Bản án 65/2018/HNGĐ-ST ngày 18/09/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐĂNG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 65/2018/HNGĐ-ST NGÀY 18/09/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Trong các ngày 14, 17 và 18 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình sơ thẩm về việc: “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, thụ lý số: 97/2018/TLST-HNGĐ ngày 20 tháng 3 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 97/2018/QĐST-HNGĐ ngày 10 tháng 8 năm 2018, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: anh Chí Khánh K , sinh năm: 1982 ( có mặt)

- Bị đơn: chị Nguyễn Thị P, sinh năm: 1981 ( có mặt)

Cùng địa chỉ: Thôn B, xã N, huyện B1, tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 20/9/2017 và những lời khai tiếp theo tại Tòa án nguyên đơn anh Chí Khánh K trình bày: Trước đây anh với chị Nguyễn Thị P là vợ chồng. Ngày 06/7/2017, Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng giải quyết cho anh và chị P ly hôn theo Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn số 107/2017/QĐST-HNGĐ, ngày 06/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Anh và chị P thỏa thuận giao cháu Chí Lâm Ngọc A, sinh ngày 30/9/2009 cho chị P trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay anh yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là giải quyết cho anh được trực tiếp trông nom chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục cháu Chí Lâm Ngọc A. Lý do, chị P không có đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng cháu A, chị P thường xuyên không có mặt ở nhà, chị P chăm sóc cháu A không chu đáo, chị P thường xuyên dẫn cháu A đi chơi đánh bài từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau mới về, làm ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sức khỏe của cháu A, chị P không đón cháu A đi học đúng giờ. Phía chị P đã bị xử phạt vi phạm về hành vi đánh bạc.

Anh có đủ điều kiện chăm sóc cháu A. Cụ thể: Hiện nay anh có nghề nghiệp ổn định, anh làm đầu bếp cho nhà hàng thu nhập trung bình khoảng gần10.000.000đ/tháng. Ngoài ra, anh còn bán quán ăn sáng thu nhập trung bình khoảng 10.000.000đ/tháng. Tổng thu nhập trung bình là khoảng gần 20.000.000đ/tháng. Hiện nay anh đang là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A. Anh có nơi ở đảm bảo chăm sóc cháu A chu đáo hơn chị P.

Tại các biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa bị đơn chị Nguyễn Thị P trình bày: Chị xác nhận trước đây chị và anh K là vợ chồng, Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng đã giải quyết cho chị và anh K ly hôn, chị và anh K thỏa thuận giao cho chị trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục cháu Chí Lâm Ngọc A, sinh ngày 30/9/2009. Chị và cháu A đang sống ổn định thì anh K về bắt cháu A đi. Nay anh K yêu cầu thay đổi người nuôi con thì chị không đồng ý. Chị cũng có đủ điều kiện để nuôi dưỡng cháu A, chị có công việc ổn định, chị làm nghề thu mua nông sản thu nhập trung bình khoảng 15.000.000đ/tháng. Chị cũng thừa nhận vào tháng 12/2016 thì chị bị Công an xử phạt vi phạm về hành vi đánh bạc. Chị không thường xuyên đánh bạc như anh K trình bày, thỉnh thoảng chị bận công việc mới gửi cháu A cho hàng xóm trôm nom. Chị không đánh đập cháu A.

-Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nguyên đơn anh K cung cấp các tài liệu, chứng cứ: Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự ( bản gốc); Giấy khai sinh cháu Chí Lâm Ngọc A ( photo); CMND và sổ hộ khẩu ( bản sao); Đơn xin xác nhận tại Công an xã Nghĩa Bình ( bản sao);

-Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bị đơn chị P không cung cấp các tài liệu, chứng cứ gì.

- Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ: Biên bản thu thập tài liệu chứng cứ ngày 20/6/2018 tại Công an xã Nghĩa Bình và tại Ban quản lý Thôn B, xã N, huyện B1, tỉnh Bình Phước.

-Quan điểm của đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa:

+ Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phần tranh luận. Người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của bộ luật tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ của mình. Viện kiểm sát không có ý kiến gì về phần thủ tục.

+Về nội dung: Căn cứ khoản 2, 3 Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn anh K về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, cụ thể là giao cháu Chí Lâm Ngọc A cho anh K nuôi dưỡng. Đương sự nộp án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời khai của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Anh Chí Khánh K yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, bị đơn là chị Nguyễn Thị P cư trú tại Thôn Bình Thọ, xã Nghĩa Bình huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nên xác định đây là vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước theo quy định tại khoản 3 Điều 28, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]Xét yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của nguyên đơn anh Chí Khánh K, Hội đồng xét xử xét thấy: anh Chí Khánh K và chị Nguyễn Thị P thuận tình ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 107/2017/QĐST-HNGĐ, ngày 06/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và thống nhất giao cháu Chí Lâm Ngọc A sinh ngày 30/10/2007 cho chị Nguyễn Thị P trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Hiện nay, nguyên đơn anh K yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng cháu A, anh K yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu A. Bị đơn chị P không đồng ý, chị P vẫn mong muốn trực tiếp nuôi dưỡng cháu A.

Xét thấy, việc xin nuôi con của anh K và chị P là hoàn toàn chính đáng và xuất phát từ tình cảm của cha mẹ đối với con. Nhưng việc giao con cho ai nuôi thì Hội đồng xét xử cũng cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo việc phát triển tốt nhất toàn diện cho cháu.

Phía chị P có việc làm buôn bán, thu nhập trung bình khoảng 15.000.000đ/tháng, chị P cũng có nơi ở ổn định. Chị P cho rằng anh K không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng cháu A. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án đã thông báo cho chị P để chị cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh anh K không đủ điều kiện nuôi dưỡng cháu A nhưng chị P không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì, tại phiên tòa chị cũng không cung cấp tài liệu chứng cứ gì về vấn đề này. Do đó, yêu cầu của chị là không có cơ sở nên không được xem xét. Mặt khác, hiện nay chị P đã lập gia đình mới, chị vừa mới sinh con.

Trong thời gian chị P trực tiếp nuôi dưỡng cháu A thì chị chăm sóc cháu chưa được chu đáo, thể hiện tại biên bản xác minh do trưởng thôn nơi chị sinh sống cung cấp. Ngoài ra, theo Biên bản xác minh tại Công an xã Nghĩa Bình cung cấp thì chị P có tham gia chơi đánh bạc vào ngày 30/12/2016 bị Công an huyện Bù Đăng bắt và bị xử phạt theo quy định pháp luật, theo nguồn tin nhân dân cung cấp thì chị P vẫn có đánh bài, Công an xã đang theo dõi. Qua lời khai của cháu Chí Lâm Ngọc A cháu khai: cháu là con ruột của ba Chí Khánh Khín và mẹ Nguyễn Thị P, cháu A xác nhận trong thời gian cháu ở với mẹ cháu thì mẹ cháu đón cháu đi học về không đúng giờ có lúc để cháu ở trường đến tối mới đón cháu đi học về, khi đó ở trường không còn ai chỉ có một mình cháu, khi cháu ở với mẹ cháu thì mẹ còn đánh cháu. Cháu có gọi điện thoại cho ba cháu về đón cháu đi ở với ba cháu, cháu không muốn ở với mẹ cháu. Khi ba cháu về thăm cháu và thì tự nguyện cháu đi theo ba, không có ai ép buộc. Hiện nay cháu có nguyện vọng ở với ba cháu, cháu không muốn ở với mẹ cháu. Lý do ba cháu quan tâm, chăm sóc cháu nhiều hơn.

Như vậy, Theo quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình có căn cứ xác định chị P không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Chí Lâm Ngọc A.

Phía anh K hiện có nghề nghiệp nấu ăn, hiện nay anh đang nấu ăn cho nhà hàng và anh còn buôn bán quán ăn sáng có thu nhập trung bình tổng cộng khoảng gần 20.000.000đ/tháng. Cháu A ở với anh thì còn có ông bà nội giúp đỡ. Hơn nữa hiện nay, anh chưa lập gia đình, anh có nơi ở ổn định. Đảm bảo điều kiện cho anh K trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A để cháu có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Phía cháu A hiện nay cũng có nguyện vọng mong muốn được ở với ba cháu là anh K.

Từ những phân tích nêu trên, cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn anh K. Buộc chị P phải giao cháu A cho anh K trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục là phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là đúng quy định của pháp luật và cùng với nhận định của Hội đồng xét xử nên cần được chấp nhận.

[3] Về cấp dưỡng: Không yêu cầu nên không xem xét.

[4] Về án phí: Đương sự phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 28, 35, 39, 147, 266, 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;

- Căn cứ các Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án ngày 30/12/2016.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Chí Khánh K về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Giao cháu Chí Lâm Ngọc A, sinh ngày 30/9/2009 cho anh Chí Khánh K trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được thực hiện theo quy định tại Điều 81,82,83,84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

2. Về cấp dưỡng: không yêu cầu nên không xem xét.

3. Về án phí: Buộc chị Nguyễn Thị P phải chịu 300.000 đồng án phí HNGĐ – ST. Chi cục thi hành án dân sự huyện Bù Đăng hoàn trả lại cho anh Chí Khánh K số tiền tạm ứng án phí mà anh đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0021848, ngày 20/3/2018.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

286
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 65/2018/HNGĐ-ST ngày 18/09/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:65/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bù Đăng - Bình Phước
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 18/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về