Bản án 13/2019/HC-PT ngày 28/03/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 13/2019/HC-PT NGÀY 28/03/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 28 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 21/2019/TLPT-HC ngày 21 tháng 02 năm 2019 về Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2018/HC-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2019/QĐPT-HC ngày 22 tháng 02 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 13/2019 ngày 18/3/2019, giữa các đương sự:

Người khởi kiện: Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1930; cư trú tại: Số A, tổ dân phố B, phường V, quận H, thành phố Hà Nội; có mặt.

Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận H, thành phố Hà Nội; địa chỉ: Lô A, khu trung tâm hành chính mới, phường C, quận H, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện: Cấn Thị Việt H, chức vụ: Phó Chủ tịch; là người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ Ngọc P

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận H (Giấy ủy quyền ngày 04/3/2019, đề nghị xử vắng mặt)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân phường V, quận H.

2. Bà Vũ Thị N, sinh năm 1930 (vợ ông Kha, vắng mặt)

3. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1954 (con ông Kha, có mặt)

4. Bà Vũ Thị C, sinh năm 1956 (vợ cả ông T, vắng mặt)

5. Bà Phạm Thị T, sinh năm 1973 (vợ hai ông T)

6. Cháu Nguyễn Văn Phước L, sinh năm 2004 (con ông T, vắng mặt)

7. Cháu Nguyễn Minh Q, sinh năm 2011 (con ông T, vắng mặt)

8. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1958 (con ông Kha, có mặt)

9. Bà Phạm Thị B, sinh năm 1967 (vợ ông D, vắng mặt)

10. Anh Nguyễn Hoàng H, sinh năm 1998 (con ông D, vắng mặt)

Cùng cư trú tại: Số A, tổ dân phố B, phường V, quận H, thành phố Hà Nội.

11. Anh Bế Huy A, sinh năm 1990; cư trú tại: Số 12, Lô 187, Đa Sỹ, tổ dân phố 7, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (đề nghị xử vắng mặt)

12. Chị Nguyễn Thị H, sinh 1983 (Vắng mặt)

13. Anh Tô Ngọc P, sinh năm 1982 (Vắng mặt)

Cùng cư trú tại: Số 11, ngõ 11, đường Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Bạch Đăng C, chức vụ: Chủ tịch; là người đại diện theo pháp luật của Ủy ban nhân dân phường V, vắng mặt có ủy quyền.

2. Ông Tạ Vĩnh K, chức vụ: Công chức địa chính; là người đại diện theo ủy quyền của UBND phường V (văn bản ủy quyền số 60/UBND-ĐC ngày 16/3/2019, đề nghị xử vắng mặt)

3. Ông Nguyễn Văn T và bà Vũ Thị C là người đại diện theo pháp luật của cháu Nguyễn Văn Phước L và cháu Nguyễn Minh Q.

Người kháng cáo: Người khởi kiện là ông Nguyễn Văn K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm:

Ông Nguyễn Văn K trình bày: Năm 1956 cải cách ruộng đất gia đình ông bị quy là địa chủ bị tịch thu nhà đất. Sau sửa sai, gia đình ông được hạ thành phần xuống là phú nông, nhà đất được trả lại toàn bộ. Đội sửa sai cải cách ruộng đất mượn của gia đình ông 1 nhà 5 gian lợp ngói và 2 gian nhà ngang sân vườn ở khu nhà ngoài cổng với diện tích đất 530m2 để cho 3 gia đình là các ông bà: Nguyễn Văn P, bà Bùi Thị C, ông Vũ Văn M sử dụng. Khi đến mượn nhà đất, có ông Trần B - Đội trưởng Đội sửa sai cải cách ruộng đất thị xã H, ông Lê Văn H - Bí thư chi bộ xã V, ông Bạch Hòa U - Chủ tịch UBND xã V và ông Vũ Ngọc H - Cán bộ cải cách ruộng đất xã V. Ông Trần B và ông Lê Văn H đã có giấy xác nhận về việc mượn nhà đất của ông. Sau đó, các hộ được mượn đã đem bán nhà đất của ông, cụ thể: Bà Bùi Thị C bán nhà đất cho bà Nguyễn Thị D; ông P chết, cháu ông P là chị M bán nhà đất cho anh Nguyễn Văn T - con trai ông K; ông Vũ Văn M đi khai hoang ở nông trường, UBND xã V giao lại nhà đất của ông M cho ông Vũ Văn N, ông N chết, con trai ông N là Vũ Văn P.3 bán nhà đất cho anh Nguyễn Văn T. Giấy tờ mua bán đều có chứng nhận UBND phường V. Tất cả các ông, bà sử dụng, mua bán nhà đất của gia đình ông nêu trên hiện cũng đều đã chết hoặc chuyển đi ở nơi khác hiện ông K không biết, không cung cấp được địa chỉ.

Ông đã khiếu nại đề nghị Chủ tịch UBND quận H giải quyết sự việc đòi lại toàn bộ nhà đất nêu trên. Tại quyết định số 16293/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận H có nội dung: Việc ông Nguyễn Văn K khiếu nại đòi 232m2 đất hiện nay ông D, ông T (con trai ông K) đang sử dụng mà ông cho rằng năm 1956 Nhà nước đã mượn của gia đình ông cho các hộ khác ở nhờ là không có cơ sở, không giải quyết được vì: Ông K không cung cấp được giấy tờ có cơ sở pháp lý để chứng minh năm 1956 Nhà nước đã mượn một số diện tích đất trên của gia đình ông; theo hệ thống bản đồ và sổ sách lưu trữ tại cơ quan Nhà nước từ năm 1985 đến nay, vị trí, diện tích đất ông K đang đòi đều đứng tên hộ khác.

Ông K không đồng ý với quyết định nêu trên nên khởi kiện yêu cầu hủy quyết định nêu số 16293, buộc UBND quận H phải trả ông diện tích nhà đất 530m2 ở nơi khác tương xứng mà Đội sửa sai cải cách ruộng đất mượn của gia đình ông theo bản đồ năm 1967 và 1939.

Ý kiến của Ủy ban nhân dân quận H và Ủy ban nhân dân phường V, quận H: Theo tờ bản đồ số 05 đo đạc năm 1985 và sổ mục kê lưu trữ tại địa phương và Phòng Tài nguyên môi trường thể hiện:

- Thửa số 340 diện tích 95m2 đứng tên ông Nguyễn Văn D (con trai ông K);

- Thửa số 347 diện tích 42m2 và thửa số 350 diện tích 54m2 đng tên bà Nguyễn Thị D.

- Thửa số 346 diện tích 47m2 đng tên ông Nguyễn Văn N.

- Thửa số 345 diện tích 88m2 và thửa số 607 diện tích 46m2 đng tên ông Nguyễn Văn T (con trai ông K). Thửa đất này, ông K mua năm 1973 của bà Bùi Thị C và của ông Vũ Văn M bán cho bà C, diện tích 134m2, có giấy tờ mua bán, có chứng thực của cơ quan và gia đình bà C. Năm 1977, ông K cho con trai Nguyễn Văn T sử dụng phần diện tích này, ông T đã đứng tên kê khai và sử dụng ổn định từ đó.

Năm 1987, ông Nguyễn Văn T mua của bà Nguyễn Thị D thửa đất số 347 diện tích 42m2 theo giấy biên nhận tiền ngày 01/02/1989 và mua của ông Nguyễn Văn N thửa số 346 diện tích 47m2 theo giấy bàn giao ngày 19/4/1989.

Theo hệ thống bản đồ và sổ mục kê các thửa đất kèm theo hệ thống bản đồ đo đạc năm 1998 thể hiện: Thửa đất số 214, tờ bản đồ 58 diện tích 306m2 đứng tên ông Nguyễn Văn T.

Ông Nguyễn Văn K cung cấp Giấy chứng nhận của ông Trần B (nguyên là cán bộ Thị ủy Thị xã H, thành viên tham gia Đội sửa sai Cải cách ruộng đất) ngày 02/02/1987; của ông Lê Văn H (nguyên Bí thư Chi bộ xã V, thành viên tham gia Đội sửa sai Cải cách ruộng đất) ngày 04/3/1988, của ông Bạch Hòa U (thành viên tham gia Đội sửa sai Cải cách ruộng đất) ngày 10/7/2010 để đề nghị UBND quận H trả lại cho ông nhà đất có diện tích 530m2 do Đội sửa sai Cải cách ruộng đất đã mượn của ông từ năm 1956 là không có cơ sở và không giải quyết được vì những giấy tờ tài liệu ông K cung cấp không đủ cơ sở để khẳng định ông K là chủ sử dụng hợp pháp tại khu đất ông đòi và không chứng minh được năm 1956 Nhà nước đã mượn đất của gia đình ông và trên hệ thống bản đồ và sổ sách lưu trữ tại địa phương và Phòng tài nguyên và môi trường từ năm 1985 đến nay, vị trí đất ông K đang đòi đều đứng tên người khác.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong trường hợp đất bị trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc.” Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận H ban hành quyết định số 16293/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông K là đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Nhng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Văn T, anh Nguyễn Văn D (hai con trai của ông K) có mặt và đều đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật để các anh có căn cứ giải thích lại với bố các anh để ông K hiểu rõ them về đường lối, chính sách nhà nước và để các anh có điều kiện để sử dụng đất của mình theo đúng quy định của pháp luật. các người khác đều vắng mặt và đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết yêu cầu của ông Nguyễn Văn K theo quy định của pháp luật.

Nhng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án trình bày ý kiến không có gì khác với nội dung nêu trên và đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu của ông K theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hà Đông đề nghị xử bác yêu cầu khởi kiện của ông K.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2018/HCST ngày 30/11/2018 Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông K; ông K được miễn tiền án phí hành chính sơ thẩm, hoàn trả ông K 200.000đ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.

Ngày 03/12/2018, Tòa án nhân dân quận Hà Đông nhận được đơn kháng cáo không đề ngày tháng năm 2018 của ông Nguyễn Văn K kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với những lý do sau: Những người mượn nhà đất của ông đều đã có văn bản làm chứng có xác nhận của UBND xã, phường; Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập một số người có liên quan, một số người làm chứng biết sự việc, không triệu tập UBND quận H.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Nguyễn Văn K giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, yêu cầu người bị kiện trả cho ông 1 diện tích tương đương với diện tích đã mượn của ông tại 1 vị trí khác, không phải tại vị trí diện tích đất ông T, ông D và những người nhận chuyển nhượng đang sử dụng; ông không yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng là Vũ Ngọc H nữa vì giấy xác nhận của ông H đã được chứng thực chữ ký và ông Vũ Ngọc H đã già yếu, còn các ông Trần B, Bạch Hòa U và Lê Văn H đã chết.

Ông Nguyễn Văn D và ông Nguyễn Văn T trình bày, toàn bộ diện tích đất mà bố của các ông cho mượn trước đây, nay gia đình đều đã mua lại được hết, có phần đang sử dụng, có phần đã chuyển nhượng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn K, giữ nguyên án sơ thẩm, ông Nguyễn Văn K không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo không đề ngày tháng của ông Nguyễn Văn K nộp cho Tòa án ngày 03/12/2018 được thực hiện đúng quy định về quyền kháng cáo, thời hạn kháng cáo theo quy định tại các Điều 204, Điều 205 và Điều 206 Luật tố tụng hành chính 2015. Ông Nguyễn Văn K là người cao tuổi, được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[2] Tòa án nhân dân quận Hà Đông thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K là còn thời hiệu khởi kiện, đúng đối tượng khởi kiện và đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính 2010 nay là Điều 30, Điều 31, Điều 116 Luật tố tụng hành chính 2015 và Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 104/2015 ngày 25/11/2015 của Quốc hội.

[3] Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện là bà Cấn Thị Việt H đã có đơn ngày 24/4/2018 xin vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án và xin được vắng mặt tại phiên tòa (bút lục 214). Tòa án cấp sơ thẩm có giao cho người bị kiện Quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập tại bút lục 383, Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2018/QĐST-HC ngày 14/11/2018 tại bút lục 394. Như vậy là Tòa án cấp sơ thẩm có triệu tập người bị kiện nhưng người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đã xin vắng mặt.

[4] Xem xét các tài liệu do ông Nguyễn Văn K cung cấp để chứng minh cho yêu cầu đòi lại đất nhận thấy:

[4.1] Giấy chứng nhận ngày 02/02/1987 của ông Trần B (nguyên là phó chánh văn phòng Thị ủy Thị xã H, thành viên Đội sửa sai Cải cách ruộng đất xã V, thời điểm viết giấy chứng nhận là Bí thư Chi bộ khối 6 Đảng ủy phường Q) do ông K cung cấp có nội dung: Cải cách ruộng đất, gia đình ông K bị quy sai là địa chủ thường, ruộng đất bị trưng mua, còn nhà được giữ nguyên. Sau khi sửa sai, gia đình ông K được xuống thành phần là phú nông, Đội sửa sai có mượn của gia đình ông K 01 nhà 05 gian ngoài cổng để làm nơi hội họp của cán bộ làm công tác sửa sai. Cải cách ruộng đất, gia đình ông Vũ Văn V bị quy là địa chỉ thường, toàn bộ tài sản nhà cửa ruộng đất bị trưng mua chia cho 04 hộ là Bùi Thị C, Vũ Văn M, Nguyễn Văn P và bà T. Khi sửa sai, gia đình ông V được hạ thành phần xuống trung nông, được trả lại nhà đất nên Đội cải cách điều 3 gia đình (bà C, ông M, ông P) đến ở nhà của ông K đang cho đội cải cách mượn, còn bà T điều về chỗ đất nhà địa chủ V ở. Lúc đó, khu vực nhà cửa của địa chủ viễn có các cán bộ miền Nam ở, khi nào các cán bộ đó về miền Nam sẽ chuyển 03 hộ gia đình trên đến ở nhưng việc chia cắt đất nước kéo dài, các cán bộ miền Nam không về được nên 03 hộ gia đình vẫn ở nhờ mãi chưa giải quyết được.

Giấy này được đánh máy, có chữ ký Trần B nhưng không có chứng thực chữ ký, chỉ có xác nhận của Đảng ủy phường Q, thị xã H về việc ông Trần B là cán bộ nghỉ hưu hiện đang tham gia công tác bí thư chi bộ khối 6 nên giấy này không có giá trị pháp lý do không cơ sở xác định chữ ký trong giấy chứng nhận là của ông Trần B, không đủ cơ sở xác định nội dung chứng nhận là sự thật.

Mặt khác, nội dung giấy chứng nhận này có những điểm mâu thuẫn, không có giá trị chứng minh như sau:

- Theo giấy chứng nhận của ông B, gia đình ông K và gia đình ông V đều bị quy là địa chủ thường nhưng gia đình ông K thì chỉ bị trưng mua ruộng đất, nhà giữ nguyên, còn ông V thì bị trưng mua cả nhà và đất là không đúng với Điều 4 Luật cải cách ruộng đất năm 1953 đã quy định, đối với địa chủ thường thì trưng thu toàn bộ ruộng đất hiện có cùng trâu bò và nông cụ. Không đụng đến tài sản khác.

- Gia đình ông K được hạ thành phần xuống phú nông thì được trả lại toàn bộ ruộng đất, còn ông V được hạ thành phần xuống trung nông (thành phần thấp hơn phú nông) thì chỉ được trả lại ruộng đất, còn nhà vẫn bị chia cho bà T và các cán bộ miền Nam ở là không phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật cải cách ruộng đất 1953, đối với ruộng đất đã phân tán vào tay phú nông thì trưng mua; ruộng đất đã phân tán vào tay trung nông thì coi đó là việc trong nội bộ nông dân lao động, dùng lối thuyết phục mà dàn xếp một cách thỏa thuận, để trung nông tự động nhường lại cho nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất.

- Theo ông B, Đội sửa sai mượn 01 nhà 05 gian còn ông K khai cho mượn 1 nhà 5 gian lợp ngói, 2 gian nhà ngang và sân vườn.

[4.2] Giấy chứng nhận ngày 04/3/1988 của ông Lê Văn H (nguyên Bí thư Chi bộ xã V từ năm 1954 - 1960, thành viên Đội sửa sai Cải cách ruộng đất xã V) có nội dung: Gia đình ông K được hạ thành phần từ địa chủ thường xuống phú nông, được trả lại toàn bộ nhà đã bị trưng mua trong cải cách ruộng đất. Địa chủ V cũng được hạ thành phần nhưng nhà của địa chủ V có mấy gia đình ở nên ông B đã điều đình với ông K tạm thời cho 03 gia đình nông dân ở nhà địa chủ V ở tạm ngôi nhà ngoài cổng của ông K, khi nào địa phương làm được nhà hoặc chia đất cho 3 gia đình đó thì 3 gia đình phải chuyển đi.

Giấy này được đánh máy, có chữ ký Lê Văn H nhưng không có chứng thực chữ ký, chỉ có xác nhận của UBND phường về nơi thường trú của ông H nên giấy này không có giá trị pháp lý do không cơ sở xác định chữ ký trong giấy chứng nhận là của ông Lê Văn H, không đủ cơ sở xác định nội dung chứng nhận là sự thật.

Mặt khác, nội dung giấy chứng nhận này có những điểm mâu thuẫn với nội dung trong Giấy chứng nhận ngày 02/02/1987 của ông Trần B, không có giá trị chứng minh, cụ thể: Theo ông Trần B, gia đình ông K được hạ thành phần xuống trung nông, còn theo ông Lê Văn H gia đình ông K được hạ thành phần xuống phú nông; theo ông B gia đình ông K chỉ bị trưng mua ruộng đất, còn nhà giữ nguyên nhưng theo ông H gia đình ông K bị trưng mua cả nhà nên sau sửa sai được trả lại toàn bộ nhà; ông H không có nói gì đến việc Đội sửa sai mượn nhà của ông K để làm nơi hội họp như ông B đã chứng nhận.

[4.3] Giấy chứng nhận ngày 16/7/1998 của ông Lê Văn H (nguyên Bí thư Chi bộ xã V từ năm 1956 - 1958, thành viên Đội sửa sai Cải cách ruộng đất xã V) có nội dung: Gia đình ông K được hạ thành phần từ địa chủ thường xuống phú nông, được trả lại 01 nhà gạch 7 gian, 01 bếp, 01 sân, 01 ao còn tài sản là đất vườn bị trưng mua chưa được trả.

Giấy này được đánh máy, có chữ ký Lê Văn H, có UBND phường N chứng thực chữ ký. Tuy nhiên giấy chứng nhận này mâu thuẫn với chính chứng nhận của ông Lê Văn H tại Giấy chứng nhận ngày 04/3/1988 nên không có giá trị chứng minh như sau: Theo Giấy chứng nhận ngày 04/3/1988 ông H là bí thư chi bộ xã V năm 1954 - 1960 nhưng theo Giấy chứng nhận ngày 16/7/1998 là từ năm 1956 - 1958; theo Giấy chứng nhận ngày 04/3/1988 ông K được trả lại toàn bộ nhà đã bị trưng mua nhưng trong Giấy chứng nhận ngày 16/7/1998 ông K được trả lại 01 nhà gạch 7 gian, 01 bếp, 01 sân, 01 ao còn tài sản là đất vườn bị trưng mua chưa được trả.

[4.4] Giấy chứng nhận ngày 10/7/2010 của ông Bạch Hòa U (nguyên là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã V năm 1955 - 1956, thành viên ban chỉ đạo sửa sai Cải cách ruộng đất) có nội dung: Gia đình ông K được hạ thành phần từ địa chủ thường xuống phú nông, mới trả cho gia đình 01 nhà gạch 7 gian, 1 sân, 1 nhà ngang gạch, 01 ao. Đội sửa sai có mượn 01 nhà 5 gian gạch, sân, đất để hội họp. Gia đình ông M cũng được hạ thành phần từ địa chủ thường xuống trung nông, phải trả nhà đất cho ông M. Vì nhà đất của ông M đã bị chia cho 4 gia đình (bà C, ông P, ông M, bà T). Bà T vẫn được chia nhà đất của ông V nên đội mượn nhà của ông K cho 3 gia đình ở tạm.

Giấy này được đánh máy, có chữ ký Bạch Hòa U nhưng không có chứng thực chữ ký. Ngày 21/7/2010, ông Bạch Hòa U có văn bản đề nghị và UBND phường M đã chứng nhận hộ khẩu của ông U vào văn bản đề nghị, không chứng nhận gì vào Giấy chứng nhận ngày 10/7/2010. Như vậy, giấy chứng nhận của ông U không có giá trị pháp lý do không cơ sở xác định chữ ký trong giấy chứng nhận là của ông Bạch Hòa U, không đủ cơ sở xác định nội dung chứng nhận là sự thật.

Mặt khác, nội dung giấy chứng nhận này có những điểm mâu thuẫn với các Giấy chứng nhận của ông Trần B, ông Lê Văn H và lời khai của ông K ở điểm: Tài sản gia đình ông K được trả lại thêm 01 cái ao (trong khi không ai có lời khai về tài sản nay); 04 gia đình được chia nhà đất của địa chủ M (trong khi các lời khai đều là V).

[4.5] Giấy chứng nhận ngày 10/7/2012 của ông Vũ Ngọc H1, nguyên là cán bộ trực tiếp chỉ đạo cải cách ruộng đất năm 1956, có nội dung: Gia đình ông K bị quy là địa chủ thường, bị trưng mua tài sản ruộng đất nhà là gần 2000m2 đất, có 02 gian nhà gạch 05 gian cho bộ đội ở nhờ nên không chia cho ai. Sửa sai, gia đình ông K được hạ thành phần xuống phú nông, trả lại toàn bộ nhà đất cho gia đình ông K. Khi sửa sai gia đình ông Vũ Văn M cũng được hạ thành phần từ địa chủ thường xuống trung nông, phải trả nhà cho gia đình ông M nhưng nhà đất đã chia cho 04 hộ nông dân ở là Bùi Thị C, Nguyễn Văn P, Vũ Văn M, Nguyễn Thị T. Ý định của đội sửa sai là sẽ đưa 04 hộ kể trên đến ở nhà địa chủ V, chia cho bà T 01 căn nhà, còn 03 hộ ở nhà trên của địa chủ V nhưng nhà này hiện có các cán bộ miền nam ở nên không còn nhà. Vì vậy đội sửa sai đã mượn 05 gian nhà đất ở gần cổng để 03 hộ gia đình ở tạm.

Giấy này được đánh máy, có chữ ký Vũ Ngọc H1, có chứng thực chữ ký của UBND xã Đ, huyện N, tỉnh N. Tuy nhiên, nội dung giấy chứng nhận này có những điểm mâu thuẫn với các Giấy chứng nhận của ông Trần B, ông Lê Văn H, ông Bạch Hòa U và lời khai của ông K nên không có giá trị chứng minh ở những chi tiết sau: 04 gia đình được chia nhà đất của địa chủ M (trong khi các lời khai đều là V); có 02 gian nhà gạch 05 gian cho bộ đội ở nhờ nên không chia cho ai; khi cải cách nhà đất của địa chủ V đã chia cho 04 hộ nông dân thì không có căn cứ gì khi sửa sai lại định sẽ đưa 04 hộ kể trên đến ở nhà địa chủ V, chia cho bà T 01 căn nhà, còn 03 hộ ở nhà trên của địa chủ V nhưng nhà này hiện có các cán bộ miền Nam ở nên không còn nhà phải mượn nhà ông K; đội sửa sai mượn 05 gian nhà đất của ông K nhưng các chứng nhận trên là mượn nhà 05 gian gạch.

[4.6] Giấy chứng nhận ngày 29/10/1986 của ông Vũ Văn M có nội dung: Nhà đất của địa chủ M chia cho ba hộ trong đó có ông Vũ Văn M; đến khi sửa sai địa chủ M được hạ thành phần nên đội sửa sai mượn tạm nhà của gia đình ông K cho ba gia đình chuyển đến ở tạm, trả nhà cho ông M. Khi ông đi thoát ly có gửi lại nhà cho bà Bùi Thị C giữ hộ.

Giấy này được viết tay, có chữ ký Vũ Văn M, không có chứng thực chữ ký, chỉ có xác nhận của nông Trường quốc doanh L về việc ông M là công nhân nông trường đã nghỉ hưu. Giấy chứng nhận này không có giá trị pháp lý do không có căn cứ chứng minh nội dung giấy này là của ông Vũ Văn M nên không có giá trị chứng minh. Mặt khác nội dung giấy chứng nhận này cũng có những điểm mâu thuẫn với các Giấy chứng nhận của ông Trần B, ông Lê Văn H, ông Bạch Hòa U, ông Vũ Ngọc H và lời khai của ông K nên không có giá trị chứng minh, cụ thể: Các gia đình được chia nhà đất của địa chủ M không phải là V; nhà đất của địa chủ M chia cho 03 hộ nông dân chứ không phải 04 hộ.

[4.7] Giấy chứng nhận ngày 29/6/1986 của bà Bùi Thị C nhưng không có chữ ký của bà C, chỉ có chữ ký của con gái Nguyễn Thị G, có 01 vết đen cuối trang giống dấu điểm chỉ 01 ngón nhưng không biết ngón nào, của ai, không có chứng thực dấu điểm chỉ đó có phải của bà Bùi Thị C hay không nên nội dung chứng nhận không có giá trị pháp lý, không có giá trị chứng minh.

Như vậy là tất cả những giấy chứng nhận của những người làm chứng do ông Nguyễn Văn K cung cấp không có giá trị pháp lý, không có giá trị chứng minh về những nội dung đã chứng nhận, về những lời khai của ông Nguyễn Văn K.

Nhng người làm chứng có người đã chết, có người ông K không cung cấp được địa chỉ chính xác nên Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập người làm chứng là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K cũng đã rút yêu cầu triệu tập những người làm chứng này.

[5] Theo sổ sách địa chính thể hiện vị trí đất ông K đòi từ trước đến nay không đứng tên ông K mà đều mang tên người khác. Việc ông K đi đòi quyền sử dụng đất trong khi chính ông và các thành viên trong gia đình ông cũng không xác định được mảnh đất đó có diện tích bao nhiêu m2; khi làm đơn đề nghị tại UBND quận H ông khai là khoảng 232m2, khi khởi kiện ông lại cho rằng diện tích mà gia đình ông cho các hộ gia đình trong thời kỳ cải cách ruộng đất mượn năm 1956 là 530m2. Tại phiên tòa anh Nguyễn Văn T con trai ông lại khai chỉ khoảng 300m2, diện tích đó nằm ở đâu, tứ cận như thế nào trong tổng thể diện tích đất của gia đình ba bố con ông hiện đang sử dụng ông cũng không thể xác định được.

Toàn bộ diện tích đất mà ông K đang đòi nhà nước trả lại cho ông thì hiện nay đều do ông K và các con của ông đang quản lý sử dụng. Phần đất của anh Nguyễn Văn T sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và anh cũng đã bán lại một phần cho hai gia đình là các anh Bế Huy A và gia đình chị Nguyễn Thị H, chồng là anh Tô Ngọc P, việc mua bán đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các phần đất mua bán cũng đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận hợp lệ. Các phần đất này theo hệ thống bản đồ và sổ sách lưu trữ tại cơ quan Nhà nước từ năm 1985 đến nay, vị trí, diện tích đất ông K đang đòi đều đứng tên các hộ khác.

Ông K yêu cầu trả lại ông diện tích đất đã mượn của gia đình từ cải cách ruộng đất nhưng những tài liệu ông cung cấp không được đánh giá là chứng cứ chứng minh có việc Đội sửa sai Cải cách ruộng đất năm 1956 đã mượn nhà đất của gia đình ông nên cho dù là yêu cầu đòi đất tại vị trí gia đình ông và các con ông đang sử dụng và đã chuyển nhượng hay ở một vị trí khác đều không có căn cứ chấp nhận.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 21 Luật cải cách ruộng đất năm 1953, những thứ tịch thu, trưng thu, trưng mua đều chia cho công dân. Trong vụ án này, các ông bà Nguyễn Văn P, bà Bùi Thị C, ông Vũ Văn M là những người được chia ruộng đất theo Điều 25 Luật cải cách ruộng đất 1953. Họ không biết Đội sửa sai cải cách ruộng đất mượn nhà đất của gia đình ông K hay tịch thu, trưng thu, trưng mua của gia đình để chia cho họ. Theo Điều 31 Luật cải cách ruộng đất 1953 thì người được chia ruộng có quyền sở hữu ruộng đất đó, và không phải trả cho địa chủ hay chính quyền bất cứ một khoản nào. Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ấy cho người được chia. Mọi khế ước cũ đều huỷ bỏ. Người được chia có quyền chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v... ruộng đất được chia. Do đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” và Khoản 1 Điều 4 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong các trường hợp sau: a) Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc…"

[6] Quyết định số 16293/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của Chủ tịch UBND quận H về việc giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn K có nội dung: Việc ông Nguyễn Văn K khiếu nại đòi 232m2 đất hiện nay ông D, ông T (con trai ông K) đang sử dụng, ông K cho rằng: Năm 1956 Nhà nước đã mượn của gia đình ông một số diện tích đất trên để cho các hộ khác ở nhờ là không có cơ sở và không giải quyết được. Vì: Đến nay ông K không cung cấ được các giấy tờ có cơ sở pháp lý để chứng minh năm 1956 Nhà nước đã mượn một số diện tích đất trên của gia đình ông. Theo hệ thống bản đồ và sổ sách lưu trữ tại cơ quan Nhà nước từ năm 1985 đến nay, vị trí diện tích đất ông K đang đòi đều thể hiện tên các hộ khác, là đúng thẩm quyền, trình tự và nội dung theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật khiếu nại năm 2011, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và Luật cải cách ruộng đất năm 1953.

Theo những phân tích, nhận định trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của ông K là có căn cứ pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông K đối với Quyết định số 16293/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 Chủ tịch UBND quận H và yêu cầu kháng cáo của ông K đối với bản án sơ thẩm. Giữ nguyên án sơ thẩm [7] Ông Nguyễn Văn K là người cao tuổi nên được miễn tiền án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 104 Luật tố tụng hành chính 2010; Điều 30, Điều 31, Điều 116, Điều 204, Điều 205, Điều 206, Khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính 2015; khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội; Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 sửa đổi bổ sung năm 2004 và năm 2005; Luật khiếu nại năm 2011; Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1, điều 4 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử: Bác kháng cáo của ông Nguyễn Văn K và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 02/2018/HCST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông.

1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K về việc yêu cầu huỷ Quyết định số 16293/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 của Chủ tịch UBND quận H.

2. Miễn tiền án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm cho ông Nguyễn Văn K. Hoàn trả ông K 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm đã nộp tại biên lai số 9563 ngày 03/11/2012 của Chi cục thi hành án quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

596
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2019/HC-PT ngày 28/03/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

Số hiệu:13/2019/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 28/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về