toàn phần 250.00 tấn, giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 09-9-2014.

Sổ danh bạ thuyền viên ghe tải ST-02925 do ông NLQ 1 đăng ký tại Sở giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng, gồm có: ông C là thuyền trưởng (có bằng thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa được cấp ngày 11-10-2012); bà E là máy trưởng (có bằng máy trưởng được cấp ngày 31-8-2010); và các thuyền viên gồm T, R và NLQ 1.

[9] Tại “Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông” ngày 18/4/2014 của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Chợ Gao, tỉnh Tiền Giang đã thể hiện: “Nơi xảy ra tai nạn là đoạn kênh thẳng...., không có chướng ngại vật, tầm nhìn không bị che khuất, hai bên bờ của đoạn kênh không có biển báo hiệu đường thủy nội địa....khi đang hành trình phương tiện va chạm vào một vật cứng ở dưới kênh làm phương tiện bị hỏng bên mạn trái và nước vào phương tiện làm hư hỏng hàng hóa”.

[10] Căn cứ vào các tài liệu nêu trên, nhận thấy trước thời điểm xảy ra sự cố thì tàu có đầy đủ các giấy chứng nhận đăng kiểm, đăng ký theo quy định, và các giấy tờ này đều còn hiệu lực. Như vậy tàu có đủ các điều kiện vận chuyển và các giấy tờ thủ tục về an toàn. Khi xảy ra tai nạn chủ tàu tuân thủ nghĩa vụ thông báo cho các bên liên quan. Khi xảy ra tổn thất thì chủ tàu cũng thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục về cứu hộ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho Công ty bảo hiểm và Công ty giám định.

Về nguyên nhân xảy ra tai nạn theo kết luận của Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC là do ghe ST 02925 đâm va với vật thể ngầm gây vỡ, thủng thân vỏ phương tiện vận chuyển, nước tràn vào hầm hàng. Đồng thời tại biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông” ngày 18/4/2014 của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Chợ Gao, tỉnh Tiền Giang đã thể hiện: “Nơi xảy ra tai nạn là đoạn kênh thẳng...., không có chướng ngại vật, tầm nhìn không bị che khuất, hai bên bờ của đoạn kênh không có biển báo hiệu đường thủy nội địa....khi đang hành trình phương tiện va chạm vào một vật cứng ở dưới kênh làm phương tiện bị hỏng bên mạn trái và nước vào phương tiện làm hư hỏng hàng hóa”. Như vậy, ông C không vi phạm nghĩa vụ vận chuyển, sự cố tai nạn xảy ra ngày 18-4-2014 là do hoàn cảnh khách quan, không phải do lỗi của thiết bị hoặc của thuyền trưởng hay do lỗi chủ quan của các thuyền viên trên tàu và có cả chủ tàu là ông NLQ 1. Do đó, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) yêu cầu buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền: 307.483.554 đồng và tiền lãi suất chậm trả tính từ ngày 17/11/2014 cho đến ngày khởi kiện là 115.306.332 đồng và tiếp tục chịu lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật cho đến khi trả xong đối với số tiền mà Công ty đã tbồi thường cho bà NLQ 2 trong vụ tai nạn xảy ra ngày 18-4-2014 là không có căn cứ, nên không được chấp nhận.

Như đã phân tích nêu trên, nhận thấy kháng cáo của nguyên đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[11] Với những phân tích nên trên, nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là không chính xác. Tuy nhiên, khi xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cấp sơ thẩm đã đánh giá chứng cứ và đã căn cứ vào khoản 3 Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển để giải giải quyết vụ án cũng là phù hợp với nhận định của cấp phúc thẩm, nên sai sót này của cấp sơ thẩm không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, cấp phúc thẩm sửa lại việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển. Đồng thời, theo đơn khởi kiện thì Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP yêu cầu buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho công ty số tiền mà công ty đã bồi thường cho bà NLQ 2 trong vụ tai nạn xảy ra ngày 18-4-2014 do ông C điều khiển tàu ST-02925 trên đường vận chuyển chở phân bón các loại cho bà NLQ 2. Nhưng quyết định của bản án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty về việc buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền: 307.483.554 đồng, cùng tiền lãi suất chậm trả cho đến khi trả xong số tiền còn nợ của Tổng công ty cổ phần bảo hiểmP là không không chính xác, nên cấp phúc thẩm sửa lại phần này và nêu để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

[12] Kiểm sát sát viên tham gia phiên tòa đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[13] Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; căn cứ khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng).

[13] Theo quy định tại khoản 2 Điều 282, 293 Bộ luật tố tụng dân sự, thì các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 điều 308; khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng Dân sự.

Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P).

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số số 01/2019/DS-ST, ngày 17-01-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng, như sau:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) về việc yêu buộc ông C và ông NLQ 1 liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP số tiền mà Tổng công ty đã bồi thường cho bà NLQ 2 trong vụ tai nạn xảy ra ngày 18-4-2014, do ông C điều khiển tàu ST-02925 trên đường vận chuyển chở phân bón các loại cho bà NLQ 2, cụ thể số tiền là 307.483.554 đồng (ba tram lẻ bảy triệu, bốn trăm tám mươi ba nghìn, năm trăm năm mươi bốn đồng), cùng tiền lãi suất chậm trả tính từ ngày 17/11/2014 cho đến ngày khởi kiện (ngày 17-8-2018) là 115.306.332 đồng và tiếp tục chịu lãi suất chậm trả theo quy định của pháp luật cho đến khi trả xong số tiền mà Công ty đã bồi thường cho bà NLQ 2 như đã nêu trên.

2. Về án phí sơ thẩm: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) phải chịu 20.911.595 đồng (hai mươi triệu, chín trăm mười một nghìn, năm trăm chín mươi lăm đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 10.455.000đồng (mười triệu bốn trăm năm mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000587 ngày 20-8-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C.

Như vậy, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) còn phải nộp thêm số tiền án phí là 10.456.595 đồng (mười triệu, bốn trăm năm mươi sáu ngàn năm trăm chín mươi lăm đồng).

3. Án phí dân sự phúc thẩm :Tổng Công ty cổ phần bảo hiểmP (P) phải chịu là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ số tiền tạm ứng đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000661 ngày 18-02-2019 của Chi cục Thi hành án dân huyện C.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1288
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 62/2019/DS-PT ngày 23/05/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển

Số hiệu:62/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về