26/03/2019 15:04

Hiểu thế nào là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh?

Hiểu thế nào là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh?

Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Vấn đề trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong Bộ luật hình sự đã được hướng dẫn lần đầu tiên tại Điểm b Mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, theo đó:

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động  đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.

 Theo quy định Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và hướng dẫn tại nghị quyết trên để xác định trường hợp người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra phải căn cứ vào các yếu tố:

+ Thứ nhất, Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại

+ Thứ hai, Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.

+ Thứ ba, Hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần

+ Thứ tư, Trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động.

Tại Bản án 08/2018/HS-PT ngày 05/02/2018 về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử sơ thẩm có nội dung như sau:

“Ông Hoàng Văn L1, sinh năm 1968, trú tại Xóm C, xã Hòa T, huyện L, tỉnh Lạng Sơn, là bố của Hoàng Công M, thường xuyên đi uống rượu về rồi đánh chửi vợ con và nhiều lần đập phá đồ đạc trong nhà. Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 24/8/2017, Hoàng Công M đi làm về thấy đồ đạc trong nhà bị ông L1 đập phá nên đã bực tức, lúc đó thấy ông L1 bảo con gái là Hoàng Thị T2 đi phơi quần áo hộ, thì M đã can không cho chị đi nên ông L1 đã dùng tay phải đấm vào đầu M. Bị bố đánh, M chạy ra cửa thì ông L1 đuổi theo ra đến hiên, M chạy ra đến sân nhìn thấy một đoạn gậy bằng tre màu trắng – vàng dài 1,27m, đường kính một đầu là 4,2cm, một đầu là 4,4cm cạnh bờ rào liền dùng tay phải cầm lấy rồi quay lại thấy ông L1 đang đứng trên thềm M liền bước lên dùng gậy đập một phát từ trên xuống trúng vào đầu làm ông L1 ngã ra thềm. M đập tiếp phát thứ hai, ông L1 giơ tay phải lên đỡ thì bị trúng vào tay, bị M đánh ông L1 vùng dậy chạy vào buồng phía đầu hồi nhà thì M đuổi theo dùng hai tay cầm gậy đập nhiều phát vào hai chân làm ông L1 bị ngã ở cửa buồng, ông L1 bò vào trong buồng M vẫn bực tức nên vào theo đập mấy phát nữa vào hai chân ông L1 thì ông L1 xin tha và được mọi người can ngăn nên M dừng lại để mọi người đưa ông L1 đi cấp cứu. Sau đó ông L1 được đưa đến Trung tâm Y tế huyện L điều trị thương tích".

Vụ án xảy ra do lỗi của người bị hại chính là bố đẻ của bị cáo, đã thường xuyên uống rượu về chửi đánh vợ con, đập phá tài sản và còn bán tháo tài sản của gia đình chi dùng cá nhân vào việc không lành mạnh, sau đó còn đánh đuổi bị cáo; điều đó đã gây bức xúc, kích động mạnh về tinh thần của bị cáo nên bị cáo đã dùng gậy đánh lại bố .

Vì thế, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo Hoàng Công M 24 (Hai mươi tư) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Đối với loại tội này, nhiều người hay nhầm lẫn với những trường hợp được xem là tinh thần bị kích động mạnh như người phạm tội đã sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khi thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác. Nhưng trên thực tế, trường hợp này chưa được xem là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tình tiết và hành vi vi phạm pháp luật của người bị hại trong vụ án.

Thanh Ngân
29413

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn