Bản án 69/2019/DS-PT ngày 20/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 69/2019/DS-PT NGÀY 20/06/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT

Vào ngày 20 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 71/2019/TLPT-DS ngày 18 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2018/DS-ST ngày 01 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam bị kháng nghị, kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 455/2019/QĐ-PT ngày 27/5/2019, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Lê Viết G, sinh năm 1933; có mặt. Cư trú tại: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Kiến Q, sinh năm 1963, trú tại: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam, có mặt. (Theo văn bản ủy quyền ngày 20/11/2017)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Viết G: Ông Lê Tùng M, Luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật Hội luật gia tỉnh Quảng Nam; trú tại: thành phố Đà Nẵng; có mặt.

* Bị đơn: Ông Lê Viết K, sinh năm 1957; có mặt.

Cư trú tại; phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

- Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Viết K: Ông Bùi Anh N; cư trú tại: tỉnh Quảng Nam (Theo văn bản ủy quyền ngày 22/12/2017); có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Viết Đ, sinh năm 1952; có mặt.

2. Ông Lê D, sinh năm 1952; có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê D: Ông Lê Tùng M, Luật sư Trung tâm tư vấn pháp luật Hội luật gia tỉnh Quảng Nam; trú tại thành phố Đà Nẵng; có mặt.

3. Bà Lê Thị H, sinh năm 1968; có đơn xét xử vắng mặt

4. Ông Lê S, sinh năm 1969; có đơn xét xử vắng mặt. Cùng trú tại: phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

5. Bà Lê Thị Y, sinh năm 1955; Vắng mặt.

Trú tại: phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

6. Bà Lê Thị N, sinh năm 1958; có mặt. Trú tại: thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

7. Bà Lê Thị A, sinh năm 1964; Vắng mặt.

Trú tại: phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A, bà Lê Thị H, ông Lê S là ông Lê D, sinh năm 1952; địa chỉ: phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam; có mặt. (Theo văn bản ủy quyền ngày 12/4/2018).

8. Bà Trần Thị N1, sinh năm 1957; vắng mặt.

9. Ông Lê Viết L, sinh năm 1974; có mặt.

10. Bà Trần Thị N2, sinh năm 1978; có mặt.

11. Ông Lê Viết S, sinh năm 1976; có mặt.

12. Bà Lê Thị Ngọc O, sinh năm 1986; có mặt.

Cùng trú tại phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

13. Ủy ban nhân dân thành phố H;

Địa chỉ: thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn D; Chức vụ: Chủ tịch; có đơn xin xét xử vắng mặt.

Do có Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam và kháng cáo của bị đơn ông Lê Viết K; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị H, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 18/10/2017, đơn khởi kiện bổ sung, các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Lê Viết G và người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Cha mẹ ông là Lê Viết B (chết năm 1985) và Lê Thị C (chết năm 1993) sinh được 4 người con là Lê Thị C1, Lê Viết G, Lê Viết Đ và Lê Viết K. Bà Lê Thị C1 chết năm 2014, có chồng là Lê L, chết năm 1985 và có 6 người con là: Lê D, Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A, Lê Thị H và Lê S. Sinh thời cha mẹ ông tạo lập được một ngôi nhà gắn liền với diện tích đất 2.932 m2, theo hồ sơ201/CP thuộc thửa đất số 98, tờ bản đồ số 06 tại phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 06/11/1985 cha ông chết không để lại di chúc, mẹ ông quản lý, sử dụng ngôi nhà gắn liền với diện tích đất này để thờ cúng ông bà. Ngày 24/9/1993, mẹ ông cùng ông, ông K và ông Đ họp bàn lập khế ước thừa kế để phân chia tài sản và phân công trách nhiệm trong việc thờ cúng ông bà, mẹ ông là Lê Thị C đã điểm chỉ vào khế ước do ông K tự lập, ông là người chứng kiến và ký vào khế ước này. Ngày 13/10/1993 mẹ ông chết, em ông là Lê Viết K quản lý, sử dụng nhà cửa để thờ cúng ông bà. Tuy nhiên, hiện nay ông K không thực hiện đúng nội dung bản khế ước thừa kế, ông K đã tự ý tách thửa đất nêu trên để chuyển nhượng cho con trai là Lê Viết L sử dụng và gia đình ông Lưỡng đã xây dựng một khu biệt thự du lịch trên đất.

Trong tổng diện tích đất do cha mẹ ông tạo lập có một phần đất nằm phía sau nhà diện tích khoảng 752 m2 đã được giao cho ông Đ trọn quyền sử dụng nên ông không yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất này, diện tích đất còn lại khoảng 2.180 m2 gắn liền với ngôi nhà dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên do ông K quản lý, sử dụng nhưng đã không thực hiện việc thờ cúng tổ tiên ông bà được tốt nên ông khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế.

Diện tích đất mà ông K đang sử dụng được đăng ký theo hồ sơ 64/CP thuộc thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05 tại khối T, phường C, thành phố H, đến nay ông mới biết diện tích này UBND thành phố H đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 ngày 20/01/1995 cho hộ ông K và được đăng ký biến động ngày 09/7/2008 với diện tích là 2223,3 m2. Do đó, ông Lê Viết G khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy bản khế ước thừa kế ngày 24/9/1993;

- Chia thừa kế cho ông bằng hiện vật đối với ngôi nhà gắn liền với diện tích đất 2.223,3 m2 thuộc thửa đất số 98, tờ bản đồ số 06, tại khối phố T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam do cha mẹ ông là Lê Viết B và Lê Thị C để lại có đăng ký theo hồ sơ 201/CP và thuộc thửa đất số 393, tờ bản đồ số 5, tại khối T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam do ông Lê Viết K đăng ký theo hồ sơ 64/CP và đã được Ủy ban nhân dân thành phố H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 ngày 20/01/1995 cho hộ ông Lê Viết K, sau được điều chỉnh biến động thành diện tích 2.223,3 m2. Đối với diện tích đất khoảng752 m2 mẹ ông đã giao quyền sử dụng cho ông Lê Viết Đ nằm vị trí phía sau nhà ở của cha mẹ ông thì ông không yêu cầu chia thừa kế.

- Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 do Ủy ban nhân dân thị xã H (nay là Ủy ban nhân dân thành phố H) cấp cho hộ ông Lê Viết K ngày 20/01/1995.

Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, bị đơn ông Lê Viết K và người đại diện theo ủy quyền của ông trình bày:

Nguyên thửa đất hiện nay đang tranh chấp là của cha mẹ ông Lê Viết K là Lê Viết B và Lê Thị C sử dụng từ trước năm 1975. Năm 1985 cha ông K chết không để lại di chúc, đến ngày 24/9/1993 mẹ ông K và 03 anh em là ông G, ông Đ và ông K họp lại và lập văn bản phân chia thừa kế, cụ thể: Ông Đ được nhận 02 sào đất ở phía sau lưng nhà có tứ cận: Phía Nam giáp nhà đang ở, phía Tây và Bắc giáp đường lộ, phía Đông giáp vườn chị Lê Thị N2. Ông K được nhận ngôi nhà của cha mẹ và phần đất con lại phía trước để lo hương khói. Ông G lúc đó đã có nhà cửa ở riêng nên không nhận đất.

Văn bản này được lập thành 04 bản có Ban nhân dân thôn và UBND xã C xác nhận. Sau khi lập văn bản phân chia tài sản thì mẹ ông K chết, đến năm 1994 khi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo Nghị định 64/CP ông K kê khai diện tích 2.180 m2 tại thửa 393, tờ bản đồ số 05, ông Đ kê khai thửa 379, tờ bản đồ số 5, diện tích 910 m2.

Ngày 20/01/1995 ông K được Ủy ban nhân dân thị xã H (nay là thành phố H) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 ngày 20/01/1995 diện tích 2.180 m2 tại thửa 393, tờ bản đồ số 05. Ngày 09/7/2008 ông K đăng ký biến động điều chỉnh diện tích đất nói trên thành 2.223,3 m2. Ngày 16/4/2014 UBND thành phố H cho phép tách thửa đất số 393 thêm 01 thửa đất mới là thửa 178, diện tích 977 m2 và ông K đã tặng cho con trai là ông Lê Viết L sử dụng. Như vậy diện tích đất hiện nay ông K đang sử dụng là 1.246,3 m2. Nay ông G khởi kiện, ông K không đồng ý, vì phần thừa kế của cha ông K để lại đã được mẹ ông K để lại cho ông K và ông Đ, các anh em ông K gồm ông G, ông K và ông Đ đã ký vào khế ước này.

Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và là người đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A, bà Lê Thị H, ông Lê S là ông Lê D trình bày:

Bà Lê Thị C1 (chết năm 2014) là con đầu của cụ Lê Viết B (chết năm 1985) và cụ Lê Thị C (chết năm 1993). Lúc sinh thời, cụ B và cụ C có tạo lập được một ngôi nhà gắn liền với diện tích đất 2.932 m2 thuộc thửa đất số 98, tờ bản đồ số 06 tại khối T, phường C, thành phố H theo hồ sơ 201/CP.

Ngày 06/11/1985 cụ B chết không để lại di chúc, cụ C quản lý và sử dụng nhà đất để thờ cúng ông bà. Trong lúc cụ C đau ốm, không biết gì thì ông G, ông Đ và ông K đã tự lập khế ước thừa kế phân chia tài sản và phân công trách nhiệm thờ cúng ông bà mà không phân chia tài sản cho mẹ ông là bà Lê Thị C1.

Vì vậy, ông đại diện cho các con của bà C1 yêu cầu Tòa án hủy bản khế ước thừa kế ngày 24/9/1993 và chia di sản thừa kế của cụ B và cụ C là ngôi nhà gắn liền diện tích đất 2.223,3 m2 tại thửa đất số 98, tờ bản đồ số 06, khối phố T, phường C, thành phố H cho bà C1, mà các con của bà C1 là người nhận. Đối với diện tích đất trước đây đã cho ông Đ thì ông đại diện cho những người con của bà C1 không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Viết Đ trình bày:

Ông là con của cụ Lê Viết B và cụ Lê Thị C, sau khi cha chết, mẹ ông có lập di chúc cho ông và anh Lê Viết K mỗi người một phần đất. Riêng ông, lúc đó được mẹ cho diện tích đất khoảng 752 m2. Nay anh ông là Lê Viết G yêu cầu chia thừa kế, ông không yêu cầu chia di sản do cha mẹ để lại cho ông nữa vì phần của ông đã được nhận rồi. Riêng phần đất ông được nhận, ông đã bán bớt một phần, phần còn lại con cái và vợ chồng ông sinh sống.

Tại các văn bản có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố H trình bày:

Thửa đất nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 ngày 20/01/1995 có nguồn gốc: Theo hồ sơ đăng ký 201/CP là một phần của thửa số 98, tờ bản đồ số 6, diện tích 2.932 m2, loại đất thổ cư do cụ Lê Viết B kê khai, đăng ký; theo hồ sơ Nghị định 64/CP là thửa đất số 393, tờ bản đồ số 5, diện tích 2.180 m2, loại đất thổ cư do ông Lê Viết K kê khai, đăng ký.

Khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Viết K, UBND thành phố H đã căn cứ trên cơ sở hồ sơ kê khai đăng ký theo Nghị định 64/CP và biên bản họp xét giao đất của Hội đồng xét giao đất xã C (cũ), đồng thời tại thời điểm xét giao đất cho ông Lê Viết K tại thửa đất trên không có tranh chấp, khiếu nại. Do đó, việc UBND thị xã H (nay là thành phố H) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 ngày 20/01/1995 cho ông Lê Viết K là đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 31/2018/DS-ST ngày 01/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định:

Căn cứ vào các điều 26, 34, khoản 2 Điều 157, Điều 158, khoản 2 Điều 165, Điều 166 của Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 11, 14, 15, 612, 613, 620, 643 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, 14, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Viết G và ông Lê D về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt”, phân chia phần di sản thừa kế của cụ Lê Viết B và Lê Thị C để lại gồm ngôi nhà (ký hiệu số 1 và số 2) gắn liền với diện tích đất 2223,3 m2 tại thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, tại khối T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

- Hủy bản Khế ước thừa kế ngày 24/9/1993;

- Giao cho ông Lê Viết G được quản lý, sử dụng diện tích đất 217,1 m2 tại thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, tại khối T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam và tài sản gắn liền trên diện tích đất 217,1 m2 gồm: 01 trụ cổng xây gạch 0,5 m3, 01 cổng sắt đẩy (4m x 1,4m), 01 mái che tôn (10,2m x 2,5m) và 03 cây cau có quả. Ông Lê Viết G có trách nhiệm thối trả giá trị tài sản trên đất cho vợ chồng ông Lê Viết K với số tiền là 8.330.000đ (Tám triệu ba trăm ba mươi ngàn đồng) (có sơ đồ bản vẽ diện tích đất được chia kèm theo).

- Giao cho ông Lê Viết K được tiếp tục quản lý, sử dụng ngôi nhà (ký hiệu số 1 và số 2) gắn liền với diện tích đất còn lại là 1029,2 m2 tại thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, tại khối T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam (Có sơ đồ bản vẽ kèm theo).

- Ông Lê Viết K có trách nhiệm thối trả số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thừa kế cho ông Lê Viết G là 1.162.523.900 (Một tỷ một trăm sáu mươi hai triệu năm trăm hai mươi ba nghìn chín trăm đồng). Sau khi đối trừ phần tài sản của ông K gồm: 01 trụ cổng xây gạch 0,5m3, 01 cổng sắt đẩy (4m x 1,4m), 01 mái che tôn (10,2m x 2,5m) và 03 cây Cau có quả mà ông G được nhận. Ông Lê Viết K phải thối trả cho ông Lê Viết G số tiền còn lại là: 1.154.193.900 đ (Một tỷ một trăm năm mươi tư triệu một trăm chín mươi ba nghìn chín trăm đồng).

- Ông Lê Viết K có trách nhiệm thối trả số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thừa kế cho các con của bà Lê Thị C1 gồm: Lê D, Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A, Lê Thị H và Lê S mỗi người với số tiền là: 666.529.000đ (Sáu trăm sáu mươi sáu triệu năm trăm hai mươi chín nghìn đồng).

- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 do Ủy ban nhân dân thị xã H (nay là Ủy ban nhân dân thành phố H) cấp cho hộ ông Lê Viết K ngày 20/01/1995.

- Bác yêu cầu khởi kiện của ông Lê Viết G và ông Lê D về việc chia thừa kế đối với di sản thừa kế của cụ Lê Thị C.

- Chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản: Ông Lê Viết G phải chịu 1.110.000đ, số tiền này ông đã nộp tạm ứng tại Tòa án. Ông Lê Viết K có trách nhiệm hoàn trả chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản cho ông Lê Viết G với số tiền là 6.659.000đ (Sáu triệu sáu trăm năm mươi chín nghìn đồng). Các con của bà Lê Thị C1 gồm: Lê D, Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A, Lê Thị H và Lê S mỗi người có trách nhiệm hoàn trả chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản cho ông Lê Viết G với số tiền là 185.000đ (Một trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn vêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo.

- Ngày 14-11-2018, ông Lê Viết K, bà Lê Thị H, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A kháng cáo Bản án Dân sự sơ thẩm số 31/2018/DS-ST ngày 01/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam với nội dung: Ông K kháng cáo cho rằng Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông và hủy khế ước là không đúng; ông G đã từ bỏ quyền thừa kế tài sản của cha tôi để lại, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại một phần bản án dân sự sơ thẩm; các bà Hoa, Yến, Nhạn, Anh yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, đề nghị chia diện tích đất làm 03 phần và chia bằng hiện vật.

- Ngày 15-11-2018 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam có Quyết định kháng nghị số 04/QĐKNPT-DS với nội dung: Phần di sản ông Lê Viết G được hưởng từ ông B, ngày 24/9/2013 ông G đã ký vào Khế ước thừa kế đồng ý giao toàn bộ tài sản của cha mẹ cho hai em K và Đ trọn quyền sử dụng, Tòa án hủy khế ước chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông G là không đúng ảnh hưởng quyền lợi ông K; theo khế ước ông Đ cũng đã ký giao toàn bộ tài sản cho ông K nhưng Tòa án chia kỷ phần của ông K cho bà C, ông G, ông K, bà C1 là không đúng; việc chia di sản của ông B cho bà C1 là đúng; việc hủy khế ước và hủy Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông K là không đúng; buộc bị đơn chịu chi phí giám định, định giá không đúng; chưa khấu trừcông sức cho ông K; phần diện tích đất 977 m2 của ông Lưỡng Tòa án chưa giải quyết; yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại hủy toàn bộ Bản án Dân sự sơ thẩm số 31/2018/DS-ST ngày 01/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Tại phiên tòa nhưng người kháng cáo giữ yêu cầu kháng cáo, kiểm sát viên rút một phần kháng nghị.

Ông Lê Viết K và đại diện theo ủy quyền ông K trình bày: Ông bổ sung kháng cáo cho rằng: Năm 2014 chị tôi bà Lê Thị C1 đã rút toàn bộ yêu cầu tranh chấp đất với tôi và nộp đơn tại Văn phòng đăng ký đất đai H; việc tôi tách thửa và cho đất con trai tôi để kinh doanh tăng thêm thu nhập có tiền để hương khói ông bà là phù hợp với ý nguyện của mẹ; sau khi mẹ mất tôi đã thực hiện theo lời mẹ lo hương khói cho ông bà; việc khởi kiện của nguyên đơn - ông G đối với nhà đất của tôi là không đúng; Bản khế ước của mẹ tôi lập khi đó có cùng 03 anh em là ông G, ông Đ và tôi cùng lập, cùng ký và mẹ tôi điểm chỉ, sau đó cả 03 anh em cùng đi ký ở Ban nhân dân thôn và lên UBND xã Cẩm Nam để ký làm bốn bản, UBND xã giữ một bản, 3 anh em tôi mỗi người giữ một bản Khế ước ngày 24/9/1993; tôi đề nghị tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông G và các người con của chị tôi là bà C1, sửa bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Ông Lê Viết G và đại diện theo ủy quyền của ông G trình bày: Ông thừa nhận ngày 24/9/1993 ông có tham gia và cùng ký vào bản khế ước thừa kế do ông K lập cùng với ông Đ, ông K và mẹ ông điểm chỉ vào bản khế ước; tuy nhiên từ năm 2014 ông K đã tự ý tách đất cho con trai làm khách sạn nhưng không thông qua ý kiến của ông. Ông đã khiếu nại đến UBND phường Cẩm Nam và TAND thành phố H đề nghị giải quyết không được nên ông khởi kiện đề nghị tòa án chia thừa kế di sản của cha mẹ để lại.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông G trình bày: Khế ước lập ngày 24/9/1993 khi bà C đã gần mất, còn bà C1 là con của ông B bà C nhưng bà C1 không tham gia, khế ước lập chưa đúng quy định pháp luật, do vậy việc hủy khế ước ngày 24/9/1993, đồng thời hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông K là đúng. Hiện nay giá đất tranh chấp đã cao hơn so với giá đất được định giá vào tháng 5/2018, để đảm bảo quyền lợi cho những người được hưởng thừa kế, đề nghị định giá đất lại. Ông G hiện nay phải đi ở nhà thuê không có nơi thờ phụng ông bà do vậy đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ông Lê Viết Đ trình bày: Tôi là người làm nông trung thực có gì nói nấy. Nhà đất hiện nay tranh chấp có nguồn gốc của cha mẹ tôi. Ngày 24/9/1993 mẹ tôi sau khi đã họp gia đình và thống nhất chia nhà đất cho tôi và ông K, khi đó chị gái tôi là bà C1 đã có gia đình ở riêng; anh trai tôi là Lê Viết G cũng có nhà đất ở phố ở riêng; 3 anh em ông G, tôi (Đ) và ông K cùng với mẹ tôi bà Lê Thị C đã lập khế ước thừa kế nhà đất, tôi được nhận 02 (hai) sào đất phía sau, ông K là con trai út và là người nuôi dưỡng chăm sóc mẹ khi đau ốm và tuổi già cho đến khi mẹ mất được mẹ cho 03 sào đất phía trước cùng toàn bộ nhà đất. Nhà khi đó vừa ở vừa thờ ông bà. Năm 1993 giá đất nông nghiệp khi đó rất rẻ không có giá trị mấy; tôi đã nhận đất diện tích khoảng 910 m2 và đã bán phần nhiều hiện nay chỉ còn khoảng 200 m2 để ở. Đối với ông K đã kê khai làm giấy tờ chuyển thành đất ở toàn bộ diện tích, sau đó cho con trai một phần để kinh doanh khách sạn còn lại để ở. Việc ông G và các con bà C1 kiện chia thừa kế di sản của cha mẹ tôi là không đúng vì toàn bộ tài sản của cha mẹ tôi đã được 03 anh em tôi và mẹ tôi định đoạt giao cho tôi và ông K.

Ông Lê D trình bày: Ông đại diện cho tất cả các chị em con của bà C1 có yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản là nhà và đất của ông K gồm 2.223,3 m2 đất và nhà ở trên đất cho 03 người bằng nhau là ông G, ông K và bà C1 và chia bằng hiện vật; đối với ông Đ đã từ chối nhận di sản. Đối với diện tích đất 910 m2 của ông Đ chúng tôi không yêu cầu chia mà để cho ông Đ.

Bà Lê Thị N bổ sung ý kiến: Khi còn sống mẹ tôi bà C1 cũng qua lại trông nom, chăm sóc bà ngoại tôi là bà Lê Thị C chứ không riêng gì ông K, khi lập khế ước ngày 24/9/1993 thì mẹ tôi không biết; khi mẹ tôi bị tai nạn nằm một chỗ đã yêu cầu ông K trích chia 100m2 đất cho mẹ tôi, tôi đề nghị chia thừa kế toàn bộ diện tích nhà đất của ông K.

Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án: Quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm từ khi thụ lý đến trước khi nghị án và đến thời điểm hiện nay, Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật. Về nội dung, rút một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam về phần di sản ông G được hưởng của cụ B, về phần hủy giấy chứng nhận của ông K, về phần di sản của ông Đ. Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế di sản của ông B cho bà C1 những người con bà C1 thừa kế thế vị là đúng, việc chia thừa kế chưa tính công sức duy tu bảo dưỡng nhà đất của ông K, diện tích đất ông K tặng cho con trai Lê Viết L chưa xem xét; đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 BLTTDS hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu và xem xét các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Đại diện theo pháp luật UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam; bà Lê Thị H; ông Lê S có đơn xin xét xử vắng mặt; ông Lê Viết G có đơn xin rút kháng cáo ngày 22/11/2018 tại phiên tòa ông G và đại diện hợp pháp ông G xác nhận việc rút đơn kháng cáo; Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt và đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của ông G theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Tại phiên tòa phúc thẩm và đơn đề ngày 18/6/2019, người bảo vệ quyền lợi cho ông Lê Viết G và ông Lê D đại diện cho các con bà C1, luật sư Lê Tùng Mậu có đơn đề nghị định giá lại giá trị tài sản thừa kế; xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành định giá tài sản theo đúng quy định của BLTTDS; tham gia có các ông Lê Viết G, ông Lê D, ông Lê Viết K, bà Trần Thị N1; các đương sự đã thống nhất giá Hội đồng định giá đã định giá đối với đất theo giá nhà nước và giá thị trường tại thời điểm định giá sơ thẩm; nay ông Lê Tùng Mậu có đơn đề nghị định giá lại là không có cơ sở để chấp nhận. Tại phiên tòa, ông Lê Viết K bổ sung kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chia kỷ phần thừa kế của ông Lê Viết B cho bà Lê Thị C1 do năm 2014 bà C1 đã có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu tranh chấp đất đai đối với ông Lê Viết K, nội dung bổ sung kháng cáo mới của ông K vượt quá yêu cầu kháng cáo ban đầu, do vậy Hội đồng xét xử không xem xét; Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã rút một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, do vậy Hội đồng xét xử đình chỉ đối với các nội dung kháng nghị đã bị rút theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTDS.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của các đương sự và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, thấy:

[2.1] Ông Lê Viết B chết 1985, bà Lê Thị C chết 1993 theo quy định tại Điều 623, Điều 688 bộ luật dân sự 2015 thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của ông B, bà C để lại vẫn còn; ông B bà C có 04 người con chung: Bà Lê Thị C1 chết năm 2014, ông Lê Viết G, ông Lê Viết Đ, ông Lê Viết K; bà C1 có chồng là Lê L chết năm 1985 và có 06 người con là: Lê D, Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A, Lê Thị H và Lê S.

[2.2] Theo lời khai thống nhất của các đương sự cụ B và cụ C khi còn sống tạo lập được một ngôi nhà gắn liền với diện tích đất 2.932 m2, tại thửa đất số 98, tờ bản đồ số 6, loại đất thổ cư (Theo hồ sơ 201/CP); đăng ký theo Nghị định 64/CP diện tích đất này thuộc thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, diện tích 2.180 m2 do ông Lê Viết K kê khai và đăng ký biến động tăng thành diện tích 2.223,3 m2 và thửa đất 910 m2 do ông Lê Viết Đ kê khai, đăng ký; theo đơn khởi kiện ông Lê Viết G và ông Lê D yêu cầu chia tài sản ngôi nhà gắn liền với diện tích đất là 2.180 m2 (sau biến động tăng là 2.223,3 m2). Ngày 16/4/2014 UBND thành phố H tách thửa 393 thêm một thửa 178 có diện tích là 977 m2 do ông K tặng cho con trai Lê Viết L sử dụng; diện tích hiện nay ông K còn 1.246,3 m2. Ông B, bà C mỗi người được ½ tài sản chung.

[2.3] Ngày 24/9/1993 bà Lê Thị C cùng các con trai là Lê Viết G, Lê Viết Đ, Lê Viết K đã lập Khế ước thừa kế có nội dung: “Tôi tên Lê Thị C 87 tuổi hiện ở tại tổ 3 Thôn T, xã C, thị xã H, Quảng Nam Đà Nẵng. Nguyên vợ chồng tôi sinh được ba người con trai: Con trưởng thứ nhất là Lê Viết G, con thứ hai là Lê Viết Đ, con út là Lê Viết K. Vợ chồng tôi đã chung sống làm ăn đã tạo lập một khu đất là 05 sào và xây dựng nhà cửa đoàn hoàn. Chẵn may chồng tôi tuổi già đã qua đời, từ đó đến nay, người con út Lê Viết K lo phụng dưỡng cho vợ chồng tôi tuổi về già. Hiện nay tôi xét về sức tôi không còn sống được bao lâu nữa, cũng sắp ngày cận địa viển thiên, do vậy tôi lập văn bản và di chúc để lại người thừa kế phụng tự hương khói ông bà. Tôi đã họp các con lại và quyết định phân chia cho người con thứ là Lê Viết Đ (2) hai sào đất ở phía sau lưng nhà tôi. Đông tây tứ cận: nam cận nhà Tôi đang ở, tây và bắc cận đường hương lộ, đông giáp vườn chị Lê Thị N2. Giao cho người con thứ là Lê Viết Đ trọn quyền xử dụng. Ngôi nhà của vợ chồng đã tạo lập, tôi quyết định cho con út Lê Viết K ở thờ phượng hương khói cho ông bà và vợ chồng tôi và khu đất còn lại phía trước làm đất hưởng quả giao trọn quyền cho người con út Lê Viết K. Đứng thừa kế lo hương khói sau khi tôi qua đời. Người con trưởng của tôi là Lê Viết G tuy tôi không lo nhưng nó đã có cơ ngơi riêng rẻ đàn hoàn, lắm lúc vợ chồng nó về còn hổ trợ cho tôi khi đâu ốm. Tôi cũng rất mừng trước khi tôi được nhắm mắc theo ông bà, đã được thấy các con tôi được cơ ngơi riêng rẽ rất là nề nếp điều tôi vui nhất là thấy được anh em nó hết sức hòa thuận vói nhau, cũng như các con làm theo nguyện ước di chúc của tôi để lại một khi tôi được nhắm mắc theo ông bà là tôi rất mãng nguyện lắm. Do vậy tôi kính xin Ủy ban xã Xác minh cho lời ước nguyện để khởi trở ngại về sau. Trân trọng kính đơn. Văn thư này tôi lập thành bốn (4) bản. Trước hết nhờ ủy ban giữ một bản và 3 bản còn lại cho các con mỗi đứa giữ (1) một bản để làm bằng chứng. T ngày 24/9/1993 người lập điểm chỉ tay mẹ Lê Thị C. Các con Lê Viết G, Lê Viết Đ, Lê Viết K ký tên”. Khế ước được Ban nhân dân thôn T xác nhận ngày 08/10/1993 và UBND xã C xác nhận ngày 08/10/1993.

Khế ước thừa kế được lập bởi bà C, ông G, ông Đ, ông K ngày 24/9/1993 là hợp pháp đúng ý nguyện của bà C, ông G, ông Đ, ông K do vậy có hiệu lực đối với bà C, ông G, ông Đ, ông K. Đối với bà Lê Thị C1 không tham gia ký vào bản khế ước, theo nội dung khế ước thì bà C cho rằng đã họp với các con lại và quyết định phân chia, nhưng không có căn cứ cho rằng bà C1 đã đồng ý nội dung của Khế ước; do vậy, Khế ước bị vô hiệu và không có hiệu lực đối với phần thừa kế di sản của ông B để lại mà bà C1 được hưởng theo pháp luật và chưa được bà C1 đồng ý giao cho hai ông là ông Đ bà ông K như bản Khế ước. Tòa án cấp sơ thẩm đã hủy toàn bộ Khế ước là không đúng, lẽ ra chỉ tuyên vô hiệu một phần đối với di sản mà bà C1 được hưởng theo pháp luật di sản của ông B để lại. Tòa án sơ thẩm chia thừa kế cho ông G phần di sản của ông B để lại là không đúng pháp luật, vì ông G đã giao phần thừa kế tài sản của ông B và bà C cho hai ông Đ và ông K; việc ông G cho rằng ông K đã tách đất cho con là không đúng di chúc vì đất của hương hỏa là không có căn cứ; đối với việc chia thừa kế tài sản của ông B cho bà C1 là có cơ sở. Do vậy chấp nhận kháng cáo của ông Lê Viết K và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, sửa bản án sơ thẩm.

[2.4] Ông Lê Viết K sau khi được thừa kế di sản là nhà đất theo Khế ước đã kê khai theo Nghị định 64/CP thuộc thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, diện tích 2.180 m2 đăng ký biến động tăng thành diện tích 2.223,3 m2. Ngày 16/4/2014 UBND thành phố H tách thửa 393 thêm một thửa 178 có diện tích là 977 m2 ông K tặng cho con trai Lê Viết L sử dụng; diện tích hiện nay ông K còn 1.246,3 m2. Tòa án cấp sơ thẩm đã hủy Giấy chứng nhận của ông Lê Viết K được cấp GCNQSDĐ số E 0109192 do UBND thị xã H cấp ngày 20/01/1995 là không đúng pháp luật, do vậy chấp nhận kháng cáo của ông Lê Viết K, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Lê Viết K.

[2.5] Việc chia di sản của ông B, bà C: Ông B chết năm 1985 phần tài sản ông B để lại theo quy định tại Điều 650, 651 BLDS 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất của ông B gồm các ông bà: bà C, ông K, ông Đ, bà C1, ông G mỗi người được hưởng 1/5 di sản ông B để lại.

Bà C chết năm 1993 phần tài sản của bà C để lại gồm ½ tài sản chung và phần tài sản bà C được hưởng từ ông B. Tuy nhiên, khi còn sống bà C đã lập “Khế ước thừa kế” theo đó bà C đã đồng ý giao toàn bộ phần tài sản của Bà cho ông K và ông Đ. Do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với tài sản bà C để lại; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đối với ông Lê Viết Đ đã từ chối nhận di sản thừa kế của cha mẹ theo biên bản ghi lời khai ngày 28/8/2018, sau khi xét xử sơ thẩm ông Đ không kháng cáo, do vậy không xem xét.

Đối với ông Lê Văn Giàu được hưởng phần di sản của ông B 1/5 di sản ông B để lại. Tuy nhiên đến ngày 24/9/1993, mẹ ông cùng ba anh em Đ, K, G đã lập “Khế ước thừa kế” theo đó ông đã ký xác nhận đồng ý giao toàn bộ tài sản của cha mẹ cho 2 em K và Đ được hưởng. Do đó phần di sản của ông G được hưởng từ ông B được chuyển giao cho hai ông K và Đ theo khế ước; do vậy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu chia thừa kế di sản của ông B cho ông Lê Viết G. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định do hủy khế ước nên ông G được thừa kế phần di sản để lại theo pháp luật của ông B và chia thừa kế cho ông G là không đúng thực tế khách quan vì ông đã khước từ quyền thừa kế của mình bằng việc giao cho hai em K và Đ toàn bộ tài sản của cha mẹ theo khế ước đã lập 24/9/1993 mà ông đã ký; do vậy chấp nhận kháng cáo của ông Lê Viết K, sửa án sơ thẩm bác yêu cầu chia thừa kế của ông Lê Viết G.

Đối với phần bà C1 được hưởng thừa kế của ông B là 1/5 di sản ông B để lại. Ngày 29/4/2014 bà C1 có đơn gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố H có nội dung: “Tôi viết đơn này xin các cấp không còn tranh chấp đất đối với em tôi là Lê Viết K gia đình tôi đã tự thỏa thuận giải quyết ổn thả. Tôi xin rút lại đơn tranh chấp về sau trở ngại Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật tôi viết đơn này xin quí cấp xét và tạo điều kiện giúp đỡ”. Tuy nhiên, đến nay các con của bà C1 vẫn tiếp tục khởi kiện yêu cầu chia thừa kế; mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm đã chia kỷ phần thừa kế tài sản của ông B cho các con bà C1 bằng tiền tương đương giá trị tài sản bà C1 được nhận là ¼ tài sản của ông B là không đúng, lẽ ra phải chia bằng 1/5 tài sản ông B mới đúng (Bà C1 đã chết 28/10/2014); nhưng ông Lê Viết K và các đương sự khác không kháng cáo về phần này; chỉ có các con bà C1 kháng cáo yêu cầu chia tài sản ông B bà C để lại và chia bằng hiện vật, kháng cáo không có căn cứ; do đó, cần giữ nguyên cách chia và giá trị phần thừa kế các con bà C1 được hưởng như bản án sơ thẩm. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo của các bà Lê Thị H, Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm.

[3] Về chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản là 8.879.000 đồng. Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Viết G không được chấp nhận nên căn cứ vào khoản 1 Điều 157, Điều 158, Điều 165, Điều 166 BLTTDS ông G và các con bà C1 phải chịu phần yêu cầu không được chấp nhận đối với di sản của bà Lê Thị C; tổng chi phí thẩm định xem xét tại chỗ và định giá: 8.879.000 đồng. Ông Lê Viết G phải chịu: 8.879.000 đồng x 37,5%= 3.329.625 đồng (25%+ 12,5%=37,5%) (Ba triệu, ba trăm hai mươi chín ngàn, sáu trăm hai lăm đồng) ông đã nộp tại Tòa án. Các người con bà C1: Các ông bà Lê D, Lê Thị N, Lê Thị Y, Lê Thị H, Lê Thị A, Lê S mỗi người phải chịu: 8.879.000 đồng x 37,5%: 6= 554.937,5 đồng (Năm trăm năm mươi bốn ngàn, chín trăm ba mươi bảy đồng); ông Lê Viết K phải chịu 8.879.000 đ x 25% = 2.219.750 đồng (Hai triệu, hai trăm mười chín ngàn, bảy trăm năm mươi đồng). Ông G đã tạm ứng toàn bộ chi phí; do vậy, ông Lê Viết K phải hoàn trả cho ông G 2.219.750 đồng chi phí, ông Lê D, bà Lê Thị N, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị H, bà Lê Thị A, ông Lê S phải hoàn trả cho ông G mỗi người 554.937,5 đồng tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Những người kháng cáo không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông Lê D, sinh năm 1952; bà Lê Thị Y, sinh năm 1955; bà Lê Thị N, sinh năm 1958 có đơn xin miễn án phí do vậy được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm. Bà Lê Thị H, ông Lê S, bà Lê Thị A mỗi người phải chịu 300.000 đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được trừ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 26, khoản 2 Điều 157, Điều 158, khoản 1 Điều 165, Điều 166, Điều 296, Điều 298, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ vào các Điều 11, 14, 612, 613, 620,623, 624, 625, 626, 643, 650, 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 12, 14, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Viết G.

Đình chỉ một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Chấp nhận một phần kháng nghị số 04/QĐKNPT-DS ngày 15/11/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam; chấp nhận kháng cáo của ông Lê Viết K; Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Y , bà Lê Thị N,bà Lê Thị H, bà Lê Thị A. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 31/2018/DS-ST ngày 01/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Viết G và ông Lê D, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H, ông Lê S, bà Lê Thị A về việc: “Tranh chấp về thừa kề tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt”, phân chia phần di sản thừa kế của cụ Lê Viết B trong tài sản chung của ông Lê Viết B và bà Lê Thị C để lại gồm ngôi nhà (ký hiệu số 1 và số 2) gắn liền với diện tích đất 2223,3 m2 tại thửa đất số 393, tờ bản đồ số 05, khối T, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.

- Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lê Viết G, ông Lê D, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A, bà Lê Thị H, ông Lê S; tuyên bố: Bản Khế ước thừa kế ngày 24/9/1993 do bà Lê Thị C lập bị vô hiệu một phần đối với phần di sản của ông Lê Viết B mà bà Lê Thị C1 được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

- Bác (không chấp nhận) yêu cầu của ông Lê Viết G hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0109192 của Ủy ban nhân dân thị xã H (nay là Ủy ban nhân dân thành phố H) cấp cho hộ ông Lê Viết K ngày 20/01/1995.

- Bác (không chấp nhận) yêu cầu khởi kiện của ông Lê Viết G và ông Lê D, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị H, bà Lê Thị A, ông Lê S về việc chia thừa kế đối với di sản thừa kế của bà Lê Thị C.

- Ông Lê Viết K có trách nhiệm thối trả số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thừa kế cho các con của bà Lê Thị C1 gồm: Ông Lê D, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N, bà Lê Thị A, bà Lê Thị H và ông Lê S mỗi người được nhận số tiền là: 666.529.000đ (Sáu trăm sáu mươi sáu triệu, năm trăm hai mươi chín nghìn đồng).

- Chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản: Ông Lê Viết G phải chịu: 3.329.625 đồng (Ba triệu, ba trăm hai mươi chín ngàn, sáu trăm hai mươi lăm đồng) đã nộp xong. Ông Lê Viết K phải trả cho ông Lê Viết G số tiền: 2.219.750 đồng (Hai triệu, hai trăm mười chín ngàn, bảy trăm năm mươi đồng). Ông Lê D, bà Lê Thị Y, Lê Thị N, Lê Thị A, Lê Thị H, ông Lê S mỗi người phải hoàn trả chi phí xem xét, thẩm định và định giá tài sản cho ông Lê Viết G số tiền: 554.937 đồng (Năm trăm năm mươi bốn ngàn, chín trăm ba mươi bảy đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Viết G, ông Lê D, ông Lê Viết K, bà Lê Thị Y và bà Lê Thị N được miễn. Bà Lê Thị A, bà Lê Thị H và ông Lê S mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 30.661.000đ (Ba mươi triệu, sáu trăm sáu mươi mốt nghìn đồng).

Án phí dân sự phúc thẩm ông Lê D, bà Lê Thị Y, bà Lê Thị N được miễn. Bà Lê Thị A, bà Lê Thị H phải chịu 300.000 đ (Ba trăm ngàn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm; được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000203 và 0000201 ngày 16/11/2018 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam. Bà A, bà H đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự, Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

356
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 69/2019/DS-PT ngày 20/06/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy quyết định cá biệt

Số hiệu:69/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về