Bản án 88/2019/DS-ST ngày 04/10/2019 về tranh chấp di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẢI HẬU, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 88/2019/DS-ST NGÀY 04/10/2019 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 04 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 63/2019/TLST-DS ngày 10 tháng 7 năm 2019 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 62/2019/QĐXXST-DS ngày 30 tháng 8 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 33/2019/QĐST-TCDS ngày 16 tháng 9 năm 2019, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Phạm Thanh T, sinh năm 1953; địa chỉ: Xóm 7, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Trần Thị Thắm - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở tư pháp tỉnh Nam Định.

Bị đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1966; địa chỉ: Xóm 12, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phạm Thị A, sinh năm 1950; địa chỉ: Ấp 12, xã VH A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

2. Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1956; địa chỉ: Xóm 11, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

3. Ông Phạm Văn B, sinh năm 1959; địa chỉ: Xóm 11, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

4. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1961; địa chỉ: Xóm 8, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

5. Bà Phạm Thị M, sinh năm 1966; địa chỉ: Xóm 2, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

6. Bà Phạm Thị X, sinh năm 1969; địa chỉ: Ấp 13, xã VH, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

7. Bà Phạm Thị M, sinh năm 1976; địa chỉ: Ấp Thống Nhất, xã VH, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

8. Chị Phạm Thị C, sinh năm 1988; địa chỉ: Xóm 2, xã HH, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

9. Anh Phạm E K, sinh năm 1992; địa chỉ: Xóm 12, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

10. Anh Phạm Đức E, sinh năm 2000; địa chỉ: Xóm 12, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị A: Ông Phạm Thanh T – là nguyên đơn trong vụ án (văn bản ủy quyền ngày 12 tháng 7 năm 2019).

Người làm chứng: Ông Vũ Văn S, sinh năm 1930; địa chỉ: Xóm 12, xã HQ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

(Tại phiên tòa có mặt ông T, bà Thắm, bà H, ông B, bà M, bà Đ, bà L, chị C; vắng mặt bà A, bà M, bà X, anh K, anh E, ông S).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 27-6-2019 và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn ông Phạm Thanh T trình bày:

Cụ Phạm Văn Thị và cụ Phạm Thị Vạc sinh được 10 người con gồm: Ông Phạm Thanh T, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, ông Phạm Văn Bốn, bà Phạm Thị M và ông Phạm Văn Bôn. Cụ Thị chết năm 2000, cụ Vạc chết năm 2009, trước khi chết đều không để lại di chúc. Ông Bốn không xây dựng gia đình, ở cùng với bố mẹ đến năm 2002 thì chết. Ông Bôn là chồng bà H chết năm 2010, vợ chồng ông Bôn, bà H có 3 người con gồm: Chị Phạm Thị C, anh Phạm E K và anh Phạm Đức E.

Khi còn sống, cụ Thị và cụ Vạc đã cắt cho hộ ông B một phần đất phía Bắc; hộ ông Bôn một phần đất phía Tây; thổ đất của hộ ông B và hộ ông Bôn đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi cắt đất cho hộ ông Bôn và hộ ông B, diện tích đất cụ Thị, cụ Vạc còn lại là 645 m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó 300 m2 đất ở và 345 m2 đất ao. Năm 2004, cụ Vạc đã cắt cho ông T 90 m2 đất, trong đó có 50 m2 đất ở và 40 m2 ao nên diện tích đất còn lại 555 m2 trong đó 250 m2 đất ở và 305 m2 đất ao. Tài sản cụ Thị, cụ Vạc để lại gồm thổ đất diện tích 555 m2, nhà cấp bốn 3 gian, 1 gian bếp, 1 bể nước hiện không có ai ở nhưng các anh em con cháu vẫn đến cúng giỗ chung, ông B là con trai, ở liền phía bắc nhà hai cụ chịu trách nhiệm quản lý.

Sau khi cụ Thị chết, vợ chồng ông Bôn, bà H đã phá dỡ một phần bếp và công trình phụ ngay sát nhà chính ba gian của cụ Thị, cụ Vạc để xây công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, xây hố ga trên phần đất phía Đông của cụ Thị, cụ Vạc và sử dụng từ đó cho đến nay.

Nay ngôi nhà cũ của hai cụ đã xuống cấp, các anh chị em trong gia đình muốn xây dựng, quy hoạch lại khuôn viên để vừa thờ cúng gia tiên vừa là nơi để anh em họp bàn, cúng giỗ chung, các cô con gái hiện đang sinh sống trong nam cũng có chỗ đi về mà không phải ở nhờ anh chị em nào. Vì vướng phần công trình phụ của ông Bôn, bà H đã xây dựng hiện đang sử dụng chiếm khoảng 100m2 nên các con của cụ Thị không thực hiện được nguyện vọng này. Vì vậy, ông T là con trưởng nam của hai cụ làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bà H và các con bà H phải tháo dỡ toàn bộ các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi đã xây dựng trên phần đất phía Đông thổ đất của hai cụ trả lại đất cho các đồng thừa kế của cụ Thị, cụ Vạc, giao ông B quản lý di sản. Hiện tại, ông T và những người con còn lại không yêu cầu chia thừa kế tài sản của hai cụ để lại.

Khi cụ Thị, cụ Vạc còn sống, gia đình sử dụng lối đi qua sân nhà ông Bôn, bà H để ra đường xã; trên sơ đồ địa chính thể hiện thổ đất của cụ Thị, cụ Vạc chưa có ngõ đi nhưng ông T không yêu cầu mở lối đi cho thổ đất của hộ cụ Thị mà để các anh chị em ông T tự thương lượng thỏa thuận mở lối đi.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bà Trần Thị Thắm trình bày: Toàn bộ nội dung sự việc nguyên đơn đã trình bày, bà Thắm không bổ sung gì thêm. Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác nhận di sản cụ Thị và cụ Vạc để lại như ông T trình bày; buộc gia đình bà H phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi xây trên phần đất phía Đông thổ đất của cụ Thị, cụ Vạc; giao ông B là người quản lý di sản.

Tại bản tự khai và quá trình tố tụng, bị đơn bà Trần Thị H trình bày: Về quan hệ gia đình, việc cụ Thị, cụ Vạc đã cắt chia đất cho ba con trai là hộ ông T, ông B, ông Bôn như ông T đã trình bày là đúng. Bà H kết hôn với ông Bôn vào năm 1987 và ở cùng hai cụ tại nhà đất của hai cụ hiện nay. Khoảng năm 1989, cụ Thị đã nói với vợ chồng bà H tu sửa nhà cửa cùng với hai cụ để ở, khi hai cụ chết thì toàn bộ đất đai của hai cụ thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà H. Sau đó, do không có tiền trả nợ thay cho con gái, hai cụ đã bán toàn bộ thổ đất còn lại cho vợ chồng bà H với giá 3 chỉ vàng. Bà H là người trực tiếp giao vàng cho cụ Vạc tại nhà cụ Vạc, ngoài vợ chồng bà H thì có bà Phạm Thị Đ (con gái cụ Vạc) chứng kiến. Sau khi nhận vàng từ bà H, cụ Vạc đem trả nợ cho ông Vũ Văn S (ở cùng xóm) 1 chỉ vàng mà cụ Vạc đã thuê của ông S trước đó cho con gái là bà Phạm Thị Đ trả nợ. Việc mua bán không lập văn bản giấy tờ, chưa làm thủ tục sang tên vì cả hai cụ đều đang sinh sống tại phần đất đã bán. Vì vậy, phần đất còn lại của cụ Thị, cụ Vạc mặc dù đã bán nhưng vẫn đứng tên quyền sử dụng đất chủ hộ ông Phạm Văn Thị.

Năm 2004, sau khi cụ Thị mất, cụ Vạc có nói với vợ chồng bà H cắt lại cho ông T 1 phần đất mặt đường phía nam thổ đất của ông Bôn, bà H để cho con trai ông T (cháu đích tôn của cụ Thị) ở. Vợ chồng bà H đã đồng ý làm thủ tục chuyển nhượng cho ông T 70 m2 đất ao, phần đất còn lại của hộ gia đình ông Bôn, bà H là 330 m2 trong đó 200 m2 đất ở và 130 m2 đất ao.

Về phần công trình phụ phía đông thổ đất của cụ Thị, từ khi bà H kết hôn với ông Bôn, vợ chồng bà đã tu sửa lại bếp, chuồng trại chăn nuôi cũ của cụ Thị để sử dụng, sau đó theo thời gian cứ hỏng đến đâu tu sửa đến đó. Riêng công trình vệ sinh sát nhà ở của cụ Thị vợ chồng ông Bôn, bà H xây khoảng năm 2000, khi cụ Vạc còn sống cùng sử dụng công trình này với gia đình bà H, từ khi cụ Vạc chết, gia đình bà H quản lý sử dụng.

Theo bà H, toàn bộ phần đất của cụ Thị, cụ Vạc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau khi đã trừ diện tích đất tách cho ông T) là đất vợ chồng bà H đã mua của hai cụ nên đất hiện không còn là tài sản của cụ Thị, cụ Vạc nữa mà của vợ chồng bà H; ông Bôn chết thì mẹ con bà H được quyền quản lý, sử dụng. Toàn bộ phần công trình phụ xây trên phần đất do vợ chồng bà H đã mua của cụ Thị. Vì vậy, việc ông T khởi kiện đề nghị Tòa án xác định nhà đất mang tên cụ Thị là tài sản cụ Thị, cụ Vạc chết để lại thừa kế cho các con của cụ; buộc gia đình bà H phải tháo dỡ công trình đã xây trả lại đất cho các đồng thừa kế của cụ Thị, cụ Vạc bà H không nhất trí. Bà H không yêu cầu chia thừa kế, không đề nghị xác định công sức đóng góp đối với ngôi nhà mà cụ Thị, cụ Vạc để lại mà đề nghị Tòa án công nhận toàn bộ thửa đất mang tên cụ Thị hiện nay thuộc quyền sử dụng của mẹ con bà H, ông T cũng như những người con khác của cụ Thị, cụ Vạc không có quyền lợi gì đối với khối tài sản này.

Tại bản tự khai, đơn đề nghị, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía nguyên đơn gồm ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M đều trình bày nhất trí với ý kiến trình bày và yêu cầu khởi kiện của ông T. Các ông bà đều có nguyện vọng xây nhà từ làm nơi thờ cúng bố mẹ gia tiên cho khang trang, sạch sẽ nên yêu cầu tòa án xác định di sản mà cụ Thị, cụ Vạc chết để lại cho các đồng thừa kế; buộc gia đình bà H phải tháo dỡ phần công trình phụ và chuồng trại chăn nuôi đã xây trên phần đất phía Đông thổ đất của cụ Thị, cụ Vạc. Riêng bà Đ có trình bày thêm: bà không công nhận việc bà H khai bà chơi lô đề vỡ nợ. Bà Đ cũng khẳng định bà không chứng kiến việc bà H giao 3 chỉ vàng cho cụ Vạc. Ngoài ra, ông B, bà M, bà Đ, bà L, bà A, X và bà M không có yêu cầu gì khác.

Tại bản tự khai, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn gồm chị Phạm Thị C, anh Phạm E K, anh Phạm Đức E là các con của ông Bôn, bà H đều trình bày: việc cụ Thị, cụ Vạc cắt chia đất cho ông T, ông B, ông Bôn như thế nào các con bà H còn nhỏ không được biết. Từ khi còn nhỏ, các con bà H đều ở cùng bố mẹ tại thổ đất hiện nay bà H đang quản lý, sử dụng. Phần công trình phụ sát phía đông nhà của cụ Thị là do ông Bôn, bà H xây dựng để cả gia đình sinh hoạt hàng ngày. Nay ông T khởi kiện, các con bà H đề nghị Tòa án giải quyết ý kiến, yêu cầu của các bên đương sự theo quy định pháp luật.

Tại biên bản lấy lời khai người làm chứng cụ Vũ Văn S trình bày: Cụ S không có anh em họ hàng với cụ Thị, cụ Vạc nhưng là người cùng xóm, cùng lứa tuổi nên giữa các cụ có qua lại chơi với nhau. Trước năm 2000, cụ Vạc có vay của cụ S 01 chỉ vàng 9999, không nói vay làm gì nên cụ S không biết. Khoảng năm 2007, cụ Vạc trả 01 chỉ vàng cho cụ S. Khi đó, cụ S có hỏi vàng ở đâu thì cụ Vạc chỉ nói bán đất cho con mà không nói bán bao nhiêu, bán cho con nào, cụ S cũng không hỏi nên không biết gì thêm. Sau khi cụ Thị, cụ Vạc chết để lại những tài sản gì cụ S không biết, thực tế, nhà ở nguyên của hai cụ hiện không có ai ở, phần công trình phụ gia đình bà H sử dụng, phần đất vườn phía nam thổ do ông B là con trai ở sát nhà cụ trồng cây cối H màu. Nay ông T cùng các con cụ Thị khởi kiện đòi di sản, buộc gia đình bà H tháo dỡ công trình phụ đã xây dựng, cụ S đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Vì điều kiện tuổi cao, sức khỏe yếu không tự đi lại được nên cụ xin vắng mặt tại các buổi làm việc và tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, bà A, bà X, bà M, anh K, anh E vắng mặt; ông T, bà Thắm, bà H, ông B, bà L, bà Đ, bà M, chị C giữ nguyên ý kiến, quan điểm như đã trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu ý kiến:

- Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu thụ lý vụ án là đúng thẩm quyền. Việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán và Hội đồng xét xử cũng như của các đương sự trong quá trình giải quyết vu án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Thanh T, xác nhận 555 m2 (trong đó 250 m2 đất ở và 305 m2 đất ao) thuộc thửa số 342, tờ bản đồ số 11 xã HQ mang tên chủ hộ ông Phạm Văn Thị là di sản thừa kế cụ Phạm Văn Thị và cụ Phạm Thị Vạc để lại cho các đồng thừa kế gồm ông Phạm Thanh T, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M và bà Trần Thị H, chị Phạm Thị C, anh Phạm E K, anh Phạm Đức E. Buộc các đồng thừa kế gồm ông Phạm Thanh T, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M phải có trách nhiệm L đới trả cho bà Trần Thị H, chị Phạm Thị C, anh Phạm E K, Phạm Đức E số tiền giá trị còn lại phần công trình xây dựng mà ông Phạm Văn Bôn và bà Trần Thị H đã xây dựng trên đất của cụ Thị, cụ Vạc để lại là 13.500.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị X và Phạm Thị M vắng mặt đã có giấy ủy quyền cho ông Phạm Thanh T; Anh Phạm E K có đơn xin xét xử vắng mặt; anh Phạm Đức E vắng mặt tại phiên tòa lần hai không có lý do. Căn cứ khoản 1 Điều 227; khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà A, bà X, bà M, anh K, anh E là phù hợp.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp quyền sử dụng đất". Tuy nhiên, quyền sử dụng đất là đối tượng đang tranh chấp mang tên cụ Phạm Văn Thị và chị Phạm Thị Vạc nhưng cả hai cụ đều đã chết, các đương sự đều là con của hai cụ chỉ yêu cầu xác nhận quyền đối với tài sản mà không yêu cầu phân chia. Do đó, Tòa án xác định quan hệ pháp luật trong trường hợp này là “Tranh chấp di sản thừa kế” theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về thửa đất 555 m2 thuộc thửa số 342, tờ bản đồ số 11 xã HQ mang tên chủ hộ ông Phạm Văn Thị:

Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận: Cụ Thị và cụ Vạc sinh được 10 người con gồm: Ông Phạm Thanh T, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, ông Phạm Văn Bốn, bà Phạm Thị M và ông Phạm Văn Bôn. Cụ Thị chết năm 2000, cụ Vạc chết năm 2009, trước khi chết đều không để lại di chúc. Ông Bốn không xây dựng gia đình, ở cùng với bố mẹ đến năm 2002 thì chết. Ông Bôn là chồng bà H chết năm 2010, vợ chồng ông Bôn, bà H có 3 người con gồm: Chị Phạm Thị C, anh Phạm E K và anh Phạm Đức E. Sau khi cụ Thị, cụ Vạc cắt cho hộ ông T, hộ ông B và hộ ông Bôn mỗi người một phần đất (đều đã được tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì diện tích thổ đất mang tên cụ Thị còn lại là 555 m2 tại thửa số 342, tờ bản đồ số 11 của Ủy ban nhân dân xã HQ, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Phạm Văn Thị. Ngoài ra, cụ Thị, cụ Vạc còn để lại một nhà cấp bốn 3 gian, 1 gian bếp, 1 bể nước, ruộng nông nghiệp hiện ông B đang là người sử dụng vườn, ruộng nông nghiệp, trông coi nhà.

Quá trình giải quyết vụ án ông T, ông B, bà Đ, bà L, bà A, bà X, bà M, bà M đều khẳng định ngoài việc cắt chia quyền sử dụng đất cho ông T, ông B, ông Bôn thì từ khi còn sống đến nay cụ Thị, cụ Vạc không có sự mua bán chuyển dịch đối với diện tích đất còn lại 555 m2. Sau khi cụ Vạc qua đời, tài sản là quyền sử dụng đất và các công trình xây dựng khác vẫn giữ nguyên, không có sự thay đổi. Do đó, các đương sự kể trên đề nghị Tòa án xác nhận 555 m2 tại thửa số 342, tờ bản đồ số 11 của Ủy ban nhân dân xã HQ, mang tên hộ ông Phạm Văn Thị là di sản thừa kế cụ Thị, cụ Vạc chết để lại chưa chia, giao ông Phạm Văn B là con trai thứ nhưng ở liền sát thổ đất của hai cụ quản lý di sản này. Về ruộng nông nghiệp, nhà cấp bốn, công trình phụ, bể nước do giá trị sử dụng không đáng kể nên ông T, ông B, bà Đ, bà L, bà A, bà X, bà M, bà M không kê khai và không yêu cầu tòa án xác định. Đối với phần công trình phụ gồm nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi do vợ chồng ông Bôn, bà H xây dựng trên đất của cụ Thị và cụ Vạc từ sau khi cụ Thị chết, gia đình bà H sử dụng từ đó đến nay, các đương sự kể trên yêu cầu gia đình bà H tháo dỡ, trả lại quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của của Thị,cụ Vạc cho các đồng thừa kế quản lý, sử dụng. Bà H khẳng định đã mua toàn bộ diện tích đất còn lại của cụ Thị, cụ Vạc với giá 3 chỉ vàng, đã giao vàng nhưng không lập văn bản, chưa làm thủ tục sang tên. Vì vậy, việc vợ chồng ông Bôn, bà H xây dựng công trình phụ phía đông thổ đất là xây trên đất thuộc quyền sử dụng của ông Bôn, bà H, không phải đất cụ Thị nên nay các đồng thừa kế không có quyền xác định thửa đất mang tên cụ Thị là di sản thừa kế, không có quyền buộc gia đình bà tháo dỡ phần công trình phụ đã xây. Về các tài sản khác như ruộng nông nghiệp, nhà cấp bốn, bếp, bể nước hai cụ để lại, bà H không có ý kiến gì.

Xét thấy lời khai của ông T và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía ông T về quá trình quản lý, sử dụng, quá trình chuyển dịch quyền sử dụng đất, phần đất còn lại của cụ Thị, cụ Vạc phù hợp hiện trạng sử dụng; phù hợp với hồ sơ địa chính hiện đang lưu tại Ủy ban nhân dân xã HQ. Bà H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bà H không xuất trình được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc đã mua toàn bộ thổ đất của cụ Thị, cụ Vạc. Hơn nữa, việc bà H khai mua thổ đất của hai cụ từ khi hai cụ còn sống, thời gian mua khoảng 18 năm trở lại đây là không có căn cứ bởi năm 1997, cụ Thị mới làm thủ tục chia tách đất cho chính ông Bôn và bà H, đến năm 2004 cụ Vạc và các đồng thừa kế của cụ lại tiếp tục tách cho ông T 90 m2 đất. Khi làm thủ tục chia tách để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bà H không có ý kiến gì. Sau khi cả hai cụ mất, ông B là người giữ chìa khóa, trông coi nhà cửa và sử dụng toàn bộ phần đất vườn trước nhà hai cụ, sát với thổ bà H để trồng cấy H màu, gia đình bà H không phản đối… Đến nay, các con của cụ Thị, cụ Vạc đều không công nhận việc mua bán này nên lời khai của bà H về việc vợ chồng bà đã mua thửa đất số 342, tờ bản đồ số 11, diện tích 555 m2 của cụ Thị, cụ Vạc là không có căn cứ để chấp nhận.

Do cụ Thị, cụ Vạc chết không để lại di chúc, tài sản các cụ để lại chưa chia. Quá trình giải quyết vụ án, các bên đều không kê khai và không đề nghị xem xét đối với ruộng nông nghiệp và các công trình xây dựng khác mà cụ Thị, cụ Vạc để lại. Do đó, có đủ cơ sở khẳng định tài sản gồm: quyền sử dụng đất diện tích 555 m2 tại thửa số 342, tờ bản đồ số 11 xã HQ, trên đất có 1 nhà cấp bốn ba gian, 1 gian bếp, 1 bể nước là di sản mà cụ Thị, cụ Vạc để lại. Các con của cụ gồm ông T, ông B, bà Đ, bà L, bà X, bà A, bà M, bà M và mẹ con bà H đều thuộc diện thừa kế, thuộc hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ nên đều có quyền đối với di sản này.

[4] Về phần công trình phụ do ông Bôn, bà H xây dựng:

Tại biên bản xem xét thẩm định thực địa thể hiện, phần công trình phụ và chuồng trại chăn nuôi của vợ chồng ông Bôn, bà H xây dựng trên phần đất phía Đông có diện tích 100 m2 nằm toàn bộ trong thửa đất số 342, tờ bản đồ số 11, diện tích 555m2 của hộ ông Thị. Mặc dù nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều cho rằng sau khi cụ Thị chết, ông Bôn, bà H xây công trình phụ, cụ Vạc không tổ chức họp gia đình, chưa được sự đồng ý của các thừa kế khác của cụ Thị nên việc xây dựng là trái phép, nay các thừa kế của cụ Thị, cụ Vạc yêu cầu bà H và các con bà H tháo dỡ công trình và không chấp nhận thanh toán giá trị còn lại của công trình. Bà H cho rằng công trình phụ xây trên phần đất bà H đã nhận chuyển nhượng nên không phải tháo dỡ nhưng không đủ căn cứ chứng minh việc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất này.

Hội đồng xét xử xét thấy: Khi ông Bôn, bà H xây công trình phụ thì được sự đồng ý của cụ Vạc; ông T và những người con khác biết nhưng không phản đối gì. Từ khi ông Bôn, bà H xây công trình phụ các bên không xảy ra tranh chấp gì, cụ Vạc cũng sử dụng cho đến khi qua đời. Như vậy, mặc dù ông Bôn, bà H xây công trình phụ trên phần đất không phải của mình là không hợp pháp nhưng ngay tình. Do đó, xét cần giao toàn bộ phần công trình gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, lán dại chăn nuôi của ông Bôn, bà H xây trên đất cụ Thị cho các thừa kế của cụ Thị, cụ Vạc gồm ông T, ông B, bà A, bà Đ, bà M, bà X, bà L, bà M sở hữu, sử dụng nhưng phải thanh toán giá trị còn lại của công trình là 13.500.000đ cho bà H và các con bà H là phù hợp pháp luật.

[5] Về người quản lý di sản:

Cụ Thị, cụ Vạc chết không để lại di chúc, các đương sự không thỏa thuận thống nhất được về người quản lý di sản. Tuy nhiên, trên thực tế từ khi cụ Vạc chết, giữa mẹ con bà H và các anh chị em trong gia đình mâu thuẫn vì tranh chấp đất nên ông B là người giữ chìa khóa ngôi nhà cụ Thị, cụ Vạc để lại, tuy không trực tiếp ở nhưng ông B thường xuyên đi lại trông nom, quản lý, thu dọn nhà cửa, khuôn viên và hương khói khi tuần tiết, giỗ chạp. Ngoài ra, toàn bộ phần đất vườn ao của cụ Thị, cụ Vạc cũng do ông B quản lý, trồng H màu. Các anh chị em trong gia đình trừ bà H đều có ý kiến cử ông B là con trai thứ nhưng ở sát thổ đất của cụ Thị là người quản lý di sản. Ông B nhất trí nhận trách nhiệm quản lý khối di sản mà hai cụ để lại…Do đó, xét cần giao di sản thừa kế của cụ Thị, cụ Vạc cho ông B quản lý; ông B có các quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản là phù hợp với thực tế và quy định pháp luật.

[6] Về các vấn đề khác:

Các đương sự là con của cụ Thị, cụ Vạc đều công nhận từ trước tới nay thửa đất của hai cụ không có lối đi mà phải đi qua sân nhà bà H ra đường trục xã. Tuy nhiên, các đương sự đều không yêu cầu Tòa án xác định quyền lối đi đối với thửa đất của hộ ông Thị mà để các đương sự tự giải quyết với nhau.

Ngoài thửa đất số 342, tờ bản đồ số 11 của Ủy ban nhân dân xã HQ, cụ Thị, cụ Vạc chết còn để lại ruộng nông nghiệp theo tiêu chuẩn của cụ Thị, cụ Vạc và một số đồ dùng sinh hoạt khác nhưng các đương sự đều không yêu cầu Tòa án xác định những tài sản này là di sản thừa kế. Đối với thửa đất số 342, tờ bản đồ số 11 của Ủy ban nhân dân xã HQ các đương sự yêu cầu Tòa án xác nhận là di sản mà cụ Thị, cụ Vạc để lại cho các đồng thừa kế nhưng đều không yêu cầu chia thừa kế.

Đối với các vấn đề mà các đương sự không yêu cầu Tòa án xác định, không yêu cầu phân chia, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[7] Về án phí:

- Án phí không có giá ngạch: bà Trần Thị H phải nộp theo quy định pháp luật.

 - Án phí có giá ngạch: ông T, bà Đ, bà A, ông B là người cao tuổi nên được miễn nộp án phí. Bà M, bà L, bà M, bà X phải nộp án phí theo quy định pháp luật

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 164, 579, 580, 583, 612, 613, 614, 616, 617, 618, 651 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 203 Luật đất đai; Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Thanh T.

1. Xác nhận di sản thừa kế của cụ Phạm Văn Thị và cụ Phạm Thị Vạc để lại gồm: thổ đất diện tích 555 m2 (trong đó 250 m2 đất ở và 305 m2 đất ao) tại thửa số 342, tờ bản đồ 11 tại xóm 7, xã HQ, huyện Hải Hậu, B Nam Định, đã được Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Phạm Văn Thị; 01 nhà cấp bốn ba gian, 1 gian bếp, bể nước (nằm trên thửa đất số 342).

Giao ông Phạm Văn B là người quản lý di sản. Ông B có các quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản theo quy định của pháp luật.

2. Xác nhận các công trình xây dựng gồm: 01 nhà tắm, 01 nhà vệ sinh, lán xây tường lợp ngói được xây dựng trên phần đất diện tích 100 m2 của cụ Thị, cụ Vạc có tổng giá trị còn lại là 13.500.000đ (mười ba triệu năm trăm nghìn đồng) là tài sản của bà Trần Thị H, anh Phạm E K, anh Phạm Đức E và chị Phạm Thị C.

Giao toàn bộ phần công trình xây dựng kể trên cho ông Phạm Thanh T, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M sở hữu, sử dụng nhưng phải có trách nhiệm L đới thanh toán cho bà H, anh E, anh K, chị C số tiền giá trị tài sản là 13.500.000đ (mười ba triệu năm trăm nghìn đồng).

Bà Trần Thị H, anh Phạm Duy K, anh Phạm Đức E và chị Phạm Thị C được nhận ở ông Phạm Thanh T, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M số tiền 13.500.000đ (mười ba triệu năm trăm nghìn đồng).

3. Ông Phạm Thanh T, ông Phạm Văn B, bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Đ, bà Phạm Thị L, bà Phạm Thị M, bà Phạm Thị X, bà Phạm Thị M, bà Trần Thị H, anh Phạm E K, anh Phạm Đức E và chị Phạm Thị C được quyền khởi kiện chia thừa kế đối với di sản và các tài sản khác do cụ Phạm Văn Thị và cụ Phạm Thị Vạc chết để lại.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về án phí:

- Án phí không có giá ngạch: Buộc bà Trần Thị H phải nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

- Án phí có giá ngạch:

+ Ông T, ông B, bà A, bà Đ không phải nộp án phí;

+ Bà L, bà X, bà M, bà M mỗi người phải nộp 84.000đ (tám mươi bốn nghìn đồng)

5. Quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

285
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 88/2019/DS-ST ngày 04/10/2019 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:88/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hải Hậu - Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về