Bản án 852/2019/LĐ-PT ngày 27/09/2019 về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp, tiền tạm ứng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 852/2019/LĐ-PT NGÀY 27/09/2019 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG, TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP, TIỀN TẠM ỨNG

Trong các ngày 20/8/2019, ngày 20/9/2019, ngày 27/9/2019 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 80/2018/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp, tiền tạm ứng”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 322/2018/LĐ-ST ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3334/2019/QĐPT-LĐ ngày 24 tháng 7 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 6476/2019/QĐ-PT ngày 20 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Trung H – sinh năm 1970.

Địa chỉ: Phòng 505, Chung cư 95, 477/61 đường L, Phường 13, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Hồng M – sinh năm 1967. (có mặt) Theo Giấy ủy quyền số 003839 ngày 11/02/2014 tại Phòng công chứng số 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ: Số 448/9D đường A, Phường 18, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V.

Địa chỉ: Số 246 đường Q, phường O, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Thanh T– sinh năm 1974 (có mặt). Theo Giấy ủy quyền số 315-1/UQ-VM ngày 29/7/2019.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Đỗ Thị Thúy N (vắng mặt).

Địa chỉ: Số 53/4A1 đường Q, Phường 10, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Công ty Cổ phần BV P (vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp 2, xã H, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quốc D – sinh năm 1977, chức danh: Tổng giám đốc.

- Người kháng cáo: nguyên đơn Nguyễn Trung H do bà Nguyễn Thị Hồng M là người đại diện theo ủy quyền.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - ông Nguyễn Trung H do bà Nguyễn Thị Hồng M là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 01/02/2010, ông Nguyễn Trung Hký hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V (gọi tắt là Công ty V) với chức vụ giám đốc Trung tâm kinh doanh dược phẩm, mức lương 25.000.000 đồng/tháng và kể từ ngày 01/01/2012 ông H kiêm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng kinh doanh với mức lương 15.000.000 đồng/tháng.

Từ tháng 01/2012 cho đến khi ông H xin nghỉ việc Công ty V liên tục trả thiếu tiền lương và lương kiêm nhiệm; không thanh toán tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011; không hoàn trả lại cho ông H tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng. Ngày 13/3/2013, ông H nộp đơn xin nghỉ việc và yêu cầu Công ty V trả cho ông các khoản tiền lương, thưởng, chi phí bán hàng và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Ngày 29/3/2013, ông Hnhận được công văn số 263/VM-NS của Công ty V chấp thuận đơn xin nghỉ việc nhưng lại từ chối chi trả tất cả các khoản tiền mà ông H yêu cầu; đồng thời, không trả Sổ bảo hiểm xã hội để ông H làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Do đó, ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty V phải trả Sổ bảo hiểm xã hội và thanh toán cho ông H các khoản tiền sau:

- Tiền lương còn thiếu từ tháng 01/2012 đến tháng 5/2013 là 290.828.221 đồng;

- Tiền lương kiêm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng kinh doanh từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là 233.329.182 đồng;

- Tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng;

- Tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng chưa được hoàn trả theo Bảng quyết toán của Công ty V ngày 18/7/2012 là 65.405.996 đồng;

- Bồi thường 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng;

- Tiền lãi của tổng cộng các khoản tiền chậm trả nêu trên theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố 9%/năm tương ứng với thời gian chậm trả từ ngày 24/5/2013 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm.

Ngày 14/12/2015 người đại diện theo ủy quyền của ông H nộp đơn rút yêu cầu đòi Công ty V trả Sổ bảo hiểm xã hội.

* Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn – Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V do bà Đinh Thị I là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Trong thời gian ông Nguyễn Trung H làm Giám đốc Trung tâm kinh doanh dược phẩm đã nhiều lần tạm ứng tiền của Công ty V để chi phí cho các hoạt động kinh doanh của Trung tâm. Những lần tạm ứng trước đây, ông H thực hiện việc thanh toán tiền lại cho Công ty V theo đúng quy định. Tuy nhiên, các khoản tiền tạm ứng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 ông H không thanh toán lại cho Công ty V. Tổng cộng số tiền tạm ứng ông H còn nợ của Công ty V là 1.550.000.000 đồng đã được ông H thừa nhận trong Bảng kê tạm ứng – Quyết toán mà ông H cung cấp cho Tòa án. Do đó, Công ty V yêu cầu ông Hphải trả lại số tiền đã tạm ứng cho Công ty V tổng cộng là 1.550.000.000 đồng, đồng thời tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty V cho rằng yêu cầu đòi tiền thưởng theo doanh số năm 2010 và 2011 của ông H đã hết thời hiệu khởi kiện.

* Tại bản án số 322/2018/LĐ-ST ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:

- Áp dụng khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm e và điểm c khoản 1 Điều 217, khoản 2 Điều 227, khoản 2 và khoản 3 Điều 228, khoản 2 Điều 244, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 15, Điều 16, Điều 23 và khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012; khoản 3 Điều 150 và khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm; khoản 1 Điều 24 Nghị định 05/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Điều 21 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Áp dụng Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; khoản 2 Điều 11, khoản 4 và khoản 5 Điều 27 Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án;

- Áp dụng Luật thi hành án dân sự.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi tiền lương của ông Nguyễn Trung H. Buộc Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả cho ông Nguyễn Trung H tiền lương còn thiếu là 97.500.308 đồng và khoản tiền do chậm trả lương là 381.876 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Trung H đòi Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả các khoản tiền sau:

- Tiền lương kiêm nhiệm từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là: 233.329.182 đồng;

- Tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng là: 65.405.996 đồng;

- Tiền bồi thường 06 tháng trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng;

- Tiền lãi chậm trả là 401.057.876 đồng.

3. Đình chỉ xét xử yêu cầu của ông Nguyễn Trung H đòi Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả Sổ bảo hiểm xã hội và thanh toán tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng.

4. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V. Buộc ông Nguyễn Trung H trả lại cho Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V số tiền tạm ứng là 1.550.000.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

5. Ông Nguyễn Trung H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp lao động là 44.329.277 đồng được cấn trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 4.903.938 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AB/2012/04632 ngày 26/02/2014; ông H còn phải nộp 39.425.339 đồng.

Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp lao động là 2.936.466 đồng được cấn trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 17.500.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/000/3296 ngày 24/12/2015 Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V được hoàn lại số tiền chênh lệch là 14.563.534 đồng.

- Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo và thi hành án của các đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Nguyên đơn ông Nguyễn Trung H do người đại diện theo ủy quyền bà Nguyễn Thị Hồng M nộp đơn kháng cáo đề ngày 23/10/2018, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn là người kháng cáo ông Nguyễn Trung H có người đại diện theo ủy quyền bà Nguyễn Thị Hồng M trình bày: kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa phúc thẩm xét xử theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo, sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hà, cụ thể: Tiền lương còn thiếu từ tháng 01/2012 đến tháng 5/2013 là 290.828.221 đồng; Tiền lương kiêm nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng kinh doanh từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là 233.329.182 đồng; Tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng; Tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng chưa được hoàn trả theo Bảng quyết toán của Công ty V ngày 18/7/2012 là 65.405.996 đồng; Bồi thường 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng; Tiền lãi của tổng cộng các khoản tiền chậm trả nêu trên theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố 9%/năm tương ứng với thời gian chậm trả từ ngày 24/5/2013 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm; Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn hoàn trả số tiền Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V đã tạm ứng cho ông H là 1.550.000.000 đồng.

- Bị đơn Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V do người đại diện theo ủy quyền ông Bùi Thanh T trình bày: Không đồng ý yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, y án sơ thẩm.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị Thúy N, Công ty Cổ phần BV P vắng mặt, không có phần trình bày.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Về tố tụng: những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Về hình thức đơn kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định, được chấp nhận; Về nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sửa một phần bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn trong thời hạn luật định, đã tạm ứng án phí theo quy định, nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Đỗ Thị Thúy N, Công ty Cổ phần BV P vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa, không rõ lý do dù được Tòa án triệu tập hợp lệ nên căn cứ quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bà Ngần, Công ty Cổ phần BV P.

[3] Về nội dung kháng cáo:

[3.1] Đối với yêu cầu đòi tiền lương còn thiếu từ tháng 01/2012 đến tháng 5/2013 là 290.828.221 đồng: người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà M cho rằng ông H là Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dược phẩm với mức lương 25.000.000 đồng/tháng, từ ngày 01/01/2012 cho đến khi ông H nghỉ việc Công ty V không trả đủ theo mức lương này.

[3.1.1] Xét thấy, ông H làm việc tại Công ty V từ ngày 01/02/2010 có ký hợp đồng lao động. Theo đề án tái cấu trúc Công ty V thì Trung tâm kinh doanh dược phẩm (gọi tắt là Trung tâm) không còn tồn tại; thực hiện việc tái cơ cấu tổ chức giai đoạn 1, ngày 30/12/2011 Công ty V đã có Quyết định số 2482/QĐ- VM bổ nhiệm ông H nguyên Giám đốc Trung tâm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Kinh doanh kể từ ngày 01/01/2012. Cùng ngày 30/12/2011, ông H và Công ty V đã ký Hợp đồng lao động số 522/HĐ(KD)-VM không xác định thời hạn tính từ ngày 01/01/2012 với chức vụ là Phó Trưởng phòng, mức lương 3,27 Hệ số phụ cấp: 0,4 và Phụ lục hợp đồng lao động số 02-522/PLHĐ(KD)-VM thỏa thuận hàng tháng ông H được khoán lương với số tiền là 15.000.000 đồng/tháng bao gồm lương cơ bản và phụ cấp. Thỏa thuận giao kết hợp đồng lao động giữa ông H và Công ty V là tự nguyện, hình thức và nội dung của Hợp đồng lao động, Phụ lục hợp đồng lao động phù hợp với quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 23 của Bộ luật lao động nên có hiệu lực pháp luật.

[3.1.2] Ngày 09/3/2012, Công ty V có Quyết định số 317/QĐ-VM tạm thời dừng triển khai "Đề án tái cấu trúc công ty", ngưng triển khai toàn bộ hoạt động Phòng kinh doanh, tái lập Trung tâm và điều chuyển ông Htừ phòng kinh doanh về làm Giám đốc Trung tâm. Mặc dù chức vụ của ông H có thay đổi nhưng hai bên không ký lại hợp đồng lao động hoặc phụ lục hợp đồng lao động thỏa thuận lại tiền lương, nên tiền lương ông Hđược hưởng vẫn là lương khoán 15.000.000 đồng/tháng nên người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cho rằng tiền lương ông H được hưởng 25.000.000 đồng/tháng là không có căn cứ.

[3.1.3] Căn cứ Công văn số 2456/BHXH-THU ngày 18/8/2014 của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thì Công ty V đóng BHXH, BHYT, BHTN cho ông H từ tháng 02/2010 đến tháng 5/2013, do đó tiền lương của ông H sẽ được tính đến tháng 5/2013. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông T xác định lương tháng tính trên 22 ngày công và trả lương vào ngày 25, nên các ngày công cuối tháng sẽ được tính là ngày công của tháng sau. Như vậy, tháng 01/2012 ông H sẽ có tiền lương 05 ngày công của tháng 12/2011 ông H còn được hưởng mức lương 25.000.000 đồng/tháng là 5.681.818 đồng; từ ngày 01/01/2012 ông H được hưởng lương khoán 15.000.000 đồng/tháng nên tiền lương còn lại của tháng 01/2012 là 11.590.909 đồng, tổng cộng lương tháng 01/2012 là 17.272.727 đồng; tiền lương từ tháng 02/2012 đến tháng 05/2013 là 15.000.000 đồng/tháng x 16 tháng = 240.000.000 đồng; tổng cộng tiền lương từ tháng 01/2012 đến tháng 5/2013 Công ty V phải trả cho ông H là 257.272.727 đồng, trừ các khoản tiền bảo hiểm, công đoàn phí, thuế thu nhập cá nhân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…. ông H phải nộp từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là 12.850.280 đồng và tiền lương Công ty V đã trả cho ông H là 146.922.139 đồng; Công ty V còn phải trả cho ông H tiền lương là 97.500.308 đồng.

[3.1.4] Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ: “…nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền chậm trả nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của Ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương”, xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn tính lãi chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả từ ngày 24/5/2013 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm là có cơ sở chấp nhận. Do đó Công ty V phải trả cho ông H một khoản tiền do trả lương chậm từ tháng 5/2013 đến 10/2018 là {(97.500.308 đồng x 4,7%/năm):12 tháng} x 65 tháng = 24.821.953 đồng (theo lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 01 tháng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín thời điểm tháng 10/2018).

[3.2] Đối với yêu cầu đòi tiền lương kiêm nhiệm từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là 233.329.182 đồng:

[3.2.1] Bà M cho rằng theo nội dung quyết định bổ nhiệm ông H làm Phó Trưởng phòng kinh doanh, ông H được hưởng phụ cấp chức vụ, nên số tiền 15.000.000 đồng/tháng là tiền lương phụ cấp chức vụ kiêm nhiệm Phó Trưởng phòng kinh doanh và trên thực tế Công ty V đã chuyển khoản tiền lương kiêm nhiệm trả cho ông H vào các ngày: Ngày 30/01/2012 lương tháng 01/2012 là 7.000.000 đồng, ngày 02/3/2012 lương tháng 02/2012 là 5.681.818 đồng và ngày 11/4/2012 lương tháng 3/2012 là 8.989.000 đồng.

[3.2.2] Ông T cho rằng khi thực hiện tái cơ cấu tổ chức giai đoạn 1 thì không còn Trung tâm nên trong quyết định bổ nhiệm Phó trưởng phòng kinh doanh có nội dung: “... bổ nhiệm ông Nguyễn Trung H nguyên Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dược phẩm giữ chức vụ Phó trưởng phòng kinh doanh...” do đó, không có việc ông H vừa làm Giám đốc Trung tâm vừa làm Phó trưởng phòng kinh doanh. Ngày 30/1/2012 Công ty V chuyển khoản cho ông H 17.500.000 đồng gồm tiền thưởng năm 2011 là 7.000.000 đồng và tiền tạm ứng lương tháng 01/2012 là 10.500.000 đồng. Ngày 02/3/2012 chuyển lương tháng 01/2012 gồm 2 khoản 5.681.818 đồng là tiền lương của 5 ngày cuối tháng 12/2011 ông H được hưởng theo lương khoán 25.000.000 đồng/tháng và 11.590.909 đồng là tiền lương từ ngày 01/01/2012 theo lương khoán 15.000.000 đồng. Ngày 11/4/2012 chuyển khoản số tiền 14.359.027 đồng trong đó 30% tiền lương tháng 02/2012 là 3.859.027 đồng và tạm ứng 70% lương tháng 3/2012 là 10.500.000 đồng.

[3.2.3] Xét thấy trong bảng sao kê sổ phụ tài khoản của ông H có thể hiện số tiền 8.989.000 đồng do Công ty TNHH MTV Dược phẩm D chuyển cho ông H ngày 06/4/2012, không phải Công ty V chuyển. Ngoài ra như phân tích trên thì các chức vụ của ông H được bổ nhiệm theo từng thời điểm và quyết định khác nhau, không có quyết định nào của Công ty V bổ nhiệm ông H đang làm Giám đốc Trung tâm kiêm nhiệm thêm chức vụ Phó trưởng phòng kinh doanh. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông H đòi Công ty V trả tiền lương kiêm nhiệm còn thiếu từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là 233.329.182 đồng;

[3.3] Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu đòi tiền thưởng trên doanh số bán hàng năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng của nguyên đơn do thời hiệu khởi kiện đã hết:

[3.3.1] Bà M cho rằng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu đòi tiền thưởng là 02 năm. Trong thời gian còn làm việc tại Công ty V ông H liên tục đòi Công ty thanh toán tiền thưởng theo doanh số của năm 2010 và 2011, nên đầu năm 2011 Công ty V đã tạm ứng tiền thưởng theo doanh số cho ông H là 50.000.000 đồng, đồng thời trong đơn xin nghỉ việc ngày 13/3/2013 và đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động ngày 10/4/2013 ông H cũng có yêu cầu Công ty V phải thanh toán tiền thưởng theo doanh số của năm 2010 và 2011, nên thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại, tính từ ngày ông H nghỉ việc đến ngày ông H nộp đơn khởi kiện tại Tòa án chưa quá 02 năm nên chưa hết thời hiệu khởi kiện.

[3.3.2] Theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì “thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” và khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động 2012 “thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Hơn nữa, quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp các bên đã tự hòa giải với nhau, bên có nghĩa vụ đã thừa nhận nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện xong 1 phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Do đó, việc ông H liên tục đòi Công ty V thanh toán tiền thưởng năm 2010 và 2011 (nếu có) cũng không phải là căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

[3.3.3] Căn cứ bảng liệt kê thu chi tạm ứng cho ông H từ tháng 01/2011 đến tháng 07/2013 do Công ty V cung cấp thì ngày 29/01/2011 Công ty V có tạm ứng tiền thưởng doanh số cho ông H là 50.000.000 đồng, từ sau ngày 29/01/2011 đến ngày ông H nộp đơn khởi kiện 24/01/2014 đã quá hạn 1 năm nên thời hiệu khởi kiện đã hết, ông H cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh Công ty V đồng ý thanh toán hoặc có chi trả tiền thưởng theo doanh số năm 2010 và năm 2011 cho ông H, nên không có căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Đồng thời, Công ty V có yêu cầu áp dụng thời hiệu, nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đình chỉ xét xử yêu cầu của ông H đòi Công ty V thanh toán tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng là có căn cứ.

[3.4] Bà M cho rằng số tiền Công ty V tạm ứng cho ông H là 1.550.000.000 đồng, số tiền ông H thực chi là 1.615.405.996 đồng đã được bà Đỗ Thị Thúy N là Kế toán trưởng của Công ty V ký duyệt trong Bảng kê tạm ứng – quyết toán ngày 18/7/2012. Do đó, Công ty V phải thanh toán cho ông H số tiền chênh lệch là 65.405.996 đồng.

[3.4.1] Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty BV P xác nhận Công ty BV P có giao dịch mua bán với Công ty V theo hợp đồng số 086/2011/HĐMB-ĐQKV/BVP-BH ngày 28/3/2011, theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng thì trách nhiệm thực hiện các chương trình khuyến mãi là của Công ty BV P. Để thực hiện việc marketing sản phẩm, Công ty BV Pcó thỏa thuận riêng với cá nhân ông Nguyễn Trung H thực hiện một số chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm của Công ty BV P. Yêu cầu chung của các chương trình khuyến mãi là sản phẩm phải được cung cấp cho các Nhà thuốc và thu được tiền về; sau khi ông H cung cấp đầy đủ các chứng từ về việc thực hiện chương trình khuyến mãi và Công ty BV P đã kiểm tra thực tế tại các Nhà thuốc thì Công ty BV P sẽ chi trả các khoản chi phí khuyến mãi cho ông H. Do ông H không cung cấp được các chứng từ về thực hiện chương trình khuyến mãi, đồng thời, Nhà thuốc trả lại hàng cho Công ty V nên Công ty BV P không chi tiền khuyến mãi cho ông H. Hợp đồng số 086/2011/HĐMB-ĐQKV/BVP-BH ngày 28/3/2011 đã được thực hiện xong và đã tự thanh lý theo Điều 8 của Hợp đồng. Hiện nay giữa Công ty BV P và Công ty V không còn mối quan hệ liên quan đến hợp đồng này.

[3.4.2] Xét thấy, việc thực hiện chương trình khuyến mãi, marketing cho các sản phẩm của Công ty BV P thuộc trách nhiệm của Công ty BV P nên chỉ có Công ty BV P mới có quyền xem xét chứng từ, duyệt và quyết toán chi phí khuyến mãi. Bà N là kế toán trưởng Công ty V nên không có quyền duyệt quyết toán các chi phí thực hiện chương trình khuyến mãi, marketing sản phẩm của Công ty BV P. Bảng kê tạm ứng - quyết toán ngày 18/7/2012 do người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xuất trình có nội dung là bảng liệt kê các khoản tiền ông H đã tạm ứng và chi thực tế trong đó nội dung tại mục 4 là: “Số tiền đã quyết toán với BV p nhưng chưa nhận tiền từ BV p là 1.615.405.996 đồng”, nhưng người đại diện theo ủy quyền của Công ty BV P không thừa nhận Công ty BV P đã đồng ý quyết toán cho ông H số tiền này. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông H đòi Công ty V thanh toán cho ông tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng là 65.405.996 đồng.

[3.5] Bà M cho rằng khi Công ty V trả Sổ Bảo hiểm xã hội cho ông H thì đã quá thời hạn đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên ông H không được hưởng 06 tiền trợ cấp thất nghiệp; do đó, Công ty V phải bồi thường cho ông H 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng:

[3.5.1] Ông T cho rằng Công ty V có Công văn số 263/VM-NS ngày 20/3/2013 yêu cầu ông H hoàn thành các công việc tồn đọng và hoàn tất việc bàn giao trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ông H nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng quá thời hạn 45 ngày ông H vẫn không hoàn thành việc bàn giao. Công ty đã gửi thư mời số 598/TM-VM ngày 11/6/2013 yêu cầu ông H đến làm việc để thanh lý hợp đồng lao động, nhưng ông H không đến vì còn các khoản nợ tạm ứng của công ty chưa quyết toán. Do đó, việc quá thời hạn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải do lỗi của công ty nên Công ty V không đồng ý bồi thường 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp theo yêu cầu của ông H là 11.772.000 đồng.

[3.5.2] Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 Điều 45 Luật việc làm thì việc Công ty V chậm trả Sổ bảo hiểm xã hội cho ông H không làm mất đi thời gian ông H đã đóng bảo hiểm thất nghiệp để được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, căn cứ theo Công văn số 1848/BHXH ngày 10/9/2018 của Bảo hiểm xã hội Quận 1 cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì từ tháng 9/2013 ông H đã được Công ty Cổ phần Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dược phẩm Linh Thành đóng Bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội quận Tân Bình. Như vậy, từ tháng 9/2013 ông Hđã có việc làm nên không thuộc đối tượng được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông H đòi Công ty V bồi thường 06 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng.

[3.6] Bà M cho rằng kể từ khi ông H gửi đơn xin nghỉ việc ngày 13/3/2013 và chấm dứt làm việc tại Công ty V ngày 24/5/2013, ông H không có bất kỳ liên hệ nào với Công ty, không nhận được bất kỳ thông tin gì từ Công ty, không thừa nhận, thực hiện bất kỳ điều gì liên quan đến số tiền tạm ứng 1.550.000.000 đồng. Ngày 14/12/2015 Công ty V mới có đơn yêu cầu phản tố đòi số tiền này là đã hết thời hiệu khởi kiện và không có căn cứ được bắt đầu lại thời hiệu, do đó đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty V.

[3.6.1] Xét thấy, số tiền 1.550.000.000 đồng là của Công ty V tạm ứng cho ông H trong thời gian ông H làm Giám đốc Trung tâm do đó việc Công ty V có đơn phản tố đòi ông H trả lại số tiền 1.550.000.000 đồng là tranh chấp đòi lại tài sản. Theo hướng dẫn điểm b Khoản 3 Điều 23 của Nghị quyết số 03/2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với tranh chấp về đòi lại tài sản thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do đó, không có căn cứ đình chỉ xét xử yêu cầu đòi số tiền 1.550.000.000 đồng của Công ty V.

[3.6.2] Ông H xác nhận có tạm ứng của Công ty V số tiền 1.550.000.000 đồng và đã chi cho chương trình khuyến mãi, marketing cho các sản phẩm của Công ty BV P, tuy nhiên người đại diện theo ủy quyền của Công ty BV Pkhông xác nhận Công ty BV P đã đồng ý, quyết toán cho ông Hsố tiền 1.615.405.996 đồng, do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty V đòi ông H trả lại số tiền tạm ứng 1.550.000.000 đồng là có căn cứ.

[3.7] Từ những phân tích trên, có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần bản án lao động sơ thẩm số 322/2018/LĐ-ST ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[3.8] Về án phí lao động sơ thẩm:

[3.8.1] Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì ông H thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí do khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp. Tuy nhiên, ông H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với số tiền 2.016.463.872 đồng (gồm tiền chi phí chênh lệch 65.405.996 đồng, tiền lãi không được chấp nhận 401.057.876 đồng và số tiền tạm ứng 1.550.000.000 đồng phải trả lại cho Công ty V) là 44.329.277 đồng.

[3.8.2] Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp lao động tương ứng với số tiền phải trả cho ông H 122.322.261 đồng (97.500.308 đồng + 24.821.953 đồng) là 6.116.113 đồng.

[3.9] Về án phí lao động phúc thẩm: do sửa một phần bản án sơ thẩm nên nguyên đơn ông Nguyễn Trung H không phải chịu án phí phúc thẩm, theo quy định pháp luật.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 32, Điều 147, Điều 148, điểm e và điểm c khoản 1 Điều 217, Điều 296, khoản 2 Điều 308, Điều 313, Điều 315 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ Điều 15, Điều 16, Điều 23 và khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012; khoản 3 Điều 150 và khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm; khoản 1 Điều 24 Nghị định 05/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động; Điều 21 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm xã hội; Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

- Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

- Căn cứ Luật Thi hành án Dân sự;

* Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn trong thời hạn luật định, đã tạm ứng án phí theo quy định, nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

* Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Sửa một phần bản án sơ thẩm số 322/2018/LĐ-ST ngày 23 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi tiền lương của ông Nguyễn Trung H; Buộc Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả cho ông Nguyễn Trung H tiền lương còn thiếu là 97.500.308 đồng và khoản tiền do chậm trả lương là 24.821.953 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Trung H đòi Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả các khoản tiền sau:

- Tiền lương kiêm nhiệm từ tháng 01/2012 đến tháng 05/2013 là: 233.329.182 đồng;

- Tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng là: 65.405.996 đồng;

- Tiền bồi thường 06 tháng trợ cấp thất nghiệp là 11.772.000 đồng;

- Tiền lãi chậm trả là 401.057.876 đồng.

3. Đình chỉ xét xử yêu cầu của ông Nguyễn Trung H đòi Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V trả Sổ bảo hiểm xã hội và thanh toán tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011 là 221.347.423 đồng.

4. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V.

Buộc ông Nguyễn Trung Htrả lại cho Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V số tiền tạm ứng là 1.550.000.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

5. Về án phí sơ thẩm:

Ông Nguyễn Trung H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp lao động là 44.329.277 đồng được cấn trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 4.903.938 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AB/2012/04632 ngày 26/02/2014; ông H còn phải nộp 39.425.339 đồng.

Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về tranh chấp lao động là 6.116.113 đồng được cấn trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 17.500.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/000/3296 ngày 24/12/2015 Công ty Cổ phần Y Dược phẩm V được hoàn lại số tiền chênh lệch là 11.383.887 đồng.

6. Về án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Trung H không phải chịu, hoàn trả tiền tạm ứng án phí ông H đã tạm nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2017/0023673 ngày 29/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Các bên thi hành tại Chi cục Thi hành án Dân sự có thẩm quyền.

8. Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

9. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1816
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 852/2019/LĐ-PT ngày 27/09/2019 về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp, tiền tạm ứng

Số hiệu:852/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 27/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về