18/01/2019 15:37

Nguồn nguy hiểm cao độ - xác định có dễ?

Nguồn nguy hiểm cao độ - xác định có dễ?

Bồi thường thiệt hạị do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp bồi thường đặc biệt, chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường ngay cả khi người đó không có lỗi.

Nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 nay là Khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015:

“ 1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật…”

Tuy nhiên trên thực tế, để xác định thiệt hại đó gây ra có phải do nguồn nguy hiểm cao độ hay không là một điều không dễ, ngay cả tòa án cũng có thể sai sót.  Cụ thể, tại Bản án 578/2017/DS-ST ngày 06/09/2017 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của tòa án nhân dân quận Gò Vấp – Thành phố Hồ Chí Minh xét xử về việc ông Nguyễn Phương L gây tai nạn cho bà Đào Kim T.

Ngày 30/9/2014, khi đi ngang qua đường bằng xe đạp tại địa chỉ số: 20, đường PT, Phường B, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh thì bà Đào Kim T bị xe Taxi của hãng S biển số: 51A - 931.56 do lái xe Nguyễn Phương L điều khiển chạy với tốc độ nhanh, quẹt trúng, bị té gẫy chân trái và chấn thương phần đầu.

Trong phán quyết của tòa án đã xác định việc ông Nguyễn Phương L gây thiệt hại cho bà T là gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 623 Bộ luật dân sự 2005. Tuy nhiên, đây không phải là gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà là do hành vi vi phạm vượt quá tốc độ, không chú ý quan sát mà phương tiện liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Nguồn nguy hiểm cao độ là những nguồn tự thân nó gây ra, ví dụ xe tải đi bình thường bị đứt phanh, chất hóa học tự phản ứng với nhau gây tự nổ... Như vậy, trong phán quyết này Tòa án nhân dân quận Gò Vấp không thể xác định đây là vụ án gây thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ và sử dụng Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 để giải quyết vụ án.

Như vậy, khi xác định bồi thường thiệt hại có phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không cần phải chú ý tới việc nguồn nguy hiểm cao độ đó là tự thân nó gây ra hay là do hành vi vi phạm pháp luật mà phương tiện liên quan đên nguồn nguy hiểm cao độ.

Thu Linh
8590

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn