25/11/2019 07:52

Tòa án căn cứ vào đâu để giải quyết ly hôn?

Tòa án căn cứ vào đâu để giải quyết ly hôn?

Ly hôn là một điều không ai mong muốn nhưng có khi lại là giải pháp tốt nhất cho cả hai để tìm hạnh phúc mới. Vậy để đưa ra quyết định có cho ly hôn hay không Tòa án sẽ căn cứ vào đâu để cho rằng cuộc hôn nhân đã không còn thể hàn gắn hay chỉ là mâu thuẫn nhỏ của gia đình để khuyến khích đoàn tụ?

Tại Bản án 34/2018/HNGĐ-ST ngày 10/07/2018 về tranh chấp hôn nhân và gia đình sẽ minh họa cho nội dung trên. Cụ thể:

“Chị và anh Nguyễn Văn Q kết hôn với nhau ngày 24/05/2010 tại UBND xã B, huyện C, trước khi cưới vợ chồng được tìm hiểu và tự nguyện kết hôn. Sau khi kết hôn thì vợ chồng chung sống hạnh phúc. Sau đó vợ chồng có những mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn trầm trọng vào tháng 10 năm 2017 đến nay. Nguyên nhân mâu thuẫn do vợ chồng có nhiều bất đồng trong cuộc sống, trong công việc làm ăn. Anh Q không quan tâm đến vợ con và có quan hệ với người phụ nữ khác. Hiện nay vợ chồng đã ly thân từ tháng 10 năm 2017 cho đến nay. Hiện nay anh Q đang đi làm tại Bắc Giang, đi làm ở địa chỉ nào chị không biết, anh Q chỉ tối mới về nhà ở cùng với bố mẹ để tại Xuân Hương. Nay chị xác định tình cảm không còn, chị xin được ly hôn với anh Q.”

Toàn án nhân dân huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang đã quyết định: Chị Trần Khánh H được ly hôn anh Nguyễn Văn Q

Các bản án về ly hôn Tòa án dựa vào lời khai, chứng cứ thu thập được để xem xét các vấn đề gồm: “tình trạng hôn nhân, con chung, cấp dưỡng, tài sản chung và nợ chung” làm căn cứ để đưa ra phán quyết.

Đối với ly hôn thuận tình, hầu hết được tòa án chấp nhận vì tuy ra tòa ly hôn nhưng hai bên còn có sự hợp tác, đồng thuận trong việc giải quyết ly hôn. Hai bên sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề như con chung, cấp dưỡng, tài sản chung và nợ chung một cách nhanh nhất để giải thoát cho nhau. Bởi thuận tình ly hôn cũng là thể hiện ý chí chung của hai bên muốn ly hôn, Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình 2014

Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Nhưng đối với việc ly hôn theo yêu cầu của một bên hay còn gọi là đơn phương ly hôn, chuyện sẽ khó giải quyết hơn do có thể có sự không hợp tác, lưỡng lự, mâu thuẫn lời khai của 2 bên. Việc một người kiện xin ly hôn có thể do nhiều vấn đề nhỏ hoặc lớn, nhưng hôn nhân hợp pháp là hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể vì vấn đề nhỏ mà cho ly hôn. Vậy nên, trong ly hôn theo yêu cầu của một bên Tòa án trước khi ra quyết định phải xác định rõ: Cuộc hôn nhân này đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được hay chưa?

Đây là căn cứ được quy định tại điều 56 Luật hôn nhân gia đình:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” mà nguyên nhân là do có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Luật hôn nhân gia đình 2014 vẫn chưa chưa có hướng dẫn về thế nào là “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Nhưng tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 lại hướng dẫn khá chi tiết về các tình tiết này. Vậy nên mặc dù đây là nghị quyết hướng dẫn Luật Hôn nhân gia đình 2000 nhưng Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang, Tỉnh Bắc Giang vẫn áp dụng song song với luật Hôn nhân gia đình 2014. Việc này cho thấy thực tiễn vẫn còn có thể áp dụng Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP đối với các vấn đề chưa được làm rõ ở Luật Hôn nhân gia đình 2014 miễn là không trái với tinh thần của luật này.

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định tại Khoản a điều 8 như sau:

Điều 8. Căn cứ cho ly hôn

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Quy định cho thấy vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình được hiểu theo mục 2 Điểm a1 Khoản a Điều 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP. Còn vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng được hiểu theo Mục 1 và 3 Điểm a1 Khoản a Điều 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP. Các căn cứ để được coi là tình trạng trầm trọng nhấn mạnh ở các chữ “nhiều lần”, “tiếp tục” cho thấy không thể thay đổi được, không chấm dứt được các nguyên nhân làm cản trở việc xây dựng gia đình.

Trong bản án trên và hầu hết các bản án về hôn nhân gia đình, vợ chồng khi xảy ra mâu thuẫn thường ly thân. Việc ly thân cho thấy hai bên đang vi phạm vào mục 1 Điểm a.1 khoản a Điều 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP. Bởi vì ly thân thì hai bên sẽ khó hoặc không còn quan tâm nhau, coi nhau như người dưng, mạnh ai nấy sống. Đó được coi là một cuộc hôn nhân không đạt được mục đích là xây dựng gia đình.

Vậy nên Tòa án dựa vào luật, các văn bản quy phạm pháp luật, và dựa vào kinh nghiệm có thể đưa ra quyết định chính xác, giải thoát cho các bên khỏi một cuộc hôn nhân không thể cứu vãn hoặc không chấp nhận ly hôn để khuyến khích đoàn tụ.

Quang Chính
11859

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn