Bản án 99/2019/HSPT ngày 28/02/2019 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 99/2019/HSPT NGÀY 28/02/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY

Ngày 28 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh T, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 563/2014/HSPT ngày 04 tháng 7 năm 2014 đối với bị cáo Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T do có kháng cáo của các bị cáo, bị đơn dân sự đối với bản án hình sự sơ thẩm số 34/2014/HSST ngày 29/04/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh T.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Tiến T, sinh năm 1973; ĐKHKTT: Số 12A/4/227 Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, thành phố H; trình độ văn hóa: lớp 12/12; nghề nghiệp: thuyền viên; con ông Nguyễn Kiến T và bà Nguyễn Thị C; có vợ là Lê Thị Thu S và 01 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 17/10/2013; được thay đổi biện pháp ngăn chặn ngày 17/6/2016; bị bắt lại ngày 17/9/2018. Có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Văn T, sinh năm 1984; trú tại: Thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh N; trình độ văn hóa: lớp 12/12; nghề nghiệp: thuyền viên; con ông Nguyễn Quốc K và bà Lưu Thị M; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 16/8/2013; thay đổi biện pháp ngăn chặn ngày 17/6/2016; bị bắt lại ngày 17/9/2018. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tiến T: Luật sư Nguyễn Trọng Q - Văn phòng luật sư An Phước, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hải D Có mặt tại phiên tòa.

* Người bị hại: Anh Phạm Văn H, sinh năm 1976 (chết)

* Đại diện hợp pháp của người bị hại: Chị Trần Thị T (vợ anh H), sinh năm 1981; trú tại: thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh T; có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Văn N, sinh năm 1970; trú tại: Thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh T; có mặt tại phiên tòa.

* Bị đơn dân sự: Công ty cổ phần T; địa chỉ: số 02/162 phường Bồ Đề, quận Long Biên, H;

Người đại diện: ông Vũ Minh T - Giám đốc Công ty. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự: Luật sư Lý Quang L - Công ty luật TNHH Long Hưng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông Phạm Văn C; có mặt tại phiên tòa.

2. Anh Nguyễn Văn H; có mặt tại phiên tòa.

3. Ông Tống Tiến C; có mặt tại phiên tòa.

4. Ông Phạm Văn T; có mặt tại phiên tòa.

Đều trú tại: Thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh T;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh T và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng của Công ty cổ phần T là loại tàu sắt có chiều dài lớn nhất là 79,6m, chiều rộng lớn nhất là 12,8m, có dung tích 1700 GT, trọng tải 2952,6 MT, công suất là 1103 kw được đóng tại xưởng đóng tàu Phú Hưng thuộc Công ty cổ phần đóng tàu Phú Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh N. Sau khi nhận bàn giao tàu, ngày 15/11/2011 Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II N cấp giấy phép đi thử tàu số 16, đồng thời Chi cục đăng kiểm số 2 thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam đã cấp giấy phép đi một chuyến số 0808/08 ND-SV cho tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng. Sau khi chuẩn bị lực lượng phương tiện và kiểm tra trang thiết bị kỹ thuật, tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng khởi hành từ xưởng đóng tàu Phú Hưng và hành trình trong luồng sông Đáy ra cửa Đáy. Trên tàu có tất cả 14 người do anh Nguyễn Văn T làm thuyền trưởng. Sau khi tàu Tiến Thành ra đến phao số 0 tàu chuyển hướng 560 hướng đi theo ra vùng biển Hải Phòng, thời gian này tàu Tiến Thành hành trình đảm bảo an toàn. Sau đó thuyền trưởng Nguyễn Văn T bàn giao lại ca trực cho đại đội phó Nguyễn Tiến T. Lúc này, ca trực chỉ còn lại đại đội phó Nguyễn Tiến T trực cảnh giới, thủy thủ lái Nguyễn Văn T, máy trưởng Nguyễn Ngọc H, Nguyễn Ngọc H sỹ quan máy. Trong lúc trực cảnh giới tàu Tiến Thành thì T đứng ở hai bên cabin buồng lái để quan sát, thỉnh thoảng dùng đèn pin đi lại phía sau tàu kiểm tra các thiết bị của tàu, Nguyễn Văn T là người lái tàu. Cùng thời điểm này tàu cá TH 4707 TS của gia đình ông Phạm Văn N đang neo đậu ở vị trí có tọa độ 19051’N - 106011’E thuộc vùng biển T, trên tàu có thắp điện sáng. Trong khi tàu Tiến Thành đang tiếp tục cuộc hành trình thì vào khoảng 5 giờ ngày 17/11/2011, do không chú ý quan sát nên tàu Tiến Thành đã đâm vào tàu cá làm vỡ và chìm tàu. Hậu quả làm chết anh Phạm Văn H và 06 người khác bị thương nhẹ. Sau khi gây tai nạn tàu Tiến Thành không dừng lại để thực hiện các công việc cứu vớt người và các tài sản khác mà vẫn tiếp tục hành trình đi Hải Phòng.

Sau khi tàu cá TH4707 TS bị nạn, tàu đánh cá của ông Nguyễn Văn D ở xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa đang đánh cá gần đó đã vớt được 02 mảnh ván sơn màu xanh. Cho là 02 mảnh ván này của tàu cá bị nạn trôi trên biển nên ông D đã mang về giao nộp cho Đồn Biên phòng và Công an xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, T.

Quá trình điều tra - xác định: Sau khi tàu cá TH 4707 TS bị nạn thì có 02 người lúc đó kịp nhìn thấy cách khoảng 5-7m, phía đuôi tàu có chữ “TIEN THANH” và “HAI PHONG”, nên ngay trong sáng hôm đó, ngày 17/11/2011 gia đình có tàu bị chìm đã tổ chức đi tìm ngay tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng để xem xét dấu vết và chụp ảnh khi tàu Tiến Thành đang neo đậu ở xưởng sửa chữa tàu Bắc Sơn, huyện Thủy Nguyên, H. Đồng thời, họ đã báo cáo lên cảng vụ hàng hải tỉnh T về việc tàu bị chìm do va chạm với tàu Tiến Thành.

Ngày 21/11/2011, Cảng vụ hàng hải khu vực I và ngày 14/12/2011 cơ quan CSĐT Công an tỉnh T đã tổ chức tiến hành khám nghiệm tàu Tiến Thành và đã xác định có các dấu vết như sau:

Mạn phải: cách sống mũi tàu 11cm, cách đáy tàu 2,2m có nhiều vết chà bám dính chất màu xanh song song đứt quãng cách nhau từ 0,5cm đến 5cm. Đường dính chất màu xanh dài nhất là 75cm, ngắn nhất 05cm, phía trên vết chà cách 25cm có vết chà sát thành đám dính chất màu xanh kích thước 15x10cm, các vết này có diện tích 55x75cm.

Giữa sống mũi cách đáy tàu 3,2m có 06 vết trầy xước lớp sơn và kim loại. Vết còn thấy lớp sơn kim loại màu sáng bạc. Vết trầy xước có kích thước lớn nhất là 15x2cm; nhỏ nhất 2,5x2cm. Bên cạnh vết này có vết chà bám dính chất màu xanh kích thước 6x2cm.

Mạn trái: Cách sống mũi tàu 1,38m, cách đáy tàu 2,1m có vết cày làm mất vết sơn và lõm lớp kim loại vỏ tàu. Vết cày dài 1,64m, rộng nhất 0,3cm, hẹp nhất 01cm. Điểm kết thúc vết cày cách đáy tàu 1,1m. Đầu vết cày có 07 vết trầy xước song song, vết dài nhất 6,5cm, ngắn nhất 01cm. Phía trên đường vết cày ở khoảng giữa có 5 vết trầy xước, vết dài 6cm, ngắn nhất 2cm. Trong lòng vết cày và vết trầy xước đã hình thành lớp rỉ sét màu nâu đỏ dạng chấm.

Ngày 10/01/2012, Viện khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành giám định kết luận: chất màu xanh cơ quan điều tra thu giữ ngày 14/12/2011 ở tầu Tiến Thành 26 - Hải Phòng và chất màu xanh trên mảnh gỗ của tàu TH 4707 TS là cùng loại với nhau.

Hành trình của tàu Tiến Thành từ cửa Đáy - Nam Định đi Hải Phòng khởi hành lúc 03h55’ ngày 17/11/2011 đến phao số 0 lúc 4h40’ cùng ngày ở tọa độ 19049’N – 106006’E sau đó chuyển hướng 560 đi Hải Phòng, vào lúc 05h35’ ngày 17/11/2011 tàu có vị trí tọa độ 19051’800’’ - 10609’E. Như vậy, theo kết quả xác minh của cảng vụ hàng hải Hải Phòng thì vào thời điểm khoảng 05h ngày 17/11/2011, tàu Tiến Thành đi qua khu tàu cá đang neo đậu ở vị trí có tọa độ 19051’N - 106011’E.

Đối với tàu cá TH 4707 TS sau khi bị đâm vỡ và tàu bị chìm ở vùng biển sâu chỉ thu lượm được một số mảnh gỗ bị vỡ trôi trên mặt nước biển. Quá trình điều tra theo báo cáo của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh T thì không thể trục vớt tàu cá được.

Căn cứ vào kết quả định giá ngày 19/9/2013 của Hội đồng định giá tài sản tỉnh T: Tàu cá TH 4707 TS trị giá 422.600.000 đồng (Bốn trăm hai mươi hai triệu sáu trăm nghìn đồng).

Đối với Phạm Văn H sau khi bị tai nạn chìm tàu đã tử vong, ngày 24/11/2011 đã phát hiện tại vùng biển huyện Lộc Hà, tỉnh H. Công an huyện Lộc Hà đã trưng cầu khám nghiệm và kết luận nguyên nhân chết do ngạt nước. Theo báo cáo của gia đình bị hại chi phí tìm kiếm và lo mai táng Phạm Văn H hết 647.200.000 đồng. Hiện nay Công ty T chưa bồi thường.

Quá trình giải quyết vụ án như sau:

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2014/HSST ngày 29/4/2014, Tòa án nhân dân tỉnh T đã áp dụng điểm c khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự 1999, xử phạt: Nguyễn Tiến T 04 năm tù, Nguyễn Văn T 03 năm 06 tháng tù đều về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 604; Điều 605; Điều 608; Điều 610; Điều 618; Điều 623; khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự, xử buộc Công ty cổ phần T phải bồi thường cho ông Phạm Văn N thiệt hại về tài sản và chi phí tìm kiếm, mai táng phí của anh Phạm Văn H, tổng cộng là 1.054.800.000 đồng. Buộc Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T phải liên đới bồi thường khoản tiền tổn thất về tinh thần cho gia đình anh Phạm Văn H do chị Trần Thị T nhận số tiền 57.500.000 đồng. Chia kỷ phần: Nguyễn Tiến T 37.500.000 đồng, Nguyễn Văn T 20.000.000 đồng. Buộc Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T phải liên đới khoản tiền nuôi 02 con của anh H là cháu Phạm Thị H (sinh ngày 21/6/2001) và cháu Phạm Gia H (sinh ngày 07/02/2010), mỗi cháu 800.000 đồng/tháng kể từ thời điểm anh H chết cho đến khi các cháu đến tuổi trưởng thành (đủ 18 tuổi).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Ngày 05/5/2014, bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo với nội dung xin được giảm nhẹ hình phạt tù.

Ngày 07/5/2014, bị cáo Nguyễn Tiến T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung kêu oan.

Ngày 08/5/2014, bị đơn dân sự là Công ty cổ phần T kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự với nội dung: Do chưa đủ căn cứ kết luận tàu Tiến Thành đâm vào tàu cá ngày 17/11/2011 nên các bị cáo không phạm tội và do các bị cáo không phạm tội thì Công ty T không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 221/2016/HSPT ngày 21-4-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, đã xử: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2014/HSST ngày 29/4/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh T để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 08/2017/HS-GĐT ngày 11-4-2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 221/2016/HSPT ngày 21-4-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Nguyễn Tiến T tiếp tục kêu oan, bị cáo cho rằng tàu Tiến Thành 26-HP không va, không đâm với tàu cá TH 4707 TS vào ngày 17/11/2011.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn T cũng đã thay đổi nội dung kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt tù, sang kêu oan, bị cáo cho rằng tàu Tiến Thành không đâm vào tàu cá.

Bị đơn dân sự: Đại diện công ty T đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật đối với vụ án, theo ông T thì tàu Tiến Thành 26-HP không va đâm với tàu cá TH 4707, do đó các bị cáo T và T không phạm tội, nên Công ty cổ phần T cũng không phải có trách nhiệm bồi thường.

Đại diện Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội: Sau khi kiểm tra tính có căn cứ pháp luật của bản án sơ thẩm, thì đã khẳng định:

Căn cứ vào lời khai của những người trên tàu cá TH 4707 TS bao gồm: ông Phạm Văn C, ông Nguyễn Văn H, ông Phạm Văn H, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn C và ông Lê Văn T đã thể hiện: Khi tàu cá của các ông đang neo đậu thì vào khoảng 5 giờ ngày 17/11/2011 bị đâm chìm, các ông bị rơi xuống nước, sau khi nổi người lên còn kịp nhìn thấy có 01 tàu rất to chạy qua, nhìn thấy có chữ Tiến Thành 26 Hải Phòng. Đồng thời, căn cứ vào xác minh của cảng vụ Hải Phòng, cũng như chính lời khai của các bị cáo thì vào thời điểm khoảng 05 giờ sáng ngày 17/11/2011, tàu Tiến Thành 26 - Hải Phòng có đi qua khu vực tàu cá TH 4707 TS đang neo đậu tại vị trí có tọa độ 19°51´N - 106°11´E. Ngay sau khi tàu bị chìm thì họ đã liên tục liên lạc với tàu Tiến Thành và sau đó họ đã xác minh làm rõ được các vết xước để lại ở mũi tàu Tiến Thành 26 Hải phòng và dấu vết sơn xanh phù hợp với sơn xanh của tàu cá của họ; do đó, khẳng định tàu Tiến Thành 26-Hải Phòng đã đâm chìm tàu cá của ông Phạm Văn N. Việc các bị cáo kêu oan là không có căn cứ, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác đơn kháng cáo của các bị cáo và bị đơn dân sự để giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo đưa ra nhiều luận cứ để khẳng định tàu Tiến Thành 26-Hải Phòng không đâm vào tàu cá của ông Phạm Văn N, việc truy tố xét xử các bị cáo là oan. Từ đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm minh oan cho các bị cáo.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh tụng và tranh luận công khai tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ; ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của các bị cáo, bào chữa của luật sư cho bị cáo; ý kiến của đại diện bị đơn dân sự,

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Tiến T, Nguyễn Văn T tiếp tục kêu oan, các bị cáo cho rằng các bị cáo bị oan, vì tàu Tiến Thành 26 Hải Phòng của các bị cáo không đâm vào tàu cá TH 4707 TS khi tàu cá đang neo đậu tại vị trí có tọa độ 19o 51’N-106o 11E vào sáng sớm ngày 17/11/2011 tại bờ biển tỉnh T; Người bào chữa cho bị cáo và đại diện bị đơn dân sự cũng cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án oan đối với các bị cáo Nguyễn Tiến T, Nguyễn Văn T. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, thấy đã có đủ căn cứ khẳng định: Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17/11/2011, tàu Tiến Thành 26- Hải Phòng có đi qua khu vực nêu trên, lời khai của chính bị cáo Nguyễn Tiến T cũng đã khai có nhìn thấy tàu cá neo đậu về phía bên phải, cũng vào thời gian nêu trên thì tàu cá TH 4707 đang neo đậu tại khu vực này bị chìm xuống biển là việc có thật và chỉ sau một thời gian rất ngắn, kể từ khi tàu cá bị chìm thì ông Nguyễn Văn D đánh cá gần đó có vớt được hai tấm ván màu xanh nổi lên trên biển (khi tàu ông nghe tin là tàu cá nhà ông N bị nạn) ông D xác nhận 02 tấm ván vớt được là của tàu gia đình ông Phạm Văn N. Hơn nữa, chỉ sau một thời gian ngắn từ khi tàu cá bị chìm thì người nhà tàu cá bị chìm đã liên tục điện thoại cho anh Nguyễn Văn T (là Thuyền trưởng tàu Tiến Thành 26 - HP) để liên lạc hỏi tàu Tiến Thành đi đến đâu rồi và neo đậu tại đâu để họ tiến hành xác minh làm rõ về việc tàu va chạm để giải quyết vụ việc. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày 17/11/2011 thì các anh Nguyễn Văn M, Phạm Văn T đã có mặt tại xưởng Bắc Sơn tại Hải Phòng để xác minh, chụp ảnh các dấu vết va chạm ở đầu mũi tàu Tiến Thành; Còn việc khám nghiệm tàu Tiến Thành 26 thì do Công an tỉnh T tiến hành sau đó đã thấy: Giữa sống mũi tàu cách đáy tàu 3,2 m có 6 vết trầy xước lớp sơn và kim loại, vết xước còn mới, vì còn thấy lớp sơn kim loại màu sáng bạc. Vết trầy xước lớn nhất 15x2 cm, vết nhỏ nhất 2,5x2 cm. Khu vực trầy xước có bám dính chất màu xanh KT 6x2 cm.

Còn ở mạn trái của tàu: cách sống mũi 1,38m, cách đáy tàu 2,1 m có vết cày làm mất vết sơn và làm lõm lớp kim loại của vỏ tàu. Vết cày dài 1,64 m, rộng 0,3 cm điểm kết thúc vết cày cách đáy tàu 1,1 m. Đầu vết cày có 7 vết trầy xước, dài nhất 6,5 cm, ngắn nhất 0,1 cm.

Bên mạn phải của tàu: cách sống mũi tàu 11 cm, cách đáy tàu 2,2 m có nhiều vết chà bám dính màu sơn xanh song song đứt quãng, cách nhau từ 0,5 cm đến 5 cm. Đường dính chất màu xanh dài nhất 75 cm, ngắn nhất 0,5 cm, phía trên vết chà cách 25 cm có vết chà sát thành đám dính chất màu xanh KT 15x10 cm, các vết này có diện tích 55x75 cm.

Như vậy, căn cứ vào lời khai của người bị hại, người làm chứng là các thuyền viên của tàu bị nạn (tàu cá), lời khai của một số thủy thủ của tàu Tiến Thành 26-Hải Phòng, kết quả xác minh của cảng vụ Hải Phòng, lời khai của người làm chứng khác là người nhặt được ván của tàu cá; căn cứ vào các vết xước để lại trên tàu Tiến Thành 26-HP (tàu mới tinh chạy thử chuyến đầu tiên), cũng như xét về không gian, thời gian, địa điểm nơi tàu cá bị chìm, cùng với các chứng cứ tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì đã có đủ căn cứ để khẳng định: Vào thời điểm khoảng 05 giờ sáng ngày 17/11/2011, tàu Tiến Thành khi đi qua khu vực tàu cá TH4707-TS đang neo đậu ở vị trí có tọa độ 19o 51’N-106o 11E tại bờ biển tỉnh T thì đã đâm vào tàu cá, làm tàu cá bị chìm. Hậu quả anh Phạm Văn H bị chết và 06 người khác bị thương nhẹ. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự 1999 là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, các bị cáo T và T không bị kết án oan. Việc các bị cáo cùng bị đơn dân sự kêu oan chỉ với mục đích trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo T kháng cáo xin được giảm nhẹ mức hình phạt tù, nhưng sau đó lại thay đổi kháng cáo sang kêu oan, điều đó thể hiện thái độ quanh co, chối tội của bị cáo là không thể chấp nhận được.

Do các bị cáo Nguyễn Tiến T, Nguyễn Văn T kháng cáo kêu oan không được chấp nhận, nên nội dung kháng cáo của đại diện bị đơn dân sự trong vụ án cũng không được chấp nhận.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm do không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo kháng cáo kêu oan không được chấp nhận, nên phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo qui định.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào các Điều 355, 356 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T, cũng như kháng cáo của bị đơn dân sự; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 34/2014/HSST ngày 29/4/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh T. Nay tuyên:

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 212 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến T 4 (Bốn) năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo tính từ ngày bị bắt tạm giam lại ngày 17-9-2018 (nhưng được tính trừ thời gian đã bị tạm giữ, giam trước đó từ ngày 17-10-2013 đến 17-6-2016).

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 42 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam lại từ 17-9-2018 (nhưng được tính trừ thời gian đã bị tạm giữ, giam trước đó từ ngày16-8-2013 đến 17-6-2016).

Về bồi thường thiệt hại:

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; các Điều 604, 605, 608, 610, 618, 623 và khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự.

- Xử buộc Công ty cổ phần T phải bồi thường cho ông Phạm Văn N các khoản tiền bị thiệt hại với tổng số tiền là 1.054.800.000 đồng (một tỷ không trăm năm mươi tư triệu tám trăm ngàn đồng)

- Bị cáo T và T phải liên đới bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại 57.500.000 đồng, trong đó bị cáo T phải chịu 37.500.000 đồng, bị cáo T phải chịu 20.000.000 đồng.

- Nguyễn Tiến T và Nguyễn Văn T phải trợ cấp nuôi dưỡng cho 2 con của người bị hại mỗi cháu, mỗi tháng 800.000 đồng, kể từ tháng 11/2011 (thời điểm bố các cháu chết) cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, mỗi bị cáo 200.000 đồng.

Bản án HSPT có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (28/02/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

628
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 99/2019/HSPT ngày 28/02/2019 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy

Số hiệu:99/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về