07/05/2020 13:37

Trường hợp mất đất khi để mặc người khác sử dụng đất của mình

Trường hợp mất đất khi để mặc người khác sử dụng đất của mình

Nhiều người cho rằng, đất của mình đã được nhà nước cấp sổ đỏ thì mãi là của mình. Vì vậy, khi thấy người khác khai thác một phần thửa đất của mình (có thể do nhầm lẫn hoặc cố tình), một số trường hợp sẽ im lặng mặc kệ vì nghĩ mình chưa cần khai thác. Vậy những trường hợp như trên chủ đất có khả năng bị mất đất vào tay người khai thác không?

Điển hình tại Bản án 03/2018/DS-ST ngày 06/02/2018 về đòi lại đất lấn chiếm, theo đó:

Ông Nguyễn Q là cha ruột của ông Nguyễn L được UBND thị xã Ph, tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận QSD đất (sổ đỏ) ngày 03/2/1993 đối với thửa 536 có diện tích 400m2 và thửa 535 có diện tích 1,284m2. Năm 1998 Nhà nước vẽ lại hồ sơ kỹ thuật thửa đất hợp 02 thửa thành thửa 119 có diện tích 1.596,5m2 bao gồm thửa 247 có diện tích 23,8m2 đất tranh chấp. Nhưng thửa 247 có diện tích 23,8m2 đã bị gia đình bà Lê Thị M lấn chiếm sử dụng từ năm 2009, nên nguyên đơn ông Nguyễn L khởi kiện yêu cầu đòi lại.

Bị đơn bà Lê Thị M không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì thửa 16 có diện tích 28,6m2 nay là thửa đất số 247 có diện tích 23,8m2 là tài sản của ông nội bà tên Lê B khai hoang từ năm 1972, gia đình bà quản lý sử dụng trên 40 năm, nay gia đình ông Nguyễn L mới tranh chấp.

Hội đồng xét xử nhận định: Ông Phạm Thạch Á xin đào mương trên thửa đất số 18 từ năm 1984 và ông Đinh Ẩ xin đặt ống nước và 01 máy bơm nước trên thửa đất số 16 từ năm 1995 đều là xin gia đình bà Lê Thị M và được gia đình bà M đồng ý, trong khi gia đình của ông Nguyễn L sinh sống liền kề nhưng trong suốt một thời gian dài vẫn không có ý kiến gì. Ngoài ra, trên thửa đất tranh chấp có trồng 01 cây mít trên 30 năm, nguyên đơn cho rằng do ông Nguyễn Q trồng nhưng lại thừa nhận mít ra quả do gia đình bà M sử dụng.

Từ đó chứng tỏ ông B, bà M chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục thửa đất hơn 30 năm. 

Hội đồng xét xử quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn L đòi lại 23,8m2 diện tích đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 247 do bà Lê Thị M đang quản lý, sử dụng.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục bất động sản như sau:

“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

“Điều 180. Chiếm hữu ngay tình

Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.”

“Điều 182. Chiếm hữu liên tục

1. Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.”

“Điều 183. Chiếm hữu công khai

1. Chiếm hữu công khai là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.”

Có thể thấy rằng đối với trường hợp trong bản án trên, mặc dù gia đình ông Nguyễn L đã được cấp sổ đỏ năm 1993 nhưng đã không khai thác cũng như không có biện pháp buộc hộ gia đình bà M không được khai thác một phần đất có diện tích 23,8m2 trong thửa đất đã được cấp GCN của gia đình ông. Chính vì vậy khi đến năm 2016 ông L mới khởi kiện đòi bà M trả lại phần đất bị lấn chiếm thì pháp luật đã bảo vệ bà M vì bà chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trên 30 năm nên ông L không thể đòi bà M trả lại đất.

Thiết nghĩ bất kỳ thửa đất nào dù đã được cấp sổ đỏ nhưng vẫn luôn phải có các biện pháp bảo vệ đất không cho người khác khai thác quá lâu để tránh trường hợp mất đất cho người thứ ba ngay tình như bản án trên.

Nguyễn Sáng
13075

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn