Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 113/2017/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 113/2017/KDTM-PT NGÀY 20/12/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM 

Trong ngày 20/12/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 112/2017/TLPT- KDTM ngày 06 tháng 11 năm 2017 về việc Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 19/2017/KDTM-ST ngày 25/8/2017 của Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 39/QĐXX-PT ngày 07tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

1.Nguyên đơn: Công ty TNHH C

Trụ sở: Số 201 Đường S, phường A, quận B, thành phố Hồ ChíMinh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Viên Ngọc Minh C, chức vụ: Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền:

1.1.Ông Nguyễn Đức B, sinh năm 1958; trú tại: Khu tập thể F Khu T, phường X, quận L, thành phố Hà Nội. (Có mặt)

1.2. Ông Trần Quốc Q, sinh năm 1959; trú tại: số 60/22 ĐườngT, phường C, quận B, thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)

(theo Giấy ủy quyền ngày 11/12/2017 của Giám đốc Công ty).

1.3. Ông Phạm Thanh B1 ( vắng mặt).

2.Bị đơn:  Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q

Trụ sở: Tầng 15, Tòa nhà M TOWER, số 229 phố D, phường N,quận Đ, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quang H, chức vụ: Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền:

2.1. Ông Đỗ Hồng S, sinh năm 1984; trú tại: Số 20 ngõ 718 đường Phố H, quận T, thành phố Hà Nội; chức vụ: Trưởng phòng pháp chế và điều tra chống trục lợi - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q;

2.2. ông Ngô Xuân T, sinh năm 1986; trú tại: Số 4/3/1 ngõ 120 đường phố H, quận E, thành phố Hà Nội; chức vụ: Chuyên viên ban pháp chế và điều tra chống trục lợi - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q.(theo Văn bản ủy quyền số 520A/2017/GUQ-Q ngày 14/2/2017của Tổng giám đốc).

(Có mặt)

3. Nhân chứng: Ông Lê Anh V, sinh năm 1982; chức vụ: Cán bộ Công ty Bảo hiểm Q – Chi nhánh G.

Trú tại: Số 69/18/13 Phố T, phường M Quận Quận G, thành phố Hồ Chí Minh.

(Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 26/12/2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - Công ty TNHH C (sau đây viết tắt là Công ty C) trình bày:

Công ty TNHH C có ký hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới với Công ty Bảo hiểm Q - CHI NHÁNH G – Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Q (Q - CHI NHÁNH G) đối với xe ô tô BKS: 51A-XXX.XX; số tiền bảo hiểm xe 1.500.000.000 đồng. Hợp đồng số: 4201/15/HD-XE/017-HH có hiệu lực từ 08h00 ngày 05/02/2015 đến 08h00 ngày 05/02/2016.

Khoảng 01 giờ 00 ngày 07/02/2015 ông Viên Ngọc Minh C (Giám đốc Công ty C) điều khiển xe ô tô 51A-XXX.XX đến ngã tư Đường L – Đường T, quận Z, TP Hồ Chí Minh thì va vào vách vòng xoay, phần đầu phía bên phải xe bị bể, không có thiệt hại về người hoặc tài sản khác. Công an quận Z lập biên bản tai nạn xảy ra và cẩu xe ô tô 51A-XXX.XX về bãi xe ở địa chỉ 78 đường T2, quận B1. Ngay sau đó, Công an quận Z cùng ông C vào Bệnh viện Đa khoa G để kiểm tra nồng độ cồn trong máu của ông C.

Sáng ngày 08/02/2015, Công an quận Z thông báo cho ông C biết kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu là 0,02g/l máu và cho biết kết quả này là dưới tiêu chuẩn cho phép (0,5g/l). Ngày 26/02/2015, Công an quận Z căn cứ Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ ra quyết định xử phạt ông C với lỗi vi phạm là: điều khiển xe ô tô 51A-XXX.XX không chú ý quan sát, trong máu có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm:

- Theo điểm c, khoản 7, điều 5 phạt 7.500.000 đồng;

- Theo điểm b, khoản 5, điều 5 phạt 2.500.000 đồng; Tổng mức phạt là 10.000.000 đồng.

Ngày 21/05/2015 Bệnh viện Đa khoa G có công văn nêu rõ: “Trị số Alcool trong máu 0,02g/l là trị số của người bình thường không sử dụng các chất có nồng độ cồn”.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, ông C đã thông báo cho Q - CHI NHÁNH G vàđã  được  hướng  dẫn  làm  thủ  tục  bồi  thường.  Nhưng  sau  đó  bằng  văn  bản  số308/2015/TB/Q NSG-PHH ngày 28/7/2015, Q - CHI NHÁNH G lại từ chối bồi thường cho Công ty C với lý do: Trường hợp của ông C thuộc điểm loại trừ Bảo hiểm của Q quy định tại Mục 4, Điều 8, Chương 1: “Tai nạn xảy ra do lái xe có sửdụng rượu bia hoặc các chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng” của Quy tắc bảo hiểm xe ô tô ban hành theo Quyết định số: 222/2013/QĐ-Q ngày 22/02/2013 của Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Q.

Ngày 13/6/2016, Công ty C tiếp tục có văn bản yêu cầu Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Q bồi thường tai nạn theo hợp đồng đã ký kết. Nhưng Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Q không bồi thường và cũng không có văn bản trả lời Công ty C.

Nay Công ty C đề nghị Tòa án xem xét giải quyết buộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Q phải bồi thường cho Công ty C toàn bộ thiệt hại của vụ tai nạn ngày 07/02/2015 đối với xe ô tô 51A-XXX.XX theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201/15/HD-XE/07-HH ngày 05/02/2015. Gồm các khoản như sau:

1.Tiền sửa xe ô tô: 941.572.620 đồng + 12% trượt giá là 112.988.714 đồng. Tổng cộng: 1.054.561.334 đồng;

2. Tiền lưu kho của xe tính từ 01/7/2015 đến 31/7/2017 là 735 ngày x 180.000 đồng/ngày = 132.300.000 đồng;

3. Thuê xe Taxi đi lại từ 08/02/2015 đến 09/7/2017 (có hóa đơn): Năm 2015 là 31.632.953 đồng ; Năm 2016 là 12.703.176 đồng; Năm 2017 là 2.998.144 đồng. tổng bằng 47.334.273 đồng;

4. Khấu hao xe do không sử dụng 30 tháng là 450.000.000 đồng;

Tổng các khoản bồi thường là: 1.688.695.607 đồng.

* Bị đơn - Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q trình bày:

Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q từ chối bồi thường chi phí bảo hiểm choCông ty C căn cứ theo Mục 04, Điều 08, quyết định số 222/2013/QĐ - Q ngày22/2/2013 loại trừ bảo hiểm: “Lái xe có sử dụng rượu, bia hoặc các chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”. Dựa vào các tài liệu chứng minh sau:

+ Biên bản làm việc ngày 10/2/2015 giữa ông Lê Anh V và ông Viên Ngọc Minh C có ghi nhận nội dung: “Hỏi: Ông C trước khi bị tai nạn ở đâu, làm gì, có uống rượu bia không? Ông C trả lời: Trước khi tai nạn ông ở công ty địa chỉ 201Đường S, quận B, thành phố Hồ Chí Minh, ăn tối lúc 18h00’ ông có uống một nửa ly bia...”.

+ Dựa vào kết luận của cơ quan Công an ngày 8/2/2015 có ghi nhận: “ông Viên Ngọc Minh C điều khiển xe ôtô số 51A -XXX.XX không chú ý quan sát, trong máu có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm (kết quả xét nghiệm là 0,02g/l”.

+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0038515 ngày 26/2/2015 của Công an quận Z, thành phố Hồ Chí Minh trong đó có ghi nhận ông C bị xử phạt số tiền: 2.500.000đồng với lỗi: “...trong máu có nồng độ cồn...” được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 171 Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Vì những căn cứ nêu trên nên vụ việc thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm do đó Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q không có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm. Đồng thời Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q không có trách nhiệm phải chi trả những tổn thất phát sinh liên quan trong vụ việc.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 19/2017/KDTM-ST ngày25/8/2017 của Tòa án nhân dân Quận Đ, thành phố Hà Nội đã xử:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; điểm b khoản 1 Điều 227; khoản 1 Điều 228; khoản 2 Điều 244; Điều 271; Điều 273; Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ vào Điều 319 Luật thương mại.

Căn cứ vào quy định tại Khoản 1, Điều 294; Điều 567; Điều 569; Điều 570; Điều 571; Điều 575; Điều 576; Điều 579 Bộ luật Dân sự 2005;

Căn cứ vào quy định tại Điểm c, đ, Khoản 2 Điều 17; Điểm d, Khoản 1 Điều 18; Khoản 1, Khoản 3 Điều 46 và Điểm c, Khoản 1 Điều 47 Luật kinh doanh Bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 (Được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010);

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 về án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

X:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q.

- Buộc Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Q phải bồi thường trả cho Công ty C tổng số tiền phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201/15/HD-XE/07-HH ngày 05/02/2015 được hai bên ký kết do xe ôtô 51A-XXX.XX bị tai nạn ngày 7/2/2015 là: 1.688.695.607 đồng (Một tỷ sáu trăm tám mươi tám triệu sáu trăm chín mươi lăm nghìn sáu trăm linh bảy đồng). Trong đó tiền sửa xe ôtô là 1.054.561.334 đồng, tiền lưu kho là 136.800.000 đồng, tiền thuê taxi là 47.334.273 đồng và tiền khấu hao xe là 450.000.000 đồng.

Ngoài ra án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo các bên.

Ngày 14 tháng 9 năm 2017, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q có đơn kháng cáo toản bộ Bản án sơ thẩm và không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Ngày 19 tháng 9 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội có Quyết định kháng nghị số 22/QĐKNPT-VKS-KDTM về việc kháng nghị bản án sơ thẩm với các nội dung chính:

- Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q từ chối bảo hiểm là đúng vì trong máu ông C khi xảy ra tai nạn có nồng độ cồn 0.02 g/lít.

- Cơ quan Công an đã xử phạt hành chính 02 lỗi:

+ Điều khiển xe không quan sát gây tai nạn số tiền 7,5 triệu đồng.

+ Điều khiển ô tô mà trong máu có nồng độ cồn nhưng chưa đến mức phạm khoản 7 điểm a, khoản 8, khoản 5 Nghị định 171/2013 số tiền 2.5 triệu đồng;

Tổng cộng: 10 triệu đồng. Ông C công nhận lỗi và đã nộp phạt.

Theo qui tắc bảo hiểm của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q ban hành số222 ngày 22/3/2013: Tai nạn xảy ra do lái xe có sử dụng rượu bia hoặc các chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

- Cấp sơ thẩm chấp nhận cả các khoản ngoài hợp đồng bảo hiểm như Chi phí lưu xe tại hãng, chi phí hao mòn xe do để không sửa ngay, chi phí thuê xe taxi để đi làm trong khi xe ôtô chưa sửa được. Các thiệt hại này không phải trực tiếp từ việc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q từ chối nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Không quyết định về lãi suất chậm thi hành án để đảm bảo quyền lợi của bên được thi hành án. Đề nghị sửa án sơ thẩm.

Tại phiên tòa hôm nay:

Các bên không xuất trình thêm tài liệu chứng cứ gì mới. Các bên xác nhận tại hiện trường tai nạn xe ô tô không có vết phanh, bị va chạm bên phải đầu xe trong khi lại rẽ trái.

Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Công ty TNHH C đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm và đề nghị cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vẫn giữ nguyên kháng nghị và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

XÉT THẤY

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ do các bên đương sự xuất trình và toà án thu thâp được. Căn cứ kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên toà;

[1]. Về thủ tục tố tụng:

Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q và Công ty TNHH C đều là các pháp nhân thành lập hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Về quan hệ tranh chấp: Tranh chấp giữa Công ty TNHH C và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201/15/HD- XE/07-HH ngày 05/02/2015 ký kết giữa hai bên. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa hai bên là “ Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” là hoàn toàn phù hợp.

Về thẩm quyền giải quyết: Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q có trụ sở tại số229 D, phường N, quận Đ, thành phố Hà Nội. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dânQuận Đ thụ lý và giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội làm trong thời hạn luật định và tống đạt hợp lệ cho các đương sự.

Thấy rằng Đơn kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q làm trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ.

[2]. Xét yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q thì thấy rằng:

Kháng cáo thứ nhất cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành tố tụng khôngđúng giải quyết cả các yêu cầu đòi tiền lưu kho xe ô tô, tiền thuê taxi đi lại của ông C và tiền khấu hao xe ô tô chưa được sửa do bị từ chối bảo hiểm là ngoài phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Về vấn đề này hội đồng xét xử thấy: Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành thụ lý giải quyết vụ án và thu thập chứng cứ tiến hành các thủ tục đều đầy đủ va đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc Tòa án xem xét giải quyết (ngoài tiền sửa xe ô tô BKS: 51A-XXX.XX) các yêu cầu như tiền lưu kho xe ô tô, tiền thuê xe taxi đi lại, tiền khấu hao xe do không sửa chữa ngay là trên cơ sở yêu cầu của đương sự (nguyên đơn) và các thiệt hại này (nếu có) có mối quan hệ nhân quả với việc bị đơn từ chối nghĩa vụ bảo hiểm. Do vậy kháng cáo thứ nhất của bị đơn về thủ tục tố tụng là không đúng và không được chấp nhận.

Xét yêu cầu kháng cáo thứ 2 của bị đơn cho rằng do người điều khiển xe ô tô là ông Viên Ngọc Minh C có nồng độ cồn trong máu nên thuộc trường hợp miễn trừ bảo hiểm thấy tương tự như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội nên hội đồng xét xử sẽ phân tích đánh giá luôn. Sự việc xảy ra như sau:

Ngày 05/02/2015 Công ty TNHH C (sau đây gọi tắt là C) và Công ty bảo hiểm Q - CHI NHÁNH G (sau đây gọi tắt là Q - CHI NHÁNH G) ký Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201 với nội dung: Q nhận bảo hiểm xe cơ giới thuộc sở hữu của C đối với xe ô tô hiệu BMW 520 I, BKS 51A – XXX.XX với giá trị xe = số tiền được bảo hiểm vật chất xe là 1.500.000.000 đồng. Các điều kiện bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định 222 ngày 22/2/2013 của Q và các điều khoản bổ sung là: Bảo hiểm thay thế mới không khấu hao (Mã số 003); Bảo hiểm chi phí sửa xe chính hãng (Mã số 004); Bảo hiểm thủy kích (Mã số 005). Thời hạn bảo hiểm từ 8h ngày 05/02/2015 đến 8h ngày 05/02/2016.

Thực hiện hợp đồng, C đã nộp đầy đủ phí bảo hiểm vật chất xe cho Q số tiền là 21.000.000 đồng và được Q cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện xe ô tô 13067846 ngày 05/02/2015 với các nội dung quy định như hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201 nêu trên.

Khoảng 01h ngày 07/02/2015 ông Viên Ngọc Minh C điều khiển xe ô tô 51A – XXX.XX đến ngã tư Đường L – Đường T thuộc Quận Z, thành phố Hồ Chí Minh thì va vào tiểu đảo tròn giữa tim đường. Hậu quả là phần đầu xe bị hư hỏng và hỏng biển quảng cáo của Công ty V (sau đó 02 bên đã tự giải quyết bồi thường việc hỏng biển quảng cáo). Công an Quận Z đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản khám nghiệm hiện trường vào hồi 02h15phút cùng ngày. Sau đó, Công an quận Z đã đưa ông C vào Bệnh viện đa khoa G để kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Tại Phiếu kết quả xét nghiệm hồi 04h11 phút ngày 07/02/2015 của Bệnh viện đa khoa G trả lời cho Công an quận Z xác định nồng độ cồn trong máu của ông C là 0,02g/l. Ngày 14/02/2015 Công an quận Z đã có kết luận điều tra vụ tai nạn giaothông với nội dung: ông C đã có hành vi điều khiển xe ô tô 51A – XXX.XX lưu thông không chú ý quan sát, trong máu có nồng độ cồn (kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của Bệnh viện G là 0,02g/l).

Trên cơ sở kết luận điều tra tai nạn giao thông, ngày 26/02/2015 Công an quận Z đã lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ số 39715 đối với ông C vì đã có hành vi điều khiển xe ô tô 51A – XXX.XX không chú ý quan sát, trong máu có nồng độ cồn nhưng chưa đến mức vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 7; điểm a, Khoản 8, Điều 5 Nghị định 171/2013. Ông C đã ký và công nhận lỗi. Sau đó, Công an quận Z đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 38515 cùng ngày đối với ông C với 2 lỗi là: điều khiển xe ô tô 51A – XXX.XX không chú ý quan sát và trong máu có nồng độ cồn được quy định tại điểm c, Khoản7, Điều 5 Nghị định 171/2013, mức phạt 7.500.000 đồng và điểm b, Khoản 5, Điều 5 Nghị định 171/2013, mức phạt 2.500.000 đồng. Tổng mức phạt là 10.000.000 đồng và tạm giữ xe 07 ngày, tước GPLX 02 tháng.

Ông C đã công nhận hai lỗi này và ký nhận vào Biên bản vi phạm hành chính cũng như quyết định xử phạt vi phạm hành chính (BL 131, 132). Sau đó Công ty TNHH C có văn bản yêu cầu Công ty bảo hiểm Q – G thực hiện bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm đã ký thì Công ty bảo hiểm Q - CHI NHÁNH G có thông báo số 177/2015/TB-Q-NSG-PHH ngày 22/4/2015 từ chối bảo hiểm với lý do lái xe có sử dụng rượu bia. Tiếp sau đó ông C có khiếu nại gửi Công an Quận Z – Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 18/5/2015 Công an Quận Z – Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 42/TB-CAQZ (CSGT) có nội dung khẳng định Công an Quận Z kết luận nguyên nhân gây tai nạn giao thông trên là do ông C điều khiển xe ô tô hiệu BMW mang BKS: 51A-XXX.XX lưu thông không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông trong máu có nồng độ cồn (căn cứ kết quả XN nồng độ cồn của Bệnh viện G đo được là 0.02g/l) và xử phạt hành chính như vậy là đúng. Ông C cũng đã thực hiện việc nộp phạt.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Công an nhân dân năm 2014; Điều 2, Khoản 4 Điều 39, Điều 57, Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Khoản 4 Điều 70 Nghị định 171/2013 thì Trưởng Công an Quận Z là người có chức năng và thẩm quyền xác định lỗi vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyếtđịnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông đối với ông C. Tại Khoản 8, Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Ông C cho rằng mình không sử dụng rượu bia thì sao kết quả xét nghiệm trong máu lại có nồng độ cồn và có văn bản khiếu nại ngày 20/5/2015 gửi Bệnh viện Đa khoa G đặt câu hỏi: không biết có phải do sát trùng da bằng cồn trước khi lấy máu dẫn đến có cồn trong máu của ông hay không. Bệnh viện Đa khoa G không có văn bản trả lời thắc mắc của ông C mà có xác nhận vào ngày 21/5/2015 “ Khoa xét nghiệm xác nhận trị số nồng độ cồn trong máu 0.02g/l là trị số của người bình thường không sử dụng các chất có nồng độ cồn”.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân Quận Đ có văn bản hỏi và ngày 11/5/2017 Bệnh viện Đa khoa G có văn bản trả lời: “ Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu 0.02g/l của Bệnh nhân Viên Ngọc Minh C ngày 7/2/2015 là trị số của người bình thường không sử dụng các chất có nồng độ cồn theo đúng cơ sở khoa học”.

Phía bị đơn (Q) xuất trình tại Tòa biên bản làm việc ngày 10/2/2015 tại trụ sở bị đơn giữa ông Lê Anh V nhân viên của bị đơn với ông Viên Ngọc Minh C trong đó có nội dung ông C xác nhận có uống lúc 18h tại trụ sở Công ty ( số 201 Đường S, quận B, thành phố Hồ Chí Minh) lúc ăn tối một nửa ly bia. Về biên bản này ông C trình bày rằng mình không khai vậy mà do ông V nhân viên của Q dụ mình khai như vậy cho phù hợp với kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu do Công an yêu cầu xét nghiệm và xuất trình 1 USB ghi âm nội dung cuộc trao đổi giữa ông V, ông C và ông Quang (bố vợ ông C) tại trụ sở bị đơn ngày 25/12/2015 và kèm theo 1 bản ghi lại lời nói của các bên trong bản ghi âm. Tòa án đã cung cấp cho phía nguyên đơn để gửi cho ông V, ngày 13/12/2017 ông V có văn bản gửi Tòa án có nội dung: Xác nhận giọng nói mình ở đó và khẳng định mình không hề dụ ông C khai đã uống bia trong biên bản ngày 10/2/2015 và nội dung cuộc ghi âm cũng không có lần nào ông xác nhận là dụ ông C khai như vậy. Tại phiên tòa hôm nay ông V tiếp tục xác nhận mình không hề có câu nói nào xui ông C khai vậy.

Xem xét nội dung cuộc trao đổi được ghi âm ngày 25/12/2015 thì không thấy có chỗ nào ông V xác nhận đã xui hoặc dụ ông C khai có uống bia trước khi bị tai nạn.

Để đánh giá chính xác việc sát trùng da bằng cồn (nếu có) có liên quan, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu mà ông C đang thắc mắc nghi ngờ và kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là 0.02g/l của ông C có phải là chỉ số của người bình thường không sử dụng rượu bia hay không?

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có văn bản gửi Viện pháp y Quốc Gia vàViện pháp y Quốc Gia đã có công V phúc đáp số 457/PYQG-HP có nội dung:

“- Cho đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nào công bố kết quả xét nghiệm cồn trong máu bị ảnh hưởng bởi việc sát trùng da bằng cồn tại vị trí lấy máu. Do vậy việc sai lệch kết quả xét nghiệm cồn trong máu do sát trùng da bằng cồn là chưa thể kết luận được.

- Theo các báo cáo khoa học Ethanol nội sinh hay chỉ số cồn trong máu của người bình thường không sử dụng rượu bia có sự thay đổi nhất định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn, một số bệnh lý và chuyển hóa các chất trong cơ thể. Tuy nhiên hiện nay chưa có tài liệu mang tính chất pháp lý công bố về chỉ số cồn trong máu của người bình thường không sử dụng rượu bia”.

Như vậy là kết luận của cơ quan pháp y Quốc gia đã bác bỏ xác nhận củaBệnh viện Đa khoa G.

Có căn cứ xác định ông C khi điều khiển ô tô BKS 51A XXX.XX đã tự gây tai nạn là có nồng độ cồn trong máu (các tài liệu có trong hồ sơ còn thể hiện ông C có dấu hiệu rẽ trái tắt qua đảo tim đường).

Căn cứ điều khoản viện dẫn nêu trên thì việc ông C điều khiển xe ô tô BKS51A XXX.XX đã tự gây tai nạn khi có nồng độ cồn trong máu thuộc trường hợp loại trừ trách nhiêm bảo hiểm.

Căn cứ quy định tại điểm 6.1.2 Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm số 4201/15/HĐ- XE/017-HH hai bên thỏa thuận: “ 6.1.2. Từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiêm bảo hiểm theo quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm và thỏa thuận tại hợp đồng này”.

Tại khoản 4 Điều 8 về Loại trừ bảo hiểm tại Quyết định số 222/2013/QĐ-Q ngày 22/2/2013 về việc ban hành Quy tắc bảo hiểm xe ô tô quy định: “ Tai nạn xảy ra do lái xe có sử dụng rượu, bia hoặc các chất ma túy, các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Do đó, HĐXX thấy có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của TổngCông ty cổ phần Bảo hiểm Q.

Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phù hợp chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và nhận định Hội đồng xét xử. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm phần quyết định về vấn đề đương sự rút 1 phần yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa và lãi suất chậm trả khi thi hành án như kháng nghị của Viện kiểm sát đã nêu.

Bởi những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH C đối với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q theo hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa hai bên. Do đó cần sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH C.

[3]. Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q không phải chịu án phí phúc thẩm.

Công ty TNHH C phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên; 

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, b khoản 5 Điều 314 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 294, Điều 567, Điều 570, Điều 571 Bộ luật dân sự 2005;

Áp dụng Điều 12, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung 2010;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Áp dụng khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008;

Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 19/2017/KDTM-ST ngày 25/8/2017 của TAND Quận Đ, thành phố Hà Nội.

Xử:

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội.

2. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q;

3. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH C đối với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q theo Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 4201/15/HD-XE/07-HH ngày 05/02/2015 ký kết giữa hai bên.

4. Về án phí: Công ty TNHH C phải chịu 62.660.868 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Đối trừ số tiền 15.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 005122 ngày 13/1/2017 tại Chi cục thi hành án Dân sự Quận Đ, thành phố Hà Nội thì Công ty TNHH C còn phải chịu 47.660.868 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Hoàn trả Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Q số tiền 2.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006198 ngày 22 tháng 9 năm 2017 tại Chi Cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 20/12/2017

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2981
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 113/2017/KDTM-PT

Số hiệu:113/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về