03/07/2018 16:47

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 (khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự 1999) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

- Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).

- Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù (điểm b, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).

- Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù (điểm c, khoản 2 Điều 1, Bộ luật hình sự 2017).

- Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (điểm d, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).

Ví dụ một số tội được xác định là tội đặc biệt nghiêm trọng như: Tội phản bội tổ quốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 108 Bộ luật hình sự 2015; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự 2015; tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015; tội tàng trữ trái phép chất ma tuý thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 249 Bộ luật hình sự 2015; tội vận chuyển trái phép chất ma túy thuộc trường hợp thuộc khoản 4, Điều 250 Bộ luật hình sự 2015; tội mua bán trái phép chất ma túy thuộc trường hợp khoản 4, Điều 251 Bộ luật hình sứ 2015;…

Phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự

Việc xác định tội phạm nào là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không phức tạp, chỉ cần căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Nếu mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng; đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng; đến mười lăm năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng; đến chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 3 năm, 7 năm, 15 năm, chung thân hoặc tử hình, mà trong nhiều trường hợp nhà làm luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt là một năm, hai năm, bốn năm, năm năm, sáu năm, tám năm, mười năm, mười hai năm và hai mươi năm. Mặc dù Bộ luật hình sự đã có hiệu lực pháp luật lâu dài và qua nhiều lần thay thế, sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay vẫn còn quan điểm cho rằng, nếu mức cao nhất của khung hình phạt không phải là 7 năm thì chưa phải là tội phạm nghiêm trọng, không phải là 15 năm thì chưa phải là tội phạm rất nghiêm trọng, không phải là chung thân hoặc tử hình thì chưa phải là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ví dụ: khoản 1 Điều 168 BLHS 2015 (tội cướp tài sản) có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm chưa phải là tội phạm rất nghiêm trọng mà chỉ là tội phạm nghiêm trọng. Quan điểm thiết nghĩ là không đúng với quy định của Bộ luật hình sự, vì nhà làm luật chỉ quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy “đến” ba năm, bảy năm, mười lăm năm, chung thân hoặc tử hình chứ không quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy “là” ba năm, bảy năm, mười lăm năm, chung thân hoặc tử hình.

“Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện” (Khoản 3, Điều 27 Bộ luật hình sự 2015).

Ví dụ: Ngày 05/01/2010 Nguyễn Văn A mượn chiếc xe máy của chị Bùi Thu B để đưa mẹ vào bệnh viện khám bệnh, nhưng sau đó A không trả lại chiếc xe cho chị B mà bán được 10 triệu đồng đánh bạc bị thua hết. Do bị thua bạc và không còn xe để trả cho chị B nên A đã bỏ trốn vào miền Nam ở với chị gái; ngày 05/10/2013 Nguyễn Văn A về gia đình. Sau khi về nhà, A hứa với chị B sẽ bồi thường chiếc xe máy cho chị, nên chị B không tố cáo hành vi phạm tội của A với Cơ quan điều tra. Chờ mãi không thấy A bồi thường chiếc xe máy cho mình, nên ngày 20/02/2015 chị B đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A với Cơ quan điều tra. Sau khi xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 và là tội phạm ít nghiêm trọng nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới (Khoản 3, Điều 27 BLHS 2015)

Ví dụ: Ngày 01/01/2010 Bùi Đình V phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 nhưng chưa bị khởi tố điều tra, đến ngày 10/12/2014, V lại phạm tội trộm cắp tài sản và đến ngày 30/6/2015 cơ quan điều tra mới phát hiện hành vi phạm tội trộm cắp. Nếu căn cứ vào thời hiệu truy trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng thì sau ngày 01/01/2015 là đã hết, nhưng trước đó (10/12/2014) V lại phạm tội mới nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây rối trật tự nơi công cộng lại được tính từ ngày 10/12/2015 chứ không phải từ ngày 01/01/2010. Vì vậy V phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: tội trộm cắp tài sản và tội gây rối trật tự công cộng.

Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ (Khoản 3, Điều 27 BLHS 2015).

Ví dụ: Mới đây, báo Tuổi trẻ vừa đăng tải vụ án của bà Trần Thị Sáu (59 tuổi) phải đứng trước TAND TP Hà Nội để nghe phán quyết về tội ác mà mình đã gây ra từ cách đây 22 năm trước. Do bế tắc, Sáu thường nghĩ đến chuyện giết chết hai con rồi tự tử để thoát khổ đau. Một ngày đầu tháng 4-1996, Sáu đưa hai con Ngô Thị Hằng, 5 tuổi và Ngô Thị Nga mới hơn 1 tuổi đi lang thang thăm họ hàng. Sau đó Sáu vay của người hàng xóm 4.000 đồng đi mua hai gói thuốc diệt chuột, 10 gói thuốc tẩy sán lợn, một chai nước cam và hai chiếc bánh nướng.  Sáu đưa hai con ra con đê của làng rồi đổ thuốc diệt chuột vào chai nước cam cho hai con uống. Sáu tiếp tục đổ thuốc tẩy sán lợn vào chai nước rồi uống cùng ba vỉ thuốc đau đầu. Uống xong, cả ba mẹ con nằm ôm nhau mê man bất tỉnh. Khuya cùng ngày, lực lượng công an đi tuần tra phát hiện ba mẹ con nên đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, hai con của Sáu đã tử vong trước đó. Kết quả giám định cho thấy hai đứa trẻ đáng thương chết vì phù phổi cấp do độc chất, khả năng do uống thuốc chuột Trung Quốc. Khi vụ việc đang trong quá trình điều tra, do sức khỏe còn yếu nên Sáu được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Tuy nhiên, do lo sợ sự trừng phạt của cơ quan chức năng, sợ sự bàn tán của bà con lối xóm nên Sáu đã bắt xe bỏ trốn khỏi quê hương. Sáu lưu lạc từ Hà Tây vào tận Lâm Đồng. Tại đây, Sáu giấu biệt tên tuổi và thân phận của mình. Một năm sau, Sáu lấy chồng mới rồi sinh liên tiếp hai con trai. Cuộc sống ở vùng đất mới cũng chật vật không kém, Sáu cũng phải bươn bả đủ thứ nghề để kiếm sống. Rồi người chồng thứ hai cũng qua đời do bệnh. Hai con trai Sáu lớn lên, một đứa đi bộ đội, một đứa đi xuất khẩu lao động. Sáu cứ nghĩ mình đã thoát khỏi sự truy đuổi của cơ quan chức năng, sống yên ổn với gia đình mới. Nhưng rồi ngày 02/02/2018, cả Sáu và bà con lối xóm ở Lâm Đồng bất ngờ khi lực lượng công an đến tận nhà bắt Sáu theo lệnh truy nã từ 22 năm trước.

Như vậy, bà Sáu phạm tội giết người (hơn nữa còn giết từ 2 người trở lên thuộc khung hình phạt tăng nặng) là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm nên có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm. Nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện, tức là đầu tháng 4/1996 thì đến đầu tháng 4/2016 đã hết thời hiệu truy cứu trach nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của bà. Tuy nhiên, sau khi giết hai con của mình xong bà Sáu đã bỏ trốn từ Hà Tây vào Lâm Đồng, giấu biệt tên tuổi và thân phận của mình. Nên trong vụ việc này thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của bà Sáu được tính từ ngày bà Sáu bị bắt (tức ngày 02/02/2018).

Loan Đỗ
96881

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn