Bản án 98/2018/DS-PT ngày 16/10/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

BẢN ÁN 98/2018/DS-PT NGÀY 16/10/2018 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 10 và 16 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 16/2018/TLPT-DS ngày 06 tháng 3 năm 2018, về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 29/2017/DS-ST ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 37/2018/QĐ-PT ngày 09 tháng 4 năm 2018, Quyết định hoãn phiên tòa số 33/2018/QĐ-PT ngày 03 tháng 5 năm 2018, Thông báo về việc hoãn phiên tòa phúc thẩm số 56/2018/TB-TA ngày 28 tháng 5 năm 2018, Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng số 49/2018/QĐ-TĐTT ngày 16 tháng 8 năm 2018, Thông báo về việc mở lại phiên tòa số 91/2018/TB- MLPT ngày 17 tháng 8 năm 2018, Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng số 57a/2018/QĐ-TĐTT ngày 13 tháng 9 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 71/2018/QĐ-PT ngày 14 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Nguyễn Thị B, sinh năm 1924.

Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Đã chết năm 2015).

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ B, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1.1. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1953.

Địa chỉ: Tổ M, khu phố C, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông D: Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1960. Địa chỉ: Tổ M, khu phố C, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Theo hợp đồng ủy quyền ngày 08-11-2017) (có mặt).

1.2. Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1954.

Địa chỉ: Tổ N, ấp P, xã L, thành phố B, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

1.3. Bà Nguyễn Thị Kim X, sinh năm 1960.

Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

1.4. Ông Nguyễn Văn B1, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Số 38, khu phố M, phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông B1: Bà Nguyễn Thị Kim X, sinh năm 1960. Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Theo giấy ủy quyền ngày 25-4-2016) (có mặt).

1.5. Bà Trần Thị K, sinh năm 1956; bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1982; ông Nguyễn Anh V), sinh năm 1991 và ông Nguyễn Thanh Y, sinh năm 1980. Cùng địa chỉ: 20/22 tổ S, ấp T, phường M, thành phố L, tỉnh An Giang (Bà K, ông V và bà T vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà K, bà T và ông V: Ông Nguyễn Thanh Y, sinh năm 1980. Địa chỉ: 20/22 tổ S, ấp T, phường M, thành phố L, tỉnh An Giang (Theo giấy ủy quyền ngày 23-4-2018 và giấy ủy quyền ngày 04-5-2018)  (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1965.

Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt). Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Ngọc U, sinh năm 1978. Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Theo hợp đồng ủy quyền ngày 01-10-2018) (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Nguyễn Ngọc U, sinh năm 1978.

Địa chỉ: 8/4B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

3.2. Ông Phan Văn T, sinh năm 1954 và bà Trần Thị H, sinh năm 1955.

Địa chỉ: 8/1B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.3. Bà Nguyễn Thị Ngọc A, sinh năm 1990.

Địa chỉ: 9/9B Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.4. Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Địa chỉ: 310 V, thị trấn Đ, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Bá H – Chủ tịch.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Minh H – Phó trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường (Theo giấy ủy quyền số 2682/GUQ-UBND ngày 23-42018) (có mặt).

4. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn T2 – Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn cụ Nguyễn Thị B và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim X trình bày:

Cụ Nguyễn Thị B và cụ Nguyễn Văn L có 6 người con gồm Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị Kim X, Nguyễn Văn T2 và Nguyễn Văn T3 (đã chết - có vợ Trần Thị K và các con Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Anh V và Nguyễn Thị T). Khi còn sống, cụ B và cụ L có tạo dựng được khối tài sản gồm: Căn nhà thờ chính, căn nhà dưới và diện tích đất khoảng 5.710,7m2 thuộc các thửa 689, 691, 700, 701, 676, 651, 650, 646 và 655 tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L.

Năm 1996, cụ L chết không để lại di chúc. Ngày 14-8-1998, Ủy ban nhân dân huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M561063 cho cụ L đứng tên với diện tích 1.741m2 thuộc các thửa 700, 701, 651 và 655. Riêng thửa 691 đã được UBND huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phan Văn T theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K787631 ngày 06-12-1997. Các thửa đất còn lại hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2001, ông Nguyễn Văn T3 chết, không để lại di chúc. Ngày 06-3- 2002, cụ B và các con là ông T1, bà X và ông C có lập “Tờ ủy quyền” cho ông Nguyễn Văn T2 được đứng tên quyền sử dụng 1.741m2 đất nêu trên với điều kiện phải nuôi dưỡng cụ B và bà X (bà X không có chồng, con). Ngày 24-9- 2002, ông T2 được Ủy ban nhân dân huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V044439. Sau đó, ông T2 đã chuyển nhượng thửa 655 (320m2) cho người khác.

Cụ B khởi kiện đối với T2, yêu cầu Tòa án phân chia cho cụ B ½ giá trị tài sản chung của cụ với cụ L; ½ giá trị còn lại của cụ L yêu cầu chia thừa kế theo quy định. Riêng thửa 655 ông T2 đã bán nên không tranh chấp. Năm 2015 cụ B chết không để lại di chúc.

Bị đơn ông Nguyễn Văn T2 trình bày:

Toàn bộ nhà đất tranh chấp là của cha mẹ ông là cụ L và cụ B để lại. Cha mẹ ông có 6 người con như cụ B đã trình bày. Sau khi cụ L chết (năm 1996), cụ B và các anh chị của ông là bà X, ông T1, ông C đã ký “Tờ ủy quyền” ngày 06- 3-2002 cho ông các thửa đất cụ L đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông đã làm thủ tục thừa kế sang tên các thửa đất này. Bà X cho rằng việc ký tờ ủy quyền nói trên với điều kiện phải nuôi dưỡng cụ B và bà X cho đến chết là không đúng vì trong “Tờ ủy quyền” không có nội dung này.

Ông yêu cầu Tòa án công nhận ông được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất 1.741m2 ông đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gồm các thửa 700, 701, 651 tờ bản đồ 04 xã A và được sử dụng thửa 676 hiện ông đã làm nhà để ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa 655 ông đã chuyển nhượng, không ai tranh chấp nên ông không có ý kiến.

Đối với các thửa đất còn lại gồm: 691, 689, 646, 650, ông đồng ý chia nhưng ông được hưởng 50% giá trị vì ông là người có công canh tác, cải tạo.

Đối với các tài sản gắn liền với đất, trường hợp Tòa án giải quyết đất cho ai thì phần cây trái trên đất người đó được hưởng, ông không tranh chấp. Riêng thửa 646 ông yêu cầu người nào được sử dụng thì phải bồi thường cho ông 30.000.000 đồng tiền hoa màu.

Đối với căn nhà thờ đề nghị giao bà X tiếp tục quản lý, không chia.

Đối với yêu cầu của bà X hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa ông đang đứng tên thì ông không đồng ý.

Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ B và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

1. Bà Nguyễn Thị Kim X và ông Nguyễn Văn C (do bà X đại diện):

Về hàng thừa kế và di sản thừa kế, bà thống nhất như cụ B trình bày. Năm 2002, bà và ông C có cùng cụ B, ông T1 lập “Tờ ủy quyền” cho ông T2 đứng tên, sử dụng các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L, để ông T2 có nghĩa vụ nuôi dưỡng cụ B và bà (do bà không có chồng) đến khi chết. Nhưng do ông T2 không thực hiện cam kết nên cụ B mới khởi kiện yêu cầu phân tài sản chung và di sản thừa kế của cụ L. Sau khi cụ B chết, bà yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông T2 đứng tên gồm các thửa 700, 701, 651 vì khi cấp giấy không có sự đồng ý của ông D và vợ con ông T3. Đồng thời, bà cũng yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Phan Văn T đối với thửa 691 vì cấp sai đối tượng.

Đối với việc phân chia di sản cụ L và cụ B để lại, bà yêu cầu như sau:

+ Bà X được sở hữu, sử dụng căn nhà dưới và phần đất gắn liền với căn nhà này có diện tích 93,8m2 thuộc khu B thửa 700 vì hiện nay không có chỗ ở nào khác.

+ Yêu cầu được sử dụng chung với ông C, gia đình anh X thửa 646 (1.601,6m2), 650 (212,1m2), bà đồng ý bồi thường tiền hoa màu cho ông T2 30.000.000 đồng trên thửa 646.

+ Chia cho ông T2 quyền sử dụng 136,1m2 đất ở thuộc khu C thửa 700 và các thửa 651 (360,1m2); thửa 676 (1.480m2); thửa 689 (844,2m2) tờ bản đồ 04 xã A.

+ Chia cho gia đình anh Y 140,7m2 đất ở thuộc khu D thửa 700, 701.

+ Chia cho ông D 130,9m2 đất ở thuộc khu E thửa 700, 701 và thửa 691 (435,1m2).

+ Chia cho ông C 117,6m2 thuộc khu F thửa 700 và 701.

+ Đối với căn nhà thờ và diện tích đất 198,6m2 thuộc khu A thửa 700 đề nghị giao cho bà tiếp tục quản lý để thờ cúng, không phân chia thừa kế.

- Đối với thửa 655 ông T2 đã chuyển nhượng cho người khác và các tài sản gắn liền với đất khác thì bà và ông C không tranh chấp.

- Đối với yêu của ông T2 được hưởng 50% di sản thừa kế do có công canh tác, quản lý và cải tạo đất thì bà không đồng ý vì ông T2 canh tác nên đã hưởng thành quả hoa lợi từ việc sử dụng đất.

- Đối với căn nhà tạm do bà xây dựng, trước đây có cho chị A thuê cắt tóc, thực tế hiện nay chị A không còn thuê nữa nên không có ý kiến, yêu cầu gì.

2. Ông Nguyễn Văn D (do bà Nguyễn Thị P đại diện):

Cha mẹ ông D là cụ L (chết năm 1996) và cụ B (chết 2015), bà thống nhất như bà X và ông T2 trình bày về hàng thừa kế cũng như di sản thừa kế do cụ L và cụ B để lại. Bà P cũng thống nhất phân chia thừa kế như bà X yêu cầu, ngoài ra không yêu cầu gì khác.

3. Ông Nguyễn Văn T1:

Cha mẹ ông là cụ L (chết năm 1996) và cụ B (chết 2015). Ông thống nhất như nguyên đơn và bị đơn trình bày về hàng thừa kế cũng như di sản thừa kế do cụ L và cụ Bêđể lại. Ông không có yêu cầu gì trong vụ án, trường hợp Tòa án phân chia thừa kế thì phần di sản ông được hưởng, ông đề nghị chia cho bà X, ông T mỗi người được một nửa.

4. Bà Trần Thị K, anh Nguyễn Thanh Y, chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Anh V (do anh Nguyễn Thanh Tuấn đại diện):

Ông Nguyễn Văn T3 (chết năm 2001, không để lại di chúc) là con của cụ L và cụ B. Ông T3 có vợ là bà Trần Thị K và có 3 người con gồm: Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Thị T và Nguyễn Anh V. Anh Y thống nhất với ý kiến và yêu cầu chia thừa kế bà X đã trình bày và không bổ sung gì thêm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Ngọc U trình bày:

Bà là vợ của ông Nguyễn Văn T2, bà thống nhất toàn bộ ý kiến trình bày của ông T2 và không trình bày bổ sung hay yêu cầu gì thêm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Văn T và bà Trần Thị H trình bày:

Trước đây ông bà có đơn yêu cầu độc lập về tranh chấp lối đi với bà X, nhưng do hai bên đã tự thỏa thuận với nhau không tranh chấp nữa nên ông bà đã có đơn rút yêu cầu độc lập này.

Về việc bà X yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 691, tờ bản đồ 04 xã A do ông bà đứng tên, ông bà đồng ý. Ông bà xác định thửa đất này là tài sản của gia đình bà X nhưng Ủy ban nhân dân huyện L cấp nhầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông bà. Ông bà không có ý kiến, yêu cầu gì trong vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Ngọc A trình bày:

Chị là người đang thuê căn nhà tạm sát căn nhà thờ để cắt tóc. Chị xác định không liên quan gì đến việc tranh chấp tài sản trong gia đình bà X nên không có ý kiến, yêu cầu gì. Trường hợp Tòa án giải quyết ai được sử dụng căn nhà tạm thì chị sẽ thỏa thuận thuê nhà với người đó sau.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện L (do ông Trần Minh H đại diện) trình bày:

Các thửa đất 700, 701, 651 và 655 tờ bản đồ 04 xã A đã được UBND huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L năm 1998. Cụ L chết năm 1996, lý do cụ L đứng tên giấy chứng nhận sau khi chết là do trước đó cụ là người làm thủ tục đăng ký kê khai. Sau khi cụ L chết, ông Nguyễn Văn T2 lập hồ sơ đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, đính kèm hồ sơ có tờ ủy quyền của bà Nguyễn Thị B, cùng các con là Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị Kim X và Nguyễn Văn C thống nhất ủy quyền cho ông Nguyễn Văn T2. Trên cơ sở đó, ngày 24-9- 2002, Ủy ban nhân dân huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V044439 đối với diện tích 1.741m2 gồm các thửa 700, 701, 651 và 655 cho ông T2. Năm 2004, ông T2 chuyển nhượng thửa 655 cho ông Nguyễn Văn M.

Đối với thửa 691 tờ bản đồ 04 xã A: Ủy ban nhân dân huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phan Văn T số K787631 ngày 06-12- 1997. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T2 và ông T là đúng quy định tại thời điểm cấp giấy nên Ủy ban nhân dân huyện L không đồng ý hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T2 và ông T.

Đối với các thửa 689, 646, 650, 676 tờ bản đồ 04 xã A có nguồn gốc của hộ cụ Nguyễn Văn L sử dụng từ trước năm 1980 cho đến nay. Trong trường hợp không tranh chấp thì có thể được xem xét cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất ổn định theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 29/2017/DS-ST ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã căn cứ khoản 1 Điều 227, Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 638, 639, 640, 646, 674, 675, 676, 677 Bộ luật dân sự 2005; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm2009, tuyên xử:

1. Đình chỉ yêu cầu độc lập của ông Phan Văn T và bà Trần Thị H đối với bà Nguyễn Thị Kim X về việc tranh chấp lối đi.

2. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kim X về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phân chia di sản thừa kế như sau:

2.1. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V044439 ngày 24-9-2002 đối với các thửa 700, 701, 651 do Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp cho ông Nguyễn Văn T2; Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K787631 ngày 06/12/1997 đối với thửa 691 do Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp cho ông Phan Văn T.

2.2. Hàng thừa kế của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B gồm: ông Nguyễn Văn D, ông Nguyễn Văn T1, bà Nguyễn Thị Kim X, ông Nguyễn Văn c, ông Nguyễn Văn T2 và ông Nguyễn Văn T3 (những người thừa kế thế vị của ông T3 gồm vợ là bà Trần Thị K và các con là anh Nguyễn Thanh Y, anh Nguyễn Anh V và chị Nguyễn Thị T); Ông T1 nhường quyền thừa kế cho bà X và ông T2.

2.3. Về di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B gồm: diện tích đất 5.390,7m2 thuộc các thửa 646, 650, 651, 676, 689, 691, 700, 701 tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L, căn nhà thờ chính và căn nhà dưới. Trừ căn nhà thờ chính và đất gắn liền thuộc khu A thửa 700 có diện tích 198,6m2 (trong đó đất ở: 122,8m2, đất nông nghiệp: 75,8m2). Tổng giá trị di sản còn lại để phân chia là 1.829.986.200 đồng.

2.4. Phân chia di sản thừa kế như sau:

- Các đương sự Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị Kim X, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn T2 và những người thuộc hàng thừa kế của ông Nguyễn Văn T3 gồm Trần Thị K, Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Anh V và Nguyễn Thị T được sở hữu, sử dụng chung căn nhà thờ và diện tích đất gắn liền với nhà thờ là 198,6m2 (trong đó đất ở: 122,8m2; đất nông nghiệp: 75,8m2). Giao cho bà X được quản lý đối với tài sản chung.

- Chia cho ông Nguyễn Văn T2 được sử dụng: Đất ở 136,1m2 thuộc khu C thửa 700, thành tiền là 244.980.000 đồng và đất nông nghiệp các thửa 689 (844,2m2), 651 (360,1m2), 676 (1.119,9m2), tổng diện tích là 2.342,2m2 thành tiền là 348.630.000 đồng. Tổng tiền là 593.610.000 đồng.

- Chia cho bà Nguyễn Thị Kim X được sử dụng: Đất ở 93,8m2 thuộc khu B, thành tiền là 168.840.000 đồng và đất nông nghiệp các thửa 650 (212,1m2), 646 (1.601,6m2), 691 (435,1m2), tổng diện tích 2.248,8m2 thành tiền là 337.320.000 đồng và căn nhà dưới có cấu trúc móng đá hộc, tường xây gạch quét vôi, mái tole thiếc, nền gạch tàu, trị giá 29.656.200 đồng. Tổng cộng: 535.816.200 đồng. Bà X có nghĩa vụ giao lại cho ông T2 30.000.000 đồng tiền hoa màu trên thửa đất 646.

- Chia cho bà Trần Thị K, anh Nguyễn Thanh Y, anh Nguyễn Anh V và chị Nguyễn Thị T được sử dụng: Đất ở 140,7m2 thuộc khu D thành tiền 253.260.000 đồng.

- Chia cho ông Nguyễn Văn D được sử dụng: Đất ở 130,9m2 thuộc khu E, thành tiền 235.620.000 đồng.

- Chia cho ông Nguyễn Văn C 117,6m2 thuộc khu F, thành tiền 211.680.000 đồng.

Các đương sự có nghĩa vụ đăng ký kê khai đối với phần đất được công nhận theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Ông Nguyễn Văn T2 có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà X 13.179.600 đồng, thanh toán cho ông D 8.378.160 đồng, thanh toán cho ông C 32.318.160 đồng.

- Bà K, anh Y, anh V và chị T có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông T2 9.261.840 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ trả tiền lãi do chậm thi hành án, chi phí đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 04-01-2018, bị đơn ông Nguyễn Văn T2 kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng: Không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông; ông đồng ý giao lại phần thừa kế di sản cho ông Nguyễn Văn D và ông Nguyễn Văn T3; đối với các phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không phân chia thừa kế mà coi là tài sản chung của anh chị em trong gia đình, sau khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong mới phân chia sau.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bà Nguyễn Thị Kim X, ông Nguyễn Văn D (do bà P đại diện), ông Nguyễn Văn C (do bà X đại diện), bà Trần Thị K, ông Nguyễn Thanh Y, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Anh V (do ông Y đại diện) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, ý kiến như đã trình bày ở cấp sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm. Các đương sự xác nhận không tranh chấp gì đối với phần đất đã bị thu hồi cũng như khoản tiền bồi thường do thu hồi đất thuộc di sản thừa kế.

- Bị đơn ông Nguyễn Văn T2 (do bà Nguyễn Ngọc U đại diện) giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn Thị B về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T2 và phân chia thừa kế đối với các thửa đất mà ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các thửa đất do cha mẹ ông T2 để lại nhưng hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông T2 đồng ý giao lại phần di sản thừa kế mà ông Nguyễn Văn D và ông Nguyễn Văn T3 được hưởng do những người này chưa đồng ý cho ông T2 được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của cha ông để lại. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất do cụ Nguyễn Thị B, ông Nguyễn Văn T1, bà Nguyễn Thị Kim X và ông Nguyễn Văn C ký với ông T2 là hợp pháp và đã có hiệu lực pháp luật nên những người này không có quyền yêu cầu hủy hợp đồng này và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp theo hợp đồng này.

- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn phù hợp quy định tại Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự và nộp trong thời hạn luật định. Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn T2 nhưng căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự để sửa bản án dân sự sơ thẩm vì có những sai sót như sau:

- Cấp sơ thẩm xác định bà Trần Thị K (vợ ông T3) là người thừa kế thế vị của ông Nguyễn Văn T3 là sai. Bà K chỉ được hưởng phần thừa kế của ông T3 đối với phần di sản thừa kế do cụ L để lại (vì cụ L chết trước ông T3), còn đối với phần di sản do cụ B để lại thì chỉ có 03 người con của ông T3 mới được hưởng thừa kế thế vị, còn bà K không được hưởng phần này (vì cụ B chết sau ông T3). Do tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà K là ông Y xác nhận nhường quyền thừa kế của bà K cho ba người con nên toàn bộ suất thừa kế của ông T3 được hưởng từ cụ L và cụ B đều do các con của ông T3 là ông Y, bà T và ông V được hưởng.

- Cấp sơ thẩm chưa trừ 21,4 m2 đất ở đã bị thu hồi của thửa 700 khi chia cho các đồng thừa kế, dẫn đến diện tích đất ở được chia cho các phần vượt quá tổng diện tích đất ở của thửa 700.

- Chi phí đo vẽ, định giá, thẩm định tại chỗ, án sơ thẩm chỉ chia cho 05 người là không phù hợp, mà phải chia cho cả 06 người con, trong đó, phần của ông T1 chia cho bà X và ông T2 mỗi người chịu một nửa.

- Số tiền tạm ứng án phí mà cụ B đã nộp, án sơ thẩm chia cho 04 người là không đúng quy định của pháp luật, mà phải chia cho cả 06 người con, trong đó phần của ông Tiến chia cho bà X và ông T2 mỗi người một nửa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1] Về tố tụng:

 [1.1] Đơn kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn T2 đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Điều 272 và nộp trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự, nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

 [1.2] Về quan hệ pháp luật: Theo đơn khởi kiện, cụ B yêu cầu chia tài sản chung của cụ và cụ Nguyễn Văn L đồng thời yêu cầu chia phần di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn L cho những người đồng thừa kế theo quy định của pháp luật. Lẽ ra, phải xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp về chia tài sản chung và chia di sản thừa kế”. Tuy nhiên, năm 2015 cụ B chết không để lại di chúc nên phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung với cụ L trở thành di sản thừa kế. Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ B đã yêu cầu chia thừa kế đối với cả phần di sản của L và cụ B để lại theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật của cụ L cũng là người thừa kế theo pháp luật của cụ B. Do vậy, không cần thiết phải giải quyết việc phân chia tài sản chung theo yêu cầu của cụ B trước đó nữa mà gộp chung di sản thừa kế của cả hai cụ để chia thừa kế theo pháp luật. Việc bà Nguyễn Thị Kim X yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T2 và ông T cũng xuất phát từ việc yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L và cụ B. Do vậy, quan hệ pháp luật trong vụ án này là “Tranh chấp chia di sản thừa kế” như cấp sơ thẩm xác định là phù hợp.

 [1.3] Ngày 14-7-2017, ông Phan Văn T và bà Trần Thị H có đơn xin rút yêu cầu độc lập về việc tranh chấp lối đi chung. Việc rút đơn này là tự nguyện và phù hợp quy định của pháp luật nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết yêu cầu độc lập của ông T, bà H là có căn cứ.

 [1.4] Bà Nguyễn Thị Kim X và ông Nguyễn Văn T2 có đơn yêu cầu độc lập nhưng nội dung đơn của những đương sự này chỉ trình bày ý kiến, nguyện vọng của họ về việc chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại, không nêu yêu cầu độc lập cụ thể nào. Do vậy, đây không phải là yêu cầu độc lập trong vụ án. Cấp sơ thẩm yêu cầu đương sự đóng tạm ứng án phí và thụ lý yêu cầu độc lập của bà X và ông T nhưng khi xét xử lại không giải quyết các yêu cầu này là không đúng quy định của pháp luật, cần rút kinh nghiệm.

 [1.5] Trong vụ án này, ông D, bà X, ông T1, ông C, bà K, ông Y, bà T và ông V tham gia tố tụng với hai tư cách, vừa là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ B, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Cấp sơ thẩm chỉ xác định họ tham gia với một tư cách là thiếu sót, cấp phúc thẩm phải bổ sung để phù hợp quy định pháp luật.

 [2] Về nội dung:

 [2.1] Về xác định người thừa kế theo pháp luật của cụ L và cụ B:

Trong quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, các đương sự đều khai thống nhất với nhau về quan hệ nhân thân trong gia đình, do vậy việc xác định diện và hàng thừa kế của cụ L và cụ B được xác định như sau:

Đối với cụ L: Thời điểm cụ L chết vào năm 1996, cụ B và 06 người con là Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Thị Kim X, Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn T3 đều còn sống, cha mẹ của cụ L đều đã chết trước cụ L. Do vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm có 07 người nêu trên, trong đó phần của ông Nguyễn Văn T3 (chết năm 2001) do những người thừa kế của ông T3 là bà Trần Thị K, ông Nguyễn Thanh Y, bà Nguyễn Thị T và ông Nguyễn Anh V hưởng.

Đối với cụ B: Thời điểm cụ B chết vào năm 2015, do cụ L và ông T3 đã chết trước, cha mẹ cụ B cũng đã chết trước cụ B nên hàng thừa kế thứ nhất của của cụ B chỉ còn 05 người con là ông D, ông T1, bà X, ông C và ông T2, đối với suất thừa kế của ông T3 do các con của ông T3 là ông Y, bà T và ông V hưởng thừa kế thế vị.

Cấp sơ thẩm xác định những người thừa kế của cụ L và cụ B chưa đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị K là ông Nguyễn Thanh Y xác nhận: Bà K tự nguyện nhường phần thừa kế mà mình được hưởng cho các con là ông Y, bà T và ông V. Do vậy suất thừa kế mà ông T3 được hưởng từ cụ L (chết trước ông T3) và cụ B (chết sau ông T3) đều do các con của ông T3 là ông Y, bà T và ông V được hưởng nên không cần thiết phải tính riêng phần di sản ông T3 được hưởng từ cha hay mẹ mà gộp chung để chia cho các con của ông T3. Cấp sơ thẩm xác định bà K cũng là người thừa kế thế vị của ông T3 là không chính xác, cần rút kinh nghiệm.

 [2.2] Các đương sự đều xác nhận cụ L và cụ B đều không để lại di chúc định đoạt di sản của mình. Do vậy, di sản của cụ L và cụ B được phân chia cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật.

 [2.3] Về xác định di sản thừa kế của cụ L và cụ B:

Từ lời khai và chứng cứ các bên cung cấp đã xác định được đối tượng tranh chấp trong vụ án này là quyền sử dụng đất diện tích 5390,7 m2 (theo sơ đồ vị trí thửa đất ngày 18-6-2008 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và sơ đồ vị trí thửa đất ngày 05-12-2017 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện L), gồm các thửa: 700/475,8 m2 (nay là thửa 120 tờ bản đồ số 34), 701/341,9 m2 (nay là thửa 142 tờ bản đồ số 34), 689/844,2 m2, 691/435,1 m2, 676/1.119,9 m2, 651/360,1 m2, 650/212,1 m2 và 646/1.601,6 m2. Do thời điểm cụ L chết, các đồng thừa kế chưa thỏa thuận phân chia di sản của cụ L để lại, nay các đồng nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế cả phần di sản của cụ L và cụ B nên những tài sản trên được xác định là di sản thừa kế chung của hai cụ để lại cho các con.

Đối với diện tích đất đã bị thu hồi cũng như khoản tiền bồi thường do thu hồi đất thuộc di sản thừa kế, các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

 [2.4] Xét giá trị pháp lý của “Tờ ủy quyền” lập ngày 06-3-2002 và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Nguyễn Văn T2:

 “Tờ ủy quyền” ngày 06-3-2002 do cụ B và các con gồm: Ông T1, bà X và ông C ký lập sau thời điểm cụ L và ông T3 chết, với nội dung: “… cùng thống nhất lập tờ ủy quyền giao quyền sử dụng đất cho con út tên Nguyễn Văn T2, sinh năm 1966 đứng tên sử dụng phần đất với diện tích 1741 m2… Nay tôi và các con cùng thống nhất lập tờ ủy quyền này cho con trai út là Nguyễn Văn T2 đứng tên quyền sử dụng đất với diện tích đã nêu. Tôi và các con tôi không khiếu nại gì về quyền sử dụng đất đã được ủy quyền”. Theo lời khai của bà X, ông T1 và ông C (do bà X đại diện) thì việc ủy quyền trên chỉ là ủy quyền cho ông T2 được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý, sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với các thửa đất trên và ông T2 phải có bổn phận nuôi mẹ (cụ B) và chị gái (bà X), chứ không phải nhường quyền thừa kế cho ông T2. Ông T2 lại cho rằng việc ủy quyền trên là ủy quyền cho ông T2 được toàn quyền sử dụng và định đoạt tài sản. Hội đồng xét xử xét lời khai của bà X, ông T1 và ông C phù hợp với nội dung của “Tờ ủy quyền” nêu trên chỉ ghi ủy quyền đứng tên sử dụng chứ không phải là nhường quyền thừa kế, phù hợp với thực tế là sau khi ủy quyền, cụ B và bà X vẫn tiếp tục ở trên các thửa đất đã ủy quyền. Mặt khác, việc ủy quyền trên chưa có sự đồng ý của ông Nguyễn Văn D và những người thừa kế của ông T3 (bà K và các con). Do vậy, không có căn cứ để kết luận cụ B, bà X, ông T1 và ông C đã tặng cho hoặc nhường quyền thừa kế cho ông T2 đối vớidiện tích đất 1.741 m2 nêu trên mà những người này chỉ ủy quyền cho ông T2 được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân huyện L căn cứ vào văn bản ủy quyền chưa có chữ ký xác nhận của tất cả các đồng thừa kế của cụ L để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một mình ông T2 đứng tên đối với 1.741 m2 đất nêu trên là trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông D và những người thừa kế của ông T3. Do vậy, có căn cứ để hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T2 như bản án sơ thẩm đã tuyên.

 [2.5] Xét giấy ủy quyền ngày 08-7-2005 của ông C ủy quyền cho ông T2 được sử dụng, đứng tên toàn bộ đất do cha mẹ để lại (Bl 346): Qua xem xét nội dung giấy ủy quyền này Hội đồng xét xử xét đây chỉ là việc ủy quyền sử dụng đất và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không phải là nhường quyền thừa kế cho ông T2. Hiện những thửa đất này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T2, nghĩa là việc ủy quyền chưa được thực hiện. Do vậy, ông C có quyền đơn phương chấm dứt việc ủy quyền này và yêu cầu chia thừa kế đối với các thửa đất 650, 691, 646, 689, 676 theo quy định của pháp luật.

 [2.6] Về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Phan Văn T: Nội dung này cấp sơ thẩm đã giải quyết phù hợp quy định của pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị nên cần giữ nguyên.

 [2.7] Đối với thửa đất 655, tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L: Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông T2 đã chuyển nhượng cho người khác, hiện các đương sự không ai tranh chấp đối với thửa đất này nên cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

 [2.8] Về công sức giữ gìn, bảo quản di sản thừa kế: Sau khi cụ L và cụ B chết, bà X là người trực tiếp quản lý, bảo quản và giữ gìn di sản là các thửa đất 700, 701 và 02 căn nhà gắn liền trên hai thửa đất này, trong đó có 01 căn nhà thờ thuộc phần sở hữu chung của các đồng thừa kế. Còn ông T2 là người trực tiếp quản lý, canh tác và giữ gìn các thửa đất nông nghiệp còn lại. Do vậy, cấp sơ thẩm trích cho mỗi người được hưởng 10% trên tổng giá trị di sản vì có công sức giữ gìn, bảo quản di sản là hợp lý. Ông T2 yêu cầu được hưởng 50% giá trị các thửa đất nông nghiệp 691, 689, 646, 650 tờ bản đồ số 4 xã A vì có công bảo quản, cải tạo đất là không có căn cứ vì ông T2 đã được hưởng hoa lợi từ quá trình sử dụng đất.

 [2.9] Về việc nhường quyền thừa kế của ông Nguyễn Văn T1:

Mặc dù vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án, nhưng tại đơn xin giải quyết, xét xử vắng mặt đề ngày 29-8-2017, ông Nguyễn Văn T1 khẳng định không có tranh chấp và yêu cầu gì trong vụ án. Trường hợp ông được chia di sản thừa kế thì ông đề nghị chia phần di sản mà ông được hưởng cho ông T2 và bà X. Xét đây là sự tự nguyện của ông T1 và phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Suất thừa kế của ông T1 được chia cho ông T2 và bà X mỗi người một nửa.

 [2.10] Về việc nhường quyền thừa kế của bà Trần Thị K cho các con:

Bà K là vợ của ông T3 nên được thừa kế đối với phần di sản mà ông T3 được hưởng từ cụ L (do cụ L chết trước ông T3). Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà K là ông Nguyễn Thanh Y xác nhận bà K nhường phần thừa kế mà mình được hưởng cho các con là ông Y, bà T và ông V. Xét sự tự nguyện này của bà K phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Như vậy, suất thừa kế của ông T3 đối với cả di sản của cụ L và cụ B do ông Y, bà T và ông V hưởng.

 [2.11] Đối với căn nhà thờ và diện tích đất gắn liền với nhà thờ là 198,6m2 thuộc khu A thửa 700: Các đương sự thống nhất thỏa thuận không yêu cầu phân chia phần di sản này mà để cho các đồng thừa kế cùng sở hữu, sử dụng và giao cho bà X tiếp tục quản lý để thờ cúng. Sự thỏa thuận này của các đương sự là tự nguyện và phù hợp quy định của pháp luật nên được ghi nhận. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Ủy ban nhân dân huyện L cung cấp cho Hội đồng xét xử bản sao Quyết định số 2204/QĐ-UB ngày 07-4-2003 của Ủy ban nhân dân huyện L về việc phê duyệt kinh phí đền bù giải tỏa một phần diện tích đất của hộ ông Nguyễn Văn T2, theo đó diện tích đất ở thửa 700 đã bị thu hồi 21,4 m2 nên chỉ còn lại 378,6m2. Để đảm bảo giữ nguyên diện tích đất ở đã chia cho các đồng thừa kế, phần đất ở bị giảm bớt này được điều chỉnh vào diện tích đất thuộc sở hữu chung của các đồng thừa kế là khu A thửa 700 (nay là thửa 120), diện tích 198,6m2, trong đó có 101,4m2 đất ở và 97,2m2 đất nông nghiệp.

 [2.12] Về việc chia di sản thừa kế theo giá trị:

Khi tính giá trị di sản để chia cho các đồng thừa kế, cấp sơ thẩm có sai sót về số liệu nên cần sửa lại như sau: 

Phần di sản còn lại dùng để chia thừa kế của cụ L và cụ B sau khi trừ phần di sản dùng vào việc thờ cúng (khu A thửa 700), gồm:

- Về quyền sử dụng đất: 5390,7 m2 – 198,6 m2 = 5.192.1 m2, trong đó:

+ Đất ở: 619.1m2 gồm các khu B, C, D, E, F thửa 700, 701 (nay là thửa 120, 142).

+ Đất nông nghiệp: 4.573 m2 gồm các thửa 651, 676, 646, 650, 689 và 691.

- Về nhà: 01 căn nhà dưới diện tích 32,2 m2 xây dựng trên khu B thửa đất số (nay là thửa 120).

Căn cứ biên bản định giá ngày 25-4-2017 của Hội đồng định giá thì giá trị phần di sản trên được tính như sau:

- Đất ở: 619,1 m2 x 1.800.000 đồng/m2 = 1.114.380.000 đồng.

- Đất nông nghiệp: 4.573 m2 x 150.000 đồng/m2 = 685.950.000 đồng.

- Nhà ở: 32,2 m2 x 1.842.000 đồng/m2 x 50% = 29.656.200 đồng.

Tổng giá trị di sản dùng để chia thừa kế là: 1.114.380.000 đồng + 685.950.000 đồng + 29.656.200 đồng = 1.829.986.200 đồng.

Bà X và ông T2 mỗi người được trích 10% trên tổng giá trị di sản do có công quản lý, giữ gìn di sản, tính thành tiền là 182.998.620 đồng/người.

Như vậy, giá trị phần di sản còn lại dùng để chia cho các đồng thừa kế là: 1.829.986.200 đồng – (182.998.620 đồng x 2) = 1.463.988.960 đồng.

Giá trị mỗi suất thừa kế mà các đồng thừa kế được hưởng là:1.463.988.960 đồng : 6 (người con) = 243.998.160 đồng.

Do ông T1 nhường suất thừa kế của mình cho bà X và ông T2 nên mỗi người được hưởng thêm ½ suất thừa kế là: 121.999.080 đồng.

Như vậy, giá trị di sản mà mỗi đồng thừa kế được chia là:

- Bà X và ông T2 mỗi người được hưởng phần di sản trị giá: 243.998.160 đồng + 182.998.620 đồng + 121.999.080 đồng =548.995.860 đồng.

- Ông D, ông C và ông T3 (do các con là ông Y, bà T và ông V hưởng) mỗi người được hưởng phần di sản trị giá 243.998.160 đồng.

[2.13] Về việc chia di sản thừa kế theo hiện vật:

Căn cứ kết quả phân chia di sản theo giá trị tại mục [2.12], nhu cầu và điều kiện sử dụng đất của các đồng thừa kế, cấp sơ thẩm đã phân chia tài sản bằng hiện vật là nhà và quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế là phù hợp. Các đương sự không yêu cầu phân chia lại nên Hội đồng xét xử thống nhất giữ nguyên phần này theo bản án sơ thẩm.

 [2.14] Về việc thanh toán giá trị chênh lệch giữa các đồng thừa kế:

- Tổng giá trị di sản bà X được chia gồm: 93,8 m2 đất ở (khu B thửa 700), 2.248,8 m2 đất nông nghiệp (thửa 646, 650, 691) và căn nhà dưới là 535.816.200 đồng, thiếu 13.179.660 đồng so với giá trị di sản được hưởng (548.995.860 đồng).

- Tổng giá trị di sản ông T2 được chia gồm 136,1 m2 đất ở (khu C thửa 700) và 2.324,2 m2 đất nông nghiệp (thửa 651, 676, 689) là 593.610.000 đồng, dư 44.614.140 đồng so với giá trị di sản được hưởng (548.995.860 đồng).

- Giá trị di sản các con ông T3 (ông Y, bà T và ông V) được chia (140,7 m2 thuộc khu D thửa 700, 701) là 253.260.000 đồng, dư 9.261.840 đồng so với giá trị di sản được hưởng (243.998.160 đồng).

- Giá trị di sản ông D được chia (130,9 m2 thuộc khu E thửa 700, 701) là 235.620.000 đồng, thiếu 8.378.160 đồng so với giá trị di sản được hưởng (243.998.160 đồng).

- Giá trị di sản ông C được chia (117,6 m2 thuộc khu F thửa 700, 701) là 211.680.000 đồng, thiếu 32.318.160 đồng so với giá trị di sản được hưởng (243.998.160 đồng).

Do vậy, ông T2 và các con ông T3 phải thanh toán lại cho bà X, ông D và ông C phần còn thiếu như sau:

Ông T2 thanh toán cho bà X 13.179.660 đồng, thanh toán cho ông D 8.378.160 đồng và thanh toán cho ông C 23.056.320 đồng.  ông Y, bà T và ông V thanh toán cho ông C 9.261.840 đồng.

[2.15] Về tài sản gắn liền trên đất: Tại cấp sơ thẩm, ông T2 chỉ yêu cầu người được chia hưởng quyền sử dụng đất tại thửa 646 phải thanh toán cho ông giá trị số cây trái, hoa màu trên đất là 30.000.000 đồng, đối với các thửa đất khác ông không có yêu cầu gì, ai được chia phần nào thì được sở hữu luôn số cây trái trên phần đất đó. Bà X đồng ý với yêu cầu của ông T2 nên cấp sơ thẩm ghi nhận buộc bà X phải thanh toán cho ông T2 30.000.000 đồng là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của ông T2 là bà U yêu cầu những người được chia các phần đất nông nghiệp (ngoài thửa 646) phải thanh toán giá trị cây trái trên đất. Xét nội dung này ở cấp sơ thẩm ông T2 không yêu cầu, mặt khác qua xem xét biên bản định thẩm định tại chỗ và định giá tài sản không ghi nhận trên các thửa đất nông nghiệp còn lại (ngoài thửa 646) có hoa màu, cây trái trên đất. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của ông T2.

[2.16] Về chi phí tố tụng: Tổng chi phí đo vẽ, xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 9.237.000 đồng. Cấp sơ thẩm chia đều khoản tiền này cho các đương sự là chưa phù hợp quy định của pháp luật nên cần sửa lại phần này của bản án sơ thẩm như sau: Các đương sự phải chịu chi phí tố tụng tương ứng với giá trị di sản được hưởng, cụ thể: Bà X và ông T2 mỗi người phải chịu: 2.309.000 đồng; ông D và ông C mỗi người phải chịu 1.539.500 đồng; các đồng thừa kế của ông T3 (ông Y, bà T và ông V) phải chịu 1.539.500 đồng. Do bà X đã nộp đủ số tiền trên nên các đương sự còn lại phải hoàn trả lại cho bà X số tiền chi phí mà mình phải chịu như trên.

 [2.17] Về án phí dân sự sơ thẩm: Cấp sơ thẩm tính số tiền án phí mà bà X, ông T2 phải nộp không chính xác, Hội đồng xét xử phúc thẩm tính lại như sau: Mỗi người phải nộp 20.000.000 đồng + 4% x (548.995.860 đồng – 400.000.000 đồng) = 25.959.834 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mỗi người đã nộp.

Số tiền án phí mà ông D, ông C và các con của ông T3 phải nộp như cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng nên giữ nguyên.

Ngoài ra, bà X còn phải chịu án phí đối với số tiền 30.000.000 đồng tiền hoa màu phải thanh toán cho ông T2.

Về việc khấu trừ số tiền tạm ứng án phí mà cụ B đã nộp: Cấp sơ thẩm tuyên là chưa phù hợp quy định của pháp luật nên cần sửa theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát như sau: Mỗi đồng thừa kế được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí tương ứng với phần giá trị di sản được hưởng, cụ thể: Bà X và ông T2 được khấu trừ 7.700.500 đồng, ông C được khấu trừ 5.133.000 đồng, các đồng thừa kế của ông T3 (ông Y, bà T và ông V) được khấu trừ 5.133.000 đồng. Riêng ông D, do được miễn nộp án phí sơ thẩm nên được nhận lại số tiền tạm ứng án phí mà cụ B đã nộp là 5.133.000 đồng.

Hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp cho ông T, bà H.

 [3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên ông T2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn T2, sửa một phần bản án sơ thẩm:

Căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 35, Điều 39, Điều 74, Điều 227, Điều 228 và khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 635, 638, 639, 640, 642, 674, 675, 676, 677 Bộ luật dân sự năm 2005; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30- 12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ yêu cầu độc lập của ông Phan Văn T và bà Trần Thị H đối với bà Nguyễn Thị Kim X về việc tranh chấp lối đi.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn Thị B về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B, như sau:

2.1. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V044439 ngày 24-9-2002 đối với các thửa 700, 701, 651 do UBND huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp cho ông Nguyễn Văn T2; Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K787631 ngày 06-12-1997 đối với thửa 691 do UBND huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp cho ông Phan Văn T.

2.2. Cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B không để lại di chúc nên di sản của các cụ được chia theo quy định của pháp luật cho các đồng thừa kế.

2.3. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B gồm: ông Nguyễn Văn D, ông Nguyễn Văn T1, bà Nguyễn Thị Kim X, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Văn T2 và ông Nguyễn Văn T3. Những người được thừa kế phần di sản mà ông Nguyễn Văn T3 được hưởng gồm: Vợ là bà Trần Thị K và các con là Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Anh V và Nguyễn Thị T. Bà K nhường phần thừa kế của mình cho các con là ông Y, bà T và ông V; Ông Nguyễn Văn T1 nhường quyền thừa kế của mình cho bà X và ông T2.

2.4. Di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị B gồm: diện tích đất 5.390,7 m2 thuộc các thửa 646, 650, 651, 676, 689, 691, 700, 701 tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L (thửa 700 và 701 nay là thửa 120 và 142 tờ bản đồ số 34 xã A); 01 căn nhà thờ và 01 căn nhà dưới xây dựng trên thửa đất số 700 (nay là thửa 120).

2.5. Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc: Các ông, bà Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị Kim X, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn T2 và các con của ông Nguyễn Văn T3 gồm Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Anh V và Nguyễn Thị T được sở hữu, sử dụng chung diện tích đất 198,6 m2 (trong đó có 101,4 m2 đất ở và 97,2 m2 đất nông nghiệp) thuộc khu A thửa đất số 700 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa số 120 tờ bản đồ số 34) xã A, huyện L và 01 căn nhà thờ gắn liền trên diện tích đất này. Bà Nguyễn Thị Kim X được giao quản lý phần tài sản chung này.

2.6. Phần di sản còn lại dùng để chia thừa kế gồm: 619.1 m2 đất ở gồm các khu B, C, D, E, F thửa 700, 701 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120, 142 tờ bản đồ số 34), xã A, huyện L; 4.573 m2 đất nông nghiệp gồm các thửa 651, 676, 646, 650, 689 và 691, tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L và 01 căn nhà dưới diện tích 32,2 m2 xây dựng trên khu B thửa đất số 700 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120, tờ bản đồ số 34) xã A, huyện L. Tổng giá trị di sản dùng để chia thừa kế là 1.829.986.200 (một tỷ, tám trăm hai mươi chín triệu, chín trăm tám mươi sáu ngàn, hai trăm) đồng.

2.7. Bà Nguyễn Thị Kim X và ông Nguyễn Văn T mỗi người được trích 10% giá trị di sản (182.998.620 đồng) do có công quản lý, giữ gìn di sản.

Giá trị di sản còn lại để chia cho các đồng thừa kế là 1.463.988.960 đồng. Mỗi suất thừa kế có giá trị là (1.463.988.960 đồng : 6) = 243.998.160 (hai trăm bốn mươi ba triệu, chín trăm chín mươi tám ngàn, một trăm sáu mươi) đồng.

Suất thừa kế của ông Nguyễn Văn T1 chia cho bà X và ông T2 mỗi người 50% tương đương 121.999.080 đồng.

Như vậy, tổng giá trị di sản mà các đồng thừa kế được chia là:

- Bà X và ông T2 mỗi người được hưởng phần di sản trị giá 548.995.860 (năm trăm bốn mươi tám triệu, chín trăm chín mươi lăm ngàn, tám trăm sáu mươi) đồng.

- Ông D, ông C và ông T3 (do các con là ông Y, bà T và ông V hưởng) mỗi người được hưởng phần di sản trị giá 243.998.160 (hai trăm bốn mươi ba triệu, chín trăm chín mươi tám ngàn, một trăm sáu mươi) đồng.

2.8. Phần tài sản bằng hiện vật mỗi đồng thừa kế được chia như sau:

- Bà Nguyễn Thị Kim X được chia những tài sản sau:

+ Quyền sử dụng đất ở diện tích 93,8 m2 thuộc khu B thửa 700 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120 tờ bản đồ số 34) xã A, huyện L và 01 căn nhà dưới (cấp

4) diện tích 32,2 m2 gắn liền trên diện tích đất này.

+ Quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 2.248,8 m2 thuộc các thửa 646, 650, 691 tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L.

Tổng giá trị tài sản là 535.816.200 đồng.

- Ông Nguyễn Văn T2 được chia những tài sản sau:

+ Quyền sử dụng đất ở diện tích 136,1 m2 thuộc khu C thửa 700 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120 tờ bản đồ số 34) xã A, huyện L.

+ Quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 2.324,2 m2 thuộc các thửa 651, 676, 689 tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L.

Tổng giá trị tài sản là 593.610.000 đồng.

- Các con của ông Nguyễn Văn T3 gồm Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Thị T và Nguyễn Anh V được chia: Quyền sử dụng đất ở diện tích 140,7 m2 thuộc khu D thửa 700, 701 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120, 142 tờ bản đồ số 34) xã A, huyện L, trị giá 253.260.000 đồng.

- Ông Nguyễn Văn D được chia: Quyền sử dụng đất ở diện tích 130,9 m2thuộc khu E thửa 700, 701 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120, 142 tờ bản đồ số

34) xã A, huyện L, trị giá 235.620.000 đồng.

- Ông Nguyễn Văn C được chia: Quyền sử dụng đất ở diện tích 117,6 m2 thuộc khu F thửa 700, 701 tờ bản đồ số 04 (nay là thửa 120, 142 tờ bản đồ số

34) xã A, huyện L, trị giá 211.680.000 đồng.

Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đăng ký kê khai và chỉnh lý lại quyền sử dụng đất theo quyết định của bản án này và theo quy định của Luật đất đai. (Vị trí và diện tích đất được xác định theo sơ đồ vị trí thửa đất ngày 18-6- 2008 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và sơ đồ vị trí thửa đất ngày 05-12-2017 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện L, kèm theo bản án).

2.9. Việc thanh toán khoản tiền chênh lệch giữa các đồng thừa kế:

- Ông Nguyễn Văn T2 có nghĩa vụ thanh toán cho bà Nguyễn Thị Kim X 13.179.660 (mười ba triệu, một trăm bảy mươi chín ngàn, sáu trăm sáu mươi) đồng; thanh toán cho ông Nguyễn Văn D 8.378.160 (tám triệu, ba trăm bảy mươi tám ngàn, một trăm sáu mươi) đồng; thanh toán cho ông Nguyễn Văn C 23.056.320 (hai mươi ba triệu, không trăm năm mươi sáu ngàn, ba trăm hai mươi) đồng.

- Các ông, bà Nguyễn Thanh Y, Nguyễn Thị T và Nguyễn Anh V có nghĩa vụ thanh cho ông Nguyễn Văn C 9.261.840 (chín triệu, hai trăm sáu mươi mốt ngàn, tám trăm bốn mươi) đồng.

2.10. Bà Nguyễn Thị Kim X có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nguyễn Văn T2 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng giá trị hoa màu, cây trái trên thửa đất số 646, tờ bản đồ số 04 xã A, huyện L.

3. Chi phí đo v , xem xét thẩm định tại chỗ và định giá:

Tổng chi phí là 9.236.986 đồng, bà X đã nộp đủ. Ông T2 phải hoàn trả cho bà X 2.309.000 (hai triệu, ba trăm lẻ chín ngàn) đồng; ông D và ông C mỗi người phải hoàn trả cho bà X 1.539.500 (một triệu, năm trăm ba mươi chín ngàn năm trăm) đồng; các đồng thừa kế của ông T3 (ông Y, bà T và ông V) phải hoàn trả cho bà X 1.539.500 (một triệu, năm trăm ba mươi chín ngàn năm trăm) đồng.

Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì bên phải thi hành án còn phải trả cho bên được thi hành án khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

4. Án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Nguyễn Thị Kim X phải nộp 25.959.834 đồng án phí đối với phần tài sản được chia và 1.500.000 đồng án phí đối với số tiền hoa màu, cây trái phải thanh toán cho ông T2, tổng cộng là 27.459.834 đồng, được khấu trừ vào số tiền 1.000.000 đồng tạm ứng án phí bà Nguyễn Thị Kim X đã nộp theo biên lai số 0008568 ngày 27-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L và 7.700.500 đồng tạm ứng án phí cụ Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai số 006385 ngày 19-7-2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L. Như vậy, bà X còn phải nộp 18.759.334 (mười tám triệu, bảy trăm năm mươi chín ngàn, ba trăm ba mươi bốn) đồng án phí sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Văn T2 phải nộp 25.959.834 đồng án phí, được khấu trừ vào số tiền 1.000.000 đồng tạm ứng án phí ông Nguyễn Văn T2 đã nộp theo biên lai số 0008571 ngày 30-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L và 7.700.500 (bảy triệu bảy trăm ngàn năm trăm) đồng tạm ứng án phí cụ Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai số 006385 ngày 19-7-2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L. Như vậy, ông T2 còn phải nộp 17.259.334 (mười bảy triệu, hai trăm năm mươi chín ngàn, ba trăm ba mươi bốn) đồng án phí sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Văn C phải nộp 12.199.908 đồng án phí, được khấu trừ vào số tiền 5.133.000 đồng tạm ứng án phí cụ Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai số 006385 ngày 19-7-2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L. Như vậy, ông C còn phải nộp 7.066.908 (bảy triệu, không trăm sáu mươi sáu ngàn, chín trăm lẻ tám) đồng án phí sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Thanh Y, ông Nguyễn Anh V và bà Nguyễn Thị T phải nộp 12.199.908 đồng án phí, được khấu trừ vào số tiền 5.133.000 đồng tạm ứng án phí mà cụ Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai số 006385 ngày 19-7-2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L. Như vậy, ông Y, bà T và ông V còn phải nộp 7.066.908 (bảy triệu, không trăm sáu mươi sáu ngàn, chín trăm lẻ tám) đồng án phí sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Văn D được miễn nộp toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, được hoàn trả số tiền 5.133.000 (năm triệu một trăm ba mươi ba ngàn) đồng tạm ứng án phí mà cụ Nguyễn Thị B đã nộp theo biên lai số 006385 ngày 19-7-2010 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L.

- Hoàn trả cho ông Phan Văn T và bà Trần Thị H số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lại số 023951 ngày 16-12-2013 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn T2 không phải nộp. Hoàn trả cho ông T2 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009606 ngày 09-01-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 98/2018/DS-PT ngày 16/10/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:98/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về