12/06/2019 17:28

Trường hợp nào cha hoặc mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con ?

Trường hợp nào cha hoặc mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con ?

Ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Do đó, trong bất kì cuộc ly hôn nào có lẽ con cái sẽ là người chịu thiệt thòi nhất.

Thực tế, nhiều trường hợp sau khi ly hôn, con được giao cho một bên nuôi dưỡng, bên kia có quyền thăm nom con. Nhưng lại dựa vào việc thăm nom đó để cản trở việc nuôi dưỡng, giáo dục con của người trực tiếp nuôi con và gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Như vậy, khi người không trực tiếp nuôi con có hành vi làm ảnh hưởng xấu đến con thì có được phép yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người đó?

Điển hình tại Bản án 06/2018/HNGĐ-ST ngày 08/02/2018 về tranh chấp yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con, theo đó:

" Anh Lê Thanh T và chị Bạch Thị Mỹ T chung sống từ năm 2014, ly hôn năm 2017. Có con chung là Lê Bạch Khả H sinh ngày 23/8/2015 được thỏa thuận giao cho anh T chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên,  anh T cho rằng mỗi lần chị T đến thăm nom con thì chị T lại kiếm chuyện chửi bới, gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình anh T và ảnh hưởng đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con, chính quyền địa phương cũng đã giáo dục nhiều lần nhưng chị T không thay đổi.

Vì vậy, anh T yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chị  T, anh  T chỉ đồng ý cho chị T thăm nom con Lê Bạch Khả H mỗi năm một lần vào ngày 30 tháng 01, thời gian từ 16 giờ đến 19 giờ, anh  T tự đưa con đến nhà của chị  T để chị  T thăm nom…"

Tòa án tuyên xử: Hạn chế quyền thăm nom con của chị Bạch Thị Mỹ T. Chị Bạch Thị Mỹ T được quyền thăm nom con tên Lê Bạch Khả H sinh ngày 23/8/2015 mỗi tháng  01 (một) lần và được thăm vào những ngày nghỉ Lễ, Tết. Thời gian và địa điểm thăm nom do chị T và anh T thỏa thuận.

Đối chiếu với quy định pháp luật thì tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hạn chế quyền thăm nom con như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

" 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo quy định tại Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

“Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ. Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, không phải người nào cứ dựa vào việc mình là bố mẹ của đứa trẻ có quyền thăm nom chúng là muốn làm gì cũng được. Họ phải thực hiện quyền đó của mình một cách có trách nhiệm, suy nghĩ đến quyền lợi cũng như đến sự phát triển toàn diện của con nếu không muốn họ sẽ bị pháp luật hạn chế quyền thăm nom con của mình.

Nguyễn Sáng
2288

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn