Bản án 78/2018/DSPT ngày 07/09/2018 về tranh chấp chia thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 78/2018/DSPT NGÀY 07/09/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 07 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 17/2017/TLPT-DS, ngày 01 tháng 11 năm 2017 về “Tranh chấp chia thừa kế”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2017/DSST ngày 28/07/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh B bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 25/2018/QĐ-PT ngày 02/01/2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1954.

Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh B. Bà T ủy quyền cho chị Lê Thị M, sinh năm 1985. Địa chỉ: Thôn N, xã N, huyện V, tỉnh BG. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Ông Phạm Tiến Q – Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Q – Đoàn Luật sư tỉnh B.

Bị đơn:

1. Ông Đỗ Tá T, sinh năm 1963. Có mặt;

2. Bà Ngô Thị H, sinh năm 1964. Có mặt;

3. Anh Đỗ Sơn T, sinh năm 1988. Vắng mặt;

4. Chị Đỗ Minh P, sinh năm 1985. Vắng mặt.

(Anh Thanh T, chị P ủy quyền cho bà H có mặt).

Các bị đơn cùng Địa chỉ: khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. UBND thị xã T, tỉnh B; do ông Nguyễn Mạnh C, chức vụ: Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã T đại diện theo ủy quyền. Vắng mặt;

2. Ông Nguyễn Thạc Y, sinh năm 1936 (là em ruột cụ T). Vắng mặt;

Điạ chỉ: Khu phố T, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

3. Chị Đào Thị C, sinh năm 1981 (là con gái bà T). Có mặt;

Nơi ĐKHKTT: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh B. Tạm trú: Khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

4. Anh Nguyễn Duy N, sinh năm 1981 (là chồng chị C). Vắng mặt;

Nơi ĐKHKTT: Thôn B, xã N, huyện T, tỉnh B. Tạm trú: Khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

5. Anh Đỗ Tá Thanh T, sinh năm 1979 (là con riêng cụ Tr). Có mặt;

Địa chỉ: Khu phố T, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

6. Ông Nguyễn Danh Đ, sinh năm 1948;

7. Anh Ngô Văn T, sinh năm 1974;

8. Anh Vũ Sơn N, sinh năm 1972;

Ông Đ, anh Thanh T và anh N đều vắng mặt.

Cùng Địa chỉ: Khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

9. Anh Đào Tiến H, sinh năm 1983. Vắng mặt; Nơi ĐKHKTT: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh B. Tạm trú: Khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

10. Ông Đào Tiến H, sinh năm 1954. Vắng mặt;

Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh B.

Những người có kháng cáo là: Bà Đỗ Thị T, anh Đỗ Tá Thanh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và tài liệu trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện như sau:

Phía nguyên đơn là chị Lê Thị M và bà Đỗ Thị T trình bày: Cụ Đỗ Tá Tr, sinh năm 1931 (chết năm 1999) và cụ Nguyễn Thị T, sinh năm 1932 (chết năm 2011) kết hôn năm 1953, sinh được 01 người con là bà Đỗ Thị T. Ông Đỗ Tá T ở với cụ Tr, cụ T từ khi vài tháng tuổi, được hai cụ chăm sóc, nuôi dạy đến khi trưởng thành. Ngoài ra, cụ Tr còn có một người con riêng với cụ Nguyễn Thị M là anh Đỗ Tá Thanh T theo giấy khai sinh cụ Tr đã kê khai. Anh Thanh T và cụ Tr không chung sống thường xuyên với nhau, chỉ thỉnh thoảng đi lại thăm nom. Ngoài những người con trên hai cụ không còn người con nào khác.

Hai cụ trước khi chết có lập di chúc năm 1977, tuy nhiên chỉ có bản phô tô đã giao nộp cho Tòa án còn bản chính bà không xuất trình được.Cụ Tr và cụ T khi chết để lại thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 253m2, 01 ngôi nhà cấp 4 lợp ngói và 01 nhà đổ trần ở phía tây thửa đất; (nguồn gốc của thửa đất do hai cụ mua của ông Lê Quang Đ và bà Lê Thị B năm 1974, có giấy mua bán bản gốc do bà giữ, bà đã nộp cho Tòa án); 01 bộ bàn ghế, 01 tủ chè và 01 sập gỗ; những tài sản này hiện do bà T quản lý, sử dụng. Năm 2001 bà và chồng là ông Đào Tiến H xây dựng trên thửa đất của hai cụ: 01 nhà trần ở phía Đông của thửa đất, lát sân, lợp mái tôn ở sân, cổng sắt; các con bà không có công sức đóng góp gì. Bà công nhận các tài sản xây dựng trên diện tích đất do ông T, bà H đang sử dụng hiện nay là do ông T, bà H xây dựng.

Khi còn sống cụ T gửi cụ Ý là cậu ruột bà số tiền 150.000.000đ (đây là số tiền riêng của cụ T chứ không phải là tiền của cụ T và cụ Tr). Khi cụ T chết, bà là người đứng ra chi phí mai táng, cúng 50 ngày, cúng giỗ hàng năm, sang cát xây mộ cho cụ T. Những khoản chi phí trên do bà đứng ra chi tiêu, ông Y đã đưa cho bà toàn bộ số tiền 150 triệu đồng do cụ T gửi trước đó; bà đã chi phí như nêu trên hết 125 triệu đồng, còn 25 triệu đồng, nay bà cũng đã chi tiêu hết, ông T đề nghị chia thừa kế số tiền này bà không đồng ý.

Sau khi cụ T chết, bà đã nhận số tiền là 83 triệu đồng là tiền nhà nước thu hồi ruộng của cụ Tr và cụ T, số tiền trên bà đã chia cho anh Thanh T 41.500.000đ; sau khi cụ T chết, từ năm 2011 đến nay, bà đã thu tiền của 03 người thuê nhà mỗi tháng là 2,5 triệu đồng. Nay ông T đề nghị chia số tiền trên và chia di sản do các cụ để lại bà không đồng ý. Nếu ông H là chồng bà phải chịu án phí thì bà xin chịu thay cho ông H.

Chị Mai đại diện theo ủy quyền cho bà T đề nghị Tòa giải quyết các yêu cầu sau:

- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ bà Nguyễn Thị T, thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2 (nay là thửa đất số 234 tờ bản đồ 93 diện tích 286,2m2) do cấp sai chủ sử dụng đất).

- Yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất trên cho các đồng thừa kế thứ nhất bao gồm: Phần di sản của cụ Tr chia cho 03 người là bà T, anh Thanh T và cụ T; Phần di sản của cụ T chia cho bà T.

- Yêu cầu ông T, bà H, anh Thanh T và chị P phải trả lại phần diện tích đất đang quản lý cho bà T. Ông T không phải là con nuôi hợp pháp của cụ Tr và cụ T nên không thuộc diện được chia thừa kế.

* Phía bị đơn là ông Đỗ Tá T, bà Ngô Thị H trình bày:

Ông bà thừa nhận lời trình bày của bà T về thời điểm các cụ kết hôn, năm sinh và năm chết của cụ Tr và cụ T là đúng. Ông gọi cụ Tr là chú ruột, vì cụ Tr không có con trai nên đã xin ông về nuôi từ khi ông mới được hai tháng tuổi. Sau khi hai cụ nhận nuôi ông thì có ra UBND xã Đ làm thủ tục cho, nhận con nuôi và đổi tên cho ông (trước tên ông là Đỗ Tá D, sau đó cụ Tr và cụ T đặt tên lại là Đỗ Tá Thực như hiện nay). Làm lại giấy khai sinh lấy tên bố là Đỗ Tá Tr và mẹ là Nguyễn Thị T, hiện ông đã bị mất giấy khai sinh nên không xuất trình cho Tòa án được. Cụ Tr và cụ T sinh được 01 người con chung là bà Đỗ Thị T. Cụ Tr có 01 con riêng với cụ Nguyễn Thị M là anh Đỗ Tá Thanh T. Bà T lấy chồng năm 1981 và ở nhà chồng từ đó đến nay, anh Thanh T ở cùng cụ M cũng không thường xuyên chung sống với cụ Tr.

Về nguồn gốc thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2 như bà T trình bày là đúng. Sau khi mua hai cụ ở trên thửa đất cho đến khi chết. Cụ Tr chết năm 1999 để lại: 04 gian nhà ngói, 01 gian nhà đổ trần ở hướng Tây của thửa đất, 01 bộ bàn ghế Á Âu, 01 sập gỗ gụ, 01 tủ chè, các tài sản này do bà T quản lý từ năm 2011 đến nay. Sau khi cụ Tr chết thì cụ T đã xây dựng thêm: 01 gian nhà trần 01 tầng ở hướng Đông của thửa đất, mái lợp tôn ở sân, cổng sắt; tiền mặt là 150.000.000đ (số tiền này do cụ Ý là em ruột của cụ T giữ); tiền đền bù ruộng của cụ Tr và cụ T là 83.000.000đ, do bà T nhận từ UBND phường Đ; bà T cho thuê nhà là tài sản của hai cụ mỗi tháng được 2.500.000đ từ năm 2011 đến nay là 06 năm, tổng cộng số tiền cho thuê là 180.000.000đ.

Hai cụ cho vợ chồng ông ở riêng trên phần diện tích đất ông đang ở hiện nay từ sau khi ông kết hôn với bà H tháng 8/1983; ông đóng thuế đất ở hàng năm phần diện tích 137m2; toàn bộ tài sản xây dựng trên phần diện tích đất này do vợ chồng ông xây dựng, hai con ông không có công sức đóng góp.

Cụ Tr và cụ T còn sống có lập 01 bản di chúc chung ghi ngày 01/06/1997, bản gốc hiện nay do bà Đỗ Thị T giữ, bản phô tô ông đã xuất trình cho Tòa án.

Bà Ngô Thị H trình bày: Bà công nhận lời trình bày của ông T là đúng. Bà kết hôn với ông T năm 1983, sau khi kết hôn bà về ở cùng với cụ Tr và cụ T cho đến khi 2 cụ chết. Bà xác định phần tài sản là thửa đất diện tích 137m2 là tài sản riêng của 2 vợ chồng, đã được cụ Tr và cụ T cho vợ chồng bà khi ra ở riêng (các cụ nói cho, nhưng không có văn bản tặng cho), các tài sản xây dựng trên diện tích đất đang ở là do vợ chồng bà xây dựng.

Bà là đại diện ủy quyền của anh Thanh T, chị P trình bày: Hai con bà không có công sức đóng góp gì vào khối tài sản do vợ chồng bà xây dựng nên không có yêu cầu, đề nghị gì.

* Anh Đỗ Tá Thanh T trình bày: Anh là con cụ Đỗ Tá Tr và cụ Nguyễn Thị M, anh không rõ giữa cụ Tr và cụ M có đăng ký kết hôn hay không. Cụ Tr thường xuyên đi lại với cụ M. Cụ Tr chỉ có 2 con đẻ, là anh và bà T (con cùng cha khác mẹ). Theo anh biết, thì anh Thanh Thực có chung sống với cụ Tr và cụ T từ nhỏ, khi lấy vợ thì ra ở riêng. Đến khi trưởng thành anh được biết là ông T là con nuôi cụ Tr, cụ T; hai cụ chết để lại di chúc chung do 2 người cùng ký, lập năm 1997. Bản gốc của di chúc trước do anh giữ, hiện nay thì chưa tìm thấy, nên không xuất trình cho Tòa án được. Hai cụ chết để lại thửa đất và các tài sản như bà T trình bày là đúng. Anh đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T.

Theo anh, ông T không phải là con nuôi hợp pháp của cụ Tr, cụ T nên không được chia thừa kế. Các tài sản được xây dựng trên diện tích đất do ông T đang ở hiện nay, là do vợ chồng ông T xây dựng là đúng. Khi bà T nhận tiền đền bù đất ruộng của hai cụ có chia cho anh 41.500.000đ. Các tài sản là 01 nhà trần phía Đông của thửa đất, 01 bộ bàn ghế, sập gụ, tủ chè, mái lợp tôn ở sân, sân lát gạch, cổng sắt anh đồng ý cho bà T sử dụng mà không yêu cầu chia. Còn các tài sản khác anh đề nghị chia theo pháp luật.

Ông Nguyễn Thạc Y trình bày: Ông là em ruột cụ Nguyễn Thị T, cụ T kết hôn với cụ Đỗ Tá Tr cuối năm 1953. Năm 1974 cụ T và cụ Tr mua thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2; khi mua có 04 gian nhà cấp 4 lợp ngói, ngôi nhà này đã phá dỡ khi cụ T và cụ Tr còn sống; vị trí của ngôi nhà trên ở vị trí ngôi nhà do anh Thanh Thực ở hiện nay. Cụ Tr và cụ T sinh được 01 người con là bà Đỗ Thị T. Anh Đỗ Tá Thanh T là con riêng của cụ Tr với cụ Nguyễn Thị M, cụ M và cụ Tr không chung sống với nhau và không đăng ký kết hôn theo quy định.

Năm 1963, cụ Đỗ Tá L, sinh năm 1925 (chết năm 2004) và vợ là cụ Nguyễn Thị C, sinh năm 1925; (là bố, mẹ đẻ ông T) sinh được 10 người con; do thời gian đó sinh nhiều con, việc nuôi nấng khó khăn nên sau khi sinh ông Đỗ Tá T được khoảng vài tháng thì cụ Tr, cụ T đón ông T về nuôi. Cụ L và cụ C đặt tên ông T là Đỗ Tá D; sau đó cụ Tr và cụ T đổi tên là Đỗ Tá T. Ông T ở với cụ Tr và cụ T từ bé cho đến khi trưởng thành và coi ông T như con. Hai cụ lấy vợ cho ông T tuy ở chung thửa đất nhưng ăn, ở riêng.

Năm 1982 cụ Tr và cụ T xây dựng ngôi nhà cấp 4 lợp ngói; sau vài năm thì hai cụ xây dựng 01 gian đổ trần bê tông 01 tầng ở hướng Tây của thửa đất. Năm 2001 bà T xây dựng: 01 gian nhà trần 01 tầng ở hướng Đông của thửa đất, mái lợp tôn ở sân, cổng sắt. Ông T xây dựng các tài sản trên phần diện tích đất đang ở hiện nay. Năm 1981 bà T lấy chồng và về nhà chồng ở huyện Tiên Du ở. Tháng 11/1999 âm lịch, cụ Tr chết thì chị Đào Thị C, anh Đào Tiến H là con bà T ra ở với cụ T và ở trên thửa đất cho đến nay. Cụ Tr, cụ T chết để lại các tài sản như bà T đã trình bày là đúng. Năm 2009 cụ T gửi ông 150.000.000đ, khi gửi tiền cụ T nói với ông là gửi ngân hàng để lấy tiền lãi hàng tháng để cụ tiêu, hàng tháng ông vẫn đưa tiền lãi cho cụ T. Khi đưa tiền cụ T căn dặn là nếu cụ T chết thì dùng số tiền đó để chi phí cho việc mai tang, cúng giỗ, cải táng, xây mộ; khi chi vào các khoản trên ông đều đưa cho bà T chi (ông không có sổ sách ghi chép số tiền chi cụ thể); theo ông thì bà T đã chi hết khoảng 125.000.000đ còn lại 25.000.000đ ông đã đưa cho bà T quản lý. Nay ông T đề nghị chia thừa kế đối với số tiền cụ T gửi cho ông, thì ông không có nghĩa vụ gì.

* Ông Đào Tiến H trình bày: Ông là chồng bà Đỗ Thị T, ông bà kết hôn khoảng năm 1980; sau khi kết hôn vợ chồng chung sống tại huyện Tiên Du. Năm 2001 vợ chồng ông có xây dựng trên thửa dất của cụ T 01 nhà 01 tầng ở phía Đông của thửa đất, sân lợp mái tôn, cổng sắt; ngoài ra vợ chồng ông không làm thêm tài sản gì khác. Các tài sản xây dựng trên do vợ chồng ông xây dựng, các con ông còn nhỏ không có công sức gì đóng góp. Nay bà T đề nghị chia thừa kế trên phần đất có các tài sản do vợ chồng ông xây dựng, ông không yêu cầu, đề nghị gì do bà T toàn quyền quyết định.

* Anh Đào Tiến H và chị Đào Thị C trình bày: Sau khi cụ Tr chết năm 1999, thì anh và chị Đào Thị C ra ở cùng với cụ T và ở trên thửa đất là di sản thừa kế cho đến nay, anh chị không tân tạo, sửa chữa gì vào khối di sản do cụ Tr, cụ T để lại, anh không có ý kiến, đề nghị gì. Nay mẹ anh, chị khởi kiện chia thừa kế là đúng quy định của pháp luật; ông Đỗ Tá T không phải là con nuôi hợp pháp của cụ Tr và cụ T nên không được chia thừa kế.

* Anh Anh N trình bày: Anh là chồng chị Đào Thị C, anh đến ở cùng với chị C trên thửa đất của của Trai và cụ T từ năm 2010 đến nay, vợ chồng anh không tân tạo, sửa chữa gì vào khối di sản do hai cụ để lại. Nay bà T khởi kiện chia thừa kế, anh không có ý kiến, đề nghị gì.

* Anh Nguyễn Danh Đ trình bày: Ông thuê nhà trần 1 tầng diện tích khoảng 11m2, ở phía Đông thửa đất của bà T từ năm 2005 cho đến nay. Khi thuê không làm hợp đồng, với giá 500.000đ/tháng; từ khi thuê đến nay, ông không tân tạo, sửa chữa gì vào tài sản thuê. Trong trường hợp cơ quan pháp luật giải quyết đến phần diện tích ông thuê, hoặc bà T yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê thì ông sẽ chấm dứt hợp đồng và không có ý kiến, đề nghị gì.

* Anh Vũ Sơn N trình bày: Anh T Thuê nhà trần 1 tầng diện tích khoảng 10m2, ở phía Tây thửa đất của bà T từ 10/12/2014 âm lịch cho đến nay. Khi thuê không làm hợp đồng, giá 1.000.000đ/tháng; từ khi thuê đến nay, anh không tân tạo, sửa chữa gì vào tài sản thuê. Trong trường hợp cơ quan pháp luật giải quyết đến phần diện tích anh Thanh Thuê, hoặc bà T yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê thì ông sẽ chấm dứt hợp đồng và không có ý kiến, đề nghị gì.

* Anh Ngô Văn T trình bày: Anh T Thuê sân lợp mái tôn diện tích khoảng 20m2, ở phía Đông thửa đất của bà T từ năm 2005 cho đến nay. Khi thuê không làm hợp đồng, giá 1.000.000đ/tháng; từ khi thuê đến nay, anh không tân tạo, sửa chữa gì vào tài sản thuê. Trong trường hợp cơ quan pháp luật giải quyết đến phần diện tích anh Thanh Thuê, hoặc bà T yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê thì anh sẽ chấm dứt hợp đồng và không có ý kiến, đề nghị gì.

* Ông Nguyễn Mạnh C, đại diện UBND thị xã T trình bày: UBND thị xã T đã căn cứ vào hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho hộ bà Nguyễn Thị T như sau: Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Quyết định số 509/2000/QĐ-CT ngày 09/10/2000 của Chủ tịch UBND huyện T về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ cụ T; danh sách các chủ sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận, sơ đồ thửa đất và cụ T có tên trong sổ địa chính. Bà T đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với nội dung trên bản án sơ thẩm đã căn cứ vào Điều 357, 651, 653, 654, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 91,144,147, 227, 228, 235, 239, 248, 249, 254, 260, 261, 262, 264, 266, 267, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 5 Điều 98, Điều 112 Luật đất đai; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009. Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do UBND huyện T cấp cho hộ bà Nguyễn Thị T ngày 09/10/2000 đối với thửa đất số 251, tờ bản đồ số 5, diện tích 273m2.

Diện và hàng thừa kế gồm: Cụ Nguyễn Thị T, bà Đỗ Thị T, ông Đỗ Tá T và anh Đỗ Tá Thanh T.

Di sản thừa kế gồm:

Thừa đất số 351, tờ bản đồ số 5 diện tích 273m2; số thửa mới (năm 2015) là 234, tờ bản đồ số 93 diện tích 286,2m2 (diện tích chi thừa kế trong vụ án là 286,2m2); 01 nhà cấp bốn, 01 nhà trần 01 tầng ở hướng Tây của thửa đất; số tiền cho thuê nhà đất 180 triệu đồng; tiền của cụ T để lại 120 triệu đồng; tiền đền bù ruộng của hai cụ là 83 triệu đồng.

Chia cụ thể cho:

Bà T: Được quyền sử dụng diện tích 117,3m2 đất ở, sở hữu các tài sản xây dựng gắn liền với diện tích đất được chia và được sở hữu các tài sản: Nhà cấp bốn trị giá 8.419.000đ; mái lợp tôn, cổng sắt, sân lát gạch trị giá 957.900đ; nhà 01 tầng đổ trần bê tông trị giá 2.508.000đ; 180 triệu đồng tiền cho thuê nhà; 83 triệu đồng tiền đền bù ruộng; 120 triệu đồng tiền cụ T để lại; 32.137.500đ tiền trị giá nhà 01 tầng do ông T trích trả; 01 bộ bàn ghế Á Âu, 01 sập gụ, 01 tủ Chè, tổng trị giá 20 triệu đồng.

Bà T phải có nghĩa vụ trích trả cho ông T: 01 kỷ phần thừa kế tài sản trên đất là 34.240.800đ; 68.481.700đ là tiền được chia kỷ phần di sản của cụ T; 17.120.400đ là tiền được chia kỷ phần của cụ T; 60 triệu đồng được chia tiền của cụ T để lại. Tổng cộng bà T phải trả cho ông T là 147.705.400đ.

Bà T trích trả cho anh Thanh T là 261.820.400đ.

Ông T: Được quyền sử dụng diện tích 168,9m2 đất ở; ông T, bà H được sử dụng các tài sản xây dựng gắn liền với diện tích đất được chia: Nhà 03 tầng và cổng inox trị giá 447.685.000đ; nhà 01 tầng đổ bê tông diện tích 10.8m2 trị giá 14.283.300đ; nhà để xe trị giá 3.182.000đ; được sở hữu 147.705.400đ do bà T trích trả.

Ông Thành có nghĩa vụ trích trả kỷ phần thừa kế cho anh Thanh T 303.320.400đ.

Anh Thanh T được chia và sở hữu phần kỷ phần thừa kế do ông T và bà T có nghĩa vụ trích trả là 261.820.400 đ+ 303.320.400đ = 565.140.800đ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên xử về nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07/8/2017 và ngày 08/8/2017 anh Đỗ Tá Thanh T và bà Đỗ Thị T có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, trong phần tranh luận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Xử: Hủy bản án sơ thẩm số 15/2017/DSST ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T vì có nhiều vi phạm trong việc áp dụng pháp luật và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án tới trước khi nghị án là đảm bảo đúng theo trình tự thủ tục tố tụng. Về nội dung, xét thấy bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm cả về nội dung và thủ tục tố tụng nên đã đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội về án phí, lệ phí: Hủy bản án sơ thẩm số 15/2017/DSST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T và chuyển hồ sơ về Tòa án thị xã T để xét xử lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa hôm nay thì thấy: Cụ Đỗ Tá Tr, sinh năm 1931 và cụ Nguyễn Thị T, sinh năm 1932 kết hôn với nhau 1953. Hai cụ sinh được một người con là bà Đỗ Thị T; năm 1963 hai cụ nhận nuôi ông Đỗ Tá T khi ông T mới được 02 tháng tuổi. Ngoài ra, cụ Tr còn có một người con riêng với cụ Nguyễn Thị M là anh Đỗ Tá Thanh T. Năm 1999 cụ Tr chết, năm 2011 cụ T chết, các đương sự có cung cấp cho Tòa án bản di chúc pôtô do hai cụ lập nhưng không có bản gốc để đối chiếu. Trong quá trình chung sống cụ Tr, cụ T có mua được một thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2, tọa lạc tại thôn Hạ, xã Đ, huyện T, tỉnh B (nay là khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B trên đất các cụ xây 01 nhà cấp 4 lợp ngói và 01 nhà trần ở phía Tây thửa đất. Tài sản khác có 01 bộ bàn ghế Á Âu, 01 tủ Chè, 01 sập gỗ, số tiền 150 triệu đồng cụ T gửi cụ Ý, số tiền 83 triệu đồng là tiền nhà nước đền bù ruộng của cụ Tr và cụ T.

Trong số các con của hai cụ, bà T và ông T sống với hai cụ từ nhỏ tới khi trưởng thành, bà T kết hôn năm 1981 và về nhà chồng ở. Năm 1983 ông T kết hôn với bà H được các cụ cho ở riêng nhưng vẫn sống chung cùng thửa đất với hai cụ, thường xuyên chăm nom hai cụ tới khi hai cụ chết. Anh Đỗ Tá Thanh T sống cùng cụ M chỉ thỉnh thoảng đi lại thăm nom cụ Tr. Năm 1999 sau khi cụ Tr chết, hai con của bà T là anh Đào Tiến H và chị Đào Thị C về sống với cụ T, hiện chỉ có chị C và chồng sống trên thửa đất của ông bà, Trong quá trình chung sống anh chị không tân tạo hay xây dựng gì trên đất. Năm 2001 vợ chồng bà T có xây dựng trên thửa đất của hai cụ một nhà trần 01 tầng ở phía Đông thửa đất, sân lợp mái tôn và lắp cổng sắt. Sau khi cụ T chết(năm 2011), đến năm 2015 do không thống nhất được việc chia di sản thừa kế nên bà T đã khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân thị xã T chia di sản thừa kế. Tòa án nhân dân thị xã T đã thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm bà T và anh Thanh T có đơn kháng cáo bản án. Xét kháng cáo của các đương sự, Hội đồng xét xử thấy:

Đối với kháng cáo của bà Đỗ Thị T và anh Đỗ Tá Thanh T về việc phân chia di sản là thửa đất cho ông T vì cho rằng bản án sơ thẩm giải quyết không tuân thủ theo các quy định của pháp luật về con nuôi, Hội đồng xét xử thấy: Trong các lời khai của các đương sự bà T, anh Thanh T đều thừa nhận ông T được cụ Tr, cụ T nhận về nuôi khi mới được hai tháng tuổi tới khi trưởng thành được các cụ lập gia đình cho ở riêng, tuy nhiên ông T vẫn ở chung thửa đất với hai cụ, trông nom, chăm sóc các cụ tới khi chết. Ngoài ra, theo lời trình bày của cụ Ý (là em trai của cụ T), cụ Liễn (là bố ông T, và là anh cụ Tr) thì do cụ Tr và cụ T không có con trai nên đã xin ông T về nuôi từ khi mới hai tháng tuổi, ban đầu ông T có tên là Đỗ Tá Duẩn nhưng sau khi cụ Tr và cụ T xin về nuôi đã làm thủ tục đổi tên thành Đỗ Tá Thực. Như vậy, mặc dù Tòa án không thu thập được giấy khai sinh của ông T cũng như mục kê khai về thủ tục nhận nuôi con nuôi nhưng xét về quan hệ nuôi dưỡng và chăm sóc giữa ông T và cụ Tr, cụ T thì việc Tòa án thị xã T xác định ông T là con nuôi là phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, ông T đủ điều kiện là diện trong hàng thừa kế hợp pháp của cụ Tr, cụ T. Như vậy, kháng cáo của bà T và anh Thanh T khi cho rằng bản án chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất cho ông T là không đúng với quy định về con nuôi là không có cơ sở chấp nhận.

Đối với kháng cáo của bà T về việc đề nghị xem xét tính hợp pháp của việc chia thừa kế bằng tiền đối với các khoản tiền của cụ Tr và cụ T để lại, Hội đồng xét xử thấy: Theo đơn khởi kiện ban đầu ngày 04/11/2015, bà T khởi kiện tại Tòa án nhân dân thị xã T yêu cầu gồm có:

- Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị T năm 2000 đối với thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2 tại khu phố Hạ, phường Đ, thị xã T.

- Xác định hàng thừa kế và thực hiện phân chia thừa kế phần di sản là thửa đất nói trên theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/01/2016, bà T có đơn thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện, cụ thể:

- Rút yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Đỗ Tá Tr và bà Nguyễn Thị T để lại là thửa đất số 351, tờ bản đồ số 05 diện tích 273m2 tại khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B.

- Bổ sung yêu cầu khởi kiện buộc gia đình anh Đỗ Tá Thực trả lại bà và anh Đỗ Tá Thanh T quyền sử dụng thửa đất số 351 tờ bản đồ số 05 diện tích 273m2 tại khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B và giữ nguyên yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ bà Nguyễn Thị T năm 2000 đối với thửa đất số 351 tờ bản đồ số 05 diện tích 273m2 tại khu phố Hạ, phường Đ, thị xã T.

Ngày 25/7/2017 tại phiên tòa, nguyên đơn là bà T và đại diện theo ủy quyền là chị Mai đề nghị Tòa án: Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ bà Nguyễn Thị T thửa đất 351, tờ bản đồ số 05, diện tích 273m2 (nay là thửa đất số 234 tờ bản đồ 93 diện tích 286,2m2) do cấp sai chủ sử dụng đất; Yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất trên cho các đồng thừa kế thứ nhất bao gồm: Phần di sản của cụ Tr chia cho 03 người là bà T, anh Thanh T và cụ T; phần di sản của cụ T chia cho bà T. Yêu cầu ông T, bà H, anh Thanh T, chị P trả lại phần diện tích đất đang quản lý cho bà T. Ông T không phải là con nuôi hợp pháp của cụ Tr và cụ T nên không thuộc diện được chia thừa kế.

Trong quá trình giải quyết vụ án ngày 08/9/2016, ông T có đơn phản tố đề nghị Tòa án chia toàn bộ di sản của cụ Tr, cụ T cho các hàng thừa kế theo pháp luật gồm thửa đất số 351 tờ bản đồ số 05 diện tích 273m2 tại khu phố H, phường Đ, thị xã T, tỉnh B và tài sản trên đất do các cụ xây dựng, số tiền cụ T để lại 150 triệu đồng, số tiền 83 triệu đồng đền bù đất và cả số tiền bà T cho thuê nhà trên diện tích đất của các cụ là 150 triệu đồng Tòa án thị xã T đã thông báo cho ông T nộp tiền tạm án phí, lệ phí và thụ lý yêu cầu phản tố của ông T. Tuy nhiên, ngày 24/7/2017 ông T đã có đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố.

Ông T trình bày xin rút yêu cầu phản tố, đề nghị Tòa án chia thừa kế theo quy định pháp luật, không đồng ý chia theo di chúc. Ông T đề nghị được chia, sử dụng toàn bộ diện tích đất đang ở và xin sử dụng thêm phần diện tích có nhà trần phía Đông cùng toàn bộ tài sản xây dựng trên đất. Mái lợp tôn ở sân, sân lát gạch, cổng sắt, bàn ghế, tủ chè, sập gụ, số tài sản này ông không đề nghị chia mà đồng ý cho bà T sử dụng, sở hữu. Nhà trần 1 tầng ở phía Đông của thửa đất ông xin được sở hữu và trích chia bằng tiền cho bà T. Số tiền 150.000.000đ theo ông đã chi hết khoảng 30.000.000đ còn 120.000.000đ đề nghị chia theo pháp luật. Số tiền 83.000.000đ đền bù ruộng của hai cụ và 180.000.000đ tiền cho thuê tài sản ông đề nghị chia theo pháp luật.

Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, sau đó, đã thay đổi, bổ sung yêu cầu kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tòa án cấp sơ thẩm đã thay đổi quan hệ tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đương sự đề nghị chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Do đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xem xét giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế là chưa đúng phạm vi khởi kiện của nguyên đơn. Ngoài ra, trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa sơ thẩm, ông T có đơn đề nghị với nội dung xin rút yêu cầu phản tố chỉ đề nghị giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà T theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm vẫn xem xét giải quyết toàn bộ các di sản là khoản tiền cụ T gửi cụ Ý, tiền đền bù đất ruộng, tiền bà T cho thuê nhà trên thửa đất là di sản thừa kế. Trong khi bà T và các đương sự khác không yêu cầu chia những tài sản đó. Việc cấp sơ thẩm giải quyết khi không có yêu cầu của đương sự là vi phạm Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự và mục 7 phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, việc giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cần phải xác định quan hệ pháp luật là chia thừa kế theo pháp luật vì UBND huyện T (cũ) đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị T nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Tr, cụ T đều được hưởng.

Về quyết định của bản án chính: Thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán đã ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 04/2017/SCBSBA ngày 04/8/2017 với nội dung: Tại dòng thứ 13 từ trên xuống trang 16 bổ sung như sau: “Điều 217, 218, 219” Bộ luật tố tụng dân sự và tại dòng thứ 2 từ dưới lên trang 17 bổ sung như sau: “Đình chỉ yêu cầu phản tố của ông Đỗ Tá T”, việc Tòa án cấp sơ thẩm bổ sung vào phần quyết định trong bản án chính nội dung mới đã vi phạm quy định tại Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự.Trong khi đó bản án gốc trong phần quyết định có nội dung nêu trên. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành hai bản án có nội dung khác nhau trong phần quyết định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tòa án nhân dân thị xã T thụ lý yêu cầu phản tố của ông T khi đã có biên bản mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS. Hơn nữa, theo biên bản giao nhận ngày 05/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T với ông Đỗ Tá T về nội dung giao nhận một đơn yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, trong hồ sơ chỉ có duy nhất một đơn phản tố của ông T lập ngày 08/9/2017. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã giao nhận một đơn phản tố chưa được lập (sau khi có biên bản giao nhận 03 ngày mới được lập) điều này là không hợp lý.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 10/5/2017 về việc mở phiên tòa ngày 31/5/2017, do có đơn xin hoãn phiên tòa của bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm đã ấn định ngày mở lại phiên tòa là ngày 30/6/2017 nhưng đến ngày 30/6/2017 Hội đồng xét xử sơ thẩm đã không mở phiên tòa mà ra thông báo rời ngày xét xử sang ngày 19/7/2017. Như vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm ấn định thời gian mở phiên tòa 01 tháng 19 ngày là vi phạm thời hạn hoãn phiên tòa quy định tại Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tại phiên tòa ngày 19/7/2017 Hội đồng xét xử thông báo kéo dài thời gian nghị án đến ngày 25/7/2017, nhưng đến ngày 25/7/2017 Hội đồng xét xử quay lại phần thủ tục tranh Thanh Tụng, sau đó lại thông báo kéo dài thời gian nghị án đến ngày 28/7/2017 nhưng trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án, thẩm phán giải quyết vụ án lại đi thu thập xác minh chứng cứ là vi phạm thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn một số vi phạm khác cần xem xét là: Bản án sơ thẩm tuyên cho ông T và bà T được sử dụng một phần quyền sử dụng đất nhưng không xác định mốc giới và tứ cận tiếp giáp cụ thể của các thửa đất. Mặc dù bản án có sơ đồ chi tiết kèm theo nhưng cũng khó khăn trong việc thi hành án, việc tuyên một bản án mà khó thi hành nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Trong nhiều lời trình bày của ông T đề nghị Tòa án giải quyết chia cho ông sử dụng toàn bộ thửa đất là di sản của bố mẹ để lại làm nơi thờ cúng và tự nguyện trích trả cho các đồng thừa kế khác bằng tiền mặt, nên có thể khẳng định ông T không thuộc trường hợp kinh tế khó khăn để xem xét miễn, giảm án phí. Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào đơn đề nghị của ông T để miễn, giảm án phí cho ông T là không có căn cứ.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về nội dung và thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của các đương sự, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bà T và anh Thanh T không phải chị án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Xử:

1. Hủy bản án sơ thẩm số 15/2017/DSST ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh B và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh B giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Bà Đỗ Thị T và anh Đỗ Tá Thanh T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả bà T và anh Thanh T mỗi người 300.000đ tiền tạm ứng án phí theo biên lại thu số AA/2013/ 03111 và AA/2013/ 03112 ngày 08/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T, tỉnh B.

Các đương sự chưa phải chịu án phí và lệ phí dân sự sơ thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí được xác định lại khi Tòa án giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1152
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 78/2018/DSPT ngày 07/09/2018 về tranh chấp chia thừa kế

Số hiệu:78/2018/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về