Bản án 87/2018/HS-PT ngày 15/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 87/2018/HS-PT NGÀY 15/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 15 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 71/2018/TLPT-HS ngày 06-7- 2018 đối với bị cáo Trần Công Th, do có kháng cáo của bị cáo, kháng cáo của bị hại Lê Thị Châu M đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2018/HSST ngày 18- 05-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

* Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Trần Công Th, sinh năm 1973 tại tỉnh Ninh Thuận; nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: Hoa; Giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trần Hôn S, sinh năm 1935, con bà Ừng Nhục M, sinh năm 1951; vợ Nguyễn Thị L, sinh năm 1975; bị cáo có 04 người con, con lớn nhất sinh năm 1994, con nhỏ nhất sinh năm 2009;

Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 13-3-2015, đến ngày 11-6-2015 thì được tại ngoại. Bắt tạm giam ngày 21-02-2017 đến ngày 10- 3-2017, được thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Đặt tiền để bảo đảm”. Hiện bị cáo tại ngoại. Có mặt.

Người bào chữa: Luật sư Vũ Thành N - Văn phòng luật sư NT, Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

* Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo, có liên quan đến kháng cáo:

- Bị hại: chị Lê Thị Châu M, sinh năm 1974; nơi cư trú: Ấp 7, xã ST, huyện TB, tỉnh Đồng Nai. Có mặt.

Người bảo vệ quyền, lợi ích cho bị hại: Luật sư Lê Cao T - Văn phòng luật sư BT, Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1975; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông Đinh Bạt Đ, sinh năm 1965; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

2. Anh Ngọ Văn H, sinh năm 1971; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

3. Anh K’ K, sinh năm 1983; nơi cư trú: Thôn thôn LT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

4. Anh Triệu Văn Th1, sinh năm 1986; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

5. Anh Lưu Văn M, sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

6. Bà Đặng Thị Đ1, sinh năm 1963; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

7. Chị Trần Mộng T, sinh năm 1997; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

8. Chị Trần Cẩm L1, sinh năm 1999; nơi cư trú: Thôn TT, xã ĐK, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Xuất phát từ việc vay nợ giữa vợ chồng chị M (bị hại), anh D (anh ruột bị cáo) với gia đình vợ chồng bị cáo Th, chị L (bị cáo Th, em dâu bị hại M). Đến chiều ngày 03-11-2014, bị hại chị M và chị T (con chị M) đến nhà bị cáo Th để cân cà phê trừ nợ; bà M điều khiển xe máy chở chị T, mang theo 01 ổ khóa với mục đích khóa cổng nhà bị cáo, để không chở cà phê đi bán được.

Quá trình đòi nợ, bị hại chị M cư xử quá đáng nên bị cáo Th, chị L bức xúc. Do bị cáo, bà L không đồng ý cho bị hại cân cà phê trừ nợ, nên hai bên xảy ra cãi vã, to tiếng. Bị cáo Th gọi hàng xóm xung quanh và Trưởng thôn (ông H) đến để giải quyết. Tại nhà bị cáo Th, ông H lập biên bản và nói bị hại chị Mai đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Bị hại chị M không đồng ý và cho rằng “ông H không có thẩm quyền giải quyết”, nên ông H đã xé bỏ biên bản, sau đó cùng mọi người đi ra ngoài; trong nhà chỉ còn bị hại chị M ngồi trên ghế dài, sát cửa hông, tư thế khoanh hai chân trên ghế, 02 tay đút vào túi áo, chị T ngồi phía bên trong xem tivi. Bị cáo Th cùng với chị L đi ra quán trước nhà, ông Đ và những người hàng xóm (ông H, bà N, bà Đ1), đều đứng phía ngoài cổng và nói chuyện.

Trong lúc nói chuyện, ông Đ nói “giờ mời không về thì chỉ còn cách kéo ra rồi đóng cổng lại”, bị cáo Th và chị L đi vào nhà; bị cáo Th đứng ở vị trí bên trái cửa chính theo hướng từ ngoài vào, chị L đi theo cửa hông đứng phía sau bị hại; bị cáo Th và chị L yêu cầu bị hại chị M đi về nhưng bị hại chị M vẫn ngồi trên ghế và to tiếng nói lại. Chị L tiến đến túm tóc bị hại chị M giật ra phía sau, bị hại chị M bỏ chân trái xuống, đồng thời quay lại cào cấu chị L. Lúc này bị cáo Th đi lại, hai tay nắm cổ áo bị hại chị M rồi dùng chân đạp vào bụng dưới bị hại chị M, làm cho bị hại chị M ngồi bệt mông xuống nền nhà, giữa bàn uống nước và ghế dài. Bị cáo Th tiếp tục chân trái đứng sát bàn uống nước, chân phải đứng giữa hai chân bị hại, dùng hai tay túm tóc và dìm đầu bị hại chị M xuống nền nhà, nên bị hại chị M liên tục chống cự và dùng tay cào cấu lại. Khi bị hại chị M co chân trái lại lấy thế đứng lên, bị cáo Th dùng chân phải đạp vào đầu gối bị hại chị M; sau đó, bị cáo Th đứng qua bên phải bị hại chị M, chị L leo lên ghế dài bên trái để kéo bị hại chị M ra, bị hại chị M chống cự lại và ngồi lết dưới nền nhà. Khi bị cáo Th và chị L kéo bị hại chị M ra gần cửa chính thì chị T lao vào giằng co, kéo chị L ra. Lúc này bị cáo Th xốc hai tay vào hai bên nách bị hại, quay lưng bị hại ra đường, mặt hướng vào nhà, kẹp bên tay trái, chị L kẹp bên tay phải, kéo bị hại chị M ra cổng. Quá trình kéo bị hại chị M từ trong nhà ra cổng, bị hại chị M liên tục giằng co, ghì người xuống, có lúc mông chạm đất, hai chân duỗi thẳng đồng thời cào cấu lại bị cáo Th và chị L. Khi ra đến đống đá trước cổng, chị L bỏ ra nhưng bị hại vẫn cào cấu, giằng co. Lúc này, bà N đứng gần đó đi lại gỡ bị hại và chị L ra, chị L đi qua quán vào nhà, bị cáo Th cũng bỏ bị hại ra, đi đường cổng chính vào nhà. Bị hại đứng dậy, nhặt đá ném theo chị L rồi đi theo bị cáo Th vào trong hiên nhà. Khi vào đến hiên nhà, bị hại lấy ổ khóa trong người ném trúng ngực chị L, sau đó bị hại ngồi xuống hiên nhà và nói với chị T là bị đánh gãy chân, rồi gọi điện cho ông D (chồng bị hại) đến.

Quá trình đi từ cổng vào hiên nhà, bị hại không bị ngã hay có va chạm nào khác vào vùng đầu gối, đã được những người làm chứng xác nhận. Bị hại chị M ngồi ở hiên nhà cho đến khi Công an xã Đạ KNàng đến và được ông K' K (Phó Công an xã) cõng ra xe và chở đến Phòng khám quân dân y xã Phi Liêng cấp cứu, sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, chuyển đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị vết thương đầu gối trái, chân trái nẹp cố định (các bút lục 30-32, 39-41, 50-55, 58-61, 75, 87, 89, 97-101, 119-136, 147-182, 270-279).

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 01 ổ khóa mầu bạc; 01 cục đá kích thước 5x7cm, màu xanh (bút lục 33).

Tại Bản kết luận số: 01/2015/TgT ngày 14-01-2015 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Lâm Đồng kết luận bị hại chị M “bị đứt dây chằng chéo trước gối trái đã phẫu thuật, di chứng hạn chế động tác gối trái; Rách sụn chêm ngoài; Vỡ sụn lồi cầu trong gối trái”; tỷ lệ thương tích 35% (các bút lục 39, 40).

+ Tại Bản kết luận (lần 2) số: 81/16/TgT ngày 15-8-2016 của Phân Viện Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh kết luận bị hại chị M “bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước đã được phẫu thuật tái tạo dây chằng; Vỡ lồi cầu xương đùi gây hạn chế vận động khớp gối mức độ nhẹ; Rách sụn chêm gối trái đã được phẫu thuật”; tỷ lệ thương tích 35%.

+ Tại Bản kết luận số: 57/17/TgT ngày 22-5-2017 (giám định bổ sung) của Phân viện pháp y thành phố Hồ Chí Minh; bị hại chị M bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước gối trái, rách sụn chêm ngoài, vỡ sụn lồi cầu trong gối trái “là do tác động ngoại lực gây ra”.

Trong vụ án này, chị L cùng tham gia cào cấu với bị hại chị M và cùng với bị cáo Th dùng tay kéo bị hại đi ra ngoài, hành vi của chị L đã gây tổn hại đến sức khỏe của bị hại chị M. Tuy Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ để khởi tố chị L về hành vi “Cố ý gây thương tích” với vai trò là đồng phạm với bị cáo Th nhưng không được không chấp nhận.

Tại Bản án số: 11/2018/HSST ngày 18-05-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, đã tuyên bố bị cáo Trần Công Th phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015); Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999 (tương ứng Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015).

- Xử phạt bị cáo Trần Công Th 24 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án; được trừ 98 ngày đã tạm giam trước.

- Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Th phải bồi thường cho bị hại chị M số tiền 100.000.000đ.

Tạm giữ số tiền 20.000.000đ của bị cáo (đặt tiền để bảo đảm) đã nộp vào tài khoản 3949.0.1048910.00000 của Chi cục thi hành án huyện Đam Rông để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự.

Ngoài ra, Bản án còn xử lý vật chứng, án phí, tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định pháp luật.

Ngày 29-5-2018 bị cáo Th kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bị oan, không gây thương tích cho bị hại bà M.

Ngày 25-5-2018, bị hại chị M kháng cáo yêu cầu bị cáo bồi thường 222.000.000đ; chị L tham gia vai trò đồng phạm, đề nghị xem xét khởi tố chị L để xử lý theo pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo cho rằng bị cáo không thực hiện hành vi dùng chân đạp vào đầu gối của bị hại dẫn đến thương tích, nên không chịu trách nhiệm hậu quả thương tích; đề nghị Tòa án xem xét minh oan cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho rằng Bản án sơ thẩm căn cứ lời khai duy nhất của bị hại bà M để quy kết bị cáo thực hiện hành vi dùng chân đạp vào đầu gối của bị hại dẫn đến thương tích là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ, không thể căn cứ lời khai của bị hại bà M, người làm chứng chị T (con bị hại); trong khi đó, sự việc xảy ra trong nhà bị cáo Th có bà L (vợ bị cáo Th), chị L1 (con bị cáo) cũng là người làm chứng khai cho rằng bị cáo không dùng chân đạp vào đầu gối bị hại, nên cũng không thể căn cứ lời khai của bà L, chị L1. Tại phiên tòa phúc thẩm còn xác định có anh Th1 cũng có mặt lúc xảy ra sự việc trong nhà bị cáo. Ngoài ra, các chứng cứ khác mâu thuẫn như bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng; giấy chuyển viện đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình; kết luận giám định.... Do vậy, đề nghị Tòa án hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Về phía bị hại chị M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu bồi thường 220 triệu, đồng thời khẳng định rằng thương tích do bị cáo Th dùng chân đạp vào đầu gối, bà L thực hiện hành vi túm tóc để bị cáo Th đạp vào đầu gối, nên đề nghị Tòa án xem xét. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng kháng cáo của bị hại là có căn cứ và đề nghị chấp nhận. Đối với người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm khai không khách quan bởi lẽ giữa bị hại bà M và những người làm chứng có mâu thuẫn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, kháng cáo của bị hại; giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xuất phát từ việc vay nợ giữa vợ chồng chị M (bị hại), anh D (anh ruột bị cáo) với gia đình vợ chồng Trần Công Th (bị cáo, em dâu bị hại M), chị L. Do vậy chiều ngày 03-11-2014, bị hại bà M và chị T đến nhà bị cáo Thìn để cân cà phê trừ nợ. Tuy nhiên, quá trình đòi nợ, bị hại bà M cư xử quá đáng nên bị cáo Th và bà L (vợ bị cáo Th) bức xúc, không đồng ý cho bị hại cân cà phê trừ nợ, nên hai bên xảy ra cãi vã, to tiếng với nhau.

Theo hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo không thừa nhận thực hiện hành vi dùng chân “đạp vào đầu gối” của bị hại; trong khi đó lời khai của bị hại cho rằng bị cáo thực hiện hành vi dùng chân “đạp vào đầu gối” bị hại dẫn đến thương tích. Đối chiếu tài liệu chứng cứ khác thể hiện, sự việc xảy ra trong nhà bị cáo Th và chỉ có bị hại bà M, bị cáo, bà L (vợ bị cáo), chị L1 (con bị cáo) chị T (con bị hại), trong khi đó giữa lời khai của bà L, chị T khai mâu thuẫn. Ngoài ra, lời khai người làm chứng như ông M, bà Đ, ông H, ông Đ, chị N không chứng kiến sự việc xảy ra trong nhà, nên không ai nhìn thấy bị cáo dùng chân đạp vào đầu gối bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm người làm chứng ông Đ, bà Đ xác định kể từ khi bị cáo Th, bà L cầm tay, kẹp nách ôm đẩy bị hại từ trong nhà ra đến cổng nhà của bị cáo Th, sau đó bị hại còn chạy theo cầm đá, cầm ổ khóa ném bà L và chạy từ cổng vào đến thềm nhà thì thấy bị hại vấp ngã. Như vậy, theo bản kết luận giám định số: 801/GĐ-PC54 (bút lục 444) cho rằng “đứt dây chằng chéo trước gối trái do ngoại lực tác động hoặc do chạy dừng đột ngột và chuyển hướng hoặc xoay người đột ngột”. Do vậy, cần điều tra làm rõ việc bị hại chạy từ cổng vào thềm nhà và việc bị vấp ngã thế nào để xác định thương tích đầu gối của bị hại có phải do vấp ngã tại vị trí thềm nhà của bị cáo hay không?

Tài liệu bệnh án và các tài liệu khai khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng (bút lục 385) thể hiện chụp XQ ghi “khe khớp đùi, chày và đùi, xương bánh chè bình thường, mâm chày không có đường gãy, gai chày không có hình ảnh bất thường; xương bánh chè, đầu gối, xương đùi... Hiện tại chưa có dấu hiệu bất thường. Tài liệu chụp MRI ngày 04/11/2014 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thể hiện “rách, thoái hóa sừng sau sụn chêm trong (grade III) và thoái hóa sừng trước sụn chêm trong (grade II)”. Đối chiếu tài liệu giấy chuyển viện đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Thành Phố Hồ Chí Minh ghi “chấn thương gối trái/rách, thoái hóa sừng sau sụn chêm trong, dứt bán phần dây chằng chéo trước” (bút lục 53) trong khi đó tài liệu hồ sơ vụ án không thể hiện bị hại bà M nhập viện theo giấy chuyển viện đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Thành Phố Hồ Chí Minh để điều trị. Do vậy cần điều tra làm rõ tình trạng thương tích bị hại bà M điều trị tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Thành Phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 20 ngày sau (ngày 26-11-2014) bị hại bà M tự đến nhập viện Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Thành Phố Hồ Chí Minh với tình trạng thương tích “đứt dây chằng chéo trước gối trái, rách sụn chêm ngoài, vỡ sụn cầu lồi... (bút lục 54) nên cần điều tra làm rõ về nội dung này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại bà M xác định không nhập viện Bệnh viện Bình Dương; trong khi đó tài liệu trưng cầu giám định lại thể hiện hình ảnh chụp MRI của Bệnh viện Bình Dương là mâu thuẫn không phù hợp lời khai của bị hại.

Từ phân tích nêu trên, với chứng cứ thu thập của Cơ quan điều tra chưa đầy đủ để chứng minh hành vi của bị cáo Th có dùng chân đạp vào đầu gối của bị hại dẫn đến thương tích, nên cần hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.

Do hủy bản án sơ thẩm, nên chưa xem xét kháng cáo của bị cáo, kháng cáo của bị hại.

[4] Về án phí: Do hủy Bản án sơ thẩm, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật tố tụng hình sự. Xử:

1. Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số: 11/2018/HSST ngày 18-05- 2018 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, đã tuyên bố bị cáo Trần Công Th phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra huyện Đam Rông để tiến hành điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.

3. Về án phí: Căn cứ Điều 135, Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bị cáo Trần Công Th không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

331
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 87/2018/HS-PT ngày 15/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:87/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về