Quyết định giám đốc thẩm 01/2017/HNGĐ-GĐT ngày 15/02/2017 về tranh chấp tài sản sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 01/2017/HNGĐ-GĐT NGÀY 15/02/2017 VỀ TRANH CHẤP TÀI SẢN SAU LY HÔN

Ngày 15 tháng 2 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp tài sản sau ly hôn” giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Chen Ming C, sinh năm 1958; địa chỉ: khu V, đường M, Phường N, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật gia Vương Công Đ - Hội Luật gia tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn: Bà Phạm Tú H, sinh năm 1970; địa chỉ: đường F, Phường I, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phan Văn B, địa chỉ: Lô Đ, Phường D, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (Văn bản ủy quyền ngày 19 tháng 4 năm 2004).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Chen Ming T, sinh năm 1949; địa chỉ: Nhà số 15, hẻm 68, đoạn 2, đường S, khu A, thành phố Đài Bắc, Đài Loan;

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lưu Hỷ M; địa chỉ: 327/41 đường V, Phường A, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của ông Chen Ming T (Văn bản ủy quyền ngày 24 tháng 12 năm 2009).

3.2. Ông Trịnh Khắc M, sinh năm 1961; địa chỉ: đường Đ, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;

3.3. Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: 200C Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn xin ly hôn ngày 26-12-1998 và các lời khai bà Phạm Tú H trình bày:

Bà và ông Chen Ming C chung sống từ tháng 6 năm 1991, kết hôn ngày 9-11-1992. Khi chung sống đã mâu thuẫn từ năm 1993, do tính tình không hợp, sống ly thân năm 1998. Vợ chồng không có con chung. Quá trình chung sống vợ chồng  có  tạo  dựng  một  số  tài  sản  chung  là  một  lô  hàng  trị  giá  khoảng 1.000.000.000 đồng do ông C đang quản lý (nhập về 30-10-1998); căn nhà tại 199 D, thành phố Đà Nẵng mua năm 1997; căn nhà đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh; cả hai căn nhà do bà đứng tên và đang quản lý; 01 lô đất 680m2 tại đường Đ1, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh mua năm 1994 chưa hợp thức hóa, mới trả 92,8 lượng vàng/150 lượng vàng (giá mua); trị giá nhà tại thành phố Đà Nẵng khoảng 700.000.000 đồng, nhà ở đường Đ khoảng 400 lượng vàng. Vợ chồng còn có dàn máy sản xuất thanh ray kéo màn nhập khẩu năm 1996 giá 40.000 USD, nay đang bị kê biên niêm phong; Doanh nghiệp tư nhân T. Ông C còn chuyển  đi  nước  ngoài  tiền  của  vợ  chồng  03  khoản  là  230.828.500  đồng, 13.000.000 đồng, 7.010 USD. Bà xin ly hôn, yêu cầu chia đôi nhà đất ở đường Đ, xin nhận nhà đất ở đường Đ đã định giá 256,5 lượng vàng, còn nhà ở Đà Nẵng, đất ở đường Đ1 xin chia đôi (BL 122, 123, 134, BL 577 ngày 3-12-1999). Lời khai từ ngày 21-3-2000 trở về sau bà H xác định giá trị xây dựng nhà ở đường Đ là của chung vợ chồng, còn đất là của riêng bà, vì bà mua đất từ tháng 5/1991, đóng tiền đất ngày 03-01-1992; bà quen ông C1 vào cuối năm 1991 do ông C giới thiệu; bà nhờ ông C1 đi mua hộ đất; đất ở đường Đ1 tách ra giải quyết bằng vụ kiện khác; yêu cầu chia ½ tiền chuyển đi nước ngoài và tiền lô hàng 1.000.000.000 đồng. Ý thức ban đầu của bà xác định nhà đất ở đường Đ là tài sản chung, sau này tham khảo bà biết là tài sản riêng nên đề nghị là tài sản riêng (BL 593).

Về khoản nợ ông T: Bà yêu cầu xét hợp đồng vay tiền của ông T, thực tế bà không nhận tiền. Năm 1993, bà mở cửa hàng T, xây dựng nhà tại đường Đ xong tháng 10/1994. Ông C nói là mượn tiền của người nước ngoài để làm ăn mà tài sản ở Việt Nam lại do bà đứng tên, ông C cũng sợ mất nhà nên yêu cầu bà ký hợp đồng vay tiền của ông T năm 1994 tại cơ quan công chứng để làm tin. Sau khi ký Hợp đồng vay nợ bà cũng lo vì không nhận tiền, sau đó năm 1995 bà qua Đài Loan ký với ông T một bản thuyết minh hợp đồng việc cho mượn tiền (BL 122, 123), việc ký mượn tiền của ông T cũng chỉ nhằm mục đích để bà không tự ý bán tài sản của vợ chồng do bà đứng tên (BL 134). Bà không biết số nợ 135.000 USD (ông C nói vay của ông T). Sau đó, bà H lại khai có biết ông C rút 135.000 USD tháng 9/1994 (BL 577). Bà không đồng ý trả nợ vì không nhận tiền.

Ông Chen Ming C trình bày:

Ông đến Việt Nam năm 1990, quen biết bà H cuối năm 1991, khi đó bà H đang chơi không và đã ly hôn với chồng trước, có một con riêng, sau đó bà H về chỗ ông làm kế toán; năm 1992, ông kết hôn với bà H, con riêng của bà H cũng về ở cùng vợ chồng ông; tháng 7/1997, vợ chồng sống ly thân, do bà H ngoại tình, ông đồng ý ly hôn.

Khi quen bà H, ông đang hợp tác làm ăn cùng ông C1 và một người Tàu nữa để tìm hiểu thị trường Việt Nam. Quen bà H được một hai tuần thì mới mua đất ở đường Đ. Ông nhờ ông C1 đi coi đất hộ, ông đi coi một lần, còn bà H không biết gì ở thời điểm đó. Khoảng cuối năm 1991 đầu năm 1992 đóng tiền mua đất, ông đưa cho ông C1 120.000.000 đồng, khi đi đóng tiền không có bà H, chỉ nhờ bà H đếm tiền hộ. Đến tháng 6/1992 ông chung sống với bà H như vợ chồng, tháng 11/1992 mới đăng ký kết hôn. Do nhu cầu làm ăn không có vốn, đã mượn tiền của anh ông là ông T từ Đài Loan gửi về để ông làm ăn mở công ty, mua nhà, xây nhà. Đến năm 1996 mua nhà ở Đà Nẵng. Sau đó, ông mua nhà đất làm kho tại đường Đ1. Tất cả tài sản trên ông tạo lập từ tiền mượn của anh ông. Do ông là người nước ngoài, sợ mất tài sản trên nên anh ông yêu cầu vợ chồng ông xác nhận số nợ và bà H đã ký nợ năm 1994 vay ông T 200.000 USD tại cơ quan công chứng. Bà H không có tiền mua tài sản này.

Ông không biết Biên bản tạm giao đất ngày 10-9-1991 do bà H xuất trình, đến Tòa ông mới biết. Phiếu thu tiền 117.000.000 đồng (trả tiền mua đất) ngày 03-01-1992 (ghi tên bà H) cũng không đúng sự thật. Năm 1992 mới phân ranh đất, năm 1993 mới cất nhà, khi bà H hợp pháp hóa đất ghi nhà tự xây cất năm 1991 là không đúng (BL 156). Nhà đất ở đường Đ là của chung. Về hàng hóa ông chỉ nhập 01 lô, còn lại bà H nhập 02 lô, nên bà H phải chia lại cho ông. Ông đồng ý phần đất ở đường Đ1 tách giải quyết bằng vụ kiện khác (BL 593).

Về khoản nợ của ông T: Ông T có cho vay tiền để mua đất, xây dựng nhà, kinh doanh, ông T gửi tiền vào tài khoản của ông ở Ngân hàng, chỉ mình ông mới rút được, bà H biết mới ký, ông đồng ý là n ợ chung (BL 593).

Tại đơn khởi kiện ngày 9-11-1998 và các lời khai ông T và người đại diện theo ủy quyền của ông T trình bày: Khoảng năm 1990 ông có em ruột là ông C đến Chợ Lớn Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn, có hợp tác với một số người Việt gốc Hoa và quen bà H. Sau đó, bà H kết hôn với ông C và thành lập Doanh nghiệp T. Do thiếu vốn nên vợ chồng ông C vay ông từ năm 1992 đến năm 1994 là 135.000 USD không có giấy tờ, vì là anh em trong gia đình, mượn nhiều lần bằng tiền mặt, có lúc đưa ở Đài Loan, có lúc đưa ở Việt Nam, có lúc có mặt bà H, có lúc không có bà H nhưng bà H biết rõ việc vay tiền. Số tiền vay vợ chồng ông C dùng để mua nhà đất, kinh doanh. Ông T sợ mất số tiền nên thống nhất với bà H lập Hợp đồng mượn 200.000 USD của ông T ngày 10-9-1994 tại cơ quan công chứng. Khi thỏa thuận vay tiền theo tỷ giá lúc vay quy ra tiền Việt là 2.100.000.000 đồng, vì ra cơ quan công chứng họ không đồng ý ghi nhận việc giao dịch bằng đô la. Đến lúc vay 200.000 USD thì vợ chồng ông C đồng ý trả khoản nợ cũ nên số tiền chuyển khoản cho ông C là 60.000 USD. Bản thuyết minh Hợp đồng ngày 13-5-1995 bà H nộp cho Tòa ông T có ký. Nay ông T yêu cầu ông C, bà H trả số nợ trên, không yêu cầu trả lãi.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 1484/HNST ngày 25-9-2000, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định (tóm tắt):

- Công nhận thuận tình ly hôn giữa bà H và ông C.

- Công nhận thỏa thuận của ông C và bà H không yêu cầu Tòa án giải quyết phần đất ở đường Đ1, phường 18, quận B, tách ra giải quyết bằng vụ kiện khác khi có yêu cầu.

Tài sản chung vợ chồng có nhà đất tại 199 đường D, quận H, Đà Nẵng; nhà đất tại đường Đ, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; dàn máy sản xuất thanh ray kéo màn.

- Giao bà H sở hữu nhà đất tại đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh và có trách nhiệm trả chênh lệch tài sản cho ông C là 128,25 lượng vàng SJC. Nhà đất ở Đà Nẵng và dàn máy được phát mãi đấu giá để chia cho mỗi người hưởng ½.

- Xác định khoản nợ ông T 200.000 USD là nợ chung, mỗi người phải trả ½, tương đương 1.417.500.000 đồng.

- Bác các yêu cầu khác của bà H.

Ngày 28-9-2000, bà H kháng cáo xin xem xét lại phần tài sản là quyền sử dụng đất tại đường Đ và khoản nợ 200.000 USD (BL 619).

Tại Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 11/HNPT ngày 11-5-2001, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định sửa án sơ thẩm về tài sản (tóm tắt):

- Công nhận giá trị lô đất tại đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc sở hữu riêng của bà H; giá trị xây dựng nhà 108 lượng vàng là tài sản chung, mỗi người hưởng ½ là 54 lượng vàng.

- Công nhận ông C và bà H nợ chung ông T 60.000 USD, bà H và ông C mỗi người phải trả nợ cho ông T bằng tiền Việt Nam tương đương với 30.000 USD.

- Giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.

- Tiếp tục duy trì Quyết định số 301/KCTT ngày 6-4-1999 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi thi hành xong bản án này. Riêng đối với nhà đất tại đường Đ, sau khi bà H trả đủ 54 lượng vàng (giá trị xây cất nhà) cho ông C, thì bà H được đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử phúc thẩm các đương sự đều có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định số 04/DS-TK ngày 18-02-2002, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên, đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết lại vụ án theo hướng giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm về quyền sở hữu chung căn nhà đường Đ và nghĩa vụ trả nợ của ông C, bà H đối với khoản nợ 200.000 USD cho ông T.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 07/HĐTP-DS ngày 22-10-2002, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định: Hủy một phần Bản án sơ thẩm và một phần Bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại từ sơ thẩm về đất ở đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh và khoản nợ 200.000 USD.

Sau khi hồ sơ vụ án được giao về cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại, ngày 15-8-2003 bà H có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện không yêu cầu Tòa án giải quyết về phần đất tại đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh và khoản nợ 200.000 USD.

Tại Quyết định số 1434/ĐC-HNST ngày 29-8-2003, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Ông T có đơn kháng cáo quyết định đình chỉ nêu trên, xin thay đổi tư cách tố tụng, xin được tiếp tục giải quyết vụ kiện đòi nợ.

Tại Quyết định số 53/HNPT ngày 08-12-2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bác kháng cáo của ông T, đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa bà H và ông C, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông T. Ông T có quyền làm đơn khởi kiện bà H bằng một quan hệ pháp luật dân sự khác nếu có yêu cầu.

Ngày 25-9-2003, ông C có đơn khởi kiện bà H về việc tranh chấp tài sản sau ly hôn. Ngày 14-02-2004, ông T khởi kiện bà H về việc đòi nợ 200.000 USD. Ngày 7-6-2004, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo số 1535/SNVA-DSST về việc sáp nhập toàn bộ hồ sơ hai vụ án đã thụ lý trên để xét xử cùng một vụ án.

Sau khi thụ lý lại vụ án năm 2003, các đương sự trình bày:

Nguyên đơn ông Chen Ming C trình bày:

Lời khai ban đầu năm 2004 ông C trình bày: Năm 1998 bà H xin ly hôn ông và đã được Tòa án các cấp giải quyết. Sau đó, bà H rút đơn khởi kiện. Nay ông đề nghị Tòa án giải quyết công nhận quyền sử dụng đất ở đường Đ là tài sản chung và bà H phải liên đới cùng ông trả nợ ông T 200.000 USD, vì đây là nợ chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi trả nợ xong, tài sản còn lại chia cho ông và bà H bao gồm nhà đất ở đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh; nhà đất ở Đà Nẵng; nhà kho và đất tại đường Đ1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 21-7-2010 bà H và ông C đã thỏa thuận hòa giải thành với nội dung, thống nhất đối với đất ở đường Đ1, đã cấp giấy chứng nhận cho bà H năm 2007 bán chia mỗi người ½; nhà đất ở Đà Nẵng có giấy chứng nhận đứng tên bà H năm 1997 sang tên sở hữu cho ông C và ông C đồng ý nhận 54 lượng vàng tại cơ quan thi hành án là ½ giá trị xây dựng nhà ở đường Đ để kết thúc tranh chấp; nợ ông T 200.000 USD, mỗi người trả ½ tương đương 1.920.000.000 đồng; phần nợ được cấn trừ khi bán nhà đất ở đường Đ1, nếu trả nợ không đủ thì hai bên phải nộp cho đủ, nếu trả nợ còn dư thì nhận lại theo phần của mỗi người. Ngày 27-7-2010, bà H có đơn xin hủy thỏa thuận ngày 21-7-2010 nêu trên.

Từ lời khai ngày 6-12-2011 trở về sau ông C chỉ đề nghị đất ở đường Đ là của riêng ông, nhà xây dựng là của chung, yêu cầu được lấy lại nhà. Về khoản nợ, vì mọi tài sản ở công ty và bất động sản đều do bà H đứng tên nên bà H phải ký nợ (BL 351 phiên tòa sơ thẩm), tiền vay để xây dựng nhà, kinh doanh, không tách ra được sử dụng như thế nào, ông xác định đây là nợ chung và chia đôi.

Bị đơn bà Phạm Tú H trình bày: Bà giữ nguyên như lời khai trong vụ án ly hôn. Sau đó, bà H nhất trí thỏa thuận với ông C như Biên bản hòa giải thành ngày 21-7-2010; nhưng ngày 27-7- 2010 bà H đã xin hủy ý kiến tại biên bản hòa giải thành trên.

Giai đoạn sau bà H khai: Sau khi có bản án phúc thẩm xử ly hôn năm 2001, được sự đồng ý của cơ quan thi hành án bà đã bán nhà đất tranh chấp cho ông Trịnh Khắc M giá 150 lượng vàng và bà đã nộp vào cơ quan thi hành án trả ông C 54 lượng vàng là ½ giá trị xây dựng nhà. Hợp đồng đã được công chứng và sang tên cho ông M theo quy định. Bà xác định đất này là tài sản riêng của bà. Nếu xác định đất là tài sản riêng của ông C thì lấy giá trị khi bán cho ông M, việc định giá lại là không cần thiết, không phù hợp pháp luật. Về khoản nợ: Bà có ký hợp đồng vay tiền ông T tại cơ quan công chứng nhưng không nhận tiền. Đề nghị xác minh, nếu ông C chuyển 60.000 USD vào Doanh nghiệp T thì đồng ý là nợ chung, nếu ông C không chứng minh được thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Doanh nghiệp đã giải thể từ tháng 8/1998. Đây là hợp đồng giả cách, bà không đồng ý trả nợ.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Tại đơn khởi kiện ngày 14-02-2004 của ông Chen Ming T trình bày: Vợ chồng ông C và bà H có mượn ông T 200.000 USD do bà H ký giấy vay ngày 10-9-1994. Nay đề nghị ông C và bà H có trách nhiệm liên đới trả ông T số tiền vay trên, không yêu cầu tính lãi.

2. Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh do ông Trần Đình H đi diện theo ủy quyền trình bày:

Bà H đã nộp 54 lượng vàng SJC vào cơ quan thi hành án để trả cho ông C trong khoản tiền ½ giá trị xây dựng căn nhà đường Đ. Bà Hoàn chưa thi hành nghĩa vụ trả khoản nợ cho ông T. Do ông C cũng phải thi hành khoản nợ cho ông T, nên ngày 16-7-2003 cơ quan Thi hành án đã quy đổi toàn bộ 54 lượng vàng SJC thành 352.823.000 đồng để chi trả cho ông T. Cơ quan thi  hành án chưa kịp trả tiền cho ông T thì Bản án số 11/HNPT ngày 11-5-2001 bị hủy. Hiện nay số tiền này đã được gửi tiết kiệm theo quy định. Khi quy đổi vàng ra tiền không mời ông C vì ông C đang khiếu nại mà chỉ là để thi hành theo bản án, còn ông T không ở Việt Nam nên không mời được.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Cơ quan thi hành án kháng cáo không đồng ý với bản án phúc thẩm và trình bày: Ngày 20-6-2001, bà H có đơn gửi cơ quan thi hành án. Ngày 01-7-2001, ông T cũng có đơn gửi cơ quan thi hành án. Ngày 19-12-2001, bà H nộp 54 lượng vàng cho cơ quan thi hành án. Ngày 25-02-2002, cơ quan thi hành án nhận được Quyết định kháng nghị số 04 ngày 18-02-2002 của Tòa án nhân dân tối cao. Theo khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định 69 ngày 18-10-1993 của Chính phủ về thủ tục thi hành án là hết 6 tháng mà cơ quan thi hành án không nhận được kết quả kháng nghị thì ra quyết định tiếp tục thi hành án. Đến ngày 17-9-2002 cơ quan thi hành án tiếp tục ra Quyết định số 505 thi hành án. Ngày 16-7-2003 cơ quan thi hành án chuyển 54 lượng vàng ra tiền. Đến ngày 18-7-2003 cơ quan thi hành án nhận được Quyết định giám đốc thẩm số 07 ngày 22-10-2002 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do đương sự cung cấp, vì quyết định này không gửi cho cơ quan thi hành án. Khi cơ quan thi hành án chuyển vàng ra tiền là đã quá 6 tháng theo quy định sau khi nhận được kháng nghị. Do đó, không nhất trí về việc quyết định phần ông C được nhận 54 lượng vàng ở thi hành án.

3. Ông Trịnh Khắc M trình bày: Tháng 12/2001, ông có mua nhà đất tại đường Đ của bà H. Khi mua bán, ông có tìm hiểu giấy tờ hợp lệ. Bà H đã thi hành án xong, hai bên đã ra công chứng hợp đồng và sang tên xong. Việc phân chia tài sản giữa ông C và bà H không liên quan đến ông. Nay ông đã thế chấp căn nhà vay tiền Ngân hàng Đầu tư và đã bị Sở nhà đất ngăn chặn theo Kháng nghị số 04 năm 2002 của Tòa án nhân dân tối cao. Ông không có liên quan đến việc giải quyết vụ án, đề nghị được vắng mặt.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 252/2013/HN-ST ngày 13-03-2013, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

- Xác định tài sản chung của ông Chen Ming C và bà Phạm Tú H là nhà và đất tại đường Đ, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bà Phạm Tú H phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông Chen Ming C ½ giá trị đất nhà đường Đ là 3.048.600.000 đồng.

- Ông Chen Ming C được quyền liên hệ với cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để nhận 54 lượng vàng SJC là ½ giá trị xây dựng căn nhà đường Đ Phường H, quận B do bà H đã giao nộp.

Buộc bà Phạm Tú H có trách nhiệm hoàn trả cho ông Chen Ming T số tiền 100.000 USD, tương đương 2.082.800.000 đồng. Ông Chen Ming C có trách nhiệm hoàn trả cho ông Chen Ming T số tiền 100.000 USD, tương đương 2.082.800.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25-3-2013 và ngày 11-4-2013 bà Phạm Tú H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 28-3-2013 Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 01/2014/HN-PT ngày 08-01-2014, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Tú H và Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 21-02-2014, Tòa án nhân dân tối cao nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm đề ngày 17-2-2014 của bà Phạm Tú H có nội dung: Nền đất tại số nhà đường Đ bà đã nhận chuyển nhượng trước thời điểm kết hôn với ông Chen Ming C nên là tài sản riêng của bà; bà đã chuyển nhượng hợp pháp nền đất này cho ông Trịnh Khắc M từ năm 2001, nhưng Tòa án hai cấp lại buộc bà trả ½ giá trị đất cho ông C theo giá định giá năm 2009 là bất hợp lý. Không đồng ý trả nợ ông T vì không nhận tiền.

Tại Quyết định số 03/2016/KN-HNGĐ ngày 27-6-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị một phần Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 01/2014/HN-PT ngày 08-01-2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy một phần Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại về nội dung vụ án bị hủy theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về khoản nợ ông T:

[2] Ngày 10-9-1994, bà H ký hợp đồng tại cơ quan công chứng có nội dung vay ông T 2.100.000.000 đồng tương đương 200.000 USD. Bà H thừa nhận sau khi kết hôn với ông C năm 1992, đến năm 1993-1994 vợ chồng bà xây nhà ở đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh, mở Doanh nghiệp tư nhân T để kinh doanh, nhận chuyển nhượng đất ở đường Đ1, Thành phố Hồ Chí Minh (đã trả 92,8 lượng vàng ngày 8-3-1994, BL 136). Như vậy, từ sau khi kết hôn với ông C đến thời điểm bà H ký hợp đồng vay tiền, vợ chồng bà H đã tạo lập được rất nhiều tài sản có giá trị lớn như nêu trên, nhưng bà H không chứng minh được có nguồn tiền nào khác để mua sắm tài sản và thành lập doanh nghiệp để kinh doanh. Hợp đồng nói rõ điều khoản ngày 13-6-1995 bà H ký tại Đài Loan cũng nêu rõ vợ chồng đã vay tiền trước đó để xây dựng nhà ở đường Đ và kinh doanh (Doanh nghiệp T). Điều này cũng chứng tỏ vợ chồng bà H thực tế có vay tiền của ông T để tạo ra các tài sản chung, nay vẫn còn. Do đó, việc bà H ký hợp đồng vay tiền năm 1994 chỉ là xác nhận lại khoản nợ đã vay trước đó. Bà H là người làm chủ doanh nghiệp tư nhân, nếu không nhận tiền trước đó thì không có lý do gì bà H lại ký vay một khoản tiền lớn như vậy. Tại “Đơn kiện” ngày 30-9-1998 của bà H gửi Tòa án, Hải quan, Sân bay Tân Sơn Nhất có nội dung ông C có cùng khoản nợ 2.100.000.000 đồng, nay ông T đang đòi, đề nghị không cho ông C xuất cảnh khi chưa trả xong nợ (BL 176). Như vậy, bà H thừa nhận vợ chồng bà có nợ ông T tiền như đã ký hợp đồng. Do đó, bà H nại ra lý do không nhận tiền khi ký hợp đồng để không trả nợ là không có căn cứ chấp nhận.

[3] Về việc xác định tiền vay là tiền Việt hay ngoại tệ:

[4] Ông T chỉ có chứng cứ chuyển cho ông C 60.000 USD qua ngân hàng. Ông T cũng thừa nhận cho vay tiền nhiều lần không có biên nhận nên không có cơ sở để xác định chính xác ông T cho vay thực tế bằng tiền Việt hay ngoại tệ. Tuy  nhiên,  trong  hợp  đồng  ngày  10-9-1994  hai  bên  thỏa  thuận  cho  vay 2.100.00.000 đồng tương đương 200.000 USD. Ông T và ông C cho rằng cho vay bằng ngoại tệ nhưng do cơ quan công chứng yêu cầu không được giao dịch bằng ngoại tệ nên phải ghi bằng tiền Việt. Còn bà H chỉ đề nghị là không nhận tiền, không đồng ý trả nợ, không giải thích là vay tiền Việt hay ngoại tệ. Trong giao dịch này, bà H là người đi vay tiền nên được coi là người yếu thế trong giao dịch. Nội dung hợp đồng ghi cho vay tiền Việt tương đương với tiền ngoại tệ là không rõ ràng. Hợp đồng cũng không nêu rõ khi trả phải bằng tiền Việt hay ngoại tệ. Do đó nay có tranh chấp, cần giải thích nội dung hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của người yếu thế, xác định nghĩa vụ trả nợ là tiền Việt mới phù hợp với quy định tại Điều 409 Bộ luật dân sự 2005, Điều 404 Bộ luật dân sự 2015. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xác định tiền vay là ngoại tệ, sau đó quy ra tiền Việt để buộc trả nợ là không phù hợp.

[5] Việc xem xét tài sản trả nợ (trả bằng tiền Việt hay ngoại tệ) liên quan đến việc xem xét nguồn tiền tạo ra tài sản chung vợ chồng nên cần xem xét lại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự.

[6] Về nhà đất tại đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh: Giá trị xây dựng nhà, bà H và ông C đều thống nhất là tài sản chung. Nay các đương sự chỉ tranh chấp về nền đất.

[7] Căn cứ lời khai của hai bên và trên cơ sở chứng cứ xác minh tại chính quyền địa phương thì nền đất tranh chấp nguyên là hai lô đất liền nhau của Ủy ban nhân dân Phường H, Thành phố Hồ Chí Minh chuyển nhượng cho các đương sự năm 1992. Bà H xuất trình Biên bản Ủy ban nhân dân Phường H tạm giao cả hai lô đất cho bà H tháng 5 năm 1991, để cho rằng đây là tài sản riêng của bà. Ủy ban nhân dân Phường H ban đầu xác nhận người đến tìm hiểu đầu tiên mua đất là ông C1 và ông C1 nói nhận chuyển nhượng hộ bà H còn tiền của ai không biết (BL 573). Sau này Ủy ban nhân dân Phường H đã cung cấp rõ, ông C1 và bà H là người đóng tiền nhận chuyển nhượng đất; ông C1 tường trình ông C1 đứng tên hộ ông C, ông C và bà H là vợ chồng, ông C1 chuyển lô của ông C1 cho bà H; trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân Phường H đã “cấp lại biên bản tạm giao đất” ngày 10-5-1991 để bà H hợp thức hóa quyền sử dụng đất nhằm phù hợp với thời điểm chủ trương quy hoạch của Quận và Thành phố từ năm 1990 (BL 136, tập hồ sơ 2003). Như vậy, Biên bản tạm giao đất ngày 10-5-1991 do bà H xuất trình không phải được cấp cho bà H từ đầu mà được cấp sau khi đã nhập lô đất của ông C (do ông C1 đứng tên hộ) vào cùng lô đất bà H đứng tên, để bà H xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất ngày 8-11-1993. Ông C1 xác nhận là người nhận chuyển nhượng đất hộ ông C. Mặt khác, một số lời khai ban đầu trong vụ án ly hôn năm 1998 bà H xác định vợ chồng có tài sản chung là căn nhà ở đường Đ (BL 122), ông C có bỏ tiền ra xây dựng nhà và đất ở đường Đ (BL 123), nhà đất ở đường Đ yêu cầu chia đôi (BL 134, 145). Vì vậy, có cơ sở xác định đất tranh chấp không phải là tài sản riêng của bà H.

[8] Đối với ông C, từ lời khai ngày 06-12-2011 trở về sau ông C yêu cầu đất tranh chấp là tài sản riêng của ông (BL 301), còn tại Đơn khởi kiện ngày 25-9-2003 và các biên bản hòa giải trước ngày 06-12-2011 (BL 246, 312, 320, 324) ông C đều đề nghị đất tranh chấp là tài sản chung vợ chồng. Thực tế, ông C chỉ có lời khai của ông C1 làm chứng xác định ông C1 nhận chuyển nhượng hộ ông C cả hai lô đất. Tuy nhiên, khi Ủy ban nhân dân Phường H giải quyết đất thiếu của 04 lô đất trong đó có 02 lô đang tranh chấp tại Biên bản ngày 30-7-1992 thì cả ông C1 và bà H có tên trong biên bản. Ông C không có chứng cứ đóng tiền cả hai lô đất, ông C cũng không phải là người trực tiếp giao dịch nhận chuyển nhượng đất mà chỉ có ông C1 và bà H tham gia giao dịch. Vì vậy, ông C cũng không có chứng cứ rõ ràng chứng minh toàn bộ đất tranh chấp là của riêng ông, nên cần xác định đất tranh chấp là tài sản chung vợ chồng như Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã quyết định là phù hợp.

[9] Về xác định giá trị quyền sử dụng đất:

[10] Sau khi Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 11/HNPT ngày 11-5-2001 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật, bà H đã thi hành án, nộp 54 lượng vàng để trả ½ giá trị xây dựng nhà cho ông C tại Cơ quan Thi hành án dân sự. Sau đó, bà H đã chuyển nhượng nhà đất cho ông Trịnh Khắc M, hợp đồng đã được công chứng ngày 26-12-2001 (sau khi cơ quan công chứng nhận được công văn của Cơ quan Thi hành án dân sự xác nhận việc thi hành án của bà H). Như vậy, việc mua bán nhà là khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, đất đã sang tên trước bạ cho ông M năm 2008, nên đất không còn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà H, ông C.

[11] Theo lời khai của ông M và bà H, việc mua bán nhà thông qua cơ quan Thi hành án dân sự. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải làm rõ giá trị thực tế của nhà đất khi hai bên tiến hành mua bán. Trong trường hợp đương sự không có chứng cứ chứng minh nhà đất đã bán giá khác với giá ghi trong hợp đồng mua bán thì phải xác định giá trị nhà đất theo hợp đồng mua bán giữa bà H và ông M để làm căn cứ buộc bà H thanh toán chênh lệch tài sản cho ông C. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại căn cứ vào định giá đất tại thời điểm năm 2009 để buộc bà H trả ½ giá trị đất cho ông C là 3.048.600.000 đồng là chưa đủ căn cứ vững chắc.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 342, khoản 3 Điều 343, khoản 1, 2 Điều 345 Bộ luật tố tụng dân sự:

Hủy một phần Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 01/2014/HN-PT ngày 08-01-2014 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh) và hủy một phần Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 252/2013/HN-ST ngày 13/03/2013 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về phần giải quyết tranh chấp nợ và nền đất tại đường Đ, Thành phố Hồ Chí Minh, giữa nguyên đơn là ông Chen Ming C với bị đơn là bà Phạm Tú H; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Chen Ming T, ông Trịnh Khắc M và Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại về phần nội dung bị hủy theo quy định của pháp luật.

Phần quyết định của Bản án phúc thẩm và sơ thẩm không bị hủy có hiệu lực pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

695
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định giám đốc thẩm 01/2017/HNGĐ-GĐT ngày 15/02/2017 về tranh chấp tài sản sau ly hôn

Số hiệu:01/2017/HNGĐ-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 15/02/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về