Bản án 99/2017/HSPT ngày 07/11/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 99/2017/HSPT NGÀY 07/11/2017 VỀ VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 07 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 86/2017/HSPT, ngày 02 tháng 10 năm 2017 do có kháng cáo của bị cáo Vi Văn A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2017/HSST, ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện 3, tỉnh Hậu Giang.

Bị cáo có kháng cáo: VI VĂN A – Sinh năm: 1994; đăng ký hộ khẩu thường trú: Bản 1, xã 2, huyện 3, tỉnh Nghệ An; tạm trú: Số 287D (đơn kháng cáo có xác nhận của Công an phường 2 ghi số 287T), Quốc lộ 1A, phường 2, quận 3, thành phố Cần Thơ; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 03/12; dân tộc: Thái; con ông Vi Văn B và bà Vi Thị T; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án: Không; tiền sự: Có 01 tiền sự, ngày 16/12/2016, bị Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - Công an tỉnh Sóc Trăng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe mô tô không có gương chiếu hậu bên trái, không có giấy phép lái xe và không mang theo giấy đăng ký xe, với hình thức phạt tiền là 1.190.000đ (đã nộp tiền phạt). Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa: Luật sư Lương Văn H – Văn phòng Luật sư H, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, bào chữa theo yêu cầu cho bị cáo. (có mặt)

Người đại diện hợp pháp cho người bị hại Nguyễn Hoài T (đã chết): Bà Lê Thị D, sinh năm: 1985 (vợ của người bị hại Nguyễn Hoài T). Địa chỉ: Ấp 1, xã 2, huyện 3, tỉnh Hậu Giang. (có mặt)

Ngoài ra trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác không cókháng cáo, không bị kháng nghị nên tại phiên tòa phúc thẩm không triệu tập.

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện 3, tỉnh Hậu Giang và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện 3, tỉnh Hậu Giang thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 11 giờ ngày 16/12/2016, anh Lê Xuân L điều khiển xe mô tô chở bị cáo Vi Văn T đến Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an tỉnh Sóc Trăng để làm thủ tục nộp phạt, vì trước đó bị cáo T đã vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe mô tô không có gương chiếu hậu, không có giấy phép lái xe và không mang theo giấy đăng ký xe. Sau khi nộp phạt xong và nhận lại xe mô tô biển kiểm soát 66M1-266.77, anh L nhờ nhân viên của mình là Hà Văn Thịnh đến lấy xe đưa về Khu công nghiệp Sóc Trăng.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, nhân viên Công ty thủy sản có tổ chức tiệc nhậu, bị cáo T và anh L có tham gia, bị cáo uống khoảng 04 đến 05 lon bia Sài Gòn 333. Đến khoảng 20 giờ, anh L có việc nên đi ra ngoài và kêu bị cáo ngồi đợi. Bị cáo đợi khoảng 15 đến 20 phút nhưng không thấy anh L quay lại. Bị cáo thấy chiếc xe mô tô biển kiểm soát 66M-266.77 đang còn đậu trước công ty, chìa khóa vẫn để trên xe nên bị cáo lấy xe điều khiển về Cần Thơ, lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A với tốc độ khoảng 60km/giờ. Khoảng 21 giờ bị cáo chạy xe về đến địa bàn ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện 3, tỉnh Hậu Giang, do đã uống bia, thiếu tập trung quan sát nên xe mô tô bị cáo đang điều khiển đụng vào xe mô tô biển kiểm soát 95F1-8043, do anh Nguyễn Hoài T điều khiển đi cùng chiều phía trước. Hậu quả xảy ra làm cho anh T té xuống lộ và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Căn cứ vào sơ đồ hiện trường và kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Hiện trường nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng; mặt đường rộng 9m, được trải nhựa bằng phẳng. Hướng xe mô tô 95F1-8043 chạy cùng chiều phía trước xe mô tô 66M1-266.77. Tâm vùng đụng kéo vào lề phải của xe mô tô66M1-266.77 là 4,45m.

Tại Biên bản kiểm tra nồng độ cồn ngày 17/12/2016 xác định: Vi Văn Tđiều khiển xe mô tô trong tình trạng có sử dụng rượu bia với nồng độ cồn trong khí thở là 0,320mg/01 lít khí thở.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 13/TT, ngày 18/01/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Hậu Giang kết luận nguyên nhân tử vong đối với anh Nguyễn Hoài T là do: Chấn thương sọ não.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2017/HSST, ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện 3, tỉnh Hậu Giang quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Áp dụng các điểm a, b khoản 2 Điều 202; điều 33; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Vi Văn T 03 (ba) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự, các điều 584, 585, 586 và 591 của Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 116 và 117 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

Buộc bị cáo Vi Văn T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Thanh Đ, sinh ngày 09/3/2013, cấp dưỡng một lần với số tiền là 70.000.000đồng.

Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự, các điểm a, c khoản 1 Điều 23 và khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Buộc bị cáo Vi Văn T phải nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 3.500.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần xử lý vật chứng, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày15/8/2017, bị cáoVi Văn T kháng cáo xin được hưởng án treo và xin giảm mức bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo về hình phạt, cụ thể bị cáo yêu cầu được giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về trách nhiệm dân sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang tham gia phiên toà đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng Hình sự, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, chấp nhận kháng cáo của bị cáo về trách nhiệm dân sự, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người bị hại Nguyễn Hoài T là cháu Nguyễn Thanh Đ với mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ bản do Nhà nước quy định, với phương thức cấp dưỡng định kỳ theo quy định của pháp luật đến khi cháu Đ đủ 18 tuổi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày: Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo thì bị cáo còn có các tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế; hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ bị cáo bị bệnh phải thường xuyên điều trị nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù là nghiêm khắc. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Điều 47 giảm hình phạt cho bị cáo. Về trách nhiệm dân sự luật sư đề nghị xem xét cho bị cáo cấp dưỡng một lần với số tiền là 40.000.000 đồng.

Bị cáo Vi Văn T trình bày: Bị cáo không có khả năng cấp dưỡng một lần số tiền 70.000.000 đồng, đề nghị xem xét giải quyết cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Nếu gia đình người bị hại đồng ý cấp dưỡng một lần với số tiền 40.000.000 đồng thì bị cáo đồng ý.

Đại diện hợp pháp của gia đình người bị hại đề nghị buộc bị cáo cấp dưỡng một lần số tiền 70.000.000 đồng như án sơ thẩm đã xét xử.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,

XÉT THẤY

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vi Văn T vẫn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo đúng như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm. Lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có cơ sở để xác định: Khoảng 21 giờ, ngày 16/12/2016, tại khu vực ấp 1, xã 2, huyện 3, tỉnh Hậu Giang, bị cáo Vi Văn T đã có hành vi điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 66M1–266.77 lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A theo hướng Sóc Trăng–Cần Thơ vượt xe cùng chiều không đảm bảo an toàn nên đã đụng vào xe mô tô biển kiểm soát 95F1–8043, do anh Nguyễn Hoài T điều khiển phía trước, cùng chiều. Hậu quả xảy ra là anh Nguyễn Hoài T bị té xuống lộ, bị thương và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Bị cáo T không có giấy phép lái xe mô tô, điều khiển xe mô tô mà trong máu có nồng độ cồn vượt mức quy định (0,320mg/lít khí thở), điều khiển xe mô tô thiếu chú ý quan sát, vượt xe cùng chiều không đảm bảo an toàn đã vi phạm các khoản 8, 9 Điều 8; khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật giao thông đường bộ. Với hành vi và hậu quả nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo các điểm a, b khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Khi quyết định hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi; đã bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại; đại diện hợp pháp của gia đình người bị hại có đơn bãi nại, yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bị cáo là người dân tộc thiểu số, thuộc thành phần gia đình có công với cách mạng theo quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự và xử phạt bị cáo mức án 03 (ba) năm tù. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định tình tiết “hậu quả xảy ra là do lỗi vô ý” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là không có căn cứ pháp luật, bởi lẽ hành vi phạm tội của bị cáo là do lỗi vô ý nên bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ việc không có giấy phép lái xe mà điều khiển xe mô tô là vi phạm pháp luật; điều khiển xe trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn vượt quá mức quy định nhưng bị cáo lại bất chấp quy định của pháp luật, cố tình điều khiển xe dẫn đến hậu quả đau thương cho gia đình người bị hại . Điều đó cho thấy ý thức xem thường pháp luật của bị cáo. Xét bị cáo phạm tội có hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 202 của Bộ luật hình sự, bị cáo có nhân thân xấu, vừa bị xử phạt vi phạm hành chính cũng  trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, vừa nộp phạt xong thì cùng ngày lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã nhận định trên, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù là phù hợp, tương xứng với tính c hất, mức độ phạm tội của bị cáo nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Xét kháng cáo xin giảm mức bồi thường trách nhiệm dân sự của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Đối với khoản bồi thường về chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần, gia đình bị cáo và đại diện hợp pháp gia đình người bị hại đã thỏa thuận bồi thường xong với số tiền 100.000.000 đồng là phù hợp với chi phí mai táng và bù đắp tổn thẩn tinh thần mà gia đình người bị hại phải gánh chịu. Ý kiến của bị cáo cho rằng số tiền 100.000.000 đồng bị cáo bồi thường đã bao gồm tiền cấp dưỡng nuôi con của người bị hại là không có cơ sở. Bởi lẽ, tại Biên bản thỏa thuận về trách nhiệm dân sự do Công an huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lập ngày 30/3/2017 thì về số tiền cấp dưỡng nuôi con giữa bị cáo và gia đình người bị hại chưa thỏa thuận xong và tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo xác định số tiền 100.000.000 đồng đã bồi thường bao gồm chi phí mai táng và tổn thất tinh thần. Riêng đối với trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người bị hại, căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015; tiểu mục 2.3 mục 2 phần II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo có nghĩa vụ cấp dưỡng con chưa thành niên của người bị hại Nguyễn Hoài T là cháu Nguyễn Thanh Đ là có căn cứ.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo cấp dưỡng một lần với số tiền70.000.000 đồng trong khi bị cáo yêu cầu được cấp dưỡng định kỳ theo quy định của pháp luật, bởi lẽ gia đình bị cáo khó khăn, không có khả năng cấp dưỡng một lần. Căn cứ vào quy định tại Điều 117 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định phương thức cấp dưỡng như sau: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần”. Bị cáo có nghề nghiệp làm thuê, thu nhập chủ yếu từ tiền lương hàng tháng, ngoài ra bị cáo không có nguồn thu nhập, tài sản nào có khả năng thực tế để cấp dưỡng một lần. Việc cấp dưỡng nuôi con của người bị hại Nguyễn Hoài T là cháu Nguyễn Thanh Đ nhằm đảm bảo chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của cháu Đ. Do các bên không thỏa thuận được về mức cấp dưỡng cũng như phương thức cấp dưỡng. Do đó, căn cứ vào điểm c khoản 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng”. Do đó, kháng cáo của bị cáo yêu cầu xem xét trách nhiệm cấp dưỡng theo định kỳ là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận, buộc bị cáo có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người bị hại là cháu Nguyễn Thanh Đ, sinh ngày 09/3/2013, với số tiền là 650.000 đồng/tháng, cấp dưỡng hàng tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 16/12/2016 cho đến khi cháu Nguyễn Thanh Đ đủ 18 tuổi.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sửa bản án sơ thẩm.

Đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế; hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ bị cáo bị bệnh phải thường xuyên điều trị và đề nghị áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo cấp dưỡng một lần số tiền là 40.000.000 đồng là không phù hợp nên không có căn cứ pháp luật để chấp nhận.

Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Về án phí phúc thẩm: Căn cứ vào Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ vào điểm a khoản 6 Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bị cáo Vi Văn T phải chịu 300.000đ án phí cấp dưỡng.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248, điểm d khoản 1 Điều 249 của Bộ luật tố tụng hình sự,

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Vi Văn T, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2017/HSST, ngày 03/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện 3, tỉnh Hậu Giang về phần trách nhiệm dân sự.

Tuyên bố: Bị cáo Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Áp dụng: Các điểm a, b khoản 2 Điều 202, các điểm b, p khoản 1, khoản  2 Điều 46 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Vi Văn T 03 (ba) năm tù. Thời hạn phạt tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật hình sự; Điều 357 vàĐiều 591 của Bộ luật dân sự năm 2015;

Buộc bị cáo Vi Văn T có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Thanh Đ, sinh ngày 09/3/2013 với mức cấp dưỡng là 650.000đồng/tháng, cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 16/12/2016 cho đến khi cháu Nguyễn Thanh Đ đủ 18 tuổi.

Án phí hình sự phúc thẩm và án phí dân sự phúc thẩm: Bị cáo Vi Văn T không phải chịu.

Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Vi Văn T phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí cấp dưỡng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án(ngày 07/11/2017)

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 99/2017/HSPT ngày 07/11/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

Số hiệu:án 99/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về