Bản án về tranh chấp giữa các thành viên của công ty phần vốn góp và yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vô hiệu số 124/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 124/2018/KDTM-PT NGÀY 22/08/2018 VỀ TRANH CHẤP GIỮA CÁC THÀNH VIÊN CỦA CÔNG TY PHẦN VỐN GÓP VÀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ GIAO DỊCH CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN VỐN GÓP VÔ HIỆU

Ngày 22 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 12/2018/TLPT-KDTM ngày 10 tháng 4 năm 2018, về việc “Tranh chấp giữa các thành viên của công ty về phần vốn góp và yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vô hiệu”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 12A/2018/QĐ-PT ngày 25 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Ông Nguyễn Hồng C, sinh năm 1961; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

1.2. Ông Thang Văn H, sinh năm 1967; địa chỉ cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Thang Văn H tham gia phiên tòa phúc thẩm: Ông Nguyễn Hồng C (là nguyên đơn trong vụ án); địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi (được ủy quyền theo Văn bản ủy quyền ngày 04/6/2018).

2. Bị đơn:

2.1. Ông Huỳnh Đỗ D, sinh năm 1966; địa chỉ cư trú: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Huỳnh Đỗ D: Ông Phạm Đức C, Luật sư tại Văn phòng Luật sư P thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định (địa chỉ trụ sở làm việc: Thành phố Hà Nội).

2.2. Anh Huỳnh Đỗ Q, sinh năm 1990; địa chỉ cư trú: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo ủy quyền của anh Huỳnh Đỗ Q: Ông Huỳnh Đỗ D (là bị đơn trong vụ án); địa chỉ cư trú: Thôn P, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 29/3/2017).

2.3. Ông Võ Văn L, sinh năm 1976; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

2.4. Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1955; địa chỉ cư trú: huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị B: Ông Võ Văn L (là bị đơn trong vụ án); địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi (được ủy quyền theo Văn bản ủy quyền có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã P, huyện Đ ngày 22/3/2017).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Chị Nguyễn Thị Ngọc H, sinh năm 1983; địa chỉ cư trú: tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn Thị Ngọc H: Ông Thang Văn H (là nguyên đơn trong vụ án); địa chỉ cư trú: Thành phố Hồ Chí Minh (được ủy quyền theo Văn bản ủy quyền ngày 06/9/2017).

3.2. Anh Nguyễn Trung D, sinh năm 1989; địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Trung D: Ông Nguyễn Hồng C (là nguyên đơn trong vụ án); địa chỉ cư trú: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi (được ủy quyền theo Văn bản ủy quyền ngày 06/9/2017).

3.3. Công ty trách nhiệm hữu hạn M; địa chỉ trụ sở: huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn M: Ông Huỳnh Đỗ D, Giám đốc Công ty.

3.4. Công ty Trách nhiệm hữu hạn G; địa chỉ: huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn G: Bà Huỳnh Thị Kim Q, Giám đốc Công ty.

4. Người làm chứng: Bà Võ Thị Thanh A, nguyên Kế toán trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn M; địa chỉ cư trú: huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

5. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H (Là nguyên đơn trong vụ án).

Tại phiên tòa: Ông Nguyễn Hồng C, ông Huỳnh Đỗ D, ông Phạm Đức Cường có mặt; ông Thang Văn H, anh Huỳnh Đỗ Q, ông Võ Văn L, bà Nguyễn Thi Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc H, ông Nguyễn Trung D, bà Huỳnh Thị Kim Q, bà Võ Thị Thanh A vắng mặt (ông L, bà Q, bà A có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện ngày 06/3/2017 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H trình bày:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn M (sau đây viết tắt là Công ty M) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (sau đây viết tắt là ĐKDN) thay đổi lần thứ 4 ngày 15/11/2010 với 02 thành viên góp vốn là ông Huỳnh Đỗ D (góp 2.900.000.000 đồng, là người đại diện theo pháp luật) và anh Huỳnh Đỗ Q (góp 1.000.000.000 đồng). Công ty M được Nhà nước cho thuê thửa đất số 576, tờ bản đồ số 6, thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích 17.369 m2, trả tiền thuê đất hàng năm. Thời điểm này, Công ty M đã có tài sản là Nhà làm việc, Nhà bảo vệ, Nhà máy ván ép (cả 03 công trình này đều được xây dựng trên thửa đất nêu trên). Do Nhà máy ván ép hoạt động không hiệu quả nên Công ty M kêu gọi người góp vốn.

Ngày 20/12/2010, người đại diện theo pháp luật của Công ty M là ông Huỳnh Đỗ D đã ký “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD với ông Thang Văn H, ông Nguyễn Hồng C và ông Võ Văn L; mục đích để góp vốn đầu tư xây dựng Nhà máy dăm gỗ trên cùng thửa đất đã xây dựng Nhà máy ván ép của Công ty M.

Tỷ lệ góp vốn xây dựng Nhà máy dăm gỗ cụ thể như sau: Ông Thang Văn H góp vốn 900.000.000 đồng, tỷ lệ 40% (ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ngọc H đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN); ông Nguyễn Hồng C góp 450.000.000 đồng, tỷ lệ 20% (ủy quyền cho ông Nguyễn Trung D đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN); ông Võ Văn L góp 450.000.000 đồng, tỷ lệ 20% (ủy quyền cho bà Nguyễn Thị B đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN); ông Huỳnh Đỗ D góp 450.000.000 đồng, tỷ lệ 20%. Việc ông H ủy quyền cho bà H, ông C ủy quyền cho ông D, ông L ủy quyền cho bà B đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN không được lập thành Hợp đồng ủy quyền mà chỉ ghi rõ trong “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD ngày 20/12/2010 và được các thành viên góp vốn thống nhất thực hiện.

Sau khi các bên thực hiện góp vốn đầy đủ theo hợp đồng, Công ty M đã làm thủ tục và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 5 vào ngày 21/12/2010, bổ sung thêm 03 thành viên góp vốn là những người được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN gồm bà H, ông D, bà B. Tại thời điểm này, Công ty M có hai nhà máy là Nhà máy ván ép do ông D và ông Q góp vốn; Nhà máy dăm gỗ do các ông H, C, L, D góp vốn. Vốn điều lệ của Công ty M lúc này được tăng lên 6.150.000.000 đồng; trong đó, số tiền thực góp của 04 thành viên góp vốn xây dựng Nhà máy dăm gỗ là 2.250.000.000 đồng đã có chứng từ chứng minh góp đủ vốn; riêng số vốn góp 3.900.000 đồng của ông D và ông Q trước đó chưa có chứng từ chứng minh vốn thực góp. Tỷ lệ vốn góp của các thành viên Công ty M cụ thể như sau: Ông D góp 450.000.000 đồng vào Nhà máy dăm gỗ (đã có chứng từ nộp đủ) và 2.900.000.000 đồng (chưa có chứng từ chứng minh), tổng cộng là 3.350.000.000 đồng, tỷ lệ 54,47%; ông Q góp 1.000.000.000 đồng (chưa có chứng từ chứng minh), tỷ lệ 16,26%; bà H góp 900.000.000 đồng (đã có chứng từ nộp đủ), tỷ lệ 14,63%; ông D và bà B mỗi người góp 450.000.000 đồng (đã có chứng từ nộp đủ), tỷ lệ 7,32%.

Sau khi Nhà máy dăm gỗ đi vào hoạt động, ngày 26/10/2011 bốn thành viên góp vốn đầu tư Nhà máy dăm gỗ đã họp thống nhất để xác định giá trị vốn góp bằng tài sản và phần tài sản của Công ty M xây dựng trước đây chuyển giao cho Nhà máy dăm gỗ sử dụng, cụ thể như sau: Nhà máy ván ép được hình thành từ vốn vay của Ngân hàng X, chi nhánh Quảng Ngãi (viết tắt là X Quảng Ngãi), vốn góp của ông Huỳnh Đỗ D và anh Huỳnh Đỗ Q; Nhà máy dăm gỗ được hình thành từ vốn vay X Quảng Ngãi, vốn góp của ông Huỳnh Đỗ D, ông Thang Văn H, ông Nguyễn Hồng C, ông Võ Văn L. Tại điểm 4 của “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011 thể hiện “Kể từ ngày Nhà máy dăm gỗ trả nợ thay cho Nhà máy ván ép thì quyền sở hữu tài sản các tài sản nêu tại điểm 1.2 thuộc về thành viên góp vốn”.

Thực hiện “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011, sau khi Nhà máy dăm gỗ trả hết nợ thay cho Nhà máy ván ép, Công ty M đã làm thủ tục đề nghị và ngày 20/10/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã tách thửa đất số 576, tờ bản đồ số 6, thị trấn C mà Công ty M đã được thuê trước đó thành hai thửa đất với 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau cho 02 nhà máy: Nhà máy dăm gỗ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 589, diện tích 11.854 m2; Nhà máy ván ép được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 588, diện tích 5.515 m2.

Ngày 01/6/2015, Công ty M đã ký Hợp đồng kinh tế số 01/06/2015/ HĐKT chuyển nhượng bán một phần tài sản cố định của Công ty M là toàn bộ Nhà máy ván ép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn G (viết tắt là Công ty G) với giá 4.445.000.000 đồng. Trên cơ sở hợp đồng nêu trên, Công ty G đã chuyển quyền sở hữu tài sản là Nhà máy ván ép trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 588, tờ bản đồ số 6, thị trấn C, diện tích 5.515 m2, ngày cấp 20/10/2014 thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 339, tờ bản đồ số 2, thị trấn C, diện tích 5.515 m2 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cấp ngày 14/9/2015. Như vậy, sau thời điểm chuyển nhượng Nhà máy ván ép ngày 01/6/2015 thì anh Huỳnh Đỗ Q không còn vốn góp tại Công ty M; ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn 450.000.000 đồng vốn góp trong Công ty M, chiếm tỷ lệ 20%; ông Thang Văn H ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ngọc H làm đại diện góp vốn 900.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 40%; ông Nguyễn Hồng C ủy quyền cho ông Nguyễn Trung D làm đại diện góp vốn 450.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 20%; ông Võ Văn L ủy quyền cho bà Nguyễn Thị B làm đại diện góp vốn 450.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 20%.

Quá trình sản xuất đến hết tháng 6/2016, do Nhà máy dăm gỗ kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên các thành viên góp vốn đã họp yêu cầu ông D thôi làm Giám đốc để cho ông H làm Giám đốc, ông D không đồng ý nên các thành viên đã thống nhất dừng sản xuất để tìm cách giải quyết. Sau khi dừng sản xuất được một thời gian, không được sự đồng ý của các thành viên Công ty nhưng ông D vẫn tự ý tháo dỡ máy móc, phá tường rào, giữ dấu Công ty tự ký và đóng dấu vào các văn bản. Ngày 09/8/2016, giữa ông D với ông L, bà B ký Biên bản thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) từ ông L (bà B đại diện đứng tên) sang cho ông D mà không được sự đồng ý của các thành viên góp vốn là đã vi phạm điểm 2.2.3 khoản 2 và điểm 3.2.3 khoản 3 Điều 4 của “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD ngày 20/12/2010. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông D đã tự ý làm thủ tục thay đổi thành viên góp vốn và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 6 cho Công ty M vào ngày 22/8/2016, lúc này thành viên góp vốn chỉ còn: Ông Huỳnh Đỗ D góp vốn 3.800.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 61,789%; anh Huỳnh Đỗ Q góp 1.000.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 16,26%; bà Nguyễn Thị Ngọc H góp 900.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 14,63%; ông Nguyễn Trung D góp 450.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 7,32%. Việc chuyển nhượng này của ông D, ông L, bà B đã vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp về việc không triệu tập họp Hội đồng thành viên để thông qua, biểu quyết, thống nhất những nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức, hoạt động góp vốn, báo cáo tài chính của Công ty; Công ty thay đổi bổ sung thành viên, thay đổi bổ sung vốn, bán một phần tài sản của Công ty nhưng không sửa đổi, bổ sung điều lệ Công ty; không ra nghị quyết, quyết định cơ cấu tổ chức quản lý Công ty; không thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; chuyển nhượng phần vốn góp không đúng quy định tại các Điều 52, 53 của Luật Doanh nghiệp nên vô hiệu theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật Dân sự.

Việc làm của các ông D, Q, L và bà B đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông C, ông H. Cụ thể: Vẫn để anh Q làm thành viên góp vốn và ông D có vốn góp 3.800.000.000 đồng là làm ảnh hưởng đến số phiếu biểu quyết và tỷ lệ phân chia lợi nhuận thường niên và các thiệt hại khác; việc tự ý chuyển nhượng vốn góp của ông L, bà B cho ông D không thông qua Hội đồng thành viên của Công ty để chào bán dẫn đến mất quyền ưu tiên mua của ông C, ông H. Do đó, ông C, ông H yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giải quyết:

(1) Tuyên bố anh Huỳnh Đỗ Q không còn vốn góp tại Công ty M;

(2) Tuyên bố ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn lại phần vốn góp 450.000.000 đồng tại Công ty M;

(3) Tuyên bố Biên bản thỏa thuận (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp (20%) của ông Võ Văn L và bà Nguyễn Thị B cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu.

2. Ý kiến của các bị đơn:

2.1. Tại các Bản tự khai ngày 29/3/2017, ngày 28/4/2017 và quá trình tố tụng tại Tòa án, bị đơn là ông Huỳnh Đỗ D và anh Huỳnh Đỗ Q (ủy quyền cho ông Huỳnh Đỗ D) trình bày:

Thứ nhất, về yêu cầu tuyên bố ông Huỳnh Đỗ Q không còn vốn góp tại Công ty M, bị đơn có ý kiến như sau: Anh Q là thành viên góp vốn của Công ty M kể từ thời điểm thay đổi đăng ký kinh doanh lần 2 ngày 24/6/2009 trên cơ sở nhận chuyển nhượng vốn góp của ông Nguyễn Trường G, chiếm tỷ lệ 25,64%, tỷ lệ này không có thay đổi trong lần thay đổi Giấy chứng nhận ĐKDN lần 3 và lần 4 của Công ty M. Đến lần thay đổi Giấy chứng nhận ĐKDN lần 5 ngày 21/12/2010, do bổ sung thêm các thành viên góp vốn là ông D, bà B, bà H nên tỷ lệ góp vốn của anh Q thay đổi xuống còn 16,26% và vẫn giữ nguyên khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần 6 ngày 22/8/2016. Trong suốt quá trình thay đổi đăng ký doanh nghiệp nêu trên, số vốn góp của anh Q tại Công ty M vẫn là 1.000.000.000 đồng, số vốn này anh Q chưa chuyển nhượng cho bất cứ ai cho đến thời điểm hiện tại. Như vậy, việc anh Q là thành viên góp vốn của Công ty M theo như Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần thứ 6 của Công ty M là hoàn toàn hợp pháp.

Thứ hai, về yêu cầu tuyên bố ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn 450.000.000 đồng phần vốn góp tại Công ty M, bị đơn có ý kiến như sau:

- Công ty M được đăng ký thành lập ngày 12/02/2009 với hai thành viên góp vốn là ông Nguyễn Văn H và ông Lê Trường G, mỗi thành viên góp 1.950.000.000 đồng. Ngày 29/3/2009, ông Huỳnh Đỗ D nhận chuyển nhượng từ ông H và ông G mỗi người 950.000.000 đồng phần vốn góp, tổng cộng là 1.900.000.000 đồng (ông D đã nộp số tiền 1.900.000.000 đồng vào Công ty M qua phiếu thu số 05, quyển 1, ngày 28/3/2009). Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 1 của Công ty M thể hiện ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Trường G mỗi người góp 1.000.000.000 đồng, ông Huỳnh Đỗ D góp 1.900.000.000 đồng. Ngày 26/5/2009, ông H và ông G đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp còn lại của mình tại Công ty M lần lượt cho ông D và anh Q, mỗi người nhận chuyển nhượng 1.000.000.000 đồng (ông D và anh Q mỗi người đã nộp số tiền 1.000.000.000 đồng vào Công ty M qua các Phiếu thu ngày 01/6/2009). Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 2 của Công ty M thể hiện ông D góp vốn 2.900.000.000 đồng, anh Q góp vốn 1.000.000.000 đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Đỗ D. Qua hai lần thay đổi Giấy chứng nhận ĐKDN lần 3 và lần 4, thành viên góp vốn, tỷ lệ góp vốn, người đại diện theo pháp luật vẫn giống như lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần 2.

- Ngày 12/12/2010, Hội đồng thành viên Công ty M đã họp và quyết định tăng thêm thành viên góp vốn và vốn điều lệ của Công ty M. Ngày 21/12/2010, Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần thứ 5 của Công ty M thể hiện: Thành viên góp vốn gồm 05 người là ông D góp vốn 3.350.000.000 đồng (tăng 450.000.000 đồng), anh Q góp vốn 1.000.000.000 đồng (giữ nguyên), bà B góp vốn 450.000.000 đồng, ông D góp vốn 450.000.000 đồng, bà H góp vốn 900.000.000 đồng; tổng vốn điều lệ là 6.150.000.000 đồng; đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Đỗ D. Ngày 09/8/2016, bà B chuyển nhượng phần vốn góp 450.000.000 đồng cho ông D. Trên cơ sở này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 6 cho Công ty M, vẫn giữ nguyên vốn điều lệ, giảm thành viên góp vốn xuống còn 04 người là ông D góp vốn 3.800.000.000 đồng, anh Q 1.000.000.000 đồng, ông D 450.000.000 đồng, bà H 900.000.000 đồng.

- Về Hợp đồng kinh tế số 01/06/2015/HĐKT ngày 01/6/2015 giữa Công ty M với Công ty G: Đây là hợp đồng chuyển nhượng bán một phần tài sản cố định của Công ty M cho Công ty G, không liên quan đến phần vốn góp của ông D và anh Q tại Công ty M. Toàn bộ số tiền 4.889.500.000 đồng (bao gồm cả thuế VAT) của giá trị hợp đồng đã được Công ty G chuyển vào Công ty M; Công ty M đã dùng số tiền này để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất cho Nhà máy dăm và một phần để trả nợ Ngân hàng, cá nhân ông D và anh Q không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ hợp đồng chuyển nhượng này. Về “Biên bản họp Hội đồng thành viên” ngày 26/10/2011, đây là văn bản thỏa thuận giữa bốn cá nhân ông D, ông H, ông C, ông L để phục vụ “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010 của Nhà máy dăm giữa các bên, không mang danh nghĩa Công ty M, các thỏa thuận này chỉ có giá trị đối với cá nhân ký thỏa thuận với nhau để thực hiện hợp đồng.

Với các căn cứ trên, việc góp vốn và chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên Công ty M là hoàn toàn minh bạch và đúng pháp luật. Ông D có đầy đủ căn cứ để chứng minh phần vốn góp 3.800.000.000 đồng và anh Q có đủ căn cứ để chứng minh phần vốn góp 1.000.000.000 đồng trong Công ty M vào thời điểm hiện tại. Hiện nay, ông D và anh Q vẫn chưa chuyển nhượng hay tặng phần vốn góp của mình tại Công ty M, vì vậy đương nhiên ông D và anh Q vẫn giữ phần vốn góp lần lượt là 3.800.000.000 đồng và 1.000.000.000 đồng.

Thứba, về tuyên bố văn bản thỏa thuận (“Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp”) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp (20%) của ông Võ Văn L cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu, bị đơn có ý kiến trình bày: “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010 giữa các bên là Công ty M, ông H, ông C, ông L là một giao dịch dân sự tự nguyện. Việc các ông H ủy quyền cho bà H, ông C ủy quyền cho ông D và ông L ủy quyền cho bà B đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN chỉ là hình thức để các bên thực hiện hợp đồng này. Ngày 09/8/2016, Công ty M có thỏa thuận ba bên với bà B, ông L sau khi đã có các giấy mời dự họp hợp lệ về việc chào bán, chuyển nhượng phần vốn góp gửi các ông H, ông C, ông L, ông D, bà B, bà H vào các ngày 26/6/2016, 10/7/2016, 21/7/2016, 06/8/2016 là hoàn toàn hợp pháp, đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty M.

Do đó, bị đơn không nhất trí với tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2.2. Tại Bản tự khai ngày 24/3/2017 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, bị đơn là ông Võ Văn L và bà Nguyễn Thị B (ủy quyền cho ông Võ Văn L) trình bày:

Năm 2010, ông L có tham gia góp vốn vào Công ty M cùng với 03 cá nhân khác để đầu tư xây dựng một Nhà máy dăm gỗ. Việc góp vốn được thực hiện theo “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010 như nguyên đơn ông C, ông H và bị đơn ông D, anh Q đã trình bày nêu trên. Từ khi góp vốn và trong quá trình đầu tư, kinh doanh của Nhà máy chế biên dăm gỗ đều do các ông H, C, Linh, D họp bàn, còn những người đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN gồm bà B, bà H, ông D đều không tham gia.

Từ tiền vốn góp của các bên và vốn vay của X Quảng Ngãi, Nhà máy chế biến dăm gỗ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng giữa năm 2011. Ngày 26/10/2011, các bên tham gia góp vốn gồm các ông L, Hóa, C, D họp và lập biên bản thống nhất xác định danh mục tài sản và giá trị tài sản thuộc sở hữu của Công ty M trước thời điểm các bên góp vốn theo “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010, được chuyển giao để sử dụng cho hoạt động của Nhà máy chế biến dăm gỗ; thống nhất cho ông D rút số tiền mặt đã góp ban đầu để xây dựng Nhà máy dăm là 523.308.000 đồng, thay vào đó là các tài sản có giá trị tương đương thuộc sở hữu của Công ty M được thỏa thuận chuyển giao cho Nhà máy chế biến dăm gỗ; xác định quyền sở hữu đối với phần tài sản tăng thêm này sẽ thuộc về các ông L, Hóa, C, D. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty M vay thêm X Quảng Ngãi và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khánh Hào Quảng Ngãi để đầu tư tài sản cho Nhà máy chế biên dăm gỗ với tổng giá trị tài sản cố định của Nhà máy chế biến dăm gỗ theo số sách kế toán là trên 15 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2015, nhằm phân tách tài sản là Nhà máy chế biến dăm gỗ (thuộc sở hữu của các bên tham gia góp vốn theo “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010) và tài sản là Nhà máy ván ép (thuộc sở hữu của 02 thành viên ông D và anh Q), Công ty M thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản trên đất và toàn bộ thiết bị thuộc Nhà máy ván ép cho Công ty G.

Quá trình hoạt động kinh doanh Nhà máy chế biến dăm gỗ diễn ra bình thường cho đến giữa năm 2015 thì kinh doanh của Nhà máy bắt đầu khó khăn do giá bán dăm gỗ giảm mạnh, chi phí trả lãi, nợ gốc lớn do vay nợ lớn (đầu tư chủ yếu từ nợ vay). Các bên tham gia góp vốn đã họp nhiều lần để bàn giải pháp khắc phục nhưng đều không đạt được sự đồng thuận. Trong một số cuộc họp, ông L đã đề nghị các ông H, C, D mua lại phần vốn góp của ông theo tỷ lệ trong “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010 nhưng các bên không đạt được sự thỏa thuận chung nên không ai đồng ý mua và cũng không lập thành biên bản về việc này.

Ngày 07/6/2016, bà Nguyễn Thị B có văn bản gửi Công ty M đề nghị chào bán phần vốn góp 450.000.000 đồng. Trên cơ sở văn bản này, Công ty M đã triệu tập 04 cuộc họp Hội đồng thành viên để giải quyết việc chào bán vốn góp của bà B. Tại cuộc họp lần 4 ngày 06/8/2016, ông D đồng ý mua lại phần vốn góp của bà B chào bán. Ngày 09/8/2016, bà B ký Họp đồng chuyển nhượng có giá trị 450.000.000 đồng cho ông D và được Công ty M xác nhận hoàn tất việc chuyển nhượng. Theo Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 6 ngày 22/8/2016, bà B không còn là thành viên góp vốn của Công ty M. Vì các thành viên không đồng ý mua lại phần vốn góp của ông L (bà B) nên căn cứ vào “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” ngày 20/12/2010, ông L (bà B) đã thực hiện chuyển giao quyền và nghĩa vụ của mình cho ông D theo “Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp” ngày 09/8/2016 là phù hợp với các Điều 309, 315 của Bộ luật Dân sự năm 2005; đồng thời, cũng tại bản “Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp” ngày 09/8/2016, tư cách thành viên của bà B (người đại diện cho ông L đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN) của Công ty M cũng chấm dứt. Do đó, ông L không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu tuyên bố Văn bản thỏa thuận (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp (20%) của ông L và bà B cho ông D là giao dịch dân sự vô hiệu.

3. Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Người đại diện hợp pháp của Công ty trách nhiệm hữu hạn G trình bày: Ngày 01/6/2015, giữa Công ty M với Công ty G có ký Hợp đồng số 01/06/2015/HĐKT về việc Công ty M chuyển nhượng một phần tài sản cố định trên diện tích đất 5.515 m2 cho Công ty G với giá trị chuyển nhượng là 4.889.500.000 đồng. Ngày 14/9/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất số CB 090335 cho Công ty G, thời hạn thuê đất đến ngày 17/7/2058, trả tiền thuê đất hàng năm. Sau khi nhận chuyển nhượng tài sản theo hợp đồng nêu trên, bên nhận chuyển nhượng là Công ty G đã chuyển cho Công ty M toàn bộ số tiền 4.889.500.000 đồng theo các ủy nhiệm chi ngày 03/6/2015 là 2.500.000.000 đồng, ngày 04/6/2015 là 2.000.000.000 đồng, ngày 19/10/2015 là 389.500.000 đồng. Các công việc có liên quan đến việc giao kết, thực hiện hợp đồng này không liên quan gì đến anh Huỳnh Đỗ Q là thành viên của Công ty M.

4. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 29/01/2018, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37 và các Điều 147, 264, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 84, 86, 93, 122, 124, 139, 142, 143, 144, 388, 389, 401 và Điều 402 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 29, 31, 35, 47, 53, 58 và Điều 59 của Luật Doanh nghiệp năm 2014; khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của ông Thang Văn H, ông Nguyễn Hồng C về yêu cầu tuyên bố anh Huỳnh Đỗ Q không còn vốn góp và ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn phần vốn góp 450.000.000 đồng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn M và yêu cầu tuyên bố Biên bản thỏa thuận ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp (20%) của ông Võ Văn L và bà Nguyễn Thị B cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm và phổ biến quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

5. Kháng cáo:

Ngày 12/02/2018, nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét khách quan, toàn diện các chứng cứ, xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện là không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của hai ông là thành viên góp vốn của Công ty M.

6. Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, nhưng các đương sự không thỏa thuận được. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên nội dung, yêu cầu kháng cáo.

- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Huỳnh Đỗ D trình bày ý kiến: Anh Q là thành viên góp vốn của Công ty M, sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp của ông G vào năm 2009 đã có tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 2 của Công ty M với số vốn góp vào vốn điều lệ là 1.000.000.000 đồng; việc chuyển nhượng vốn góp được lập thành hợp đồng, có phiếu thu tiền của anh Q, phiếu chi tiền cho ông G của Công ty M; sau đó, số tiền góp vốn của anh Q vẫn giữ nguyên dù cho Công ty M đã nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và thêm thành viên; bản thân anh Q chưa chuyển nhượng, tặng cho phần vốn góp cho ai. Đối với ông D thì nhận chuyển nhượng vốn góp của ông H, ông G nhiều lần tổng cộng là 2.900.000.000 đồng; việc chuyển nhượng được lập hợp đồng, ông D đã nộp tiền đầy đủ vào Công ty M. Sau đó, vào tháng 12/2010 Công ty M tăng vốn điều lệ, thêm 03 thành viên góp vốn, trong đó phần vốn góp của ông D tăng lên thành 3.350.000.000 đồng và được thể hiện trong Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần thứ 5; tháng 8/2016, ông D nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà B là 450.000.000 đồng, nên phần vốn góp của ông D tăng lên thành 3.800.000.000 đồng và được thể hiện trong Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 6 của Công ty M. Việc nhận chuyển nhượng vốn góp của anh Q, ông D là hợp lệ và đúng pháp luật nên đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi công nhận và cấp Giấy chứng nhận ĐKDN về việc biến động phần vốn góp của các thành viên góp vốn Công ty M. Về số tiền 2.000.000.000 đồng mà nguyên đơn và bà A khai là cho Công ty G mượn và sau đó nộp lại vào tài khoản của Công ty M để hợp thức hóa việc bán nhà máy ván ép không có liên quan đến yêu cầu khởi kiện. Do đó, có đủ căn cứ xác định yêu cầu tuyên bố anh Q không còn vốn góp, ông D còn 450.000.000 đồng vốn góp trong Công ty M của nguyên đơn là không có cơ sở. Đối với việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa bà B và ông D là sự tự nguyện của các bên, việc họp Hội đồng thành viên đã được diễn ra 4 lần nhưng ông C, Hóa không tham gia nên bà B chuyển nhượng phần vốn góp cho ông D là đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, các Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đầy đủ và đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng thực hiện nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa, quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu có liên quan để giải quyết vụ án và đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hồng C, ông Thang Văn H là khách quan, đúng pháp luật. Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ, tài liệu nào mới làm căn cứ cho yêu cầu hủy hoặc sửa bản án sơ thẩm. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Hồng C, ông Thang Văn H và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ ý kiến của các đương sự, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; ý kiến của Kiểm sát viên; kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đối với yêu cầu xác định sau thời điểm ngày 01/6/2015, anh Huỳnh Đỗ Q không còn vốn góp và ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn lại phần vốn góp 450.000.000 đồng tại Công ty M, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1.1] Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 12/02/2009 thì Công ty M được thành lập ban đầu gồm có 02 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Văn H và ông Lê Trường G, với tổng số vốn điều lệ là 3.900.000.000 đồng. Sau 03 lần Công ty M thay đổi đăng ký kinh doanh thì ông H, ông G không còn là thành viên góp vốn của Công ty; đến lần thứ 4 thay đổi nội dung ĐKDN ngày 15/11/2010 thì Công ty M có 02 thành viên là ông Huỳnh Đỗ D góp vốn 2.900.000.000 đồng và anh Huỳnh Đỗ Q góp vốn 1.000.000.000 đồng, tổng số vốn điều lệ là 3.900.000.000 đồng.

[1.2] Ngày 20/12/2010, các ông Thang Văn H, Nguyễn Hồng C, Võ Văn L và ông Huỳnh Đỗ D là đại diện Công ty M ký “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD với mục đích góp vốn xây dựng Nhà máy chế biến dăm gỗ; tỷ lệ góp vốn như sau: Ông H góp 900.000.000 đồng và ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Ngọc H đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN; Công ty M góp bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản trị giá 450.000.000 đồng; ông C góp 450.000.000 đồng và ủy quyền cho ông Nguyễn Trung D đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN; ông L góp 450.000.000 đồng và ủy quyền cho bà Nguyễn Thị B đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKDN. Trên cơ sở “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” nêu trên, Công ty M thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5. Theo Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần thứ 5 vào ngày 21/12/2010 thì tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh vẫn được giữ nguyên; chỉ có thay đổi tăng thành viên góp vốn, tăng giá trị phần vốn góp và thay đổi tỷ lệ vốn góp. Cụ thể, vốn điều lệ của Công ty M tăng từ 3.900.000.000 đồng lên 6.150.000.000 đồng; danh sách thành viên góp vốn và tỷ lệ phần vốn góp gồm có: Huỳnh Đỗ D có giá trị phần vốn góp 3.350.000.000 đồng (tỷ lệ 54,47%), Huỳnh Đỗ Q có giá trị phần vốn góp 1.000.000.000 đồng (tỷ lệ 16,26%), Nguyễn Thị B có giá trị phần vốn góp 450.000.000 đồng (tỷ lệ 7,32%), Nguyễn Trung D có giá trị phần vốn góp 450.000.000 đồng (tỷ lệ 7,32%) và Nguyễn Thị Ngọc H có giá trị phần vốn góp 900.000.000 đồng (tỷ lệ 14,63%). Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty M kể từ ngày thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5 (21/12/2010) cho đến ngày 01/6/2015 thực tế đều do các ông D, Hóa, C, Linh điều hành; không có thành viên nào có ý kiến gì về giá trị phần vốn góp cũng như tỷ lệ phần vốn góp vào Công ty M theo Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần thứ 5 ngày 21/12/2010.

[1.3] Thực hiện “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD nêu trên, ngày 26/10/2011 các ông D, Hóa, C, Linh tổ chức cuộc họp để thống nhất một số nội dung về việc xác định giá trị phần vốn góp bằng tài sản và phần tài sản do Công ty M xây dựng trước đây chuyển giao cho Nhà máy dăm gỗ sử dụng. Tại thời điểm này, Công ty M đã được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN (thay đổi lần thứ 5, ngày 21/12/2010) gồm các thành viên góp vốn là ông Huỳnh Đỗ D, anh Huỳnh Đỗ Q, bà Nguyễn Thị B, ông Nguyễn Trung D và bà Nguyễn Thị Ngọc H (Trong đó: Bà B là người được ông Võ Văn L ủy quyền đứng tên ĐKKD; ông D là người được ông Nguyễn Hồng C ủy quyền đứng tên ĐKKD và bà H là người được ông Thang Văn H ủy quyền đứng tên ĐKKD theo “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD ngày 20/12/2010. Việc ủy quyền này được các bên thừa nhận, không có ai phản đối; do đó, căn cứ khoản 4 và khoản 14 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì các ông L, C, Hóa được xác định là thành viên của Công ty M kể từ ngày 21/12/2010). Tuy nhiên, theo lời trình bày của anh Huỳnh Đỗ Q tại bản tự khai ngày 28/4/2017 thì anh Q không được thông báo triệu tập tham gia cuộc họp; đồng thời anh không công nhận nội dung “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011 và cho rằng biên bản này chỉ là văn bản thỏa thuận của 04 cá nhân ông D, ông C, ông H, ông L. Tại phiên tòa, ông Huỳnh Đỗ D và ông Nguyễn Hồng C cũng thừa nhận anh Huỳnh Đỗ Q không được thông báo tham gia cuộc họp ngày 26/10/2011. Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù số thành viên dự cuộc họp này có đại diện trên 75% vốn điều lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng do anh Huỳnh Đỗ Q không được triệu tập hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của một thành viên Công ty theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41, Điều 50, Điều 51 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 13, Điều 18 Điều lệ của Công Ty M; đồng thời, sự thỏa thuận tại “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011, trong đó có nhiều nội dung các thành viên có mặt dự họp đã định đoạt cả phần tài sản tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp của anh Q trước đó (trong khi anh Q vắng mặt và không ủy quyền cho ai được quyền định đoạt). Căn cứ quy định tại các Điều 122, 127, 128, 137 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì các nội dung tại “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011 làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba là vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên. Do đó, nội dung của biên bản này không có hiệu lực là quyết định của Hội đồng thành viên Công ty M theo quy định tại Điều 52 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều 19 Điều lệ của Công Ty M; tuy nhiên, văn bản này vẫn có giá trị ghi nhận sự thỏa thuận của các bên tham gia cuộc họp đối với các nội dung không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người khác hoặc được người thứ ba đồng ý.

[1.4] Xét việc góp vốn của các thành viên Công ty M trong lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5 thì thấy:

[1.4.1] Việc Công ty M và các ông H, C, Linh ký kết “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD theo mục [1.2] nêu trên với mục đích góp vốn xây dựng Nhà máy chế biến dăm gỗ thuộc Công ty M là quyền của doanh nghiệp và các cá nhân tham gia góp vốn, không bị pháp luật ngăn cấm. Tuy nhiên, khi các thành viên mới tham gia góp vốn vào công ty thì các thành viên này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty đã được đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Tại nội dung Điều 1 của “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD được ký kết giữa Công ty M và các ông H, C, Linh ngày 20/12/2010 thể hiện: “Các bên thống nhất góp vốn đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với công xuất 40 tấn/h tại thửa đất số 576, tờ bản đồ 6 cụm công nghiệp làng nghề Đồng Dinh, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi thuộc quyền sử dụng của Công ty M”; tại tiểu mục 2.1.1 và tiểu mục 2.1.2 mục 2 Điều 4 (quyền và nghĩa vụ của bên B), Công ty M có nghĩa vụ: “... góp số vốn bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản tương đương 20% tổng số vốn góp thực hiện dự án với số tiền góp vốn là 450.000.000.000 đồng...; có nghĩa vụ hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý của Công ty TNHH M về thay đổi vốn đăng ký, tăng thêm thành viên và các hồ sơ pháp lý khác có liên quan về việc tham gia góp vốn của các thành viên vào Công ty M”. Như vậy, với các thỏa thuận nêu trên thì các ông H, C, Linh đã tự nguyện tham gia góp vốn vào Công ty để trở thành thành viên Công ty M.

[1.4.2] Thực hiện “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD, sau khi các thành viên tham gia góp vốn, Công ty M đã tiến hành các thủ tục và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thay đổi lần 5 như đã nêu tại mục [1.2] là đúng như thỏa thuận được ghi nhận trong Hợp đồng. Tuy nhiên, do các bên tham gia ký kết bản Hợp đồng này chỉ chú ý vào việc góp vốn vào Công ty M để xây dựng Nhà máy dăm gỗ và tham gia hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Nhà máy dăm gỗ mà không quan tâm đến quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia góp vốn trở thành thành viên Công ty nên đã thỏa thuận và thực hiện không đầy đủ, đúng pháp luật về việc xác định số tiền vốn góp và tỷ lệ phần vốn góp vào Công ty M. Cụ thể là:

Theo nội dung thỏa thuận tại tiểu mục 2.1.1 mục 2 Điều 4 của “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD thì Công ty M có nghĩa vụ góp số tiền mặt hoặc bằng tài sản tương đương số tiền 450.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo nội dung thỏa thuận tại “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011 thì ông D đã được các ông C, Hóa, Linh đồng ý cho rút số tiền 523.308.000 đồng của cá nhân ông D góp vốn, và thay vào đó là các tài sản của Công ty M có giá trị tương ứng 450.000.000 đồng (tiểu mục 2.1 mục 2 của Biên bản). Điều này đã thể hiện cá nhân ông D không góp thêm vốn vào Công ty M theo “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 và việc xây dựng Nhà máy dăm gỗ có một phần vốn góp của Công ty M trước đó (do ông D và anh Q là thành viên góp vốn) theo đúng thỏa thuận tại tiểu mục 2.1.1 mục 2 Điều 4 bản “Hợp đồng góp vốn kinh doanh” số 01/HĐGVKD. Do đó, có đủ cơ sở xác định kể từ ngày ông C, Hóa, Linh tham gia góp vốn thì các thành viên của Công ty M (gồm 5 người) có giá trị phần vốn góp như sau:

- Các thành viên cũ là ông Huỳnh Đỗ D vẫn giữ nguyên phần vốn góp là 2.900.000.000 đồng; anh Huỳnh Đỗ Q vẫn giữ nguyên phần vốn góp là 1.000.000.000 đồng;

- Các thành viên mới là bà Nguyễn Thị B đứng tên thay ông Võ Văn L tham gia góp vốn 450.000.000 đồng; ông Nguyễn Trung D đứng tên thay ông Nguyễn Hồng C tham gia góp vốn 450.000.000 đồng; bà Nguyễn Thị Ngọc H đứng tên thay ông Thang Văn H tham gia góp vốn 900.000.000 đồng.

Tổng số vố điều lệ thực tế là: 5.700.000.000 đồng.

Lẽ ra, sau khi ông D rút số tiền góp vốn và thay vào đó là các tài sản của Công ty M có giá trị tương ứng 450.000.000 đồng thì ông D phải tiến hành các thủ tục thông báo thay đổi lại nội dung đăng ký doanh nghiệp về việc thay đổi số vốn điều lệ của ông Huỳnh Đỗ D và xác định lại tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên còn lại của Công ty, nhưng ông D không thực hiện và các thành viên khác trong Công ty cũng không ai có ý kiến gì. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét kỹ nội dung này nên đã xác định trước thời điểm ngày 01/6/2015, ông Huỳnh Đỗ D có giá trị phần vốn góp vào Công ty M là 3.350.000.000 đồng cũng như xác định tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên khác trong Công ty M là không chính xác.

[1.5] Xét phần vốn góp của ông Huỳnh Đỗ D và anh Huỳnh Đỗ Q sau khi chuyển nhượng Nhà máy ván ép thì thấy:

[1.5.1] Ngày 01/6/2015, Công ty M đã thực hiện việc chuyển nhượng Nhà máy ván ép cho Công ty G theo Hợp đồng kinh tế số 01/06/2015/HĐKT với số tiền chuyển nhượng là 4.889.500.000 đồng (việc chuyển nhượng này được các ông D, C, Hóa, Linh thống nhất). Công ty G đã thanh toán cho Công ty M theo các ủy nhiệm chi ngày 03/6/2015, 04/6/2015 và ngày 19/10/2015; Công ty M cũng đã chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho Công ty G. Theo lời trình bày của các đương sự và người làm chứng Võ Thị Thanh A thì toàn bộ số tiền này được dùng để trả nợ vay dài hạn xây dựng từ Nhà máy ván ép từ năm 2009 (số tiền 688.849.636 đồng và 762.084.346 đồng) và được dùng để chi trả cho các khoản vay và lãi suất ngắn hạn của Nhà máy dăm gỗ trước đó; đồng thời việc chuyển nhượng Nhà máy ván ép cũng được kế toán của Công ty M đưa vào báo cáo tài chính và quyết toán thuế năm 2015 của Công ty M.

[1.5.2] Đơn kháng cáo của ông C và ông H có nội dung cho rằng, tại điểm 4 của “Biên bản họp Hội đồng thành viên” ngày 26/10/2011, các thành viên đã thống nhất: “Kể từ ngày Nhà máy dăm gỗ trả nợ thay cho Nhà máy ván ép thì quyền sở hữu tài sản nêu tại điểm 1.2 thuộc về các thành viên góp vốn”; đồng thời Công ty M cũng đã tiến hành tách thửa đất số 576 thành 2 thửa đất: Thửa đất số 589 thuộc về Nhà máy dăm gỗ do 4 thành viên góp vốn (Ông D, ông H, ông C, ông L) và thửa đất số 588 thuộc về Nhà máy ván ép do 02 thành viên góp vốn (Ông D, anh Q) để khẳng định Nhà máy ván ép là do ông D, anh Q góp vốn xây dựng, nên khi Công ty M chuyển nhượng cho Công ty G thì số vốn góp đầu tư Nhà máy ván ép trước kia của ông D, anh Q tổng cộng 3.900.000.000 đồng không còn trong Công ty M.

[1.5.3] Hội đồng xét xử xét thấy, theo kết quả phân tích tại mục [1.3] nêu trên thì các nội dung tại “Biên bản họp Hội đồng thành viên” số 01/2011 ngày 26/10/2011 chỉ có giá trị là sự thỏa thuận của cá nhân 04 thành viên ông D, ông C, ông H, ông L; không phải là quyết định của Hội đồng thành viên Công ty M nên không có giá trị pháp lý làm thay đổi phần vốn góp và tỷ lệ góp vốn của các thành viên trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo lời trình bày của các đương sự và người làm chứng Võ Thị Thanh A trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa là trong quá trình Công ty M hoạt động thì Nhà máy ván ép và Nhà máy dăm gỗ có hạch toán riêng, nhưng thường kỳ hàng năm việc hạch toán và quyết toán được thực hiện chung là Công ty M. Đồng thời, ông C và ông H không đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh số tiền 4.445.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế VAT) có được khi Công ty M bán Nhà máy ván ép không được nhập vào Công ty M, mà được chi trả hoàn toàn cho ông D, anh Q. Như vậy, không có cơ sở để xác định việc sau khi chuyển nhượng Nhà máy ván ép thì toàn bộ số vốn góp 3.900.000.000 đồng vào năm 2009 của ông D và anh Q đã được chuyển giao cho Công ty G nên anh Q không còn phần vốn góp và ông D chỉ còn 450.000.000 đồng phần vốn góp vào Nhà máy dăm gỗ như nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[2] Đối với yêu cầu tuyên bố Biên bản thỏa thuận (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp của ông Võ Văn L (do bà Nguyễn Thị B làm đại diện) cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu. Hội đồng xét xử xét thấy: Nội dung này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, kết luận là việc chuyển nhượng phần vốn góp 450.000.000 đồng giữa ông L, bà B với ông D vào ngày 09/8/2016 là hoàn toàn tự nguyện, hình thức và nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực pháp luật; do đó, đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về nội dung này của nguyên đơn. Đơn kháng cáo của ông C, ông H không có nội dung này; tại phiên tòa ông C không đưa ra được chứng cứ, tài liệu nào mới nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận.

[3] Đối với yêu cầu xem xét khoản tiền 2.000.000.000 đồng mà Công ty G chuyển vào tài khoản của Công ty M vào chiều ngày 04/6/2015 thực chất là số tiền mà Công ty M đã rút ra vào sáng cùng ngày và cho Công ty G mượn rồi chuyển khoản vào lại Công ty M để hợp thức hóa việc mua bán nhà máy ván ép. Xét thấy, nội dung này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét và nhận định là không có căn cứ do bà A không cung cấp được chứng từ, tài liệu để chứng minh cho lời trình bày của mình; đồng thời tại Đơn khởi kiện của ông C và ông H cũng không có yêu cầu gì về nội dung này. Do đó, trường hợp các đương sự có tranh chấp về khoản tiền này thì có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

[4] Trên cơ sở kết quả các phân tích nêu trên và ý kiến của Kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận:

[4.1] Theo kết quả phân tích tại các mục [1.4.2], [1.5.3] và mục [2] nêu trên thì có đủ cơ sở xác định sau khi ông Huỳnh Đỗ D nhận chuyển nhượng phần vốn góp 450.000.000 đồng của ông Võ Văn L (do bà Nguyễn Thị B làm đại diện) ngày 09/8/2016 thì các thành viên của Công ty M (chỉ còn 04 người) có giá trị phần vốn góp như sau:

- Ông Huỳnh Đỗ D có phần vốn góp là 2.900.000.000 đồng (năm 2009) và 450.000.000 đồng do nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn L (do bà Nguyễn Thị B làm đại diện) ngày 09/8/2016. Do đó, ông D có phần vốn góp tại Công ty M là 3.350.000.000 đồng;

- Anh Huỳnh Đỗ Q vẫn giữ nguyên phần vốn góp là 1.000.000.000 đồng;

- Ông Nguyễn Trung D đứng tên thay ông Nguyễn Hồng C tham gia góp vốn 450.000.000 đồng;

- Bà Nguyễn Thị Ngọc H đứng tên thay ông Thang Văn H tham gia góp vốn 900.000.000 đồng.

(Bà Nguyễn Thị B đứng tên thay ông Võ Văn L không còn vốn góp tại Công ty M) Tổng số vố điều lệ là: 5.700.000.000 đồng.

[4.2] Không có căn cứ tuyên bố Biên bản thỏa thuận (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng phần vốn góp (20%) của ông Võ Văn L (do bà Nguyễn Thị B làm đại diện) cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu.

[4.3] Chấp nhận một phần kháng cáo của ông C, ông H, sửa bản án sơ thẩm để xác định phần vốn góp của ông D và anh Q cho đúng quy định của pháp luật.

[5] Về án phí:

Tại khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp ph úc thẩ m phả i xá c đ ịn h lạ i ngh ĩa vụ chịu á n p hí sơ t hẩ m theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này”. Do đó:

[5.1] Án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

[5.2] Án phí sơ thẩm:

[5.2.1] Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 24 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “2. Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể; 2. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể”. Trong vụ án này, nội dung khởi kiện của ông C, ông H là yêu cầu Tòa án tuyên bố ông Huỳnh Đỗ D chỉ còn phần vốn góp 450.000.000 đồng (đã góp vào xây dựng Nhà máy dăm gỗ, không còn phần vốn góp 2.900.000.000 đồng vào năm 2009); anh Huỳnh Đỗ Q không còn phần vốn góp (1.000.000.000 đồng) tại Công ty M và yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp (450.000.000 đồng) giữa ông D, ông L và bà B vô hiệu là một số tiền cụ thể. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc ông C, ông H phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm (do không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn) đối với vụ án không có giá ngạch là không đúng pháp luật.

[5.2.1] Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 6, khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Điều 288 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử xác định lại nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự như sau:

(1) Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại có giá ngạch đối với yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Số tiền cụ thể là: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng (1.900.000.000 đồng x 2% = 38.000.000 đồng) + 3.000.000 đồng đối với yêu cầu tuyên bố “Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp” ngày 09/8/2016 (số tiền 450.000.000 đồng) giữa ông D, ông L, bà B là giao dịch dân sự vô hiệu; tổng cộng, ông C và ông H phải chịu nghĩa vụ liên đới nộp số tiền án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm là 113.000.000 đồng.

(2) Ông Huỳnh Đỗ D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm vụ án kinh doanh, thương mại có giá ngạch đối với yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận (tương ứng với số tiền 450.000.000 đồng). Số tiền cụ thể là: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng (50.000.000 đồng x 4% = 2.000.000 đồng); tổng cộng là 22.000.000 đồng.

[6] Căn cứ Điều 293 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xét thấy liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo thì tại Bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm còn có thiếu sót là không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty M vào tham gia tố tụng; phần áp dụng pháp luật trong quyết định của Bản án sơ thẩm căn cứ một số điều luật không có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, do trong vụ án này bị đơn là ông Huỳnh Đỗ D đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty M và việc căn cứ một số điều luật khác không làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự nên Hội đồng xét xử sửa đổi, bổ sung các nội dung này để khắc phục thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm Bản án của Tòa án được ban hành được chính xác, đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng các Điều 122, 127, 128, 137 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các Điều 288, 388, 389, 401, 402 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 29, 31, 35, 47, 53, 58, 59, 60, 68 của Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 6, khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[1] Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm về việc: Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn Hoá về việc tuyên bố Biên bản thỏa thuận (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp) ngày 09/8/2016 về chuyển nhượng giá trị phần vốn góp (20%) của ông Võ Văn L (do bà Nguyễn Thị B làm đại diện) cho ông Huỳnh Đỗ D là giao dịch vô hiệu.

[2] Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H, sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM- ST ngày 29/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đối với nội dung xác định phần vốn góp của ông Huỳnh Đỗ D và anh Huỳnh Đỗ Q tại Công ty M:

[2.1] Tuyên bố ông Huỳnh Đỗ D có phần vốn góp tại Công ty M là 3.350.000.000 (ba tỷ ba trăm năm mươi triệu) đồng; anh Huỳnh Đỗ Q có phần vốn góp tại Công ty M là 1.000.000.000 (một tỷ) đồng.

[2.2] Ông Huỳnh Đỗ D và các thành viên góp vốn thuộc Công ty M có trách nhiệm phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (do có thay đổi về vốn điều lệ, giá trị phần vốn góp và tỷ lệ phần vốn góp vào Công ty M) theo đúng các quy định của pháp luật.

[3] Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:

[3.1] Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H liên đới phải chịu 113.000.000 (một trăm mười ba triệu) đồng, được trừ vào số tiền 6.000.000 (sáu triệu) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo các Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0002877 và số AA/2014/0002878 cùng ngày 13/9/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.

[3.2] Ông Huỳnh Đỗ D phải chịu 22.000.000 (hai mươi hai triệu) đồng.

[4] Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H không phải chịu; hoàn trả lại cho ông Nguyễn Hồng C và ông Thang Văn H 2.000.000 (hai triệu) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2010/010422 ngày 23/02/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 22/8/2018.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3285
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp giữa các thành viên của công ty phần vốn góp và yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vô hiệu số 124/2018/KDTM-PT

Số hiệu:124/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về