17/01/2019 16:23

Chấm dứt hợp đồng lao động – làm sao cho đúng luật?

Chấm dứt hợp đồng lao động – làm sao cho đúng luật?

Quan hệ lao động là một trong những quan hệ thường gặp nhất trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta vẫn thường để tâm khi bắt đầu một mối quan hệ lao động thì phải cần ký hợp đồng lao động để tránh những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động nhưng khi chấm dứt hợp đồng lao động thì cả bên người sử dụng lao động và người lao động lại thường lại ít để ý tới thủ tục sao cho hợp pháp.

Điển hình, tại Bản án 02/2018/LĐ-PT ngày 11/04/2018 do Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Theo đó, nội dung vụ án như sau: Bà Trương Thị Kim H, sinh năm 1990 ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty TNHH V. Theo lời khai của nguyên đơn là Bà Trương Thị Kim H thì ngày 20/02/2017, bà nhận được Quyết định số 27/2017/QĐTV-HCNS-VF ngày 20/02/2017 về việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động nói trên. Ngày 21 và 22/02/2017, bà có đến công ty bàn giao công việc. Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với bà, công ty không có thông báo lý do, không báo trước cho bà 45 ngày và cũng không có họp Công đoàn. Trong quá trình làm việc, bà không có vi phạm hợp đồng lao động, nội quy công ty cũng như quy định của pháp luật. Nhận thấy công ty TNHH V đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên bà đã khởi kện yêu cầu công ty V phải bồi thường vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với bà.

Phía bị đơn công ty V thì khai rằng: Ngày 21/02/2017, bà H có thỏa thuận với công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoàn toàn không phải do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, công ty không cung cấp được chứng cứ chứng minh bà H tự nguyện nghỉ việc như đơn xin nghỉ việc..., Vì vậy, không có căn cứ để cho rằng bà H là tự nguyện nghỉ.

Căn cứ Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012, công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà H trái pháp luật. Do đó, công ty có nghĩa vụ bồi thường hợp đồng lao động cho bà H vì đã chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với bà.

Như vậy, kể cả người lao động hay người sử dụng lao động thì trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cần phải tuân theo đúng thủ tục của pháp luật để tránh những rắc rối về sau. Ví như về phía công ty khi có nhân viên xin nghỉ việc dù là xin nghỉ ngay trong ngày hay xin nghỉ có báo trước 30, 45 ngày thì cũng cần phải có đơn xin nghỉ việc của người lao động để tránh sau này người lao động lại quay lại kiện mình vì đã chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với họ. Nếu là người lao động thì cũng cần có đơn xin nghỉ cũng như có thời gian báo trước đúng theo quy định của Bộ luật lao động 2012.

Nguyễn Sáng
3153

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn