19/04/2019 11:42

Vợ chồng ly hôn, nợ chung phải giải quyết như thế nào?

Vợ chồng ly hôn, nợ chung phải giải quyết như thế nào?

Ly hôn – cụm từ không quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay khi các cặp vợ chồng không còn tiếng nói chung, mục đích hôn nhân không đạt được. Xoay quanh nội dung này có rất nhiều vấn đề được đặt ra như: chia tài sản chung ra sao, ai sẽ được quyền nuôi con… đặc biệt là vấn đề nợ chung. Vậy trong các vụ án ly hôn, nợ chung được giải quyết như thế nào?

Điển hình là bản án số 04/2018/HNGĐ-ST ngày 20/04/2018 về “Ly hôn, tranh chấp nợ chung” do Tòa án nhân dân huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình xét xử sơ thẩm:

Chị và anh Vì Văn L qua tìm hiểu đã tự nguyện kết hôn với nhau đã được UBND xã M, huyện M, tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận kết hôn ngày 26/8/2014. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống cùng gia đình nhà chồng tại xóm D xã M, huyện M. Quá trình chung sống khoảng tháng 8 năm 2017 thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do anh L thường hay ghen tuông vô cớ, đã đốt hết chăn đệm, quần áo của chị M dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng, kéo dài. Chị M đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở Xóm H, xã M, huyện M, tỉnh Hòa Bình và sống ly thân với anh Vì Văn L cho đến nay. Chị nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn nên đã làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn anh Vì Văn L. Về con chung, tài sản chung: Hiện nay không có

Về nợ chung: Chị và anh L có nợ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mai Châu số tiền 30.000.000 đồng và lãi còn lại. Đề nghị Tòa án giải quyết công nhận theo biên bản thỏa thuận phân chia tài sản lập ngày 13/01/2018 cụ thể: mỗi người phải trả số tiền gốc là 15.000.000 đồng cùng tiền lãi suất còn lại khi đến hạn trả nợ ngày 21/4/2019. Ngoài ra chị không yêu cầu đề nghị gì thêm.”

Theo quy định tại điều 37 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng như sau:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện được quy định tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình như sau:

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này."

Tại Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình quy định về giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn như sau:

"1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết."

Đối chiếu với quy định của pháp luật, nếu việc vay mượn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu như dùng để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, làm ăn chung, sửa chữa nhà cửa, chăm lo con cái ... thì vợ chồng đều có nghĩa vụ đối với khoản nợ này cho dù người chồng hay người vợ đứng tên vay mượn thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ khi ly hôn.

Tòa án đã xét xử về nợ chung trong vụ án như sau: “Chị M và anh L đã lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản, cụ thể vợ chồng mỗi người trả 15.000.000 đồng tiền gốc và lãi phát sinh. Đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện M có ý kiến là nhất trí nội dung thỏa thuận nhưng  yêu cầu chị M, anh L phải trả hết nợ trước khi giải quyết ly hôn. Xét thấy phía Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mai Châu không có yêu cầu độc lập đối với khoản vay của  anh L và chị M.

Về khoản tiền vay vẫn chưa đến hạn trả nợ, thời hạn trả nợ cuối cùng ngày 21/4/2019, số tiền này vay để chăn nuôi bò nhưng do bị chết dịch nên chị M anh L không có khả năng trả nợ trước hạn. Do vậy cần chấp nhận thỏa thuận của chị M anh L, mỗi bên phải trả tiền gốc là 15.000.000 đồng cùng lãi suất chưa thanh toán cho Ngân hàng khi đến hạn trả nợ. Căn cứ Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 463 và 466 Bộ luật dân sự năm 2015.” Khoản tiền vay ngân hàng chính sách huyện Mai Châu của Chị M và anh L dùng để chăn nuôi bò, cải thiện kinh tế gia gia đình nên được xem là nợ chung trong thời kì hôn nhân.

Như vậy, những nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm. Những nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là nghĩa vụ chung về tài sản. Bao gồm cả tài sản chung và nợ chung.

Thanh Ngân
10382

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn