06/05/2020 08:05

Điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019

Điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019

Trong mọi mối quan hệ thì tranh chấp là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là quan hệ lao động. Để bảo vệ tốt quyền và lợi ích của mình thì các chủ thể của quan hệ lao động cần phải nắm rõ ai là người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của mình.

Tranh chấp lao động là gì?

Khoản 7 Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ 2012) quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.”Ở đó:

Tranh chấp cá nhân: Là những tranh chấp xuất phát từ bất cứ quyền lợi và nghĩa vụ nào của người lao động trong suốt quá trình làm việc bị vi phạm  như điều kiện, địa điểm làm việc, tiền lương, bảo hộ lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ…

Tranh chấp tập thể: Có 02 loại quan hệ tranh chấp là:

Tranh chấp tập thể về quyền (khoản 8 Điều 3 BLLĐ 2012) là tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau về quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.

Tranh chấp tập thể về lợi ích (khoản 8 Điều 3 BLLĐ 2012) là tranh chấp phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động.

Cũng vấn đề “Tranh chấp lao động” Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) bên cạnh việc kế thừa BLLĐ 2012 còn mở rộng và quy định cụ thể rõ ràng hơn trong khái niệm và cách xác định quan hệ lao động, cụ thể: khoản 1 Điều 179 BLLĐ 2019 quy định:“1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”

Điều luật cũng chỉ ra các loại tranh chấp lao động bao gồm:

a) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;

b) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, “sức lao động” được coi là hàng hóa và được kinh doanh, mua và bán; để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động và tổ chức kinh doanh, mở rộng thị trường lao động, phát triển khả năng tìm kiếm việc làm cho người lao động thì BLLĐ 2019 cụ thể hóa vào trong bộ luật nhằm đề cao trách nhiệm bảo vệ quyền của “doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” của “người lao động thuê lại” theo đó quan hệ lao động mới được ghi nhận và bảo vệ từ đó quan hệ pháp luật tranh chấp lao động cá nhân mới được hình thành và được pháp luật bảo vệ là:

+ Quan hệ pháp luật tranh chấp lao động giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động;

+ Quan hệ pháp luật tranh chấp lao động người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Trong quan hệ tranh chấp về quyền và lợi ích BLLĐ 2019 cũng ghi nhận và mở rộng hơn về chủ thể quan hệ “một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động”. Theo đó, ngoài tổ chức công đoàn như trước đây, người lao động khi bị vi phạm về quyền hoặc lợi ích thì có thể thông qua một hay nhiều tổ chức khác như tổ, đội, phân xưởng… để yêu cầu người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động (như Hội doanh nghiệp, Hiệp hội ….) đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cũng chia tranh chấp lao động tập thể thành 02 loại tranh chấp là tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích.

Với tranh chấp lao động về quyền thì khoản 8 BLLĐ 2012 quy định “là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác”; nhưng với BLLĐ 2019 thì tại khoản 2 Điều 179 bên cạnh việc mở rộng chủ thể tranh chấp “là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động” còn chỉ ra cụ thể các trường hợp phát sinh tranh chấp là trong “việc hiểu (khác với giải thích) và thực hiện quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác” và mở rộng trường hợp phát sinh tranh chấp “c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí”. Quy định này thể hiện việc ghi nhận bảo vệ và bảo đảm của nhà nước đối với cá nhân hay tổ chức đại diện của người lao động khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền của người lao động.

Với tranh chấp lao động về lợi ích thì khoản 9 BLLĐ 2012 quy định: “là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.” còn khoản 3 Điều 179 BLLĐ 2019 thì quy định “mở” hơn, “thương lượng” chứ không phải “yêu cầu” nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện đáp ứng yêu cầu của người lao động phù hợp với điều kiện, khả năng của người sử dụng lao động; đồng thời quy định tranh chấp phát sinh cả trong các trường hợp từ chối hoặc không tiến hành được nhằm buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm thương lượng, và lợi ích của tập thể được bảo vệ và thực hiện.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

BLLĐ 2019 kế thừa các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động của BLLĐ 2012 nhưng sửa đổi về câu từ nhằm đề cao quyền tự định đoạt cũng như việc hòa giải, cụ thể: Giữ nguyên 02 nguyên tắc “Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng luật” và “Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết”. Sửa đổi và rút gọn 4  nguyên tắc còn lại của BLLĐ 2012 thành  03 nguyên tắc của BLLĐ 2019 như “Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định” thành “Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động”; “Bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, lợi ích chung của xã hội và không trái luật khi thực hiện hoà giải, trọng tài” và “Việc giải quyết tranh chấp trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội” thành “Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật”; “Chỉ tiến hành giải quyết tranh chấp khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do bên còn lại từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện” thành “Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.”

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 đã thu gọn từ 4 phương thức giải quyết tranh chấp xuống còn 3 phương thức (bỏ phương thức giải quyết tranh chấp lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành; nhưng trong giải quyết tranh chấp cá nhân BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm người có thẩm quyền giải quyết là “Hội đồng trọng tài lao động” (khoản 2 Điều 187) và trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thì thay người có thẩm quyền giải quyết là “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện” bằng “Hội đồng trọng tài lao động” (điểm b khoản 1 Điều 191) còn lại các chủ thể khác vẫn giữ nguyên; đồng thời quy định “Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.” (khoản 2 Điều 191 và khoản 2 Điều 195).

– Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Cũng giống như BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 cũng quy định đối với tranh chấp lao động cá nhân là: “Mọi tranh chấp lao động đều phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết, trừ 05 loại tranh chấp:

+ Về xử lý kỷ luật sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

+ Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

Nhưng khác với Điều 201 BLLĐ 2012, Điều 188 BLLĐ 2019 còn mở rộng thêm các trường hợp tranh chấp về bảo hiểm ở điểm d thì ngoài những tranh chấp về bảo hiểm y tế và xã hội như BLLĐ 2012 quy định còn bổ sung thêm các tranh chấp về bảo hiểm “về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;” và bổ sung thêm trường hợp tranh chấp không phải hòa giải “e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”

– Đối với tranh chấp lao động tập thể: Cũng giống như BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 cũng quy định đối với tranh chấp lao động tập thể đều phải được giaỉ quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, nhưng ở BLLĐ 2019 có điểm khác so với BLLĐ 2012 là trong tranh chấp lao động về quyền thì khi một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành (không thỏa thuận được, không chấp nhận phương án hà giải hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng) thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Như vậy, BLLĐ 2019 đề cao việc hòa giải và coi hòa giải là một trong những phương án tối ưu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, bởi hòa giải giúp các bên trong quan hệ lao động có thể tháo gỡ những mâu thuẫn, bất đồng một cách nhanh chóng mà không mất quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại tranh chấp lao động là cá nhân, tập thể về quyền hay tập thể về lợi ích mà người có thẩm quyền giải quyết sẽ khác nhau và trường hợp nào cần thiết mới phải qua hòa giải.

Xem thêm 08 điểm mới về hợp đồng lao động: Tại đây

 Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

1652

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn