Bản án 82/2017/HSPT ngày 20/09/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 82/2017/HSPT NGÀY 20/09/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 20 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 89/2017/HSPT ngày 14/8/2017 đối với bị cáo Phạm Vỹ B do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Triệu Nguyễn Quỳnh G đối với bản án hình sự sơ thẩm số 91/2017/HSST ngày 30/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt.

- Bị cáo:

Họ và tên: Phạm Vỹ B, sinh ngày 18/9/1982 tại Quảng Bình; Nơi ĐKNKTT: 02 TKH, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; Nơi cư trú: 02 TKH, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: Lớp 12/12; Con ông: Phạm Văn B, sinh năm 1952; Con bà: Nguyễn Thị H, sinh năm 1955; Nơi cư trú: Thôn PN, xã DN, huyện QN, tỉnh Quảng Bình; Vợ: Mai Thị Tuyết V, sinh năm 1983; Con: có 03 con, lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2015; Nơi cư trú: 02 TKH, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt ngày 12/6/2017; thay đổi biện pháp ngăn chặn ngày 08/9/2017; Hiện tại ngoại tại địa chỉ: 02 TKH, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người bị hại: Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm 1977; Nơi cư trú: 2/120 GA, phường N, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Đặng Thị Thu N - Văn phòng luật sư NT thuộc đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Triệu Nguyễn Quỳnh G, sinh năm 1983; Nơi cư trú: 12B NB, phường M, thành phố ĐL, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Luật sư Lê Công B, Văn phòng luật sư MH thuộc đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt thì nội dung vụ án như sau:

Phạm Vỹ B là người có Giấy phép lái xe hạng B2, số AT 327602 do Sở giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 01/12/2011, có giá trị đến ngày 01/12/2021. Vào ngày 19/6/2016, B thuê xe ô tô hiệu Mazda biển kiểm soát 49A-986.91 của bà Triệu Nguyễn Quỳnh G để sử dụng, sau khi giao xe cho B, bà Quỳnh G nhờ B chở bà đến đường Huyền Trân Công C, phường N, thành phố ĐL để đón bà Triệu Mỹ L và nhận giấy tờ xe, B đồng ý và điều khiển xe chở bà Quỳnh G đến cổng Trường phổ thông dân tộc nội trú ở đường Huyền Trân Công Chúa để đón bà L. Sau khi đón bà L, B lùi xe về hướng cổng Trường phổ thông dân tộc nội trú để quay đầu xe chạy về lại trung tâm thành phố Đà Lạt. Lúc B cho xe lùi thì có ông Nguyễn Thanh T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 49B1-391.01 chạy đến và rẽ phải vào đường An Tôn. Do không chú ý quan sát khi lùi xe, phần đuôi xe ô tô do B điều khiển đã tông ngang vào xe mô tô do ông T điều khiển làm ông T và xe mô tô ngã xuống đường và bị xe ô tô đẩy đi một đoạn dài 13 mét.

Khám nghiệm hiện trường theo hướng từ Nghĩa trang Du Sinh đến Trường phổ thông dân tộc nội trú, xác định đoạn đường xảy ra tai nạn là ngã ba giữa đường Huyền Trân Công Chúa và đường đi vào Trường phổ thông dân tộc nội trú, mặt đường trải nhựa phẳng. Vị trí vết cà của xe mô tô 49B1 -139.01 dài 13 mét, điểm đầu vết cà cách lề trái 3,30 mét, xe mô tô nằm ngang phía sau đuôi xe ô tô, tâm bánh trước cách lề trái 7,90 mét, tâm bánh sau cách lề trái 9,40 mét. Vị trí xe ô tô 49A-086.91 sau tai nạn nằm ngang trên mặt đường, đầu xe quay về hướng Du Sinh, tâm bánh trước bên phải cách lề trái 5,40 mét, tâm bánh sau bên phải cách lề trái 6,70 mét.

Tại kết luận giám định thương tích số 188/TgT ngày 06/10/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Lâm Đồng kết luận: “Anh Nguyễn Thanh T bị thương: gãy xương sườn số 01, 08 phải và số 12 trái, tràn dịch màng phổi phải, gãy xẹp L1 (đã phẫu thuật), gãy mõm ngang L.2 hai bên, gãy mõm ngang D.2. Thương tích của anh Nguyễn Thanh T được xác định là 40%”.

Bản án số 91/2017/HSST ngày 30/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt tuyên bố bị cáo Phạm Vỹ B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Vỹ B 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12/6/2017.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật dân sự, buộc bà Triệu Nguyễn Quỳnh G (là chủ xe ô tô) phải bồi thường tiếp cho ông Nguyễn Thanh T 150.000.000 đ (Một trăm năm mươi triệu đồng) chi phí sửa chữa xe mô tô, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút do tai nạn của người bị hại và người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần.

Trách nhiệm dân sự giữa bà Quỳnh G và bị cáo sẽ được giải quyết sau theo thủ tục tố tụng dân sự nếu có yêu cầu.

Bản án còn tuyên lãi suất, án phí và tuyên quyền kháng cáo.

- Quyết định số 01/QĐ-KNPT ngày 14/7/2017 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt kháng nghị đề nghị áp dụng khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015; nghị quyết 109/2015/QH13, nghị quyết 144/2016/QH13, xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ.

- Ngày 11/7/2017 người liên quan là bà Triệu Nguyễn Quỳnh G kháng cáo đề nghị xem xét lại phần bồi thường.

Tại phiên tòa Phạm Vỹ B không khiếu nại bản án hình sự sơ thẩm, đồng ý cùng chủ xe bồi thường cho người bị hại số tiền 36.000.000đ.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng thay đổi nội dung kháng nghị: Đề nghị áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, hủy một phần bản án, đình chỉ giải quyết vụ án về phần tội danh và hình phạt; tuyên bố Phạm Vỹ B không phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Về kháng cáo của người liên quan đối với phần trách nhiệm dân sự, đề nghị chấp nhận kháng cáo, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Triệu Quỳnh G giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị giải quyết việc bồi thường theo quy định của pháp luật vì số tiền bản án sơ thẩm giải quyết lớn, không cụ thể, không rõ ràng, hơn nữa tại phiên tòa sơ thẩm Phạm Vỹ B đã tự nguyện cùng chủ xe bồi thường cho người bị hại 36.000.000đ nhưng trong bản án sơ thẩm không thể hiện.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bà G, giữ nguyên bản án sơ thẩm về số tiền phải bồi thường tiếp cho người bị hại là 150.000.000đ.

Người bị hại đề nghị giải quyết việc bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chủ phương tiện đề nghị chấp nhận kháng cáo của bà G với lý do trong 17 nội dung mà người bị hại đã kê khai yêu cầu tại bút lục số 139 có những khoản không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật, đề nghị xem xét lại khoản tiền 1.800.000đ và 3.650.000đ là bà G đã chi trực tiếp hai khoản này, đề nghị không chấp nhận các khoản kê ở cột số 4, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17. Đối khoản tiền thu nhập ở cột số 2 chỉ chấp nhận 12 ngày x 168.000đ/ngày = 2.016.000đ. Tổng số tiền đề nghị chỉ chấp nhận 73.000.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác thì bị phạt tiền từ 5.000.000đ đến 50.000.000đ, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm (theo hướng dẫn tại khoản 4 Mục I của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Gây thiệt hại nghiêm trọng” là gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên) nhưng theo khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 30.000.000đ đến 100.000.000đ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Trong vụ án này tỷ lệ thương tật của người bị hại là 40%, so sánh khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì tỷ lệ thương tật của người bị hại dưới 61%, thuộc trường hợp điều luật mới quy định có lợi cho người phạm tội nhưng khi xét xử cấp sơ thẩm không áp dụng Nghị quyết 109/2015/QH13, Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc Hội và Khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng có lợi cho bị cáo là thiếu sót, tại thời điểm xét xử sơ thẩm thì hai Nghị quyết này vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Lạt có quyết định kháng nghị vào ngày 14/7/2017, tại thời điểm này thì Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2017 nên hai Nghị quyết 109/2015/QH13 và Nghị quyết 144/2016/QH13 hết hiệu lực thi hành. Nghị quyết 41/2017/QH14 hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 đã bãi bỏ khoản 4 Điều 260 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và sửa đổi bổ sung theo hướng đối với trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích cho một người thì tỷ lệ thương tật phải từ 61%, do vậy hành vi của Phạm Vỹ B vi phạm an toàn giao thông nhưng thương tích của người bị hại 40% như vậy, hành vi của Phạm Vỹ B không cấu thành tội phạm nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng thay đổi nội dung kháng nghị, việc thay đổi kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ, đúng pháp luật vì thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội nên chấp nhận việc thay đổi kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Do vậy, cấp phúc thẩm áp dụng theo nguyên tắc có lợi, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt, tuyên bố Phạm Vỹ B không phạm tội và đình chỉ vụ án về tội danh và hình phạt (theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Công văn số 256/TANDTC-PC ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao). Lý do của việc tuyên bị cáo không phạm tội là do chính sách hình sự thay đổi theo hướng có lợi nên Phạm Vỹ B không có quyền yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Về trách nhiệm dân sự vẫn tiếp tục giải quyết theo quy định.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Về trách nhiệm dân sự:

Tại hồ sơ (Bút lục 139) người bị hại yêu cầu bồi thường tổng số tiền 363.742.000đ, gồm các khoản sau:

Tiền cấp cứu 1.800.000đ, tiền xe chuyển viện từ Đà Lạt đi thành phố Hồ Chí Minh 3.650.000đ; tiền thuốc chuyển viện 240.000đ; ăn uống đi đường 150.000đ; tiền thuốc điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy 26.326.000đ; điều trị tại bệnh viện Quốc Tế 13.450.000đ; tiền xe chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Lạt 1.500.000đ; tiền chích thuốc và tiền ăn đường 290.000đ; tiền thuốc điều trị ngoại trú tại nhà 1.900.000đ; tiền công bị mất do chăm sóc 12 ngày x 02 người (150.000đ/ngày) là 3.600.000đ; tiền công bồi dưỡng dịch vụ điều trị 2.000.000đ; tiền công thu nhập bị mất của anh Tùng từ ngày tai nạn 19/6/2016 là 376 ngày x 300.000đ/ngày = 112.800.000đ; tiền thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm 50 tháng lương x 1.210.000đ/tháng = 60.500.000đ; tiền tổn thất tinh thần 50 tháng lương = 60.500.000đ; tiền thiệt hại của người chăm sóc mỗi ngày 2.000.000đ x 12 ngày = 24.000.000đ; tiền tập trị liệu 05 khóa, mỗi khóa 7.000.000đ = 35.000.000đ; bồi thường tiền chiếc xe máy bị hư hỏng 16.000.000đ. Tổng số tiền yêu cầu 363.742.000đ, quá trình điều tra đã bồi thường 60.000.000đ, cấp sơ thẩm buộc chủ phương tiện bồi thường tiếp 150.000.000đ, bà G kháng cáo không đồng ý việc bản án sơ thẩm buộc bồi thường tiếp 150.000.000đ.

Xét kháng cáo của chủ phương tiện thấy rằng, cấp sơ thẩm buộc chủ phương tiện bồi thường tổng số tiền 210.000.000đ, đã bồi thường 60.000.000đ nên buộc bồi thường tiếp 150.000.000đ gồm các khoản chi phí sửa chữa xe mô tô, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút do tai nạn của người bị hại và người chăm sóc, tiền tổn thất về tinh thần nhưng bản án không phân tích chấp nhận những khoản nào mà tuyên một cách chung chung, không cụ thể, không rõ ràng nên bà Giao đã kháng cáo. Xét tại hồ sơ thể hiện tại bút lục số 139 người bị hại kê chi phí và yêu cầu bồi thường 17 khoản, trong đó chấp nhận các khoản từ số 01 đến số 10 là 53.942.000đ, giải quyết khoản tiền thu nhập bị mất trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện chưa lao động được là 12 tháng x 1.300.000đ/tháng = 15.600.000đ; tiền sức khỏe bị giảm sút do bị thương phải chịu thương tật 40% là 12 tháng x 1.300.000đ/tháng = 15.600.000đ; tiền tổn thất tinh thần 20 tháng lương x 1.300.000đ = 26.000.000đ; tiền thu nhập bị mất của một người chăm sóc trong thời gian người bị hại nằm viện và sau khi ra viện là 06 tháng x 1.300.000đ = 7.800.000đ. Đối với chiếc xe máy, người bị hại yêu cầu bồi thường lại một chiếc xe đã qua sử dụng là 16.000.000đ, tuy nhiên theo biên bản khám xe thì lốc máy bị vết gãy rạn dài 04cm nên vẫn còn khắc phục sửa chữa được nên chỉ chấp nhận 10.000.000đ để sửa xe. Như vậy tổng số tiền phải bồi thường là 140.000.000đ, đã bồi thường trước 60.000.000đ nên số tiền còn phải bồi thường 80.000.000đ. Tại phiên tòa Phạm Vỹ B đồng ý cùng chủ phương tiện bồi thường cho người bị hại số tiền là 36.000.000đ nên số tiền bà G phải bồi thường tiếp là 44.000.000đ. Do vậy, chấp nhận kháng cáo của bà G, sửa phần trách nhiệm dân sự.

Về án phí: Phạm Vỹ B không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí hình sự phúc thẩm. Buộc Phạm Vỹ B và bà Triệu Nguyễn Quỳnh G phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 248; Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003; điểm d khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm số 91/2017/HSST ngày 30/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt về tội danh và hình phạt.

Tuyên bố Phạm Vỹ B không phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và đình chỉ vụ án về tội danh và hình phạt đối với Phạm Vỹ B.

Phạm Vỹ Bắc không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của bà Triệu Nguyễn Quỳnh G, sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 585; Điều 590 và Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc bà Triệu Nguyễn Quỳnh G phải bồi thường tiếp cho ông Nguyễn Thanh T số tiền 44.000.000đ.

Ghi nhận sự tự nguyện của Phạm Vỹ B bồi thường cho ông Nguyễn Thanh T số tiền 36.000.000đ.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành chưa thanh toán hết số tiền trên thì còn phải trả khoản tiền lãi theo mức lãi quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phạm Vỹ B không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí hình sự phúc thẩm. Bà Triệu Nguyễn Quỳnh G không phải chịu án dân sự sơ thẩm nhưng phải chịu 2.200.000đ án phí dân sự phúc thẩm; Phạm Vỹ B phải chịu 1.800.000đ án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

435
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 82/2017/HSPT ngày 20/09/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

Số hiệu:82/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về